[Bài dịch] Bố mẹ bao bọc quá mức, con cái lớn lên sẽ như thế nào?
Các bố mẹ trực thăng có thể bao bọc, giám sát con quá mức làm trẻ mất đi tính chủ động, khả năng giải quyết vấn đề, lòng tự tin và...
Các bố mẹ trực thăng có thể bao bọc, giám sát con quá mức làm trẻ mất đi tính chủ động, khả năng giải quyết vấn đề, lòng tự tin và sự độc lập.
Mỗi thế hệ phụ huynh đều là đối tượng bị người ta chỉ trích về cách dạy con.
Vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, phong cách "nuôi thả" chiếm ưu thế, tạo ra một thế hệ trẻ em được gọi là "latchkey kids" (đứa trẻ đeo chìa khóa).
Cụm từ chỉ những đứa trẻ tự trông nom bản thân khi bố mẹ đi làm. Chúng thường được giao cho chìa khoá để tự mở cửa nhà khi đi học về, tự làm bữa tối cho mình và được tự do không bị giám sát cho đến tận buổi tối.
Vào những năm 90, cách dạy con của phụ huynh thế hệ Gen X đã thay đổi hoàn toàn. Họ trở thành những "bố mẹ trực thăng" (helicopter parents).
Các bố mẹ trực thăng không chỉ tham gia nhiều hơn vào sự phát triển giáo dục và xã hội của con cái, mà còn có thể bao bọc, giám sát con quá mức, làm trẻ mất đi tính chủ động, khả năng giải quyết vấn đề, lòng tự tin và sự độc lập.
Vậy những đứa trẻ được nuôi dạy bởi các bố mẹ "trực thăng" lớn lên sẽ như thế nào? Đó là câu hỏi được đặt ra trong một chủ đề thú vị trên Reddit thu hút hơn 2.000 bình luận.
1. Trải nghiệm của người được nuôi dạy bởi bố mẹ trực thăng
Một người dùng Reddit (tên tài khoản u/pt3rod4ctyl) chia sẻ rằng việc được nuôi dạy bởi các bố mẹ "trực thăng" đã khiến cô cảm thấy mất phương hướng:
"Thành thật mà nói, tôi lúc nào cũng lo âu. Mỗi khi làm công việc gì, tôi đều không ngừng sợ sệt rằng mình sẽ làm sai và khiến bố mẹ thất vọng. Tôi thực sự rất sợ hãi."
Người dùng u/Foxjoon cũng có cảm xúc tương tự, mô tả bản thân là: "Hay lo âu. Bị bó buộc. Bố mẹ trực thăng thường có những kỳ vọng không thực tế nhưng lại từ chối chấp nhận rằng con cái họ giờ đã là người trưởng thành."
Người dùng u/Flippantcedar kể về trải nghiệm của riêng mình và ảnh hưởng của nó đến cách dạy con của cô:
"Mẹ tôi là bà mẹ trực thăng kiểu mẫu. Thời trưởng thành thật khó khăn. Tôi hoàn toàn không có kỹ năng sống thực tế nào. Giờ tôi đã 40 tuổi và có con riêng.
Là một phụ huynh, tôi thoải mái hơn nhiều so với mẹ tôi (hoặc thậm chí là chồng tôi). Thực ra, tôi hơi có xu hướng nuôi dạy con theo kiểu 'bỏ mặc một cách ôn hòa'.
Tôi có rất nhiều phẫn nộ với mẹ tôi trong nhiều năm, vì bà đã không dạy tôi tự làm gì và luôn "cứu giúp" tôi mọi lúc.
Tôi rất yêu con tôi, vì vậy tôi cho phép chúng thất bại và học hỏi từ những sai lầm. Con tôi khi còn nhỏ đã có năng lực hơn nhiều so với tôi khi trưởng thành.
Chúng biết cách quản lý tiền bạc, tiết kiệm, nấu ăn, dọn dẹp, và đang học hỏi rất nhiều khía cạnh khác để trở thành một con người thực sự".
2. Người khác nói gì về những đứa trẻ có bố mẹ trực thăng?
Những người quen biết với những đứa trẻ được nuôi dạy bởi bố mẹ "trực thăng" cũng có một số quan sát của riêng họ.
Người dùng u/Reusethisname nhận xét:
"Ở nơi tôi học, thật không may, có rất nhiều bố mẹ trực thăng. Sau này khi những đứa trẻ đó đi học đại học xa nhà và được tự do, chúng hoàn toàn 'bung xõa' với các buổi tiệc tùng, thường khiến điểm số bị ảnh hưởng.
Một số thậm chí bị buộc phải trở về nhà và lại tiếp tục phải chịu đựng cách nuôi dạy con cái theo kiểu trực thăng của bố mẹ."
Người dùng Reddit u/BeowulfasaurusRex kể:
"Bạn trai cũ của tôi có một người mẹ quá yêu con. Anh ấy không thể tự mình đối phó khủng hoảng, sự cổ hay xử lý bất cứ điều gì. Anh ấy cũng chỉ tin tưởng vào lời khuyên của mẹ.
Khi tôi đề xuất một điều gì đó, anh ấy từ chối. Nhưng vẫn là điều ấy mà do mẹ đề xuất thì anh ấy sẽ nghe theo.
Anh ấy thiếu động lực để tự làm việc tốt hơn, kiếm một công việc tốt hơn, có một nơi riêng cho chúng tôi,... vì mẹ anh ấy luôn đảm bảo cho anh ấy về mặt tài chính.
Anh ấy không tin vào năng lực hoặc tài cán của bản thân vì anh ấy chưa bao giờ có cơ hội để chứng minh cho bản thân rằng anh ấy có thể xử lý mọi thứ."
Một người dùng khác có tên u/Stoic_Scientist, chia sẻ một danh sách các đặc điểm thường thấy ở những đứa con của bố mẹ trực thăng: "Không sẵn sàng/không thể ra quyết định; 'Tôi không làm điều đó vì không ai chỉ dẫn tôi'; không thể tiếp tục khi không được sự chấp thuận cụ thể từ ai đó; không có khả năng giải quyết vấn đề nào cả; chỉ chờ đợi ai đó nói cho họ chính xác những gì cần làm."
Một nghiên cứu từ Đại học Mary Washington (Mỹ) đã phát hiện ra rằng việc bao bọc con cái quá mức có liên quan đến mức độ lo lắng và trầm cảm ở trẻ.
Hy vọng những chia sẻ này sẽ truyền cảm hứng cho những đứa con được nuôi dạy bởi những bố mẹ "trực thăng" thiết lập ranh giới cho họ.
Và đối với những phụ huynh đang nuôi dạy con, những chia sẻ có thể giúp họ xem xét cách dạy con của mình có thể ảnh hưởng đến con cái theo hướng tích cực hay tiêu cực ra sao.
* Bản dịch này đã được đăng trên tạp chí Gia Đình Mới.
(Theo Parents)
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất