Sau khi cày xong bộ Dám bị ghét - Dám hạnh phúc, thứ đầu tiên đọng lại trong đầu mình lúc này là cảm thức cộng đồng - community feeling. Nó được đặt ở vị trí trung tâm trong tâm lý học cá nhân - Individual Psychology của Alfred Adler, với định nghĩa đơn giản là bạn phải luôn tạo cho mình cảm giác là một phần của cộng đồng, hay có cống hiến cho cộng đồng, nếu không thì những vấn đề tâm lý sẽ sớm xuất hiện và đè nặng lên tinh thần của bạn.

Nó làm mình nhớ lại 1 bài Ted talk rất hay của Johann Hari, có lẽ là bài nói hay nhất từ trước đến nay mình được nghe về trầm cảm và chứng rối loạn lo âu - depression & anxiety, hai căn bệnh tâm lý rất phổ biến trong thời đại ngày nay.
Trong bài diễn thuyết, cả 2 ví dụ Johann đưa ra (về biện pháp mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị trầm cảm hay lo âu) đều đều liên quan đến việc tạo lập các nhóm nhỏ để những người gặp vấn đề về tâm lý có thể được trải nghiệm cảm giác cộng đồng này. Cụ thể hơn, nhóm thứ 1 quyết định cùng chăm sóc một khu vườn, còn nhóm thứ 2 dùng những buổi gặp mặt để cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm sự kiện ý nghĩa nhất trong cuộc đời mỗi thành viên và tìm cách làm sao để họ có thể trải nghiệm những điều ấy nhiều hơn nữa trong tương lai.

Đợt trước khi tìm hiểu về mô hình nền kinh tế kiểu chiếc bánh rán – Doughnut Economics(mô hình này đang rất nổi tiếng trong kinh tế học vĩ mô ở các nước phương Tây) của Kate Raworth và nghe các bài nói của bà, mình có được biết đến 1 cái app mà người Hà Lan đã làm cho cộng đồng (viết bằng tiếng Hà Lan, nên đợt ấy vô ý quên xừ nó lưu lại :((). Mình viết ra đây, chỉ mong có anh dev nào tình cờ đi qua đọc được, có chút thời gian và tâm huyết mà xây dựng được cho nước mình thì hay quá. App ấy như kiểu meet-up, nhưng được làm chi tiết hơn theo thiên hướng tập trung vào khu vực xung quanh từng cá nhân, khi mọi người có thể lên đấy cập nhật tất cả những ý tưởng về dự án cộng đồng, hay các hoạt động nhóm ở khu vực xung quanh mình. Theo những gì Kate chia sẻ thì app ấy cực kỳ thành công, vì có lẽ nó đã khiến người ta có động lực tham gia vào các hoạt động ấy hơn, từ đó giảm đi thời gian cô độc hay cắm mặt vào các mạng xã hội.
Một điểm cần lưu ý là các hoạt động nhóm này khác về bản chất so với những buổi tụ tập bạn bè vô thưởng vô phạt mà thường kết thúc bằng cách thằng nào ôm điện thoại thằng ấy và mở mồm là kêu chán chả có gì làm nhé. Vì ít nhất các hoạt động này có 1 chủ đề hoặc 1 mục đích cho nó, và việc các thành viên tập trung vào mục đích ấy cũng như những thứ có liên quan sẽ khiến buổi hoạt động tự nó mang một ý nghĩa nhất định.

Mở rộng ra một chút, đợt trước mình ngồi ngẩn ngơ với ngắm gái xinh mãi cũng chán tự dưng nảy ra được cái ý tưởng về 1 chiếc app tương tự, nhưng tập trung vào việc giúp đỡ người khác. Mình đặt tên cho ý tưởng này là Happy Helpers (chưa tìm được cái tên nào hay hay trong tiếng Việt). Vì giống như tư tưởng trong tâm lý học của Alder, mình tin chính cái việc giúp đỡ người khác lại khiến ta cảm thấy được giá trị của bản thân. Vậy nên cái app này đóng vai trò như một cầu nối giữa những người thực sự cần giúp đỡ và những người rảnh hay sẵn sàng cho đi, bằng cách thực hiện một việc tốt. Cách thức sử dụng rất đơn giản, người cần giúp sẽ đăng yêu cầu, và người có khả năng sẽ chấp nhận. Tất nhiên tương tự như hệ thống feedback trên mạng ngày nay, app sẽ có phần đánh giá và lịch sử để tránh những kẻ chây lười mong tìm kiếm lợi ích cho bản thân.
Nhưng kể cả có những kẻ như thế thật, mình tin cái hạnh phúc vì giúp được người khác vẫn khiến người cho đi có được cái niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống này, giống như Seneca đã từng viết:

Một người thông thái tìm thấy nhiều hạnh phúc ở sự cho đi hơn là những kẻ khác tìm thấy trong sự nhận lấy - Seneca


Kết: Như boss Việt Anh đã chia sẻ trong event chất như nước cất cuối tuần trước, mình cảm thấy có vẻ các bạn trẻ Việt Nam đang dùng mạng xã hội hơi quá nhiều, cũng như những vấn đề về tâm lý học bắt đầu trở nên phổ biến hơn trong thời gian gần đây. Một phần lý do mình nghĩ cũng là vì các hoạt động xã hội còn khá ít ở Việt Nam, ít cơ hội để mọi người có thể thực sự gặp gỡ và tham gia các hoạt động có giá trị, về cả tư tưởng lẫn vật chất. Vậy nên rất mong những chia sẻ này có thể truyền chút cảm hứng, và từ ấy mọi người có thể nghĩ ra thêm những ý tưởng để các hoạt động này có thể được phổ biến và đa dạng hơn.

A Dreamer