Tại sao tôi không xem tin tức
Những lí do tại sao việc xem tin tức không còn nhiều ý nghĩa nữa
"Ngày xưa người ta đọc báo để có thêm kiến thức. Bây giờ phải có kiến thức trước rồi mới dám đi đọc báo".
Tôi đã ngừng việc chủ động xem và tìm kiếm tin tức được khoảng hơn 1 năm nay rồi. "Chủ động" ở đây tức là truy cập vào báo mạng hoặc các page truyền thông trên mạng xã hội đọc tin tức, hay cứ 18 giờ 30 xem Chuyển động 24 giờ, 19 giờ thì xem bản tin thời sự, kiểu như thế. Tất nhiên, vẫn có những thời điểm tôi "xem tin tức" một cách thụ động (chẳng hạn, bữa cơm tối cùng gia đình và bố mẹ vẫn bật TV lên xem), nhưng nhìn chung thì thời lượng dành cho việc tiếp nhận thông tin từ các kênh truyền thông của tôi luôn hết sức hạn chế. Tôi không đếm, nhưng tôi có thể tự tin nói rằng tôi dành trung bình ít hơn một giờ mỗi tuần để chủ động tiếp nhận thông tin dưới dạng tin tức.
Việc này dường như là không tưởng đối với nhiều người, bởi chúng ta đang sống trong thời đại nơi mà mọi thứ diễn ra quá nhanh, thông tin cũng cần phải được tiêu thụ thật nhiều, nếu không sẽ trở thành "người tối cổ" trong mắt bạn bè. Một năm trước thì vẫn đang có một đại dịch toàn cầu và chỉ mới hơn nửa năm trước thì một cuộc chiến tranh tàn khốc nổ ra, ai ai cũng cần phải biết thật nhiều tin tức về chúng, điều đó chẳng phải hợp lý và dễ hiểu sao? Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan đang tàn phá nền văn minh, chẳng phải chúng ta nên biết nhiều hơn về chúng hay sao? Rồi những vấn đề nhức nhối của xã hội như thiên tai, an ninh trật tự, tham ô tham nhũng, drama người nổi tiếng... nếu không cập nhật tin tức về chúng thì khác gì "người trong hang"?
Tôi sẽ nói kỹ hơn về lí do tại sao tôi ngừng xem tin tức, và bạn cũng nên như vậy.
DISCLAIMER: Tác giả đang đứng trên góc nhìn của một người không làm việc trong ngành truyền thông để viết bài, và không chối bỏ sự thật rằng có những ngành nghề đòi hỏi sự cập nhật tin tức nhanh chóng và liên tục. Ngoài ra, cũng không nên hiểu rằng tác giả đang công kích những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông.
Tại sao xem tin tức là một việc làm vô bổ
Tốn thời gian
Về phương diện thời gian, không cần phải phân tích quá nhiều cũng thấy được rằng bạn dành quá nhiều thời gian cho tin tức. Nếu bạn xem hết một bản tin thời sự 19 giờ, bạn tốn một giờ cho việc tiêu thụ tin tức (còn nếu bạn nói bạn "vừa ăn vừa xem" thì tôi thấy thương cái cơ thể của bạn quá, khi nó phải điều một lượng máu khổng lồ lên cả não lẫn xuống dạ dày cùng lúc). Sáng ngủ dậy, việc đầu tiên làm là vớ lấy cái điện thoại, mở Facebook lên lướt xem có "tin" gì mới, rồi đến tối trước khi đi ngủ lại lướt đến tận khuya. Khi bạn ở trên phương tiện giao thông, đứng xếp hàng chờ ở quầy thanh toán trong siêu thị, giữa giờ giải lao trên trường học hoặc cơ quan, hay thậm chí là trong những giây phút dành cho bản thân và những người xung quanh (ăn uống, nghỉ ngơi, giao lưu gặp gỡ...), bạn có mở điện thoại ra lướt Facebook hoặc đọc báo mạng không? Hãy thử một lần đi xe buýt vào giờ tan tầm và để ý xem có bao nhiêu kẻ đang chúi mặt vào điện thoại. Hãy thử hỏi qua bạn bè và những người xung quanh xem họ có bật TV lên xem thời sự trong mỗi bữa ăn hay không.
Sự tiêu tốn thời gian này làm cho tâm trí của bạn lúc nào cũng ở trạng thái "đói" thông tin một cách cồn cào. Bạn luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu mỗi khi bạn không biết được một mẩu tin tức gì mới, thế là bạn lại muốn thêm thông tin nữa. Một ngày chúng ta chỉ có 24 giờ, nhưng ngoại trừ những lúc ngủ ra, mỗi giây phút bạn mở mắt là bạn lại muốn được "update" thông tin - lí do khiến nhiều người cứ 2 3 phút lại mở Facebook hoặc Instagram lên check xem có gì mới không.
Nhưng có vẻ như thế vẫn chưa đủ. Bạn bắt đầu tìm kiếm những cách tiếp cận thông tin mới mà bạn cho rằng "tiết kiệm thời gian" hơn. Bạn kết hợp việc nghe tin tức với những công việc khác, chẳng hạn như trong lúc ăn uống, làm việc nhà, xếp hàng hoặc di chuyển trên phương tiện công cộng. Tệ hại hơn nữa, tôi từng thấy có những người còn cầm điện thoại vào phòng tập gym, mở loa ngoài oang oang một bản tin gì đấy.
Ừ thì bạn có thể nói rằng "Hayden, tôi vừa xem tin tức vừa làm những việc khác như thế thì cũng có vấn đề gì đâu? Một công đôi việc thì tốt chứ sao?". Tôi muốn được chia sẻ lại với bạn rằng, bạn đang dành quá ít thời gian để thực sự sống cho bản thân mình. Khoảng thời gian mà bạn dùng để xem tin tức kia không phải là khoảng thời gian dành cho bản thân bạn. Mà là khoảng thời gian bạn dành cho VTV, BBC News, CNN, VN Express, Meta và bất cứ cái tên nào bạn có thể nghĩ ra.
Các hãng truyền thông lớn kiếm tiền từ việc bạn xem tin tức. Mỗi giây bạn dành ra để xem tin tức trên các nền tảng của họ, họ lại kiếm thêm tiền quảng cáo từ bạn. Họ muốn bạn xem thật nhiều tin tức dưới danh nghĩa "xem tin tức là cần thiết", và "bạn cần được update thật nhiều thứ" để họ moi thêm tiền từ quảng cáo. Một số người có thể nói rằng "nhưng xem trên YouTube hay Facebook thì miễn phí cả mà, có mất gì đâu?", bạn ơi, bạn đang bỏ ra thời gian và công sức - hai thứ tài nguyên quý giá hơn tiền cả vạn lần để "mua" lấy tin tức đó. Đến cả khi bạn đang cần dành thời gian cho chính bản thân mình để thư giãn, học hỏi hoặc giao lưu cùng những người xung quanh, bạn cũng trở thành một "người tiêu dùng" cho những sản phẩm truyền thông của các tổ chức nói trên. Não bộ chẳng có một giây phút thanh thản nào, con người bạn cũng chẳng có được một giờ trọn vẹn dành cho chính nó. Bạn có thấy "thương" bản thân bạn không?
Một số người lựa chọn xem tin tức dưới dạng "nhanh". Cụ thể, họ chẳng cần quan tâm nội dung bài viết có gì, họ chỉ đọc qua title để nắm bắt được nội dung. Hoặc nếu như họ đang lướt mạng xã hội thì họ chỉ xem phần "ảnh" thôi, chẳng cần quan tâm caption viết cái gì. Một vài người khác lại dùng các nền tảng như TikTok, YouTube Shorts hoặc Reels - nơi mà chẳng có video nào dài quá 2 phút (correct me if I'm wrong, because I don't use TikTok). Điều này còn tai hại hơn điều trước vạn lần. Lí do tôi sẽ giải thích ở mục dưới.
Tin tức chỉ khiến bạn ngu đi và cực đoan hơn
Nếu bạn vẫn còn ôm lấy cái niềm tin cho rằng việc phí hàng tiếng đồng hồ để tiêu thụ tin tức vẫn rất là "đáng" bởi vì hiểu biết của ban sẽ rộng và sâu hơn, hãy quay lại cái quote mà tôi để ở đầu bài viết và đọc lại nó thật kỹ. Nó nổi lên trên mạng xã hội trong nhiều năm gần đây để nói về thực trạng của ngành báo chí hiện tại. Truyền thông đã thất bại trong việc trở thành kênh cung cấp thông tin xác thực, đáng tin cậy cho người dân, mà nó đã biến tướng - hoặc là trở thành công cụ định hướng dư luận cho những mưu đồ chính trị đứng sau, hoặc là bị thương mại hóa quá mức để kiếm lợi kếch sù cho những ai sở hữu các hãng tin này. Điều này đúng với mọi quốc gia, xã hội và thể chế chính trị hiện đang tồn tại trên thế giới.
Đa số các bản tin bạn xem đều hết sức nông cạn. Bạn nghĩ một mẩu tin được phát trong vòng 5 phút về một vấn đề nào đó sẽ khiến bạn hiểu tường tận về nó sao, hay thậm chí là một video trên TikTok dài chưa đến 2 phút, hay chỉ đọc mỗi cái title sặc mùi clickbait? Mơ đi bạn ơi, tin tức chỉ cho bạn cái "ảo tưởng" rằng bạn biết tất cả mọi thứ mà thôi. Một bản tin không có đủ thời lượng để phân tích chuyên sâu như một cuốn sách, họ phải giản lược và tóm tắt thật nhiều và tất cả những gì còn lại là vứt cho bạn một mớ thông tin để tiêu thụ, với ý đồ rằng "bạn chỉ cần biết đến thế thôi, đừng hỏi nhiều". Và tất nhiên, khi kiến thức bị giản lược hóa quá mức thì nó đã biến dạng nặng và không còn là chính nó nữa đâu. Việc chỉ tiêu thụ thông tin mà không chủ động tư duy hay suy ngẫm khiến khả năng suy nghĩ của bạn ngày một thui chột. Ý kiến cho rằng "mục đích của việc xem tin tức là để có thêm kiến thức" do đó sáo rỗng và nực cười vô cùng.
Tóm lại, tin tức không cho bạn sự hiểu biết, nó chỉ cho bạn cái ảo tưởng rằng bạn hiểu biết. Vậy thôi.
Sự phiến diện và một chiều trong tin tức còn đến từ những thủ đoạn định hướng dư luận đứng đằng sau nó. Nếu bạn xem các báo The Guardian hoặc MSNBC, bạn sẽ thấy đây là các đài thiên tả. Còn nếu bạn xem các đài như FOX News thì bạn sẽ thấy đây là những tờ báo cánh hữu. Trích dẫn thiếu bối cảnh (context), khái quát hóa/giản lược hóa vấn đề quá mức, title clickbait, thiên vị chọn lọc tin tức để đăng, chỉ nói một nửa của sự thật... là những "thủ tục" quá quen thuộc với mọi tòa soạn và hãng truyền thông lớn nói trên. Mục đích? Kiếm tiền từ quảng cáo, và lèo lái tư tưởng quần chúng theo hướng có lợi cho họ. Phải đó, trong mắt họ bạn không phải khách hàng, bạn chỉ là một con cừu trong bầy cừu khổng lồ mà họ muốn chăn dắt.
Một nửa ổ bánh mì là một ổ bánh mì, nhưng một nửa sự thật là dối trá.
Đến cả VTV cũng không phải ngoại lệ. Thật sự đấy, nếu bây giờ bạn vẫn còn tin VTV là "triều đình", là nguồn tin chính thống đáng tin cậy duy nhất trên cõi đời này, bạn nên tỉnh lại. VTV thực ra cũng chỉ là một công cụ phục vụ mục đích định hướng dư luận cho thực thể sở hữu nó - chính quyền, không hơn không kém. Do đó, không thể tránh khỏi việc thông tin đưa ra bởi họ không được khách quan và đa chiều, điển hình như một số vụ bê bối liên quan tới những phát ngôn có phần cổ hủ, trọng nam khinh nữ, đổ lỗi nạn nhân... đến từ những luồng tư tưởng hết sức phiến diện của tầng lớp "boomer" trong xã hội. Và việc VTV nằm trong tay chính quyền cũng không đồng nghĩa với việc nó là một thực thể toàn vẹn và hoàn hảo về mặt đạo đức. Nếu không thì cái page Wiki dưới đây đã không có lí do gì để tồn tại cả.
Tin tức ngày nay luôn luôn đóng vai trò định hướng dư luận cho những thế lực đứng đằng sau chúng. Nếu như không phải là chính phủ thì sẽ là các tập đoàn và tỉ phú - các cá nhân và tổ chức sở hữu các kênh thông tin truyền thông là những người "toàn quyền" định đoạt xem bạn được phép và không được phép tin vào điều gì. Điều này đặc biệt kinh khủng ở các hãng truyền thông phương Tây - càng ngày càng có ít những tờ báo độc lập khách quan, mà thay vào đó là những tòa soạn bị các tỉ phú hoặc tập đoàn lớn bỏ tiền ra mua lại, nhằm mục đích nhồi sọ người dân để phục vụ một mưu đồ chính trị - xã hội nào đó của họ.
Thậm chí, các nền tảng mạng xã hội biết rõ điều này, và họ còn cổ súy và đóng góp nhiệt tình. Các thuật toán của các mạng xã hội như YouTube liên tục gợi ý các video tin tức "cùng loại" với những video bạn đã xem (chẳng hạn, bạn xem tin tức của phe cánh hữu thì gợi ý toàn bản tin của các đài cánh hữu), không những khiến bạn lãng phí thời gian hơn mà còn khiến bạn cũng trở nên nông cạn và thiên vị như thứ tin tức bạn tiêu thụ. Việc bạn chỉ tiếp xúc với luồng tư tưởng của "phe bạn" càng củng cố cái tôi nơi bạn và cho rằng có hàng trăm ngàn người khác cũng đồng ý với bạn. Từ đó, lợi dụng một trong những nhu cầu căn bản của con người là được trở thành một phần của một cộng đồng, tin tức khiến cho con người ta ngày một trở nên phân cực hóa, tư duy theo kiểu nhị nguyên lên ngôi "không trắng thì phải là đen, không tốt thì phải là xấu, không theo tao thì ắt là chống lại tao, kẻ thù của kẻ thù là bạn", để chia rẽ xã hội thành các nhóm người với luồng tư tưởng giống nhau, và ngày càng khó cảm thông cho nhau.
Tôi đã từng thấy những buổi họp mặt gia đình tự dưng lại có một bầu không khí nặng nề khi có hai hoặc nhiều thành viên với tư tưởng chính trị đối lập nhau bắt đầu tranh cãi ngay trên bàn ăn. Tại sao lại để họ làm điều này với bạn và gia đình bạn? Tại sao bạn lại chọn làm một con cừu theo đuôi mù quáng, thay vì là con đại bàng sải cánh tự do trên bầu trời? Tại sao lại hy sinh khả năng suy nghĩ độc lập, sự tự do trong tư tưởng và khả năng cảm thông với người khác để trở thành một tín đồ của những thủ đoạn chính trị đứng sau các bản tin?
Tin tức ảnh hưởng tới tinh thần bạn
Có một câu nói bất hủ trong ngành truyền thông mà bạn nên biết: "Bleeding is leading", tức là một câu chuyện càng đau thương thảm khốc thì càng dễ thu hút người xem. Do đó, hầu hết những tin tức mà bạn đọc được đều là những tin xấu. Điểm qua một chút nhé? Bạn hãy lục lọi trí nhớ của mình xem trong vòng 24 giờ qua, bạn đã tiếp nhận thông tin gì liên quan tới một thảm kịch (chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, kinh tế suy thoái...), một scandal, hoặc một câu chuyện gây tranh cãi nào đó?
Bạn đã bao giờ thực sự cảm thấy vui khi xem tin tức hay chưa? Hay tất cả những gì bạn cảm thấy gói gọn trong những suy nghĩ cực đoan, lo âu, buồn, giận dữ? Kể cả khi bạn nói rằng "Tôi thích hóng drama", nhưng bạn có cảm thấy "vui" hoặc "phấn khởi" khi cái drama đó kết thúc và bạn chẳng còn gì để "hóng" nữa? Một bản tin hoặc một cái newsfeed chứa toàn tin tức về chiến tranh, thiên tai, chết chóc, cháy nổ, tai nạn, tội phạm, scandal người nổi tiếng... liệu có ảnh hưởng tích cực được đến tinh thần của bạn hay không?
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về vấn đề này, và kết quả cũng không được mấy khả quan. Một bài viết của Anxiety and Depression Association of America đã chỉ ra rằng sự tiêu thụ tin tức quá nhiều có thể dẫn tới việc làm trầm trọng chứng lo âu của con người. Cũng dễ hiểu, với hàng loạt những tin tức "bleeding" mà các hãng truyền thông ném vào mặt bạn hàng ngày, sao mà bạn có thể cảm thấy không lo lắng, buồn bã hay tức giận được.
Tin tức chẳng liên quan gì đến bạn hết
Có thể vẫn có một giọng nói nho nhỏ trong đầu bạn tự nhủ với bạn rằng: "thôi, biết là tin tức ngày nay fake lòi, nhưng mà không xem không được, không xem thì làm sao biết hết những chuyện đang xảy ra?". Đây chính là thứ mà các hãng truyền thông muốn bạn nghĩ - bạn có thể thắc mắc về độ tin cậy của những bản tin mà họ đưa, nhưng bạn vẫn sẽ xem tin tức vì bạn sợ cảm giác "làm người tối cổ". Bạn cảm thấy mình cần phải biết những câu chuyện đang diễn ra trên đời. Nhưng sự thật là, hầu hết những câu chuyện đó chẳng liên quan gì đến bạn cả.
Có một cuộc chiến tranh thảm khốc ở một quốc gia Đông Âu nào đó mà trước đây có khi bạn còn chẳng biết là từng tồn tại trên bản đồ. Điều này chẳng liên quan gì đến bạn cả. Nạn đói ảnh hưởng đến ti tỉ người ở châu Phi. Điều này chẳng liên quan gì đến bạn cả. Một ông quan chức nào đó vừa bị kỷ luật vì vi phạm gì đó. Điều này chẳng liên quan gì đến bạn cả. Có ông giám đốc cặp kè với cô ca sĩ ngay sau khi ông này vừa li hôn và bị lộ clip nhạy cảm. Một lần nữa, điều này chẳng liên quan gì đến bạn cả.
Hầu hết những gì bạn thấy ở trên bản tin đều chẳng tác động trực tiếp được đến đời sống của bạn chút nào hết. Việc biết hay không biết những sự kiện đó cũng không đóng góp được gì nhiều cho bạn. Hơn nữa, có nhiều tin tức mà có lẽ bạn đã biết rồi, hoặc bạn biết sẽ phải làm gì rồi. Chẳng hạn, bạn không cần được thông báo mỗi ngày rằng hôm nay có một vụ cướp, ngày mai có một băng trộm bị bắt... để luôn luôn đề cao cảnh giác và ý thức bảo vệ tài sản cá nhân.
Những câu chuyện như vậy, ngoại trừ những người trong cuộc ra thì chúng chẳng tác động tới ai hết. Tất nhiên, một số sự kiện thực sự có tầm ảnh hưởng toàn cầu và tác động tới tất cả chúng ta, nhưng việc dành thật nhiều thời gian và công sức để biết thật cặn kẽ về chúng thực sự là không đáng. Tôi đã từng thấy có những người thực sự "đếm" xem một ngày ở Trung Quốc có bao nhiêu ca mắc COVID hồi đầu năm 2020, hoặc theo dõi tin tức chiến sự ở Ukraine nhiều tới mức đâu là chỗ sĩ quan Nga đi đại tiện vào ngày 28 tháng 2 họ cũng nói được. Thực sự quá nực cười, trong khi tất cả những gì bạn cần biết về COVID là "làm thế nào để tôi tăng cường đề kháng và giảm thiểu khả năng bị lây nhiễm", còn với câu chuyện Ukraine thì là "ảnh hưởng của nó lên nền kinh tế thế giới, cũng như sự tăng giá nhiên liệu hoặc thực phẩm sẽ tác động tới tôi ra sao".
Nếu một tháng tới nó không còn quan trọng, nó không bao giờ quan trọng hết. Và hầu hết tin tức đều chỉ quan trọng trong ngày hôm nay thôi. _Tiến sĩ Jordan B. Peterson_
Chúng ta đã thấy việc xem tin tức vô bổ đến mức nào. Nó tốn thời gian, nó chẳng giúp bạn trở nên thông minh hay hiểu biết hơn, nó ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần của bạn và nhiều khi nó chẳng liên quan gì tới bạn hết. Tuy nhiên, con người cần được tiếp nhận thông tin mới, nếu không chúng ta sẽ phát điên. Vậy, chúng ta nên làm như thế nào để tiếp nhận thông tin thay vì xem tin tức?
Thay vì xem tin tức, bạn hãy...
THAY ĐỔI THÓI QUEN DÙNG MẠNG XÃ HỘI: Mạng xã hội là một chất gây nghiện khủng khiếp (sẽ có bài viết nói về vấn đề này), và thậm chí còn tệ hơn khi tin tức bây giờ được lan truyền qua mạng xã hội là chính. Nếu bạn muốn giảm hoặc ngừng xem tin tức, bạn cần bắt đầu với mạng xã hội. Cắt giảm số lượng mạng xã hội bạn sử dụng: thường thì bạn chỉ cần YouTube cùng với 1 hoặc 2 mạng xã hội khác là quá đủ, nếu con số lớn hơn 2 thì bạn nên cắt giảm bớt. Unfollow các trang báo hoặc những người bạn thường xuyên chia sẻ những thứ tin tức nhảm nhí vô bổ. Luôn luôn xem ở chế độ Most Recent (gần đây nhất). Đặt giới hạn thời gian cho việc sử dụng ứng dụng trên điện thoại. Tiến tới việc loại bỏ cả mạng xã hội khỏi cuộc sống của bạn luôn.
ĐỌC SÁCH: Đọc sách là một cách làm tuyệt vời để bổ sung kiến thức thực sự cho bạn về những vấn đề nổi cộm của thế giới, thay vì ngồi xem tin tức. Một cuốn sách dày 300 trang viết về lịch sử, địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, tâm lý... chắc chắn sẽ giải thích được cặn kẽ và sâu sắc hơn, cũng như có nhiều ý kiến chuyên sâu và những góc nhìn đa dạng hơn một mẩu tin chỉ vỏn vẹn 3 phút. Kiến thức bạn có được từ sách cũng giúp bạn chẳng cần phải "xem tin tức để có thêm kiến thức" nữa. Ngoài ra, khác với những bản tin tức không khác gì nồi lẩu thập cẩm, bạn có thể lựa chọn những cuốn sách bạn thực sự tâm đắc hoặc cảm thấy chúng có liên quan tới đời sống của bạn.
ĐỌC WIKIPEDIA TIẾNG ANH: Đây là một cách làm không những giúp bạn tiếp thu được kiến thức ở dạng "nguyên thủy" nhất của nó, mà còn rèn luyện vốn tiếng Anh của bạn nữa. Nhưng tại sao nhất định phải là tiếng Anh? Thứ nhất, Wiki tiếng Anh có số lượng bài viết nhiều nhất trong số các ngôn ngữ trên Wiki, và được cập nhật rất thường xuyên. Thứ hai, Wiki tiếng Anh có mức độ trung lập và khách quan cao hơn Wiki tiếng Việt rất nhiều - bởi đôi khi, một vài bài viết trên Wiki tiếng Việt không thực sự được đầu tư kỹ lưỡng mà chỉ lấy nguồn từ nhiều bài báo mạng tiếng Việt vốn thiên vị và không đáng tin cậy. Do đó, kiến thức trên Wiki thường ở dạng "nguyên thủy" nhất - chỉ là kiến thức thuần túy, không xào nấu, không cắt ghép, không tuyên truyền. Thậm chí, đến Wiki còn tự vấn về tính đáng tin cậy và tính trung lập của họ. Bạn không thể thấy điều này ở bất cứ tờ báo lớn nào. Ngoài ra, cũng giống như đọc sách, thay vì tiếp thu một mớ hổ lốn tin tức, bạn chỉ cần lựa chọn những bài viết bạn quan tâm để đọc mà thôi.
NẾU TIN TỨC THỰC SỰ QUAN TRỌNG, NÓ SẼ TỰ TÌM ĐẾN BẠN: Đây là điều mà mọi người ít khi nhận ra. Hãy để người thân và bạn bè của bạn "xem tin hộ", và nếu có tin tức gì đó thực sự đáng chú ý (chẳng hạn có một bộ luật mới vừa ban hành có ảnh hưởng đến toàn dân, hoặc có sự điều chỉnh giá xăng dầu), họ sẽ nói lại với bạn. Bạn cứ thử để ý xem đã bao nhiêu lần bạn bè hoặc người thân của bạn nói câu "Ê biết tin gì chưa" với bạn. Nếu tin tức thực sự rất có liên quan tới bạn, họ sẽ khó mà cưỡng lại được mong muốn kể nó cho bạn. Con người thích cảm giác trở nên quan trọng trong mắt người khác, và không ít người lựa chọn cách trở thành một cỗ máy truyền tin để "ghi điểm" trong mắt đối phương. Hãy để những người này theo dõi tin tức hộ bạn trong khi bạn dành thời gian và công sức làm việc khác.
Mỗi khi tôi cầm tờ báo mới, chỉ có hai thứ tôi xem và vẫn còn tin: thứ ngày tháng và kết quả các trận đấu thể thao.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất