Bóng âm (shadow) và việc giác ngộ, chữa lành
Người ta giác ngộ được không phải nhờ tưởng tượng ra những nhân cách tốt đẹp (phần sáng) mà nhờ ý thức được phần tối trong mình.
“Everyone has in him something of the criminal, the genius, and the saint.” Ai cũng chứa bên trong họ một phần nào đó của kẻ tội phạm, một phần của thiên tài và thánh nhân. - Carl Jung.
Trong ta có những mặt tối mà ta không biết, đó có thể là những năng khiếu chưa được khai phá, hay cái ác, ích kỷ, thống trị, bản năng hoang dã,… Thế giới nhị nguyên luôn có hai mặt và con người ta đang là một phần của nó. Tất nhiên là ta muốn tốt lên, sáng lên nhưng những mầm mống quỷ dữ vốn đã nằm trong con người tiềm năng (vô thức) của ta.
Ý thức được bóng âm trong mỗi người giúp chúng ta không phóng chiếu bóng âm một cách tập thể dẫn tới gây ra tội ác tập thể.
Nó cũng giúp ta tránh tư tưởng “tích cực một cách độc hại, gượng gạo”, và bị đồng hoá mình với những nhân cách mặt nạ giả dối cũng như khai thác những tiềm năng, năng lực cá nhân chưa được khai phá hay nhận diện những thương tổn bấy lâu chìm sâu trong vô thức.
Bóng âm và Mặt nạ là gì ?
Bóng âm (shadow) và mặt nạ (persona) là những cấu trúc bổ sung cho nhau và tồn tại trong mọi con người. Cả hai tiểu nhân cách này được đặt tên theo những đối tượng cụ thể theo kinh nghiệm có thể nhận biết được.
Bóng âm (Shadow):
Bóng âm, hay cái tôi ẩn khuất. Thuật ngữ “bóng âm” (shadow) là để chỉ “mặt tối” (dark side) của tâm thức – các phương diện trong chính bản thân đã bị chúng ta (bản ngã) ngăn tách, chối bỏ, phủ nhận, lảng tránh, phóng chiếu chúng lên những người khác cũng như không công nhận chúng. Trong ngôn ngữ của ngành tâm lý trị liệu, bóng âm là để biểu thị “phần vô thức bị đè nén” (repressed unconscious) – bị đè nén bởi vì chúng ta đã “đẩy” (push) hay “ép” (press) nó ra khỏi ý thức của mình vì những nội dung đó không phù hợp với cái mặt nạ - nhân cách mà ta chưng ra cho thế giới thấy.
Bất kể phần nào của nhân cách mà bị khử bỏ bởi sự không hòa hợp về cảm xúc và nhận thức thì sẽ rơi vào bóng âm.
Jung đồng nhất khái niệm cái Ấy (id) của Freud với bóng âm.
Một điều cần lưu ý là bóng âm không hoàn toàn nói tới quỷ dữ mà bao gỗm cả những cái tốt nếu những cái tốt bị bản ngã phủ nhận. Bóng âm chỉ là có phần thấp kém, nguyên thủy, kém thích nghi, vụng về, ngượng nghịu; chứ không hẳn vốn toàn là tệ hại, xấu xa. Thậm chí, nó còn gồm cả những phẩm chất, năng lực cá nhân, đem lại sức sống và tô điểm cho cuộc nhân sinh - nhưng thường lại bị tục lệ xã hội hoặc gia đình, những người xung quanh cấm đoán!
Trước khi những nội dung vô thức được phân biệt rõ ràng, thì trên thực tế bóng âm bao gồm toàn bộ vô thức. Thông thường trong những giấc mơ, nó được nhân cách hóa thành những người có cùng giới tính với người nằm mơ.
Bộ mặt giả (persona) ngăn cản việc nhận diện bóng âm. Chúng ta càng đồng hóa mình với một cái mặt nạ tươi sáng đến mức độ nào, thì bóng âm cũng tối tăm tương ứng. Do đó, giữa bóng âm và mặt nạ tồn tại một mối quan hệ bổ sung lẫn nhau, và sự mâu thuẫn giữa chúng luôn luôn hiện hữu khi chứng nhiễu tâm (neurosis) bộc phát.
Chứng Trầm cảm (depression) là biểu hiện cho thấy nhu cầu nhận thức: người ta không phải hoàn toàn là con người mà họ thể hiện ra bên ngoài hay ao ước trở thành, hay họ có những động cơ không được thoả mãn, những uất ức, nỗi đau không dám hay không thể thổ lộ. Sự bùng phát của chứng nhiễu tâm hợp thành cả hai mặt của bóng âm: những phẩm chất và hoạt động mà người ta vốn chẳng lấy gì làm tự hào, và những tiềm năng mà người ta chưa từng biết là chúng tồn tại.
Bóng âm gồm bóng âm cá nhân và bóng âm tập thể (collective shadow) hay bóng âm mẫu tượng (archetypal shadow). Bóng âm của bạn như thế nào phụ thuộc và quan hệ với mặt nạ, nhân cách cá nhân của bạn. Chúng ta có thể nhận diện bóng âm của mình qua cơ chế phóng chiếu.
Mặt nạ (Persona)
Cái mặt nạ là nhân cách mà chúng ta tự tạo nên do quá trình hòa nhập văn hóa, giáo dục, thích nghi với môi trường văn hóa và tự nhiên xung quanh. Jung mượn thuật ngữ này từ sân khấu La Mã ở đó persona được dùng để nói đến chiếc mặt nạ của diễn viên. Bằng việc đeo vào một chiếc mặt nạ, người diễn viên đóng một vai đặc thù và một nhân vật cụ thể trong vở kịch và tiếng nói của anh ta phóng chiếu ra ngoài qua miệng chiếc mặt nạ.
Xét về mặt tâm lí học, persona là một phức cảm chức năng có nhiệm vụ vừa che giấu và vừa bộc lộ những suy nghĩ và cảm xúc có ý thức của một người trước người khác.
Là một phức cảm, cái mặt nạ có một sự tự trị đáng kể và không nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của bản ngã. Khi đã đóng vai trò, người diễn viên phải nói ra mọi điều dù muốn hay không và thường là không ý thức được nó. “Anh khỏe không?”, ai đó hỏi bạn trong một buổi sáng trời mưa, và rất nhanh và không có sự ngập ngừng bạn sẽ trả lời “tôi khỏe, còn anh?”. Persona làm cho tương tác xã hội thông thường trở nên dễ hơn và làm giảm nhẹ những vấn đề gai góc có thể gây ra trở ngại hoặc khó chịu xã hội.
T.S. Eliot nói rằng các con mèo có ba cái tên: một cái mọi người đều biết, một cái chỉ một số ít biết và một cái chỉ con mèo biết! Hai cái tên đầu nói tới cái mặt nạ persona và cái tên thứ ba nói đến hạt nhân cổ mẫu của bản ngã.
Nguồn gốc Bóng Âm và Mặt Nạ
Bóng âm:
Đa phần thì bóng âm được hình thành từ những khát khao bị ức chế, những xung năng chưa được khai hóa, những động cơ hèn hạ, những ảo tưởng ngây thơ và những uất ức… - tất cả những điều mà người ta chẳng lấy gì làm tự hào. Thường thì những đặc điểm cá nhân không được thừa nhận này sẽ được nhận thấy nơi người khác thông qua cơ chế phóng chiếu (the mechanism of projection).
Mặt nạ:
Jung phát hiện ra hai nguồn của cái mặt nạ: “tùy thuộc vào những điều kiện và đòi hỏi của xã hội, về một mặt, tính cách xã hội được định hướng bởi những mong đợi và đòi hỏi của xã hội, và về mặt khác là những mục đích của xã hội và các kì vọng của cá nhân”. Jung, Tổng tập, Tập 6, Đoạn 798.
Cái thứ nhất, những đòi hỏi và mong chờ của môi trường bao gồm những đòi hỏi là một kiểu người nào đó như vậy, hành xử thích hợp với những chuẩn mực xã hội của nhóm và thường tin vào những khuynh hướng nhất định về bản chất của hiện thực (chẳng hạn, sự đồng thuận những giáo lí tôn giáo). Nguồn thứ hai là những tham vọng xã hội của cá nhân.
Khát vọng cá nhân mạnh mẽ của bản ngã thường nằm trong bóng âm bởi vì nó đe dọa tới cuộc sống của cả nhóm lẫn hạnh phúc cá nhân. Khách quan mà nói, tất cả chúng ta đều cần đến người khác để sống cả về sinh học lẫn tâm lí. Chuyển động của bản ngã hướng tới liên hệ và thích nghi với môi trường hiện tại nhằm tìm kiếm sự đảm bảo cho sự sinh tồn sẽ tạo cơ hội cho cái mặt nạ chi phối. Và do đó, nó trở thành sự tự thể hiện của cá nhân ra thế giới.
Phóng chiếu tâm lý là gì?
“Sự phóng chiếu là một trong những hiện tượng tâm thần phổ biến nhất… Tất cả mọi thứ nằm trong vô thức giờ đây ta lại tìm ra nó ở những người xung quanh mình, và tương tự như vậy khi ta đối xử với họ.” (Carl Jung, Archaic Man)
Sự phóng chiếu xảy ra khi chúng ta gán một yếu tố của nhân cách mình, thứ ngự trị trong vô thức, vào một người hay một nhóm nào đó. Chúng ta có thể phóng chiếu những đặc tính tiêu cực hoặc tích cực, tuy nhiên, có một khuynh hướng muốn phóng chiếu điều xảy ra trước kia hơn là xảy ra sau này.
Sigmund Freud, người giúp phổ biến thuật ngữ này vào giữa những năm 1890, tin rằng sự phóng chiếu là một cơ chế phòng vệ được dùng để tránh né sự lo lắng xuất hiện khi một người phải đối diện với những lỗi lầm, khuyết điểm của mình. Góc nhìn của Jung về sự phóng chiếu cũng tương tự như Freud và như Jung giải thích trong cuốn Archaic Man.
Jung nhấn mạnh rằng sự phóng chiếu là một thành phần không thể tránh khỏi và cần thiết cho quá trình phát triển tâm lý của ta bởi nó là một trong những cách thức chính giúp ta nhận thức được những yếu tố nằm trong vô thức của mình. Sau khi phóng chiếu một nhân tố của vô thức ra, thì điều đúng đắn cần làm đó là biết được nguồn gốc chủ quan của phép phóng chiếu đó, để mang nó ra thế giới bên ngoài, và liên hợp các yếu tố đó vào hữu thức.
Chỉ duy việc mang ra những thứ mình phóng chiếu và trở nên ý thức về những lỗi lầm mà ta trước kia phóng chiếu vào người khác, thì ta mới có thể từng bước thực hiện việc sửa chữa. Quá trình lấy ra và liên hợp là một công việc khó nhằn vì nó cần lòng đảm để đối diện với những khuyết điểm và tính cách đen tối của bản thân. Nhưng dù khó khăn như nào đi nữa, thì điều này rất quan trọng trong trận chiến cuộc đời, thất bại trong việc đối diện mặt tối khiến bóng tối triển một cách tự do về phạm vi và mức độ ảnh hưởng, kiểm soát.
Khi ta phóng chiếu bóng âm trên một người nào, thì ta đinh ninh là người đó quả thật có bóng âm đó. Hơn nữa, ta còn nghĩ rằng họ sẽ phải biết ơn mình vì đã giúp họ thấy được điều phải sửa chữa.
Đôi khi những người bị “gán” lên mình các bóng âm lại là những người có những đặc tính và những lối sống tốt đẹp, mà những đặc tính và những lối sống đó lại là những thiếu sót, là những bóng âm của chính chúng ta. Ví dụ sự ganh ghét khi thấy một người đẹp và giỏi hơn mình. Ta muốn được như họ, và có chút tự ti khi đứng trước họ, nhưng bản ngã né tránh điều đó, và nó được đẩy vào vô thức cụ thể là bóng âm.
Với tôi, phóng chiếu còn bao gồm lên cả những văn hoá phẩm, âm nhạc, đồ dùng cá nhân, gu nói chung… của một người. Ví dụ một người với mặt nạ cực kì thánh thiện và nhẹ nhàng điềm đạm, nhưng lại thích nghe những bài nhạc sôi động và có phần bậy bạ khác với những gì người đó thể hiện. Có lẽ một chút nổi loạn hay phức cảm nào đó chưa được bộc lộ hay thoả mãn, hoặc nó đang được thoả mãn khi nghe bài nhạc đó.
Không phải tất cả mọi phê bình trên kẻ khác đều là “phóng chiếu” (Projection).
Giác ngộ nhờ ý thức phần tối bên trong mình
Một đặc trưng của huyền học phương Tây là nó lấp đầy trí năng ý thức bằng những khái niệm lý tưởng (ý niệm), chứ không phải là đối diện với bóng âm và thế giới tăm tối (vô thức). Người ta giác ngộ được không phải nhờ tưởng tượng ra những nhân cách tốt đẹp (phần sáng) mà nhờ ý thức được phần tối trong mình. — Carl Jung, “The Philosophical Tree,” Alchemical Studies (1945)
Một người học giả trọng vọng, thành công hay một doanh nhân thành đạt và tài giỏi không có nghĩa họ sẽ có một tâm hồn trọn vẹn và sự yên bình bền vừng nội tâm. Ngay cả một nhà tâm lý biết rõ mình tổn thương ở đâu và bao giờ, hiểu tại sao mình hành động như vậy nhưng sự nhiễu tâm vẫn còn đó, họ vẫn hành động như cũ (hay rơi vào rối loạn nếu sang chấn xảy ra trong cuộc sống) nếu không có phương pháp trị liệu đúng.
Bóng âm và cái mặt nạ là một cặp tương quan kinh điển, tồn tại trong tâm thần như những đối cực của bản ngã. Khi mặt nạ và bóng âm được hoà nhập một cách tích cực và đúng đắn, ta không còn các chứng nhiễu tâm, có được sự thoả mãn, niềm vui trong công việc và cuộc sống.
Mặc dù quả thực một số nội dung trong bóng ấm là xấu và có tính phá hoại nhưng thường thì nội dung của bóng âm không xấu. Nó chỉ bị cảm nhận là vậy vì sự xấu hổ gắn với nó do sự không phù hợp với chiếc mặt nạ.
Việc phân định cái gì là thiện, là ác và ranh giới giữa chúng lại là một câu chuyện phức tạp khác chưa bàn tới ở đây.
Sự tích cực độc hại (Toxic positivity) ở đây là theo nghĩa là chối bỏ, quên đi những vấn đề xảy ra và cảm xúc tiêu cực của bản thân. Vậy có nghĩa những nội dung đó được đẩy vào bóng âm. Chúng ta tạm gấp bài học của mình lại và để trong bóng âm. Cũng có thể nếu trải nghiệm đó quá sức chịu đựng của bản ngã, không có gì đáng trách cả, nhưng sau cùng vẫn phải đối diện để chuyển hoá sự tiêu cực đó vì bóng âm lúc ấy sẽ gây ra vấn đề trong cuộc sống của chúng ta.
“Vấn đề phức tạp ở chỗ, chính bản chất của bóng âm là duy trì sự che giấu khỏi nhận thức. Ít nhất thì phần nào đó, bạn không muốn nhìn thấy bóng âm của mình. Đó là lý do vì sao cần phải có một cách đặc biệt để đưa nó ra [ánh sáng]. Nhưng cho đến khi nó bị lộ diện, nó sẽ có xu hướng một cách tinh tế áp đặt bản tính u tối của nó lên các hành vi và lựa chọn của bạn, đôi khi còn làm hỏng toàn bộ cuộc đời bạn. Dù bạn có thích nó hay không, đây là sự lựa chọn của bạn: Làm chủ bóng âm của bạn. Đó là, dụng công để ý thức được các khát khao, cảm xúc, nhu cầu và tiềm năng bị đè nén trong vô thức, để có thể đưa ra những lựa chọn tự do hơn trong cuộc đời… Hay là bị nó làm chủ. Đó là, để cho những khát khao và cảm xúc không được công nhận của bạn định hình lên kết quả cuộc đời bạn, hoàn toàn tách biệt với các lựa chọn ý thức của bạn.” - Bóng âm và chuyển hoá, Ken Wilber et al, Integral Life Practice: A 21st-Century Blueprint for Physical Health, Emotional Balance, Mental Clarity, and Spiritual Awakening (Đỗ Hoàng Tùng trích dịch)
Tích hợp bóng âm và bản chất của việc chữa lành
Ví dụ bạn đến với cuộc đời với một tiềm năng cụ thể, và mang trong mình đủ năng lực và thế mạnh để làm việc đó; nhưng hoàn cảnh sống khiến bạn rời xa công việc đó (do hình thành các mặt nạ và phức cảm tiêu cực trong hành trình sống, đặc biệt khi cuộc đời có nhiều sang chấn). Một cách tự nhiên, cuộc sống sẽ trở nên khó khăn vì chính tâm ta không được thoả mãn những động cơ xác lập sẵn (chúng ta sinh ra không phải tờ giấy trắng). Và trạng thái tiêu cực ấy sẽ tiếp tục cho đến khi bạn về với bản chất nguyên thuỷ của mình, công việc đó được thực hiện, bạn có được hạnh phúc.
Một ví dụ đặc thù hơn: bạn đến với cuộc đời với sứ mệnh của một người chữa lành chẳng hạn, bạn có những dấu hiệu đặc biệt và những năng lực đặc biệt đã khai mở hoặc chưa khai mở. Nhưng những biến cố, sang chấn trong cuộc sống khiến trong bạn hình thành các phức cảm tiêu cực, như vậy các chức năng nhận thức mà là thế mạnh của bạn sẽ bị hạn chế và những chức năng bạn yếu (ví dụ thế) lại được đem ra sử dụng rất nhiều. Trầm cảm và tổn thương sâu sắc, rối loạn nhân cách là kịch bản thường thấy của những người mang sứ mệnh này.
Việc hoà nhập phần tối cũng là chữa lành vết thương tâm lý của chúng ta từ thời thơ ấu và hơn thế nữa. Có thể phần lớn bóng âm của người nào đó là kết quả của những tổn thương và các phức cảm tiêu cực hình thành bởi cơ chế phòng vệ tâm lý nhằm tránh khỏi trải nghiệm lại tổn thương đó. Liên hợp bóng tối cũng trùng với hành trình chữa lành cho bản thân. Và trở nên toàn vẹn hơn.
Để miêu tả cuộc đời theo lối ẩn dụ là một cuộc chiến là một cách gọi thú vị. Trong trận chiến này chính bản thân ta vừa là đồng minh vừa là kẻ thù lớn nhất, những giằng co căng thẳng liên tục giữa những yếu tố của nhân cách muốn ta vươn lên và những yếu tố muốn ta thụt lùi. Mỗi người đều phải đấu tranh với phần thiện và ác sâu bên trong tâm thức của mình.
Cuộc chiến là ở bên trong chúng ta chứ không phải với người khác. Chỉ có ta mới thực sự chữa lành được và những phương pháp chữa lành sẽ là sự hỗ trợ quan trọng, có thể là đắc lực có thể chỉ là một chút. Sau khi tích hợp được phần tối chúng ta sẽ tiến tới phần linh thiêng ở bên trong.
Bóng âm tập thể
“Với một chút khả năng tự suy xét, người ta có thể nhìn thấu bóng âm trong chừng mực nó còn mang tính cá nhân. Nhưng một khi nó ở dưới dạng mẫu tượng, người ta sẽ gặp phải những khó khăn tương tự như khi đối diện với ẩn nữ (anima) và ẩn nam (animus). Nói cách khác, việc nhận diện cái ác tương đối trong bản chất của mình vẫn còn nằm trong giới hạn của khả năng con người, nhưng việc đối diện với bộ mặt của cái ác tuyệt đối thường lại là một kinh nghiệm hy hữu và gây choáng váng.” - Jung Lexicon, David Sharp.
Bóng âm thật vô lý. Nó thiếu động lực và không có sự tồn tại liên tục thông qua chính bản thân nó. Nhưng vô lý ở chỗ nó là người anh em không thể tách rời & bất diệt với đấng tối cao.
- C. G. Jung, Liber Primus fol.i V (The way of what is to come)
Trích dẫn này dẫn gợi mở suy nghĩ về Bóng âm tập thể (hay bóng âm mẫu tượng), cội nguồn cái ác trong vũ trụ. Nhìn vào bản đồ tâm hồn của Jung, Toàn Thức bao gồm toàn bộ trong đó có cả Shadow, chứ không phải Bóng âm và Toàn Thức là hai đối cực ngang bằng nhau như âm và dương.
Vậy cái ác là tạm thời, là yếu thế hay là một đối cực năng động, tự do và tự chủ như một ý thức độc lập? Hay là như thế nào? Tôi chưa biết. Bạn nghĩ sao về điều này? Chi Hoàng
Vậy cái ác là tạm thời, là yếu thế hay là một đối cực năng động, tự do và tự chủ như một ý thức độc lập? Hay là như thế nào? Tôi chưa biết. Bạn nghĩ sao về điều này? Chi Hoàng
Tham khảo:
- Bản đồ tâm hồn con người của Jung – Murray Stein, Mặt nạ và Bóng âm
- Shadow: Jung lexicon, David Sharp
- Carl Jung và sự liên hợp tính cách bóng tối, Vietpsychotherapy
- Khái niệm "Bóng âm" của Carl Jung, Jung lexicon
- Bóng âm và chuyển hoá, Ken Wilber et al, Integral Life Practice: A 21st-Century Blueprint for Physical Health, Emotional Balance, Mental Clarity, and Spiritual Awakening (Đỗ Hoàng Tùng trích dịch)
- Carl Jung and the Shadow: The Ultimate Guide to the Human Dark Side, Jack E Othon
- Carl Jung: Shadow và sự nguy hiểm của việc phóng chiếu tâm lý, Academy of Ideas
- Đừng từ chối sứ mệnh, Thầy Giác Minh.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất