Ông bố luôn thiệt thòi của tớ

Bố tớ cực kỳ ít khi kể về tuổi thơ, nhưng một khi đã kể thì toàn lặp lại. Và thường chỉ có hai kiểu. Kiểu thứ nhất là những chuyện vui, hầu hết liên quan tới ngày xưa ông nội nấu ăn ngon lắm. Gần Tết đem gom hết tem phiếu mua được ít thịt với nếp, ông nội đem về gói bánh chưng mặn lẫn bánh ngọt, còn tự làm cả giò chả hoành tráng. Tới giờ bố vẫn không tìm lại nổi thứ hương vị ấy, dù năm nào tớ cũng thấy bố khen bánh lần này ngon, giò gói rất ưng ý. Thế nhưng ánh mắt ông chẳng hề lấp lánh giống mỗi khi kể chuyện. Hoặc có thể đâu phải vì đói khổ mọi thứ ăn ngon hơn, mà đơn giản vì thời đó bố còn ông nội chẳng hạn.
Kiểu thứ hai là những chuyện xám xịt, điển hình của một tuổi thơ nghèo mà chắc ở thế hệ ấy đầy rẫy. Nhưng trong mặt bằng chung bọn trẻ nhà nghèo, tớ cứ cảm thấy bố lùi lại ở đằng sau. Vì ông đâu chỉ nghèo, ông còn đáng thương và oan ức. Nói vậy thôi chứ các tình tiết không phức tạp gì. Tớ có thể liệt kê theo thứ tự: Ông bỏ học từ năm lớp 7, ở nhà phụ mẹ và chị nuôi em. Những điều bố tự hào nhất bao gồm: cùng người lớn trong nhà đi đánh dậm, bắt cá, tuốt lúa, quét vôi ve, làm nhà và tuyệt nhiên - không cho phép một đứa em nào bỏ học - miễn là chúng còn khả năng đi học. Hàng ngàn lần bố lặp đi lặp lại câu chuyện ấy, đến mức mỗi khi bố chuẩn bị kể là mẹ biết cách gạt phăng đi. Bà chẳng hiểu sao ông mãi ôm thứ ký ức đâu còn làm ra đồng tiền bát gạo gì nữa, cũng đâu có vẻ vang tự hào. Người ta khoe nhà khoe xe khi gặp gỡ, bố chỉ khoe về quá khứ ướt nhèm cái đói, ruộng đồng cùng đêm đông. Ngay cả sau này, khi tiếp tục chuyện học rồi kiếm được một công việc nhàn hạ tại chốn văn phòng, ánh mắt bố vẫn luôn thấy màu bùn đất. Cái màu ấy khiến tớ thấy mình thân thuộc hơn với cỏ cây, vườn tược, cánh đồng và chắc nó cũng ám lên người cháu tớ sau này.
Thế nhưng tớ luôn thấy tuổi thơ của bố rất bất công. Bà nội có 9 người con, bố là thứ 4 cơ mà phải lo toan nhiều nhất. Khoảng cách tuổi tác khá lớn, hồi bố thiếu niên thì bác trưởng đã mất, bác thứ 2 đi bộ đội xa nhà. Chị gái trên bố cũng nghỉ học từ sớm để lo phụ mẹ nuôi em, rồi thêm chút nữa thì bác đi lấy chồng. Bố cùng bà nội gánh vác những gì còn lại, thế nhưng sao tớ luôn thấy bà không thương bố bằng các anh chị em khác. “Hồi xưa đi học về mà không ra đồng đánh dậm thì chết với bà” - bố nói chẳng kèm oán hận, nhưng tớ biết bà chì chiết hơn thế nhiều. Bà cũng chưa một lần hỏi bố còn muốn học tiếp không. Bà kể từng chạy vạy vay nợ lo tiền ăn sáng cho cô chú xa nhà nhưng lại thẳng tay cắt phăng tiền học của bố. Ngày bố vào bộ đội, mình bà ở nhà lo toan. Hồi đó đáng ra bố được cử đi học và đào tạo để trở thành quân y - đúng con đường mà ông yêu thích. Thứ tương lai sáng ngời ở trước mặt, thế nhưng ông lại quay đầu chạy một mạch về nhà. Vì bà.
Sau này bắt đầu có nhận thức, tớ càng cảm thấy bà đối xử với bố bất công. Nếu trong nhà có chuyện gì người đầu tiên bà mặt nặng mày nhẹ là bố. Nếu cần đo huyết áp, người đầu tiên bà gọi là bố. Nếu bị ốm, người bà làm nũng cũng là bố. Nếu có khách tới thăm, bà luôn kể bản thân cô đơn và “đếm ngày đợi ông đón” trong khi hồi chưa về sống với bác lớn, bố chẳng để bà thiếu thốn bất kỳ điều gì. Bà ở riêng một gian nhà khác, bố trả hết sinh hoạt phí nên bà để điện cả đêm chẳng tắt cũng được. Thời gian đầu ở nhà bác, bà tiết kiệm tới nỗi không dám bật quạt ban ngày. Các anh em họ khác khi chào đời bà đến nhà ngủ trông nom mấy đêm, riêng anh em tớ thì không. Các thông gia khác đau ốm, hiếu hỉ hay lễ lạt bà đều giục con cái thăm hỏi cho tròn đạo lý, riêng bà ngoại sang cát thì bà không hỏi câu nào. Thế nhưng Tết nào, bà ngoại cũng mặc chiếc áo dài tới thăm bà nội. 
Ông-bố-cổ-điển-luôn-thiệt-thòi-của-tớ-nhưng-chẳng-bao-giờ-than
Ông-bố-cổ-điển-luôn-thiệt-thòi-của-tớ-nhưng-chẳng-bao-giờ-than
Chẳng phải bố hay tớ sau này không nhận được sự chăm sóc của bà, chỉ là tớ luôn cảm thấy chưa đủ hoặc ít hơn so với cách bà thương những đứa con khác. Chính bố cũng cảm nhận được điều ấy. Rất nhiều lần tớ tự hỏi sao bà yêu bố theo kiểu kỳ lạ vậy, nhưng hóa ra  đó là cách bà cứu chính mình. 
Từ bé, bố là đứa trẻ duy nhất có thể hiểu được vui - buồn - giận giữ của mẹ, vì các em còn nhỏ quá. Chẳng ai phản ứng với lo lắng và bất an của bà rõ ràng hơn bố, chẳng ai ở lại cạnh bà trong giai đoạn khó khăn lâu như bố, chẳng ai ngoài bố sẵn sàng gửi hết tiền lương cho bà. Thế nên bà ký gửi mọi khắc nghiệt của mình cho bố. Cũng phải thôi, một người phụ nữ đi qua 2 cuộc chiến tranh loạn lạc với 8 đứa con nheo nhóc, buôn đủ thứ nghề để sống mà chẳng cậy nhờ bất kỳ ai. Nếu không chọn dựa dẫm vào người đàn ông khác, bà còn ai làm chỗ dựa để tồn tại ngoài bố đâu? Sự oan ức cuộc đời này quẳng vào bà, bà đã xả lại “thứ rác” độc hại đó lên bố. Thế nhưng bố là chiếc “thùng rác” cực kỳ tròn vai. Tròn vai đến mức tớ bài viết Chúng ta là chiếc thùng rác trái ngược hoàn toàn với bố, bởi ông nhận từ bà một cách vô điều kiện.
Hỏi tớ có oán hận gì bà không? Xin thề là chưa bao giờ. Vì tớ cảm nhận được bố cũng chưa bao giờ. Bố đáng thương và thiệt thòi thật sự, thế nhưng ngay cả khi cãi nhau với mẹ về bà ông cũng đảm bảo 100% rằng đó là sự lựa chọn của anh. Nếu em không chịu được, hãy đứng ngoài. Thế giới trong đứa trẻ của bố chỉ lấy bà là trung tâm, tình yêu của bà lại phải san sẻ cho cả 8 đứa nhỏ. Vì thế nên ông nỗ lực để nhận đủ sự chú ý của mẹ. Sau này, tớ phát hiện ra không phải chỉ mối quan hệ với bà bố mới đóng vai người bị thiệt, mà thật ra trong tất cả các mối quan hệ khác, ông đều thích đóng vai người thiệt thòi hơn. Có lẽ bởi ông cảm thấy giá trị của mình là chỗ được gánh vác và chở che thế giới xung quanh. Chắc bằng cách đấy bố tìm kiếm sự yêu thương. Mẹ tớ từng kể hàng trăm lần về chuyện bố nhường nhịn anh em ra sao, đồng nghiệp hiếm khi tới nhà nhưng lần nào cũng khen bố nhiệt tình và hiền lành. Còn tớ thì chứng kiến cả ngàn lần bố nhường mẹ. Mỗi lần chơi trò tưởng tượng có tiền sẽ làm gì, bố luôn trả lời mười lần như một, cho cô này một tí, bác kia một tí, mua lại phần đất này, xây một căn nhà chung để con cháu lúc nào tới chơi cũng được, cuối cùng sẽ gửi tiết kiệm cho mẹ. Tuyệt nhiên chẳng hề có phần nào cho ông. Trong đời mình, bố tớ đã từng từ bỏ cả những cơ hội thăng chức vì người bên cạnh.
Thế đấy, ngay cả khi được chọn bố cũng mất đi thói quen sống cho mình. Hay liệu rằng sống cho người khác đã trở thành sống cho chính ông?

Hóa ra tớ cũng thích đóng vai bị thiệt

Từ lúc dậy thì, ai hỏi sau này muốn làm gì tớ đều trả lời mỗi lần một kiểu. Nhưng có điều tớ biết rõ, không sống như bố. Ông thầy bói từng phán cuộc đời chú tớ đẹp như ngôi sao, tớ cứ nghe mãi xem ông nói vì về bố mình, liệu bao giờ tớ sẽ hóa thành con gái nhà giàu? Cơ mà không, ông phán chung chung vài câu rồi kết luận xanh chín “Anh này cứ giấu cái gì đó trong lòng”. Tớ biết chắc ông không giấu đứa con riêng nào cả, có chăng là giấu đi cảm xúc và những lần được chọn sống cho mình. Tớ luôn tự nhủ, mỗi lựa chọn của cuộc đời đều phải xuất phát từ chính tớ.
Thế nhưng tớ lại giống ông lúc nào không hay. Dạo gần đây tớ phát hiện ra mình cũng thích tự chọn vào vai “bị thiệt”. Tớ hay lảng tránh hoặc từ chối những người chủ động với mình, bị hút vào nhóm người messing up, kiểu có vấn đề với công việc, mối quan hệ, dùng chất kích thích hay lối sống không lành mạnh lắm chẳng hạn. Khoan, đến đây lại bảo “Bad boy ain’t good, Good boy ain’t fun” đi. Nhưng không, vì ở bên những người đó, cảm giác trở thành người bảo vệ, che chở và sự hy sinh của tớ trỗi dậy ấy. Xin lỗi, nhưng chính là thứ cảm giác mình như “siêu anh hùng cao thượng” vậy. Thậm chí trong mối quan hệ với bạn bè hay người ngoài, nếu có thứ gì cho đi được trong tớ sẽ luôn thôi thúc cho đi. Cơ mà việc cho - nhận của tớ không được tự nhiên như bố, nó có đòi hỏi và mong chờ phản ứng đáp lại của người ngoài. Nếu tớ dành cả đêm nghe ai đó kể chuyện, tớ rất muốn ngay đêm sau người ta hãy trả lại khoảng thời gian tương đương cho những gì tớ kể. Một dạo, tớ tập yêu thích mà chẳng mong đợi gì, cứ thích hết mình rồi thôi. Thế nhưng đầy lần, trong tớ trào lên thứ cảm giác mình là “nạn nhân” và oan ức. Cơ mà sau này, tớ vẫn bị hút vào những mối quan hệ “toxic” kiểu gì ấy. 
Thế nhưng khi nhận ra chuyện mình thích đóng vai “bị thiệt” vì ảnh hưởng bởi bố, tớ không còn cảm thấy đáng sợ. Cả tuổi thơ nhìn cách bố yêu thương mọi người đã dạy tớ cho đi để nhận lại. Không phải tớ thích chạy theo những người fancy hay bad boy, rõ ràng tớ chỉ phản ứng theo cách tiềm thức ghi nhớ. 
Chuyện cho đi chẳng bao giờ thiệt cả nếu chúng mình biết cho đi bao nhiêu là dễ chịu. Dốc hết lòng dạ hay thích ai đấy điên cuồng không còn khiến tớ wow lên ngưỡng mộ vì lãng mạn (ngoại trừ khi xem film và đọc truyện nhé). Bù lại, dạo này tớ hay hỏi bản thân trước khi cho đi rằng: Mình có thấy đủ không? Nếu cho đi mình có tiếc không? Mình có đòi hỏi người khác đáp trả không? Nếu được đáp trả, thứ mình muốn là gì.
Chúc chúng mình cứ vô tư cho đi và hạnh phúc vì chúng mình đã làm thế mà thôi.
Tớ- nhận-ra-không-phải-tớ-bị-anh-hùng-hóa-bản-thân
Tớ- nhận-ra-không-phải-tớ-bị-anh-hùng-hóa-bản-thân
Một bài viết cho ba H cổ điển của tui: 
Bố mình
Chưa từng viết một bức thư
Như trong film gửi cho mẹ.
Bố mình
Có những đêm đi thật khẽ
Uống một viên thuốc đau đầu
Để ngủ sâu và mẹ thôi lo lắng
Những đêm trắng
Bố mình là người đàn ông không véc - tông
Đã đi qua bão giông
Không còn tiếc thương giấc mơ hồi trẻ
Chọn sống quẩn quanh với mẹ
Cãi nhau về những thứ nhỏ nhẹ không đâu
Lái xe bớt ngầu
Viết một câu bằng cách mổ cò trên bàn phím
Người đàn ông không giống trong film
Vẫn đang sống một cuộc đời như điện ảnh
Khổ đau và bất hạnh
Vẫn chống đỡ cho mình
Cho mẹ và cho anh.