Các lãnh đạo tinh thần cùng nhau gìn giữ thế giới hòa bình.
Đầu thế kỷ 19, Samuel Slater sao chép công nghệ dệt vải từ Anh mang về Mỹ. Sau Thế chiến II, người Mỹ thấy buồn cười khi thường xuyên thấy cảnh thương nhân Nhật đi tour trong nhà máy ở Mỹ mà cứ cầm cái máy ảnh cồng kềnh theo. Thời gian bằng bẵng trôi đi. Ở Anh, Slater bị gọi là kẻ phản bội nhưng ở Mỹ ông được coi là ông tổ của cách mạng công nghiệp. Còn người Nhật thì đã học tập được công nghệ Mỹ áp dụng vào sản xuất trở thành siêu cường kinh tế thứ hai trong hàng thập kỷ. Ngày nay người Mỹ không còn cười nữa và hiếm ai dám cho một thanh niên Nhật ất ơ nào vào thăm tour nhà máy. Chính phủ Mỹ cũng đã ban hành một loạt sắc lệnh cấm chuyên gia nước ngoài tiếp xúc với công nghệ mật, nhưng giờ không nhằm vào người Nhật mà vào người gốc Trung.
Những đứa trẻ công nhân trong thời kỳ cách mạng công nghiệp chụp bởi Catawba Cotton Mill. Newton, N.C., 12/21/1908, (National Archives Identifier 523141).
Trung Quốc có lẽ là một dẫn chứng tiêu biểu của sự ham học hỏi công nghệ và đã phát triển một cách thần tốc. Khoan nói về khía cạnh đạo đức, vậy đạo ý tưởng hay nói rộng hơn là sao chép có phải là điều nên làm?
Ít nhất thì đó là cách mà thế giới đã vận hành trong hơn một trăm năm công nghiệp hóa theo kết luận của Lester C. Thurow trong cuốn Needed: A New System of Intellectual Property Rights (xuất bản bởi Harvard Business School Review năm 1970). Tác giả cho rằng khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển ngày càng lớn cho nên đây là cách duy nhất để các nước nghèo có cơ hội bắt kịp thời đại. Theo góc nhìn chủ quan và khách quan thì điều này chưa hẳn là xấu, ít nhất là đối với dân chúng của quốc gia đang sao chép công nghệ.
Đặt trên hệ quy chiếu ở Việt Nam thì đạo idea là một cách thức chiến lược trong khuôn khổ đề xuất "đi tắt đón đầu" mà Đảng và chính phủ đã đề ra từ lâu. Cách đây vài năm đã lùm xùm một câu chuyện rằng Samsung vẫn phải nhập khẩu từng nguyên vật liệu từ nước ngoài vì nước ta không ai đủ khả năng sản xuất được một con ốc vít theo tiêu chuẩn quốc tế. Vậy giải pháp là gì? Xây dựng một nhà máy nghiên cứu từ đầu để làm hợp kim rồi thử nghiệm hàng ngàn mẫu thiết kế ốc vít với tỉ lệ khác nhau trong các môi trường khác nhau tương ứng với các khung hàng hóa khác nhau và ti tỉ điều kiện khác. Hay đơn giản là đi hỏi Samsung xem bình thường anh nhập ốc vít từ đâu, cho chúng tôi xem để chúng tôi "làm cho giống". Tôi không có tư liệu để khẳng định và không rõ rằng Samsung đã chính thức lựa chọn nhà thầu nội địa chưa nhưng cầm trên tay S21 Ultra đời mới nhất cùng sạc và tai nghe có dòng chữ Made In Vietnam thì phần nào đã có câu trả lời.

Kickin' The Bucket: 12 Outrageous Fake KFC Restaurants | Urbanist
Sức mạnh sao chép của Trung Quốc.

Sao chép công nghệ không xấu nếu như nước ta chưa thể làm ra công nghệ đó cho nên việc hùa vào chỉ trích rằng doanh nghiệp Bphone đi đạo Iphone, doanh nghiệp Vcar đi copy công nghệ Đức là một sự thiển cận. Anh béo láng giềng thừa biết nước họ ăn cắp công nghệ nên thậm chí còn mạnh dạn quảng bá một số mẫu điện thoại là Apple Trung Quốc, rồi Nike Trung Quốc, rồi KFC Trung Quốc. Gọi là ăn cắp hơi quá nên tôi sẽ nói giảm nói tránh thành sao chép y hệt. Rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã được sao chép y hệt thành một phiên bản riêng tại đại lục. Người dân Trung Quốc có lẽ là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất khi vừa có được công nghệ mới nhất, vừa phải chỉ bỏ ra một khoản tiền bằng một phần mười. Tất nhiên sẽ có nhiều lỗi phát sinh, có nhiều sự cố xảy ra nhưng họ sẽ học hỏi và hoàn thiện sản phẩm dần để bảo vệ người tiêu dùng nội địa. Sao chép y nguyên thôi sẽ không thể giúp một sản phẩm nhái đứng vững trên thương trường, song song với đó cần phải kết hợp problem-solving và một chút R&D để phù hợp với môi trường sở tại. Ví dụ cơ thể người châu Á thấp bé hơn người da trắng thì size áo phải nhỏ hơn tương xứng để phù hợp. Người châu Á thích selfie hơn là chụp phong cảnh cho nên phải tăng cường đầu tư để hoàn thiện camera cũng như AI cho camera mặc dù phần khung nền vẫn giống với sản phẩm quốc tế. Có thể nói Trung Quốc đã dần vượt qua được giai đoạn chỉ ăn cắp mà hiện tại họ còn tự phát triển sản phẩm riêng. Một số đã đi trước cả đối thủ mà họ từng sao chép trong quá khứ. Tôi sẽ không đi sâu vào câu chuyện Huawei và Tiktok để tránh lạc đề.
Nhìn chung thì đạo nhái không xấu nếu như giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Cho nên ngay cả trong nghiên cứu khoa học vài năm nay, yêu cầu về tính mới và tính sáng tạo trong các nghiên cứu không còn quá khắt khe như trước. Thay vì phải độc nhất vô nhị trên thế giới chưa ai làm, thì bây giờ đã có thể thêm một cụm từ rằng ở Việt Nam chưa có nhóm nghiên cứu nào theo đuổi, hoặc hiện vẫn chưa có nhiều nhà khoa học công bố về mảng này ở Việt Nam. Từ lâu, sự cực đoan trong quy trình nghiệm thu tính mới của các đề tài cấp quốc gia đã giảm dần và tỉ lệ thuận với sự cấp thiết cho cuộc sống của người dân nhưng sự cực đoan trong nhận thức để đánh giá một sản phẩm không mới vẫn còn quá tiêu cực. Công chúng khi chỉ cần thấy một sản phẩm y hệt hoặc gần giống ở nước khác là bắt đầu quay ra tẩy chay nhà sản xuất, người mà đã đầu tư bao nhiêu tiền để mang về thị trường Việt. Điều này cho thấy không hẳn là người Việt chúng ta có đạo đức quá cao về việc bảo vệ chất xám gốc, cho dù ở ngoài lãnh thổ mà còn cho thấy một sự tự mãn quá sức tưởng tượng, tức là cho rằng người Việt là giỏi nhất thế giới. Một cái bất kỳ gì kỹ sư Việt làm ra cũng đều nhằm mục đích giải cứu thế giới. Tâm lý tự sướng kiểu đưa gà nòi đi thi quốc tế giật huy chương dạng này đã ăn sâu bén rễ từ lâu theo cách mà nhà đài tuyên truyền trên lối mòn của bộ giáo dục. Đây là một chủ đề khác mà tôi cũng không tiện bàn ở đây mà dành cho một dịp khác.
Rất nhiều yếu tố từ xã hội, chính trị và văn hóa đã ảnh hưởng tới nhận thức rằng mọi thứ sao chép đều là xấu xa. Sự tiêu cực kiểu này không chỉ khiến doanh nghiệp chùn bước đầu tư để phát triển sản phẩm phù hợp thị trường nội địa mà còn cổ vũ họ nên bỏ cả mớ tiền đi mua hẳn đồ từ nước ngoài về cho nhanh. Cần gì phải đầu tư mới vừa tốn tiền vừa bị chửi, thà cứ order từ biển về, đắt hơn một tí thì phí do người tiêu dùng gánh. Có lỗi thì đổ vấy sang cho bên sản xuất mình chỉ là trung gian phân phối thôi. Tư duy ỷ lại kiểu này khiến cho rất nhiều nguyên vật liệu thiết yếu cho cuộc sống như hóa chất cơ bản (monomer để làm polymer, sợi carbon, hợp kim thép cao cấp, ...), phân bón vi lượng, chế phẩm y tế và vân vân đều phải nhập ngoài, phần lớn là ngay từ Trung Quốc. Để có thể hình dung cụ thể hơn ảnh hưởng của sự ỷ lại thì có thể lấy ví dụ từ nhựa PLA, là một trong những nhựa phổ biến nhất của công nghệ in 3D. Đa số PLA hiện tại đều nhập từ Trung Quốc không phải là vì người Việt không có công nghệ làm mà bởi hai thành phần chính để làm ra nhựa này đều không có xưởng sản xuất từ quặng tại Việt Nam. Nói nôm na ra là cái bánh mỳ thì không khó làm nhưng bột làm bánh và nước sạch để trộn thì không có sẵn nhà cung ứng tại Việt Nam bởi vì họ quen mua luôn cả tấn bột từ anh bạn láng giềng rồi. Giá rẻ, tiện lợi lại ổn định. Để rồi khi xảy ra căng thẳng thương mại, đối phương có thể tận dụng mức độ phụ thuộc mà ra lệnh cấm vận. Bài học quốc tế có quá nhiều để hiểu rằng chúng ta mua được xe tăng không có nghĩa là dừng nghiên cứu cách làm một cái xe tăng cho dù cái xe tăng không hề là vật gì mới mẻ. Cho dù Mỹ có làm được xe đi trên sao Hỏa đi chăng nữa thì người Việt vẫn phải cặm cụi làm cho bằng được cái xe gỗ từ đèn ông sao. Đó là lý do tại sao mặc dù tên lửa tự chế của nước ta hiện tại chỉ bắn được vài trăm mét nhưng hàng năm bộ Quốc Phòng vẫn chi hàng trăm tỷ để cải tiến. Hãy nhìn Triều Tiên và học tập.
Online Enforcement Index Aims To Aid Patent Filing Decisions - Intellectual  Property Watch
Bản đồ về sự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới (màu đỏ: rất kém cho tới màu xanh: rất tốt)
Tóm lại, để tránh đẩy câu chuyện đi quá xa với nhiều vấn đề được mở rộng, nhìn chung thì đạo nhái là một điều cần thiết cho quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam. Đạo nhái không xấu nếu chúng ta biết cách tận dụng có chừng mực. Vấn đề đạo nhái cũng nên được công chúng có cái nhìn thoáng hơn để chúng ta có xe đẹp hơn để đi, có đồ đẹp hơn để diện, có bài hát hay hơn để nghe và có điện thoại xịn hơn để selfie cho lung linh. Tuy nhiên, bao dung cho đạo nhái không đồng nghĩa với tẩy trắng vấn đề vi phạm bản quyền hay nói cách khác, tôn trọng chất xám gốc vẫn cần phải được tuyên dương. Ăn cắp thì nói là ăn cắp, đạo nhái thì nên thừa nhận đạo nhái chứ tự vỗ ngực ta đây sáng tạo thì chắc chắn dư luận sẽ không để yên. Các công ty cần phải thông minh hơn trong cách marketing để tránh tự bẫy drama khi mà sản phẩm làm ra còn ít tính mới. Bài toán cân bằng để giữ cán cân phát triển kinh tế sẽ dành cho Chính Phủ giải, còn người dân có lẽ chỉ cần bao dung hơn với vấn đề đạo idea. 
Điều này cũng rất phù hợp với nhiều tôn giáo vì họ đều đã dạy rằng vì một cuộc sống hạnh phúc, con người ta cần bao dung hơn. Trong cuốn sách Cho đất nước đi lên, Thích Nhất Hạnh cũng dành khá nhiều tâm tư để nói về sự bao dung là đáng trân quý. Song, bao dung thế nào sẽ là một câu hỏi khó, tôi chỉ biết rằng nó sẽ là một tiêu chuẩn kép. Nhưng ít nhất nó là kép chứ không chỉ phiến diện theo một hướng tẩy chay. Tùy vào hệ quy chiếu mà có thể thành anh hùng hoặc kẻ phản bội như trường hợp của Slater nêu trên. Nhưng cái đáng nói ở đây là ở Việt Nam, Slater không có cơ hội để được tôn vinh. Vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở sự kỳ thị khó hiểu của người dân mình. Ở trên tôi quy cho nằm ở sự tự mãn quá cao và do cách giáo dục cứng nhắc nhưng có lẽ vẫn không hẳn. Đôi khi nó đơn giản nằm ở văn hóa dìm hàng hay nói cách khác là không cần biết đúng sai, việc đầu tiên là lôi nó xuống bùn cùng mình cái đã. Nếu là ở lý do đầu thì có thể tìm phương án nâng cao dân trí, còn nếu nằm ở ý thứ hai thì e rằng sẽ mất rất nhiều thời gian để điều chỉnh ý thức hệ.

Do vậy, tôi không dám tin rằng chúng ta chính là siêu nhân đích thực đi giải cứu thế giới bởi đồng hành với Vinaman, liệu Superman gốc có phải lấy cảm hứng từ người hùng Đăm Săn?



*Lester C. Thurow tốt nghiệp tiến sĩ xuất sắc từ đại học Harvard, là cựu hiệu trưởng của trường MIT Sloan và tác giả của rất nhiều sách và báo cáo kinh tế nổi tiếng.


nếu bạn có ý kiến khác hay cần thêm thông tin thì đừng ngại để lại bình luận nha. theo dõi và ủng hộ thêm cho Mặt Nạ Mật tại fb.com/mr.dracupid