Nếu như bạn đang gặp khó khăn trong cuộc sống, bạn sẽ làm gì ?. Có người sẽ giữ cho riêng mình, có người sẽ đọc sách self help, có người sẽ đi trút giận lên người khác, và cũng có người sẽ tìm ai đó để tâm sự. Trong bài viết này, mình sẽ chỉ đề cập sâu hơn tới trường hợp cuối cùng.
Ảnh này không có ý nghĩa nào liên quan đến bài viết đâu, thấy hay nên bỏ vào thôi :)))
Đọc thêm:
Đầu tiên, chúng ta sẽ phải xác định thế nào là nỗi khổ đã. Chắc chắn mỗi người sẽ có định nghĩa riêng thế nào là khổ. Đối với mình, nỗi khổ là khi một sự việc, một cảm xúc hay một sự tác động nào đó ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, thể chất và cuộc sống của bạn. 
Lý do mà mình đề cập về việc tâm sự nỗi khổ của mình với người khác là bởi vì mình nhận thấy, trong quá trình phát triển của một con người, chúng ta có xu hướng khép mình và giữ những nỗi khổ trong lòng cho đến lúc chúng ta giải quyết được chúng, thay vì tâm sự với người khác như ở độ tuổi đang trưởng thành. Lý do thì chắc ai cũng biết, vì chúng ta chẳng muốn ai lo lắng cho mình cả. Nhưng không có nghĩa tâm sự với người khác sẽ giải quyết được vấn đề của bạn, kể cả về mặt suy nghĩ.
Hãy tưởng tượng một cuộc trò chuyện điển hình khi bạn tâm sự nỗi khổ của mình với người khác. Khả năng cao sau khi bạn nói ra vấn đề của mình, bạn sẽ nhận được câu trả lời như : "Ui dời, lo gì, anh/chị/bố/mẹ ngày xưa còn khổ hơn mày nhiều". Đó có lẽ là một câu trả lời hết sức bình thường cho đến khi bạn nghĩ lại lần nữa. Tại sao họ lại phải so sánh nỗi khổ của họ với người khác ?
1. Sự an ủi
Có một điều mà chúng ta rất hay ngộ nhận đó chính là việc khi chúng ta đã trải qua một khó khăn gì đó, cách chúng ta cảm nhận về nó cũng sẽ là cách mà người khác cảm nhận về nó. Về mặt mục đích, họ có ý tốt, họ cho rằng việc nêu ra trường hợp của mình sẽ khiến người khác có thêm động lực để vượt qua nó. Nhưng khả năng rất cao nó sẽ gây ra tác dụng phụ. Lý do là vì cùng một sự khó khăn, chúng ta chưa xét đến yếu tố ngoại cảnh khác (thời điểm, hoàn cảnh, sức chịu đựng và sự tác động). Ví dụ : khi đi đá bóng, chúng ta bị chấn thương, có thể là cùng một vị trí, nhưng không có nghĩa thời gian hồi phục và giải quyết chấn thương đó sẽ giống nhau. Chúng ta không biết được, sự tác động dẫn đến chấn thương có giống nhau hay không, mạnh hay nhẹ, hoàn cảnh là ở phút 15 hay là phút 90, và trước khi xảy ra chấn thương đó, họ có bị thương ở vị trí gần đó không. Và khi tiếp nhận ý kiến của người, chúng ta vô tình tạo ra một áp lực rằng nếu như chúng ta không vượt qua được giống như họ, thì chúng ta là kẻ tệ hại hơn.
2. Sự "tốt hơn"
Khi mà chúng ta tâm sự nỗi khổ của mình với người khác, khả năng cao chúng ta vẫn chưa giải quyết được vấn đề đó. Và khi những người nghe tâm sự nói ra việc họ đã giải quyết nó như thế nào, điều đó sẽ khiến họ sẽ cảm thấy tốt hơn về bản thân, ít nhất về việc họ đã từng vượt qua được những khó khăn đó. Có thể trong thâm tâm họ không thực sự nghĩ như vậy, mà nó chỉ là bản năng tự nhiên mà thôi. Nhưng họ không biết được, liệu điều đó sẽ ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực tới người khác, vì họ không thực sự ở trong hoàn cảnh đó. Và nó sẽ rất tệ nếu như những người đi tâm sự không học hỏi được gì từ trường hợp của những người đi trước, mà còn biến nó thành sự tự ti và so sánh độc hại. Nếu như có ai đó tâm sự nỗi khổ của họ với bạn, hãy thực sự cẩn thận nếu như bạn có ý định lấy trường hợp của chính mình để so sánh với người khác.
Đọc thêm:
3. Sự xác nhận
Chúng ta đều ít nhất đã từng trải qua thứ gì đó khó khăn trong cuộc sống, khó khăn đến mức mà tưởng như sẽ không vượt qua được, nhưng bằng một cách nào đó, chúng ta vẫn sẽ vượt qua. Điều đó không có nghĩa là bạn hiểu được 100% khó khăn của bạn. Nhưng nếu như có một người đến và kể cho bạn trường hợp tương tự, bạn sẽ hiểu rằng : "À, thì ra mình không phải là thằng duy nhất". Và khi đã xác nhận được việc những nỗi khổ của bạn không phải là trường hợp đầu tiên, bạn cũng sẽ cho rằng cách giải quyết của bạn sẽ áp dụng được cho người khác. Trong trường hợp này, không chỉ những người tâm sự mà những người được nghe tâm sự cũng được cung cấp thêm thông tin. Nhưng cách giải quyết vấn đề đa phần sẽ khá là chủ quan, vì chỉ cần một chi tiết nhỏ mà những người tâm sự không kể cũng sẽ khiến cách giải quyết mà bạn đưa ra cho họ thành thảm hoạ. Nó giống như sách self help vậy, mức độ nghiêm trọng của sự việc sẽ khác nhau, nên cách giải quyết cũng không thể giống nhau được. 
Vậy vì sao chúng ta nên dừng việc so sánh những nỗi khổ với nhau ?
Chúng ta thường đi tâm sự với những người lớn hơn chúng ta nhiều tuổi (không phải như kiểu ông bà hay cô dì chú bác đâu nhá, mà là những anh chị đi trước ấy), vì nếu như bạn tâm sự với những người bằng tuổi thì khả năng những người đó cũng chẳng hiểu gì về nỗi khổ của bạn cả. Nhưng không có nghĩa những người lớn hơn bạn một con giáp sẽ hiểu được điều đó. Sự khác nhau về mặt thế hệ là khá lớn vì sự thay đổi về mặt công nghệ, môi trường sống, và thời điểm nó xảy ra. Theo quan sát của mình, phần đông những người đi trước hiện tại khá là "hời hợt" khi lắng nghe tâm sự của của con em họ. Không phải là vì họ vô tâm, chỉ đơn giản họ không thể đặt trường hợp của họ vào bạn, dù cho bạn có miêu tả cho họ rõ tới đâu. Cái gì cũng thế, bạn chỉ hiểu khi bạn đã từng trải qua nó. Và phần đông các bạn trẻ hiện tại sẽ cố gắng tìm những hội nhóm tâm sự qua mạng. Sẽ thật may mắn nếu như bạn tìm được ai đó lắng nghe bạn (vì bạn cũng thực sự chỉ cần như thế). Nhưng sẽ có nhưng thành phần sẵn sàng sỉ vả bạn, nhục mạ bạn, vì điều đó sẽ khiến họ thấy tốt hơn. Lý do có thể là vì họ cũng có những nỗi khổ mà không nói được với ai. Nếu như bạn muốn hiểu thêm về định kiến đám đông thì có thể xem ở đây :
Đọc thêm:
KẾT :
Cho dù bạn là ai, là người được nghe tâm sự, hay người đi tâm sự, hãy cẩn trọng khi bạn tiếp nhận hay truyền đạt bất cứ thông tin gì. Gửi những bạn đang cố gắng đi tìm người để tâm sự, các bạn đừng bao giờ thấy buồn hay thất vọng vì cho rằng bạn quá yếu đuối vì không thể giải quyết vấn đề của mình giống như người khác. Khả năng cao những người nghe tâm sự của bạn, họ cũng có những nỗi khổ mà chưa thể giải quyết, và những kinh nghiệm của họ chưa chắc đã áp dụng được với bạn. Sự thông minh, thể chất, sức chịu đựng đương nhiên có thể cải thiện, nhưng mỗi người vẫn sẽ có giới hạn của riêng mình. Đừng vì những lời nói của những người chưa chắc đã biết gì về bạn mà phải gây áp lực cho chính mình (vì nó thực sự không đáng). Những người đưa ra sự so sánh của mình với người khác cũng vậy, đôi lúc bạn thực sự không cần làm gì nhiều, chưa chắc họ cần bạn thấu hiểu họ, có thể họ chỉ cần một người chịu nghe họ nói mà thôi. Mình biết có thể bạn chỉ muốn tốt cho họ, nhưng có thể vì một lời bạn nói, nó có thể sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của một người khác, nhưng việc nó tích cực hay tiêu cực, bạn sẽ không bao giờ biết được. Hãy cố gắng chú ý vào cách mà bạn đối xử với người khác. Không phải lúc nào nhiệt tình quá cũng tốt đâu. Tử tế nhưng cũng cần phải tinh tế !
Nội dung bài viết có tham khảo từ :