Thời mới năm nhất, chân ướt chân ráo lên Hà Nội học đại học, ông anh mình quen đưa mình đi cafe dặn dò nhiều thứ và kết thúc buổi hôm đó bằng câu "Mày làm gì thì làm, nhưng đừng có chơi với dân Thanh Hóa". Bây giờ thì ông ấy đã cưới vợ, là người "Hoa Thanh quế", còn mình thì trải qua 4 năm đại học với rất nhiều tình bạn đẹp cũng với người Thanh Hóa (may mà không nghe lời ổng). Sự thật là định kiến có ở khắp mọi nơi trên thế giới này, không chỉ đối với người Thanh Hóa, vì nó đã nằm trong bản năng của con người từ thuở khai sinh lập địa. Bài viết này sẽ cho các bạn thấy bức tranh toàn cảnh về vấn đề này ở Việt Nam nhờ công cụ Google Search.

Cách người Mỹ nhìn thế giới =))
Trước khi vào bài viết, mình xin giải thích qua về từ "định kiến". Thực tế mình dùng từ "stereotype" -  là những khuôn mẫu người ta mặc định trong đầu, có thể tốt, có thể xấu. Ví dụ như, khi gặp một người Đức lần đầu tiên, bạn tự nhủ “người này chắc hẳn rất đúng giờ và cầu toàn, như mọi người Đức khác”. Trong tiếng Việt không có từ nào sát nghĩa với từ này nên mình xin dùng từ "định kiến" , mặc dù từ "định kiến"  thường đi với nghĩa xấu, chứ không như "stereotype"  là cả tốt lẫn xấu.

I. Sử dụng Google Search để hiểu về những suy nghĩ sâu kín của con người

Trước đây, chúng ta có 2 cách để hiểu con người thực sự nghĩ gì, một là theo dõi, và hai là hỏi bằng khảo sát (survey). Nhưng sử dụng khảo sát không thể khiến người được hỏi cởi mở về những vấn đề nhạy cảm như chủng tộc, tình dục, hay chơi hàng cấm :)). Và gần như tất cả mọi trang web thu thập ý kiến cá nhân đều gặp vấn đề tương tự. Thế nhưng, có một nơi chẳng hề hỏi bất kì điều gì, mà chỉ việc đợi chúng ta điền vào đó những thắc mắc, suy nghĩ, tâm tư tình cảm, bí mật. Đó chính là Google.
Một trong những tính năng rất hay của Google đó là Autocomplete. Khi gõ vào Google, trang web sẽ đưa ra những gợi ý từ những tìm kiếm phổ biến nhất để hoàn thành dòng search. Nhiều người, vì lí do tốt đẹp, có xu hướng giấu các thành kiến trong tư tưởng. Nhưng họ không giấu Google. Sử dụng tính năng Autocomplete với các mẫu câu như là "Tại sao người ...?", "Tại sao dân ...?", chúng ta có thể thấy được một bức tranh tổng quát của sự định kiến vùng miền.

II. Định kiến vùng miền

Đầu tiên là định kiến được chia theo vùng miền

Chúng ta có thể thấy định kiến ở  3 miền hoàn toàn khác nhau, người miền Bắc thì nổi tiếng với giàu và thích di cư vào miền Nam, người miền Nam có vẻ không thích điều ấy và hay di cư ra nước ngoài, còn người miền Trung học giỏi và hay ăn mặn lẫn ăn cay, khả năng bí quyết học giỏi của người miền Trung là cho nhiều muối và ớt cay vào thức ăn =)). Người miền Tây thì hay đeo vàng nhưng lại nghèo, con gái thì vừa trắng vừa đẹp. Cũng không biết điều này có đúng không hay là người ta chỉ suy ra từ Ngọc Trinh :))
Ngọc Trinh
Tiếp theo thì chúng ta hãy xem định kiến ở cấp độ nhỏ hơn, bao gồm 11 tỉnh thành, số còn lại may mắn hơn khi định kiến không đủ mạnh để hiển thị trên Google.
Định kiến theo tỉnh thành
Chúng ta có thể thấy định kiến phổ biến nhất là bị ghét và đi ghét người khác. Có một số định kiến khá hay và thú vị, như là dân Nghệ An bị gọi là cá gỗ, điều này xuất phát từ câu chuyện dân gian cá gỗ để chỉ sự hà tiện, vắt cổ chày ra nước. Người Hà Nội thì ăn chuối phải bẻ đôi, đây là cách ăn uống thanh cảnh của người Hà Nội xưa, không biết bây giờ có còn phổ biến không. Người Quảng Nam hay cãi và người Quảng Ngãi hay lo, cái này có bạn nào ở 2 tỉnh trên thì chứng thực với nhé =)).
Bonus một bức ảnh vui
Nguồn: Internet

III. Tại sao lại có định kiến

Định kiến, stereotypes (phần này mình sẽ dịch là khuôn mẫu) và phân biệt đối xử thường đi liền với nhau. Cơ sở hình thành định kiến chính là các khuôn mẫu. Khuôn mẫu xã hội là một “bức tranh thế giới” được điều chỉnh và quyết định bởi một nền văn hóa đã được hình thành và ổn định trong đầu con người. Nó có vai trò làm giảm bớt những khó khăn của con người khi tiếp xúc với các đối tượng phức tạp nằm ngoài sự hiểu biết của họ. Và nó còn giúp chúng ta thu nhận thông tin nhanh chóng dựa trên những kinh nghiệm đã có sẵn. Khái niệm khuôn mẫu được dùng để chỉ các phạm trù mô tả được đơn giản hóa, mà chúng ta tìm cách đặt người khác hay các nhóm người khác vào trong một khung cảnh cụ thể để nhìn nhận, đánh giá họ được dễ dàng. Điều này rất quan trọng ở góc độ sinh tồn, khi mà con người thời xưa cần sự đánh giá nhanh chóng để có thể tồn tại ở môi trường khắc nghiệt và nhiều nguy hiểm.
Vậy tại sao lại có định kiến vùng miền như trên. Điều này được hình thành từ nhiều thế kỉ trước, tạo thành bản sắc văn hóa của mỗi vùng:
_ Con người ở mỗi nơi khác nhau thì đều có tính cách và đặc điểm cơ thể khác nhau. Điều này gây ra bởi đặc điểm địa lý khí hậu, chứ không phải vì bản chất con người ở vùng đó "thượng đẳng" hay là "hạ đẳng" hơn. Điều này được giải thích cực kì rõ ràng và chi tiết trong cuốn sách "Súng, vi trùng và thép" của Jared Diamond. Tại sao Châu Âu giàu, Châu Phi nghèo, đều là do "ông trời" quyết định, chứ không phải là do người Châu Âu giỏi hay tiến hóa hơn về mặt sinh học.
_ Đặc điểm địa lý ở Việt Nam có sự thuận lợi rất lớn cho miền Nam. Vào những thế kỉ trước Nam Kỳ đất đai màu mỡ, dân số ít, có sự đa dạng văn hóa sắc tộc và phát triển thương mại, tư bản từ người Hoa Kiều và phương Tây, cho nên dân cư ở đấy sống khá là sung sướng, không phải làm gì nhiều.
Dân Nam kỳ này lười lắm, ông ạ. Đó là bởi cái khí hậu, cái thổ địa nó khiến nên như thế. Ông thử nghĩ, trời cả năm ấm đều, không có khi nóng dữ, khi lạnh quá, người ta không phải lo đến sự ăn mặc. Đói thì ra bới cái miếng đất ngoài kia cũng đủ có gạo, thò tay xuống cái lạch chảy trước cửa cũng đủ có cá mà ăn. Còn cần gì phải ra công khó nhọc.                                                                                                                                                                         Công sứ Vĩnh Long năm 1918
Đây là lí do tại sao lại có định kiến với người miền Tây như trên.
_ Còn với miền Bắc và miền Trung, cũng trong nhiều thế kỉ trước, đất không đủ chỗ ở, ruộng ít không đủ cày cấy, nghề nghiệp không đủ làm ăn, thế mà người lại đông và khí hậu khắc nghiệt, thiên tai xảy ra thường xuyên. Thế nên hầu hết đều rất nghèo, mà khi đã nghèo đói thì con người ta khó mà có tính cách thông thoáng tốt đẹp như những xứ giàu có được, từ đó sinh ra những định kiến về người miền Trung và người miền Bắc như ở trên. Và vì lí do đó nên các trí thức triều đình thời xưa luôn cố gắng tạo những cuộc di dân từ Bắc vào Nam để lập nghiệp làm ăn, đồng thời kiềm hãm sự phát triển của Hoa kiều, tạo nên phong trào Nam tiến kéo dài cho đến tận ngày hôm nay.
Phải giảng cho người ta hiểu rằng đất Nam Kỳ tốt có một, mỗi năm chỉ cấy một mùa mà gấp mấy mươi ngoài ta, nếu chịu khó làm chỉ trúng luôn một vài mùa là giàu to. Bởi ruộng tốt dễ làm mà có những tay điền hộ ruộng tới mười mấy ngàn mẫu Tây, tiền thâu nhập chi xuất hàng năm tới bốn mươi năm mươi vạn bạc.                                                                                                                                                                                                                                                    Phạm Quỳnh

IV. Kết bài

Để kết bài viết, mình xin trích dẫn một đoạn ngắn từ cuốn sách "Một tháng ở Nam Kỳ" của Phạm Quỳnh - một nhà văn, nhà báo lớn, quan triều đình đầu những năm 1900.
Dân An Nam ta thuần là một giống người, cùng một cội rễ mà ra, cùng một tiếng nói, cùng một phong tục, cái tính tình tư tưởng cũng không khác gì nhau. Thử hỏi khắp trong thế giới đã có một dân nào thuần nhất như dân ta chưa? Ngày nay có người lấy lẽ chính trị nhất thời, lấy sự gián cách không đâu, mà phân biệt ra kẻ Nam người Bắc, coi nhau hầu như khác giống khác giòng, không biết rằng dù kẻ Bắc dù người Nam tuy ăn ở xa cách nhau mà trong lòng cùng là mang nặng một tấm quốc hồn như nhau; chỉ vì cái quốc hồn ấy không thường có dịp phát hiện ra nên không ngờ không tưởng vậy.                                                                                                              
Tôi càng đi du lịch trong Nam kỳ lại càng thấy cái cảm giác rõ ràng rằng người Nam người Bắc thật là con một nhà, nếu biết đồng tâm hiệp lực thì cái tiền đồ của nước Nam ta không thể nào hạn lượng cho được. Tôi xin đốt lửa thắp hương mà cầu nguyện cho cái mối đồng tâm ấy ngày một bền chặt, thật là may cho nước nhà lắm lắm.                                                                                                                                                                                                Hà Nội, tháng 1 năm 1919                                                                                                                                                Phạm Quỳnh
---
Tài liệu tham khảo:
(1) Sách "Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ" - Đào Trinh Nhất viết năm 1924
(2) Sách "Một tháng ở Nam Kỳ" - Phạm Quỳnh viết năm 1919
---
Bài viết cùng tác giả:
---
Contact:
---
Sắp tới mình sẽ viết thêm nhiều bài viết về khoa học dữ liệu, phân tích insight từ các bộ dữ liệu hay, và cả những chủ đề thú vị khác nữa. Nếu không muốn bỏ lỡ thì hãy follow mình nhé :))
Đọc thêm: