Mẹo ghi nhớ tốt hơn (Phần 2)
Tiếp nối phần 1, trong phần này, mình sẽ giới thiệu với các bạn các mẹo để ghi nhớ tốt hơn. Hãy nhớ rằng, trước khi bắt đầu, mình muốn...
Tiếp nối phần 1, trong phần này, mình sẽ giới thiệu với các bạn các mẹo để ghi nhớ tốt hơn. Hãy nhớ rằng, trước khi bắt đầu, mình muốn bạn tin rằng đây là một kỹ năng, mà kỹ năng thì có thể rèn luyện được, nó không quan trọng khi sinh ra bạn có năng khiếu nhớ dai hay như thế nào cả. Chính vì vậy, hãy tự tin là bản thân có thể cải thiện việc ghi nhớ theo thời gian nhé.
1. Cách ghi nhớ tên một ai đó
Mình từng gặp nhiều khó khăn trong việc nhớ tên người lạ, đặc biệt là khi tham gia các trò chơi đội nhóm hay tham dự các sự kiện mà phải gặp gỡ những người lạ. Thông thường, mình khắc phục bằng cách dùng bút để ghi tên từng người vào quyển sổ sau mỗi lần họ giới thiệu tên, nhưng sau đó thì bất cập ở chỗ nếu họ đổi chỗ cho nhau thì mình lại quên béng đi mất.
Để ghi nhớ tên của một người, bạn hãy nắm 2 quy tắc sau:
Thứ nhất, ngay sau khi biết tên người ấy, bạn hãy cố gắng sử dụng tên ấy để giao tiếp thường xuyên sau 48h đầu tiên. Điều này sẽ giúp não bộ bạn ghi nhớ tốt hơn về ấn tượng ban đầu và có thể lưu nó lâu hơn.
Thứ hai, nếu vẫn cảm thấy việc đó là quá khó với bạn, hãy tạo một hình ảnh và gán cho người đó trong đầu. Não của chúng ta rất dễ bị ấn tượng với những gì độc lạ và gây được nhiều cảm xúc. Ví dụ, tôi có người em tên Hiến, trong lần đầu gặp gỡ, tôi thấy em rất hăng hái và luôn cống Hiến trong công việc. Thế là tôi gán một hình ảnh một con người "luôn cống Hiến" cho công việc, thế là lần tới khi gặp cậu, chỉ cần vay mượn lại hình ảnh đó là tôi có thể nhớ được lẫn cả tích cách (có thể dùng để khen ngợi) và tên của cậu ấy nữa.
2. Ghi nhớ danh sách các đồ vật
Thông thường, trong mỗi chuyến đi chơi, chúng ta sẽ có một danh sách dài những thứ cần đem theo. Nhưng sẽ thế nào nếu bạn mất đi tờ giấy danh sách đó, hay điện thoại hết pin dù bạn đã note trước đó. Thì cách để bạn có thể ghi nhớ những đồ vật như vậy, là hãy tạo ra một cuộc phiêu lưu với những thứ đó, gán những đồ vật đó vào mỗi chặng cuộc phiêu lưu. Nhớ là cuộc phiêu lưu phải là nơi bạn thân thuộc, và liệt kê những đồ vật ra, tập một lần sau đó không nhìn vào nó nữa.
Nghe thì hơi khó hiểu một chút đúng không, hãy để mình lấy cho bạn một ví dụ: dưới đây là một vài thứ bạn cần chuẩn bị cho chuyến đi chơi sắp tới: kem dưỡng ẩm, kính mát, sách, gậy seo phì, pin sạc sự phòng. Bây giờ, nếu ngồi mà học thuộc lòng thì rất khó nhớ, hãy tạo một câu chuyện cho nó nào.
Hãy tưởng tượng: " bạn bước vào nhà bạn, vừa vào cửa thì gặp mẹ, bạn liền hỏi mẹ mượn chai "KEM DƯỠNG ẨM" mà mẹ vẫn hay xài, sau đó bố bạn đang nằm võng thì nhắc bạn nhớ lấy "KÍNH MÁT" của bố trên bàn để đi chơi bảo vệ mắt, sau đó bạn bước lên lầu, hỏi em bạn lấy hộ "CỤC PIN SẠC DỰ PHÒNG" trên kệ sách, nó nằm ngay "QUYỂN SÁCH" bạn cần mang theo trả bạn mình".
Chỉ cần làm như vậy, bạn đã có thể nhớ một danh sách những đồ vật rồi đấy, hãy cầm giấy bút ra và thử nhé.
3. Ghi nhớ các con số
Đây hẳn là phần khoai nhất trong các phần, vì con số không dễ dàng gì, nhất là chúng ta có vô vàn các con số cần nhớ như mã PIN, mật khẩu email, số điện thoại chưa kịp note,...
Sẽ có hai cách để ghi nhớ con số, bạn hãy xem cách nào phù hợp nhất và chỉ theo một cách thôi nhé. Đó là ghi nhớ theo hình ảnh và ghi nhớ theo âm thanh.
Ghi nhớ theo hình ảnh: Đây là cách ghi nhớ mà bạn hình ảnh hóa các con số, gán từng con số với từng hình ảnh cụ thể cố định và tạo một câu chuyện cho nó như phương pháp nhớ đồ vật ở trên. Hãy nhớ là bạn hãy gắn hình ảnh mà bạn thấy quen thuộc nhé, ví dụ: 0- quả trứng, 1- cây gậy, 2- con ngỗng,.. cứ như vậy nếu bạn gặp một con số dài ngoẵng, chỉ việc tạo ra một câu chuyện gần gũi kèm theo việc gán các con số ấy vào với nhau. Tất nhiên, khi lục lại các con số thì sẽ mất thời gian một xíu, nhưng bạn đừng lo vì chúng ta đâu có thi thố với ai về thời gian đâu nhỉ. Còn nếu nó thực sự dài để bạn có thể tạo thành một câu chuyện thì hãy chia nhỏ nó ra theo cụm số nhé.
Ghi nhớ theo âm thanh: Đây là cách mà bạn âm thanh hóa các con số theo chữ đồng âm với nó, và tạo thành một câu chuyện, ví dụ: mình muốn ghi nhớ con số sau 937 1029 655, thì các âm mình cần chuyển hóa là chÍN bA bẢY mỘT khÔNG hAI chÍn sÁU nĂM nĂM : bà CHÍN gặp cô Ba chồng bác BẢY MỘT lần mà KHÔNG thấy, lần HAI thì bà CHÍN quyết định MÁU lửa NẰM chờ tới NĂM giờ sáng. Phương pháp này sẽ dễ thở hơn khi bạn chia cụm số ra và có một trí tưởng tượng phong phú, khác so với kiểu ghi nhớ theo hình ảnh là bạn sẽ cố định từng con số với một hình ảnh cố định.
Trên đây là các mẹo để bạn có thể ghi nhớ tốt hơn các con số, chữ cái và đồ vật. Hy vọng chúng sẽ giúp ích bạn trong công việc và cuộc sống, từ những cách trên, bạn hoàn toàn có thể áp dụng để ghi nhớ những ký tự thậm chí phức tạp hơn ví dụ như những dạng mật khẩu vừa bao gồm chữ cái, chữ viết hoa, chữ số và kí tự. Hay là với việc thuyết trình không cần giấy note, bạn có thể bắt đầu bằng việc tìm những TỪ KHÓA CHÍNH => GÁN HÌNH ẢNH CHO NÓ => TẠO NÊN CÂU CHUYỆN TRONG ĐẦU. Hãy áp dụng thử xem sao nhé.
Nguồn: Sách Improving your memory - David Thomas
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất