Cũng khá lâu rồi, tôi đọc được 1 bài báo về  doanh nhân Raphael Samuel, hiện là giám đốc điều hành một doanh nghiệp tại Mumbai – Ấn Độ đã đâm đơn kiện cha mẹ ra tòa vì đã… sinh ra anh ta. Raphael tin rằng đó là một sai lầm. Cuộc đời này là một bể khổ, và anh chẳng yêu cầu được sinh ra. Anh không phải là một kẻ bất hạnh hay chán đời đến mức không thiết sống: “Tôi yêu bố mẹ, và gia đình tôi êm ấm. Cuộc sống của tôi không có gì đáng phàn nàn, nhưng tôi vẫn cảm thấy không có lý do gì phải sống, đi học, kiếm việc làm, vì tôi không muốn có mặt trên đời”. Bố mẹ của Raphael chắc chắn là không vui khi khi con trai dám kiện bố mẹ vì một cái lý do ngớ ngẩn là đã trao cho anh ta sự sống, nhưng cả hai cụ chỉ thấy lạ mà không chút sợ hãi (tôi đọc được là cả 2 cụ đều là luật sư :)). Raphael là một đại diện tiêu biểu cho chủ nghĩa Phản Khuyến Sinh (anti-natalism), một góc nhỏ của triết học hiện đại, đặt ra một ý tưởng: Nếu cuộc đời này vốn là bể khổ, thì liệu sự tồn tại có thật sự là hạnh phúc hơn việc chưa bao giờ từng sinh ra?  Đây là một vấn đề rất tế nhị, vì quan điểm của nó đi ngược lại xung lực sinh học cơ bản của chúng ta (sinh sản là để duy trì giống nòi, sự tiếp nối), nhưng cũng là điều rất đáng để lưu tâm, vì nó đi đến tận cùng một câu hỏi triết học nhức nhối: Cuộc đời này có đáng sống hay không?

Có lẽ tôi sẽ không đi sâu vào vấn đề là quyền được sinh ra trên đời có nằm trong những quyền tự do cơ bản của con người hay không, vì khi bố mẹ ta mới gặp nhau, chưa có cái tế bào nào của chúng ta đã thành hình để mà mở miệng phản đối hết. Hãy nhìn vào cuộc đời của mỗi chúng ta, nếu mỗi chúng ta đều sống đến thất thập cổ lai hy, ta có ít nhất 25.000 ngày sống trên đời, và đó là những ngày buồn vui thì đan xen lẫn nhau. Tuy nhiên, bộ não con người thì rất đặc biệt, luôn tập trung vào những điều tiêu cực (thứ tàn dư từ thời tiền sử khi ta phải biết lo lắng và sợ hãi để tồn tại) và không bao giờ có thể đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu. Bác sĩ có thể chỉ cho ta hàng tá các cơn đau mãn tính có thể xảy ra với cơ thể của ta, nhưng tôi đố bạn tìm được một niềm vui mãn tính nào đấy (kể cả tình dục, cùng lắm là vài phút thăng hoa).
Cuộc sống của chúng ta ở thế giới hiện đại có những khía cạnh tồi tệ không, có chứ, tôi có thể kể hàng ngàn, hàng vạn: chiến tranh, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, suy đồi đạo đức, thảm hoạ thiên tai… Con người hiện đại thì chịu đủ mọi loại áp lực từ gia đình đến xã hội, từ cơm áo gạo tiền đến tâm lý tình cảm, và “một cuộc đời đáng sống” là một khái niệm mà chẳng mấy ai dám tự tin để định nghĩa. Về khía cạnh tác động mà mỗi kiếp sống của chúng ta đến môi trường sống thì sao, chưa tính đến thứ chúng ta tiêu thụ, săn bắt và huỷ diệt để sinh tồn, chỉ riêng thứ chúng ta thải ra thiên nhiên đã là con số cao ngất người. Theo thống kê, lượng rác thải sinh hoạt ở riêng Việt Nam đã lên tới trên 27 triệu tấn/năm và tăng 5% mỗi năm, mỗi người dân đô thị thải 1,6 kg rác/ngày, mức tiêu thụ nhựa tăng hơn 10 lần sau 25 năm… Hành tinh Sao Hoả nếu có suy nghĩ chắc phải thầm cảm thấy may mắn khi một cục thiên thạch từ nhiều năm về trước đã giúp nó không phải phát sinh một mầm sống nào, không như ông bạn hàng xóm đen đủi cùng hệ Mặt Trời. Nói đơn giản là, cuộc đời này tồi tệ nhiều hơn phần đông mọi người tưởng, song vẫn có những thế lực mạnh mẽ ủng hộ cuộc sống này, ngay cả khi cuộc đời vốn đã kinh khủng. Quả thực, người ta có thể đang sống cuộc đời chẳng đáng để bắt đầu sống, mà không nhận ra đây là sự thật.
Về khía cạnh tinh thần, với những người theo Phật giáo (thật may mắn là một giáo phái rất hưng thịnh ở Việt Nam) có lẽ là số ít luận điểm có thể bao quát vấn đề và giải toả được cho chủ nghĩa phản khuyến sinh, họ tin rằng cuộc đời là bể khổ, là cõi Sa Bà của Đức Phật Như Lai, chúng ta bị che mắt bởi sự vô minh nên không nhìn ra lẽ vô thường của cuộc sống, chúng ta chỉ mải chăm chú vào khoái lạc, từ đó bị đánh lừa và không thể hài lòng với những gì đang có. Các pháp môn tu hành của Phật giáo đều đi đến mục tiêu diệt trừ cái sự vô minh này để đạt được sự thăng hoa về tinh thần, giúp cho con người thản nhiên chấp nhận và cảm thấy thoải mái trong cái bể khổ “vô biên” này. Chắc nhờ những tư tưởng thế này, mà những quốc gia có người theo Phật giáo chiếm đa số lại thường lọt top những quốc gia lạc quan nhất Thế giới. Nhưng những Phật tử sẽ nghĩ thế nào khi chủ nghĩa phản khuyến sinh chỉ ra có những cuộc đời có khởi đầu tệ hại một cách vô cớ. Liệu có thực sự cần thiết không khi những đứa trẻ sinh ra đã mắc dị tật bẩm sinh, hàng ngàn người chết đói mỗi ngày vì thiên tai nhân hoạ dù đã vật lộn mưu sinh, và những người bị bệnh nan y đến từ khiếm khuyết của gen đang phải chịu đựng cơn đau đớn cùng cực? Chúng ta có thực sự cần phải chịu đựng khổ đau để tận hưởng niềm vui? Liệu có giáo lý nào có thể khai thông tư tưởng cho những kiếp sống lầm than đó? Phật tử sẽ giải thích đó là do Nghiệp báo tiền kiếp, nhưng có cách nào để tránh không? Và chủ nghĩa phản khuyến sinh lại phải giơ tay một cách mạnh mẽ rồi.
Tôi không muốn áp đặt bài viết này theo những suy nghĩ chủ quan về tính ưu việt của chủ nghĩa phản khuyến sinh nữa, cá nhân tôi tin rằng sự sống, sự tồn tại của mỗi chúng ta trên đời đều có một lý do nào đó, và một cuộc sống dù không may mắn thì cũng là một cuộc sống có màu sắc riêng, chủ nghĩa phản khuyến sinh không nên bị đánh giá là tư tưởng của những kẻ coi thường sự sống hay những sinh linh mà nó đang đại diện, nó là một góc nhìn tương phản để ta soi chiếu sự tồn tại của bản thân một cách triệt để, nhằm nhận ra chân giá trị của sự sống. Cái mà Phật giáo có thể giúp bạn và tôi đó là xoá mờ những định kiến để ta chấp nhận một cách “dịu dàng, bình tĩnh, vô tư” về sự thật khắc nghiệt là mình đã được sinh ra, và không còn cách nào khác là phải chọn lựa một cách sống sao cho xứng đáng với cuộc đời này nhất!
Minh Hiếu
24/02/2021.