Khi thấy mọi người nói nhiều về Hạnh phúc, đặc biệt là lúc họ đang dự một cuộc thi nói về Hạnh phúc, thì mình nghĩ hay là mình nói gì đó ngược dòng đi! Nhưng chưa chắc ngược dòng đã là hay, kiểu ta tự hào ta là con chim sợ độ cao, ta là chú cá không biết bơi, vân vân và cloud cloud. Ngược dòng cũng tốt, nếu nó đem lại cái gì đó mới mẻ, khơi gợi một ý thức mới chẳng hạn, và đồng thời vẫn hướng đến sự thật, đến chân thiện mỹ.
Cho nên, xác quyết đầu tiên của bài này, đó là khẳng định Hạnh phúc là thứ không có thật. Đồng thời, chúng ta cùng xem, thứ gì là có thật.
Nếu chúng ta chịu đi sâu vào trong cái mớ bòng bong đấy của thật và không thật, thì thay vì tư duy nhị nguyên theo đuổi hoặc đừng theo đuổi Hạnh phúc, ta hoàn toàn có thể hiểu Hạnh phúc hơn.
Hiểu, để giải ảo bản thân khỏi những niềm tin sai lầm. Và hiểu, để đưa ra sự lựa chọn và vững tâm với lựa chọn đó.
Ảnh: The Economist
Ảnh: The Economist

Phần I. Lược sử của Hạnh phúc

Một trong những điều thú vị của hành trình tìm học tri thức, đó là càng đi sâu, bạn càng phát hiện bao điều mới lạ không ngờ tới. Giống như bạn hồi còn nhỏ đi lật từng cục đá ngoài vườn lên và thích thú với những chú côn trùng đủ hình hài xuất hiện vậy.
Và đó cũng là điều xảy ra với mình khi mình truy nguyên về nguồn gốc của từ Hạnh phúc.

1. Từ nguyên (Etymology) của Hạnh phúc và Happy

Hạnh phúc ghi ra Hán-Nôm là 幸福, trong đó Hạnh (幸) là May mắn, còn Phúc (福) là Phước, chỉ những sự tốt lành xảy ra.
Có thể thấy, Hạnh kết hợp Phúc là sự nhấn mạnh hơn của Những sự tốt lành, May mắn xảy ra với ta.
Trong đó, chữ Phúc (福) có các yếu tố bộ thủ kết hợp như sau: + Kỳ 示 : thần Đất, làm cho yên lòng
+ Khẩu 口: miệng, cửa
+ Điền 田: ruộng
Hội ý các bộ thủ trên, ta có thể mường tượng được hồi xưa, ông bà ta coi Hạnh phúc là Mùa màng tươi tốt, Ăn no ấm bụng, và cảm thấy Mãn nguyện với những sự may mắn, tốt lành đó.
Từ nguyên tiếng Anh của Happy có nguồn gốc từ những người Bắc Âu Cổ (Old Norse), gọi là Happ. Và bạn đoán xem, nghĩa của nó là gì?
Giống y như ông bà ta luôn, nghĩa của Happ là May mắn. Thế là Đông Tây gặp nhau: Hạnh phúc hàm nghĩa sự May mắn.

2. Hạnh phúc là May mắn

May mắn có thể hiểu là Những sự việc xảy ra nằm ngoài dự kiến của ta, và mang khuynh hướng tích cực.
Để cho mùa màng được bội thu, thì yếu tố may mắn đóng vai trò rất lớn, như thiên tai, dịch bệnh,... những thứ ít ai lường trước được.
Đến bây giờ dự báo thời tiết của một ngày còn hay trật lất, thì dự đoán mùa màng lại càng khó khăn. Thế nên đối với ông bà ta, Hạnh phúc chính là may mắn, bởi những thứ đó nằm ngoài tầm kiểm soát, chủ động của họ.
Khi Hạnh phúc đã là gì đó ngoài dự kiến của mình, thì mình sẽ khiêm nhường hơn, mình thậm chí không còn không nghĩ tới nó quá nhiều. Ví dụ như ông bà ta chỉ nghĩ đến mùa lúa chín mỗi năm một lần, còn lại họ cứ lo công việc linh tinh khác.
Hạnh phúc với họ, chỉ là những thứ ít khi xảy ra, có thể là Hạnh phúc lớn - mùa gặt, và những Hạnh phúc nhỏ hàng ngày như chứng kiến con cái khỏe mạnh, vâng lời.
Nhưng với ta, thế hệ trẻ hôm nay, Hạnh phúc đã mất đi ý nghĩa ban đầu. Cùng với sự biến chuyển của xã hội, thì ngôn ngữ cũng bị thay đổi đi ý nghĩa.
Với hầu hết ngôn ngữ châu Âu thì Hạnh phúc đồng nghĩa với May mắn
Với hầu hết ngôn ngữ châu Âu thì Hạnh phúc đồng nghĩa với May mắn

3. Hạnh phúc Lý tưởng hóa (Idealize)

Hạnh phúc thuở ban sơ, mang nghĩa May mắn, mà May mắn thì định nghĩa khá chân phương, như là mưa thuận gió hòa, đi săn thuận lợi, vì phụ thuộc các yếu ngoài vòng kiểm soát của con người.
Nhưng sau này, cùng với sự phát triển của văn minh, của khả năng làm chủ thiên nhiên, thì con người dần khái niệm hóa Hạnh phúc thành thứ cụ thể hơn, đa dạng phức tạp hơn, nhằm chủ động hơn với những cảm giác thỏa mãn, những sự may mắn của đời sống họ. Và khởi đầu công cuộc này, chẳng ai khác, chính là những người giống chúng ta ngày nay nhất: Cư dân thành Athens cổ.
Khái niệm Theo đuổi Hạnh phúc một cách khoa học, hệ thống, hình thành rõ ràng nhất từ thành Athens chật ních những thiên tài như Scorates, Plato, Aristotle,...
Plato và Aristotle (tranh Đại học Athens, Raphael)
Plato và Aristotle (tranh Đại học Athens, Raphael)
Thành Athens cổ là một kiểu mẫu đầu tiên của đô thị hiện đại:
+ Xã hội (tương đối) dân chủ, là nền dân chủ (democracy) đầu tiên trong lịch sử nhân loại
+ Đón nhận, thu hút nhân tài từ tất cả nền văn hóa ngoại quốc
+ Là một đô thị nhộn nhịn, trọng giao thương
+ Mọi công dân cần quan tâm đến chính trị, ai làm ngơ với việc công (public affairs) sẽ bị gọi là idiotes (kẻ ngốc)
+ Nền giáo dục khai phóng, nhân bản, nhân văn
Bởi vì họ rất giống chúng ta, cho nên họ cũng có nhiều thành phần rảnh rỗi, suy tư về ý nghĩa cuộc đời, về nguồn gốc của vạn vật. Và giống như đầu bếp có nhiều nguyên vật liệu thì dễ sáng tạo các món ngon, thì thành Athens cũng vậy, rất nhiều phát minh được tạo nên và trường tồn cho đến ngày nay, như: Bầu cử, Nghị viện, Đại học, Khoa học, Triết học, Hợp đồng, Thuế má,...
Một số lý thuyết về Hạnh phúc của các trường phái triết học Hy Lạp cổ
Một số lý thuyết về Hạnh phúc của các trường phái triết học Hy Lạp cổ
Trong vô số những phát minh đó, có hàng đống lý thuyết Triết học về Hạnh phúc: Từ Democritus, Plato, Aristotle,... đến Chủ nghĩa Khắc kỷ.
Nếu đi sâu vào từng lý thuyết về Hạnh phúc, thì tốn quá nhiều thời gian.
Đại khái điểm chung của việc Lý tưởng hóa Hạnh phúc, đó là chúng ta hoàn toàn có thể Theo đuổi Hạnh phúc, Kiến tạo Hạnh phúc, Sở hữu Hạnh phúc,... những thứ mà trước kia ta chỉ coi là may mắn, không nghĩ tới quá nhiều.
Vậy nên, chúng ta cùng đến với phần tiếp theo, rằng việc Lý tưởng hóa Hạnh phúc sẽ tạo nên tác động như thế nào.

Phần II. Hạnh phúc Marketing hóa

Phần này, mình sẽ cho thấy Hạnh phúc như cách chúng ta thường hiểu nó không có thật như thế nào. Nó sinh ra chỉ để phục vụ Chủ nghĩa tiêu thụ, Chủ nghĩa cá nhân, và hàng đống Chủ nghĩa khác. Đồng thời so sánh sự khác biệt Hạnh phúc Lý tưởng hóa của chúng ta với Hạnh phúc Nguyên bản của ông bà ta.

1. Chất liệu của Hạnh phúc

Hạnh phúc của ông bà ta, lấy Thực tế làm chất liệu. Nếu mùa màng tươi tốt, thì họ sẽ vui.
Hạnh phúc của ta, lấy những Ảo ảnh (images) làm chất liệu. Ví dụ như một người có cuộc hôn nhân bất hạnh, nhưng có thể xây dựng hình ảnh Hạnh phúc ảo của gia đình mình trên mạng xã hội, và cảm thấy vui khi được người ta ngợi khen, thả like, ghen tỵ với cái Hình ảnh đó của mình.
Vì chúng ta lấy Ảo ảnh làm chất liệu, thế nên ta hoàn toàn có thể tận dụng điều này để tạo nên một nhu cầu mới, như là quảng cáo Hãy ăn để hạnh phúc của các nhãn hàng thức ăn nhanh (cùng với hình ảnh quây quần bên nhau vui vẻ ăn uống). Và khi bạn mập quá, thì lại có quảng cáo Hãy tập gym để hạnh phúc, cùng những dụng cụ bổ trợ.
Và nếu bạn để ý, ông bà ta, hay các bộ lạc thổ dân cổ xưa chẳng còn có nhu cầu ăn uống để hạnh phúc, thể dục, tập gym để hạnh phúc. Vì cơ bản là cơ thể, lối sống họ khỏe mạnh, tự nhiên tự tại rồi. Chúng ta bị thao túng tâm lý, mắc bẫy vào những thứ vốn dĩ ta chẳng cần.
Happiness (Steve Cutts)
Happiness (Steve Cutts)

2. Tần suất, Cường độ, và Sự phức tạp của Hạnh phúc

Đối với ông bà ta, vì sự May mắn ít xảy ra trong đời sống họ, nên họ ít khi nghĩ đến Hạnh phúc.
Đối với chúng ta, vì ta có thể sáng tạo, tái lập thường xuyên Hạnh phúc trong tâm trí, nên ta có thể nghĩ đến Hạnh phúc cả ngày. Và khi đã tái lập thường xuyên, tâm trí sẽ dễ chán, khi chán thì nó sẽ muốn tăng liều lượng lên, và khi đã lên quá cao, cường độ Hạnh phúc có thể dẫn tới nghiện.
Lấy ví dụ: ta xây dựng Hình ảnh người yêu trong tâm trí ta. Đối với nhiều người, có Người yêu Đẹp là Hạnh phúc.
Ta sẽ tưởng tượng sắp tới ta đem Người yêu Đẹp đi sự kiện, khoe với mọi người. Hay ta khoe ảnh người yêu lên mạng, và thích thú với hàng trăm like. Ta check like cả ngày cũng được.
Mà đó chỉ là một tính từ Đẹp gắn với Người yêu. Chúng ta đa phần là sẽ gán ghép rất nhiều tính từ khác như: Body ngon, nhiều tiền, hiền lành, thông minh, thú vị, có hoài bão, dành nhiều thời gian chăm sóc và lắng nghe người yêu, bố mẹ biết điều, họ hàng ít xoi mói, yêu thương động vật, có tài lẻ,...
Ở đây ta chỉ mới nói về Người yêu. Ngoài ra, ta còn gắn ghép rất nhiều thứ khác liên quan đến Hạnh phúc như: công việc, đam mê, ước mơ, tự do, gia đình, bạn bè, tiền bạc, kỹ năng,...
Cho nên, cả về Tần suất, Cường độ, lẫn Sự phức tạp của khái niệm Hạnh phúc, ta đều lấn át hoàn toàn ông bà ta.
Ta suy nghĩ về Hạnh phúc quá nhiều, và đó chính là vấn đề.

3. Sự chủ động với Hạnh phúc

Với ông bà ta, Hạnh phúc là May mắn, nên họ ít có sự chủ động với nó, họ chỉ có thể làm thật tốt phần mình, như cày cấy, tưới nước, chăm sóc thường xuyên, và cầu mong cho mưa thuận gió hòa. Nếu sự không may xảy ra, thì có thể cho rằng đó là do ông trời, nên cũng ít có sự tự trách bản thân.
Với chúng ta, Hạnh phúc là Do ta kiến tạo. Cho nên ta hoàn toàn có thể theo đuổi thành tích học tập tốt hơn, lựa chọn người yêu phù hợp tiêu chuẩn bản thân, rèn luyện các kỹ năng để hạnh phúc,...
Vậy, khi chúng ta thất bại với công cuộc theo đuổi Hạnh phúc, ta sẽ có xu hướng đổ lỗi cho bản thân. Như là ta chê bản thân lười biếng chẳng hạn. Thậm chí, chúng ta ngày nay còn thường xuyên so sánh ai hạnh phúc hơn ai.
---
Kết luận phần II:
Về chất liệu, ta lấy Ảo làm đối tượng của Hạnh phúc.
Chính vì là Ảo, nên ta mới có thể thường xuyên nghĩ tới Hạnh phúc trong đầu, tưởng tượng nhiều điều với nó, thậm chí nảy sinh những nhu cầu ta vốn chẳng cần, và phải lao động kiếm tiền để thỏa mãn các nhu cầu đó.
Và bởi Hạnh phúc của chúng ta không có thật, cho nên ta sẽ thường xuyên trong tâm trạng thất vọng, mắc kẹt, đổ lỗi cho bản thân,... vì làm sao ta theo đuổi, sở hữu một thứ không có thật được?
Vậy chúng ta có thể làm được gì?
Happiness (Steve Cutts)
Happiness (Steve Cutts)

Phần III. Theo đuổi Hạnh phúc là mất kết nối với sự thật

Nếu bạn để ý con nít 3-4 tuổi, bạn sẽ thấy chúng nói rất nhiều, líu lo suốt cả ngày. Ngay cả khi ở một mình, đứa trẻ cũng nói thành tiếng để giao tiếp với những thứ xung quanh nó.
Đối với đứa trẻ, ngôn ngữ chính là công cụ để chúng giao tiếp, kết nối với thế giới.
Nhưng khi đứa trẻ bắt đầu vào mẫu giáo, rồi tiểu học, thì dần dà tiếng nói thành tiếng đã bị dịch chuyển thành tiếng nói trong đầu. Bởi vì nếu chúng cứ líu lo miết, thì làm sao mà cô giáo dạy học được? Bài học đầu đời là bạn cần phải tiết chế bản thân lại để sống chung với những người xung quanh.
Dần dà, chúng ta hình thành nên thói quen suy nghĩ rất nhiều trong đầu. Và cùng với đó, ta mất đi kết nối với thế giới, với sự thật.
Khi ta nói, thì ta tương đối ít suy nghĩ. Nhưng khi suy nghĩ, đầu óc ta sẽ bao trùm rất nhiều sự tưởng tượng bao gồm hình ảnh, cảm xúc, giọng nói,... Suy nghĩ dần trở thành một phần lớn của đời sống thường nhật ta.
Suy nghĩ quá nhiều, chính là một trong những nguồn cơn của bất hạnh, đến nỗi, khi nói đến Hạnh phúc, chúng ta sẽ thường nghĩ đến Bình yên.
Bình yên, là bình yên khỏi tâm trí. (peace from mind)
Tâm trí thường lặng im vào những lúc ta toàn tâm toàn ý cho gì đó, như khi ta làm việc hăng say, chơi game, làm tình, hoặc đơn giản chỉ là cùng nhau ngắm hoàng hôn buông dần trên mặt biển sóng vỗ rì rào.
Những lúc vậy, chúng ta cảm thấy năng lượng thật tràn đầy, giải phóng ta khỏi tất cả lo âu phiền muộn.
Hạnh phúc thật sự, hẳn là khi tâm trí ta còn không nghĩ tới nó. Để làm được điều này, ta không cần phải từ chối Hạnh phúc. Ta chỉ cần giải thoát ta khỏi tâm trí thôi. Có thể kể đến một số cách như:
+ Thiền để tĩnh tâm.
+ Tìm về thiên nhiên để kết nối hơn với sự vật nguyên sơ, thứ vốn dĩ đã tồn tại cùng ta từ thuở ban đầu.
+ Đối diện cái ta sợ hãi, để thấy sự thật không đáng sợ như mình nghĩ.
+ Hay đơn giản là làm thật tốt một việc nào đó mà ta hứng thú, và sự hăng say lao động đó sẽ giúp ta nhận ra cảm giác bình yên khỏi tâm trí nó xứng đáng thế nào.
Làm được vậy, hẳn ta sẽ cảm nhận được Hạnh phúc giản dị đơn sơ của ông bà ta.

Lời kết

Summer Breeze - Alice Dalton
Summer Breeze - Alice Dalton
Có một điều mãi sau này mình mới nhận ra, và ngày càng nhận rõ hơn, đó là chúng ta thật khác nhau.
Hạnh phúc của chúng ta phức tạp, đó là điều không thể bàn cãi. Và bạn sẽ nghe câu cũ mèm rằng "Hạnh phúc tùy vào cảm nhận của mỗi người".
Đối với ông bà ta, Hạnh phúc là mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Nghe rất chân phương, và rất thật.
Với chúng ta, Hạnh phúc đã trở nên quá ảo, quá phức tap, thậm chí Hạnh phúc ngày nay nhiều lúc còn có biểu hiện trái ngược nhau. Ta cho rằng có danh tiếng là Hạnh phúc, đồng thời có danh tiếng lại là bất hạnh, vì ta còn lo giữ hình ảnh; hoặc khi danh tiếng mất đi thì ta sẽ bất hạnh. Thế nên mới có câu: "Con người có hai cái khổ lớn: Một là không có cái mình muốn, và hai là có cái mình muốn".
Vậy, thay vì nói Hạnh phúc tùy cảm nhận mỗi người, thì ta cần thấy rằng Hạnh phúc là thứ không có thật.
Chính vì Hạnh phúc không có thật, nên Hạnh phúc do xã hội và người khác định nghĩa, ta hoàn toàn có thể gạt đi tất cả, giải phóng ta khỏi các niềm tin sai lầm đó.
Và dần dần, từ những nhu cầu, mong muốn rất riêng tư của ta, ta có thể sáng tạo và kiến tạo nên một thứ Hạnh phúc cho riêng ta. Ví dụ như Hạnh phúc của việc ta say sưa viết một bài viết, hay ngồi cạnh người ta thương yêu - điều vốn không thể so sánh hay định nghĩa được.
Cuối cùng, ta cần dần quên đi khái niệm Hạnh phúc, mà nhờ đó, niềm Hạnh phúc bản nguyên sẽ tìm đến với ta trên bước chân đơn sơ đầy trìu mến không hẹn trước.
P.s: Đây là một bài viết về Niềm vui cuộc sống, và không có bất kỳ từ Hạnh phúc nào trong bài, các bạn có thể đọc thêm: