Chúng ta đang ở đâu trong dòng chảy của thời gian - Putting Time in Perspective
Disclaimer: Mình có chuyển nội dung bài viết thành video ở trên. Các bạn ngại đọc dài có thể xem bằng video nhé. Headphone recommended...
Disclaimer: Mình có chuyển nội dung bài viết thành video ở trên. Các bạn ngại đọc dài có thể xem bằng video nhé. Headphone recommended cho trải nghiệm tốt nhất nhé ^^!
1. Con người từ cổ đại tới hiện đại
Đây là con người. Trong suốt quãng thời gian con người sống trên Địa cầu này, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu: Ta đã chinh phục những đỉnh cao nhất, và đang tìm tòi những nơi sâu nhất của Trái Đất. Thế nhưng cảm nhận về thời gian của chúng ta lại bị vô cùng hạn chế, đơn giản vì chiều dài của lịch sử loài người, và thậm chí là lịch sử của tự nhiên, là quá lớn so với độ dài một đời người.
Hãy cùng lấy một ví dụ. Nếu Trái đất được hình thành vào nửa đêm, và lúc này là 24 giờ sau, thì là con người hiện đại mới chỉ tồn tại từ lúc 11:59:59 - vỏn vẹn 1 giây. Và nếu toàn bộ lịch sử của loài người kéo dài trong vòng 24 tiếng, thì chúa Jesus mới chỉ xuất hiện từ 14 phút trước.
Trong bài viết này, mình sẽ giúp các bạn hình dung rõ hơn về thời gian, hay vị trí của chúng ta trong dòng thời gian khi so với các thực thể của Trái đất và Vũ trụ. Hãy cùng chuẩn bị cho hành trình ngược thời gian, để xem loài người, những sinh vật sống và vũ trụ đã vận hành được bao lâu, và còn lại bao nhiêu thời gian cho chúng ta trên mặt đất này.
Và mình cũng xin lưu ý 1 chút, đó là với những mốc cách đây quá xa, thì thời gian cụ thể của các sự kiện vẫn còn nhiều tranh luận, cho nên mình sẽ dùng các mốc thời gian được phần lớn các sử gia, nhà khoa học chấp nhận. Ok, hãy cùng bắt đầu hành trình nhé.
Ta hãy giả sử một ngày có độ dài bằng thanh màu xanh đậm này. Bạn đi ngủ từ 12h đêm, dậy vào 8h sáng, làm cốc cà phê và đang ngồi xem Youtube trước khi đến giờ ăn trưa. Vạch màu vàng đại diện cho mốc thời gian mà ta đang ở hiện tại. Bây giờ, hãy cùng zoom ra một chút, chúng ta sẽ thấy thanh xanh đậm (24h vừa qua) chỉ bằng 1/7 dòng thời gian của 1 tuần, bởi vì 1 tuần có 7 ngày. Và khi so sánh 1 tuần với hơn 4 tháng đã trải qua của năm 2020, ta lại thấy 1 tuần ngắn ngủi như thế nào.
Bây giờ ta sẽ đi xa hơn một chút, và nhìn lại những gì đã xảy ra trong thế kỉ 21. Thế kỷ 21 khởi đầu khá chật vật với toàn nhân loại, với bong bóng dot com, rồi sự kiện khủng bố 11/9, nhưng chúng ta đã vực dậy để làm nên những kì tích. 2008 tổng thống Obama - tổng thống da màu đầu tiên của Mĩ đắc cử, rồi 2011 chúng ta tiêu diệt được trùm khủng bố Osama Bin Laden (hay là chưa nhỉ). Tất cả đều đã xảy ra trong khoảng thời gian này.
Tuy nhiên, nếu năm nay bạn 35 tuổi, thì tất cả những gì đã và đang xảy ra trong thế kỉ 21 chỉ chiếm một nửa cuộc đời bạn thôi. Năm bạn 1 tuổi, thì chính sách Đổi Mới bắt đầu, năm bạn 4 tuổi chiến tranh lạnh giữa Mĩ và Liên Xô kết thúc, và khi bạn học hết cấp 2 thế giới vẫn còn đang ở thế kỉ 20 mà.
Vậy cuộc đời chúng ta so sánh như nào với lịch sử được ghi lại? Chúng ta thường coi năm 1 SCN là mốc khởi đầu của Thiên chúa giáo.Trong hai ngàn năm tiếp theo, nhân loại đã có rất nhiều sự thay đổi về tư duy: chúng ta bỏ suy nghĩ Trái đất là mặt phẳng, và thay vào đó là hình cầu; người châu Âu nảy ra ý tưởng du hành vòng quanh thế giới để tìm ra châu lục mới; con người bắt đầu có những ý tưởng về quốc gia, về nền kinh tế theo cung-cầu thị trường, và một cuộc bùng nổ về tiến bộ khoa học công nghệ mà chính chúng ta là người đang thừa hưởng.
Thế còn trước Công nguyên thì sao? Dấu tích lâu đời nhất được ‘ghi lại’ về lịch sử của con người là vào 3500 năm TCN, trong các di chỉ tại vùng Lưỡng Hà (Iraq ngày nay). 3000 năm trước công nguyên, chúng ta thấy một nền văn minh Ai Cập phát triển rực rỡ bên bờ sông Nile, với những dấu tích còn tới ngày nay, như Kim Tự Tháp Giza. Cùng lúc đó, ở đồng bằng sông Hồng là thời đại Hồng Bàng, gắn liền với các truyền thuyết về vua Hùng, được cho là xuất phát từ năm 2879 TCN, và kết thúc năm 258 TCN khi An Dương Vương thống nhất Âu Việt và Lạc Việt thành nước Âu Lạc.
Thế nhưng, so với khoảng thời gian ta đã tồn tại trên Trái Đất, thì việc ghi lại lịch sử là khá mới mẻ. Các nghiên cứu khảo cổ cho rằng, khoảng 60,000 năm TCN, con người bắt đầu di cư từ châu Phi sang các lục địa khác. Tuy nhiên, cuộc sống của họ vẫn phụ thuộc vào săn bắt hái lượm, và phải đến khoảng 8000 năm TCN chúng ta mới thấy những dấu hiệu đầu tiên của canh tác nông nghiệp. Với việc canh tác nông nghiệp tập trung, chúng ta có sự phân chia lao động, và từ đó ta mới có những người chuyên ghi chép lại những gì đã xảy ra, hay còn biết đến là các sử gia.
2. Con người và Thế giới sinh vật
Vậy còn trước đó, con người chúng ta làm gì? Nếu chúng ta lùi về mốc khoảng 200,000 năm TCN, ta sẽ thấy những con người, giống y hệt chúng ta về cấu trúc cơ thể, nhưng không có gì đặc biệt về họ cả. Họ không di cư nhiều mà tập trung ở châu Phi. Họ sống mà không có ngôn ngữ, không chữ viết và điều đặc biệt nhất họ làm được, đó là kiểm soát được lửa. 140,000 năm sau đó, chúng ta có ngôn ngữ, nhưng không ai thèm viết ra điều họ nói. Khi xét về độ dài, thì lịch sử được ghi lại của loài người, chỉ chiếm khoảng 3% tổng chiều dài lịch sử mà con người đã tồn tại trên Trái Đất này. Thật điên rồ!
Đến đây, chúng ta đã thấy được một đời người nhỏ bé như thế nào với tiến trình lịch sử của loài người. Thế còn mối quan hệ của chúng ta với các sinh vật khác thì sao? Để làm được điều đó, chúng ta sẽ zoom out ra, đến mốc 2,3 triệu năm trước. Đây là sự kiện mà Tông Hominini tách ra làm hai chi: chi Pan với hậu duệ là các loài khỉ, và chi Homo mà sau này sẽ trở thành các giống người như Homo erectus và Homo sapiens.
Nhưng loài người và họ hàng linh trưởng không phải là những động vật có vú xuất hiện đầu tiên. Thậm chí linh trưởng xuất hiện rất muộn, chỉ cách đây 6 triệu năm, trong khi các động vật có vú đầu tiên đã có mặt trên Trái Đất cách đây 200 triệu năm rồi. Những con vật này có kích thước bé nhỏ và sống chui lủi dưới đất và tầng cây thấp. Và chỉ cho đến khi một quả thiên thạch siêu to khổng lồ, tiêu diệt 75% các loài trên Trái Đất, bao gồm cả loài Khủng long, thì lúc đó các loài có vú mới di cư lên mặt đất, và dần trở thành chủ nhân của bề mặt. Có thể nói rằng, nếu loài khủng long không bị tuyệt chủng, khó có cơ hội cho con người chúng ta phát triển như ngày nay.
Lùi lại một chút nữa, chúng ta thấy được một khoảng thời gian dài khủng khiếp từ khi những động vật đầu tiên ra đời (600 triệu năm trước) cho đến thời đại Khủng Long (từ 230 - 65 triệu năm trước). Phải nói rằng, loài khủng long thật giỏi khi chúng đã là chúa tể của Trái Đất trong hơn 150 triệu năm. Chúng ta mới chỉ thực sự làm chủ Trái Đất trong vài ngàn năm mà ta đã sắp hủy diệt nó rồi. Hãy sống như những chú khủng long để bảo vệ môi trường các bạn nhé.
Nhưng sự sống đã tồn tại trên Trái Đất trước cả thời kì Khủng Long. Chính xác là lâu hơn 3 tỉ năm. Nếu giả sử có một cỗ máy thời gian đưa chúng ta về Trái đất cách đây 3,6 tỷ năm, thì những sinh vật duy nhất ta thấy sẽ là những sinh vật đơn bào có tên gọi prokaryotes. Chúng sống trong các đại dương, quang hợp với mặt trời để tạo ra năng lượng, và thải khí oxi vào tầng khí quyển. Quá trình này tiếp tục trong hơn 2 tỉ năm cho đến khi chúng tiến hóa thành sinh vật đa bào. Nếu bạn còn thắc mắc một sinh vật đơn bào làm sao biến thành một chú cá tung tăng được, thì câu trả lời, đó là chúng đã có hơn 3 tỉ năm để làm điều này.
3. Con người và vũ trụ
Nhưng những sinh vật sống sẽ không thể tồn tại nếu thiếu đi những điều kiện thuận lợi mà nơi ở của chúng có: đó là Trái Đất, với mặt Trăng và Mặt Trời. Vậy chúng đến từ đâu? Theo các nhà khoa học, Mặt Trời được hình thành cách đây 4,6 tỉ năm từ những đám mây khí khổng lồ. Khoảng 60 triệu năm sau đó đến lượt Trái Đất được hình thành từ những mảnh vụn thiên thạch xoay quanh Mặt Trời. Theo thuyết Va chạm lớn, Mặt Trăng được hình thành sau đó vài chục triệu năm, khi một hành tinh nhỏ va vào Trái đất, và các mảnh vụn gắn kết lại thành Mặt Trăng dưới tác động của lực hấp dẫn. Trái Đất, sau đó liên tục bị các sao chổi va vào, tạo nên cảnh tượng hỗn mang trong suốt 300 triệu năm.
Zoom ra một chút nữa, ta thấy những gì gắn liền với sự sống của chúng ta xuất hiện còn muộn hơn sự hình thành của vũ trụ rất nhiều. Sự kiện Vụ nổ lớn - nguồn gốc của mọi thứ trong vũ trụ này, được cho là đã diễn ra cách chúng ta 14 tỉ năm. Dải Ngân hà nơi chúng ta đang cư ngụ, được cho là đã được hình thành khoảng 600 triệu năm sau sự kiện Big Bang.
Đến đây, ngay cả những nhà khoa học thông thái nhất cũng trở nên bối rối để đưa ra một ý nghĩa cho sự bắt đầu của vụ nổ lớn. Điều gì đã làm ra vụ nổ? Và sẽ còn những sự kiện tương tự trong tương lai không?
Những câu trả lời từ các nhà khoa học cho thấy một tương lai mờ mịt cho chúng ta, và cho cả vũ trụ nữa. Theo đó, trong 1 tỷ năm nữa, Mặt Trời sẽ nóng đến mức làm bốc hơi hết nguồn nước trên Trái Đất. Trong 2-3 tỷ năm sau đó, bề mặt Trái Đất sẽ nóng tới 150 độ C, bầu khí quyển trở nên trơ trụi như trên Sao Thủy, trước khi Mặt Trời nở rộng kích thước của nó lên 250 lần và nuốt chửng tất cả trên đường đi của nó, bao gồm cả hành tinh quê hương của chúng ta.
Sau khi Trái Đất biến mất, vũ trụ vẫn tồn tại, nhưng sẽ từ từ đi đến điểm kết thúc của nó. Các ngôi sao trên bầu trời đốt hết nhiên liệu của chúng cho đến khi vật chất duy nhất còn tồn tại trong vũ trụ là hố đen. Như một lão già trên giường bệnh, vũ trụ sẽ dần cạn hết năng lượng, và rơi vào trạng thái “Heat Death” - không năng lượng thì sẽ không có chuyện gì xảy ra nữa. Tất cả chìm trong màn đêm vô tận.
Đó là bức tranh toàn cảnh, của một vũ trụ sinh ra từ hư không, và rồi lại trở về với hư không. Vì sao lại như vậy chứ? Ý nghĩa của tất cả những điều này là gì? Hay vũ trụ tồn tại mà không cần tới những mục đích cao cả hơn? Nó chỉ đơn giản là sinh ra, lớn lên và mất đi như tất cả những thứ hàm chứa trong nó.
Chà, thế này thì bi quan quá nhỉ. Vậy ta hãy thử một góc nhìn lạc quan hơn nhé. Nếu tất cả những điều này không xảy ra đúng trình tự, từ sự hình thành của Mặt Trời, Trái Đất rồi sự hình thành của sự sống ... Nếu không có hành trình trong hàng tỷ năm ấy, có lẽ chúng ta sẽ không tồn tại trên Trái đất này.
Và nếu như hàng tỷ năm nữa, tất cả mọi thứ sẽ tan biến vào những hố đen thì chắc chắn tôi và bạn sẽ không phải đứng đó để chứng kiến. Và nếu như vũ trụ, như một trò đùa của tạo hóa, không mục đích và vô nghĩa, thì mục đích và ý nghĩa nằm ở chính chúng ta. Cuộc đời của con người không bằng cái nháy mắt của vũ trụ, nhưng điều đó sẽ không quan trọng nếu chúng ta có thể tự tạo ra mục tiêu cho đời mình. Bạn muốn làm bác sĩ? Hãy học để trở thành một bác sĩ thật giỏi. Bạn thích một cô gái cùng lớp? Hãy rủ cô ấy đi chơi. Bạn nhớ nhà? Hãy về với ba mẹ.
4. Tạm kết
Con người chúng ta là sinh vật có ý nghĩa, mắc kẹt trên một hòn đá trôi nổi giữa một vũ trụ hung hãn và phũ phàng. Vì thế chúng ta phải tự tạo ra ý nghĩa cho bản thân, và cho nhân loại, vì cuối cùng vũ trụ cũng không quan tâm tới điều bạn nghĩ đâu.
Cảm ơn các bạn đã đi cùng mình trong hành trình vòng quanh vũ trụ vừa rồi. Mong rằng mọi người đã có một chuyến đi thú vị, và tìm ra được những điều có nghĩa cho mình. Nếu các bạn thấy hay hãy like, share ủng hộ mình nhé! Hẹn gặp lại các bạn trong những hành trình sau!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất