Sáng qua nghe hung tin rằng chồng của em họ tôi mới mất vì bệnh ung thư. Căn bệnh này không chừa một ai và càng ngày càng phổ biến ở Việt Nam.
Ngày nó thành hôn với em họ tôi, tôi nói nửa thật nửa đùa rằng 'Mày là một anh chàng may mắn, vì em tao là một người xinh đẹp và con cưng của cậu Tư tao.' Nó cười tươi mà không nói gì. Mà, tôi nghĩ nó may mắn thật, bởi em họ tôi hồi đó là một đứa rất đẹp gái. Chắc cậu Tư tôi biết hay sao mà đặt tên cho nó là 'Đẹp'. Em họ tôi lớn lên, học hành, và làm cô giáo. Tôi cũng nghĩ tánh của nó hợp với nghề giáo. Còn thằng em rể cũng là thầy giáo, nó gặp em tôi trong một trường trung học (hay tiểu học) trong quê, và vậy là thương nhau và thành hôn với nhau.
Là thầy giáo, nó có sự tự trọng rất cao, đến độ có thể nói là tự ái. Nó không muốn lệ thuộc ai, không muốn nhận hỗ trợ của ai. Nghỉ dạy học, nó làm thợ mộc; khi không còn làm thợ mộc nó đi làm trong hãng xưởng. Ba tôi lúc sanh tiền rất mến nó và xem như đứa cháu rể có cá tánh. Có tiệc tùng là ba tôi đều kêu nó qua chung vui.
Nhưng tôi thì nó làm khác. Mỗi lần tôi về quê, ngồi nhâm nhi với anh em, tôi hỏi 'Sao không thấy thằng L lại chơi?' Mấy người em nói 'Ảnh không qua đâu, anh phải gọi điện ảnh mới qua'. Hoá ra, nó nghĩ [sai] rằng nếu nó qua chơi nó bị mang tiếng là kiếm quà hay tiền. Trời! Tôi có bao giờ nghĩ như vậy đâu, và trong thực tế vợ chồng nó chưa 1 lần, suốt 40 năm tôi xa nhà, nhờ giúp đỡ gì cả mặc dù tôi biết gia đình nó không khá.
Sau khi nghỉ dạy học, có thời gian nó đi làm thợ hồ, làm công nhân trong hãng làm xuồng composite. Cái thời gian nó làm ở hãng đó làm cho tôi lo lắng, nhưng chưa có dịp nói ra. Nay nghe tin nó qua đời ở tuổi ngoài 60 làm tôi sốc và thương cảm.
Trong y giới, người ta có câu 'Ung thư không chừa một ai', hay 'bất cứ ai cũng có người thân bị ung thư.' Lí do là bệnh khá phổ biến ở người cao tuổi, và bất cứ ai cũng biết bạn bè hay người trong gia đình mắc bệnh ung thư. Câu này cũng đúng với đại gia đình tôi. Lâu lâu, nghe tin người thân mắc bệnh ung thư làm tôi giật mình. Nhưng khi nghe càng nhiều những câu chuyện ung thư thì vấn đề không còn là trong gia đình, dòng họ, mà là cộng đồng.
Bệnh ung thư đang tăng ở Việt Nam
Tại sao tôi nói như vậy? Tại vì tôi và một số em trong nhóm nghiên cứu ở VN đã làm vài nghiên cứu dịch tễ học, và kết quả chỉ ra xu hướng tăng ở gần như tất cả loại ung thư. Tuy nhiên, một hạn chế của dữ liệu là không có theo dõi bệnh nhân xem ai còn ai mất sau khi chẩn đoán và điều trị. Do đó, chưa phân tích được tử vong ở bệnh nhân ung thư ở VN ra sao. Dù vậy, theo Tổ chức Y tế Thế giới thì tỉ lệ tử vong vì ung thư ở VN cao nhứt nhì thế giới!
Nhờ sự giúp đỡ của Bệnh viện Ung bướu Tphcm chúng tôi đã có dữ liệu về ung thư trong thời gian 20 năm qua ở miền Nam. Dựa vào những dữ liệu này, chúng tôi phân tích và công bố một loạt bài báo trên các tập san quốc tế [1-3]. Đây là những phân tích dịch tễ học gần như đầu tiên ở VN.
Bài đầu tiên, chúng tôi tập trung vào ung thư vú, chủ yếu là ở nữ giới. Tỉ lệ mắc ung thư vú trong thời gian 2011-2015 là 107 trên 100,000 người, tăng 70% so với thời gian 1996-2000.
Có nhiều lí do tại sao ung thư tăng, kể cả tiến bộ về chẩn đoán, nhưng tôi nghĩ còn có yếu tố liên quan đến lối sống và môi trường. Rõ ràng là lối sống của người Việt đã thay đổi nhiều trong thời gian trên dưới 50 năm qua. Chúng ta ít vận động thể lực hơn, ăn uống kém lành mạnh hơn, môi trường ô nhiễm hơn, v.v. Tất cả những yếu tố đó làm tăng các bệnh mãn tính, kể cả ung thư.
Yếu tố nào liên quan đến ung thư?
Nhiều người nghĩ rằng ung thư là do di truyền, nhưng điều này không đúng. Đa số ung thư là do yếu tố môi trường, chứ không phải do di truyền. Khi nói 'môi trường' ở đây, tôi muốn nói đến cái mà tiếng Anh gọi là 'environments', môi trường sống và lối sống.
Môi trường sống là những yếu tố liên quan đến môi trường sống, bao gồm phơi nhiễm hóa chất độc hại, ô nhiễm không khí, nhiễm trùng, v.v. Có tất cả 57 hóa chất có thể liên quan đến ung thư. Lối sống ở đây bao gồm thói quen như hút thuốc lá, dùng bia rượu, luyện tập thể lực, thực phẩm ăn uống. Càng ngày càng có nhiều nghiên cứu (khó liệt kê ra hết ở đây) rằng yếu tố môi trường ảnh hưởng đến khoảng 90-95% ca ung thư. Tôi tin rằng chồng em họ tôi là một ca như vậy.
Một nghiên cứu phân tích từ MD Anderson (trung tâm nghiên cứu về ung thư nổi tiếng trên thế giới) liệt kê các yếu tố môi trường 'chịu trách nhiệm' cho khoảng 90-95% ca tử vong vì ung thư như sau [4]:
* hút thuốc lá: 25-30%
* ăn uống: 30-35%
* béo phì: 10-20%
* truyền nhiễm: 15-20%
* bia rượu: 4-6%
* lí do khác: 10-15%
Hút thuốc lá không phải là một yếu tố mới, vì khoa học đã biết đây là yếu tố quan trọng từ thập niên 1960 qua nghiên cứu của Richard Doll và Bradford Hill. Hút thuốc lá là nguyên nhân của 14 loại ung thư. Riêng ung thư phổi, gần 90% là do hút thuốc lá, còn các dạng ung thư khác thì tỉ lệ này dao động từ 25-30%. Chồng em tôi thuộc vào nhóm nguy cơ này: hút thuốc lá.
Thực phẩm chúng ta ăn uống 'chịu trách nhiệm' cho khoảng 30-35% tử vong vì ung thư. Con số này là do nhà dịch tễ học Richard Doll và Richard Peto ước tính. Riêng đối với ung thư ruột, 'chế độ' ăn uống có thể liên quan đến 70% ca bệnh, nhưng chúng ta không biết rõ cơ chế liên quan. Tuy nhiên, các chất có thể gây ung thư như nitrates, nitrosamines, pesticides, and dioxins có trong thực phẩm đóng vai trò "giúp" chúng ta bị ung thư.
Béo phì, ít ai biết rằng, là một yếu tố nguy cơ của ung thư. Theo một nghiên cứu qui mô từ Mĩ thì khoảng 14% tử vong do ung thư ở nam giới và 20% tử vong do ung thư ở nữ giới là có liên quan đến béo phì. Nhưng định nghĩa thế nào là "béo phì" ở người Việt thì không phải là vấn đề dễ dàng, nhưng chúng tôi có một vài đề nghị trước đây.
Các tác nhân truyền nhiễm (infectious agents) cũng là nguyên nhân hay yếu tố liên quan đến ung thư. Một số ung thư như ung thư cổ tử cung chẳng hạn là do truyền nhiễm. Theo ước tính của các chuyên gia ung thư học, khoảng 20% ca ung thư trên thế giới là do các tác nhân truyền nhiễm như HPV, Epstein Barr virus, HIV, HBV, HCV, v.v. Ở các nước như Việt Nam, tỉ lệ ung thư do tác nhân truyền nhiễm có thể cao hơn 20%.
Bia rượu là một yếu tố nguy cơ ung thư, và điều này thì đã được bàn đến khá lâu. Đặc biệt là ung thư thực quản và ung thư đường tiêu hóa nói chung chịu ảnh hưởng từ bia rượu khá nhiều. Khi nói "bia rượu" tôi muốn nói đến uống bia rượu quá nhiều (hủ chìm), tiếng Anh gọi là excessive intakes, chứ không phải loại uống bia rượu bình thường (khoảng 1 li rượu đó mỗi ngày hay một lon bia một ngày). Tuy nhiên, ảnh hưởng của bia rượu đến ung thư thì thấp hơn các yếu tố khác. Theo ước tính từ một nghiên cứu bên Mĩ, khoảng 4% ca ung thư vú là do dùng bia rượu quá nhiều.
"Các yếu tố khác" ở đây có nghĩa là yếu tố ô nhiễm môi trường, hay phơi nhiễm các hóa chất độc hại hàng ngày ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Đó là các những thuốc trừ sâu diệt cỏ, dioxin, carbon particles như PAH, khói thuốc, benzene, butadiene, nitrates, pesticides, organochlorines, thuốc men, và mĩ phẩm mà phụ nữ dùng hàng ngày. Tất cả các yếu tố này "chịu trách nhiệm khoảng 10-15% ca ung thư.
Những dữ liệu tôi tóm lược trên đây hi vọng đã giúp cho các bạn có cái nhìn đầy đủ hơn về các yếu tố gây hay liên quan đến bệnh ung thư. Những thông tin trong bài này nói lên một điểm rất quan trọng là ung thư là một bệnh do yếu tố môi trường là chủ yếu. Ý nghĩa của thông tin này là việc ngăn ngừa ung thư nằm trong mỗi cá nhân chúng ta: thay đổi lối sống cho lành mạnh hơn.
Một cách thay đổi dễ dàng nhất là ngưng hút thuốc lá, giảm liều lượng bia rượu, cố gắng giảm nguy cơ truyền nhiễm, cải thiện môi trường sống, giảm chất béo, và tăng cường ăn uống nhiều trái cây (xem hình). Có một yếu tố chúng ta khó thay đổi, và đó là ô nhiễm môi trường, bởi vì đây là trách nhiệm của Nhà nước. Để cho các công ti kĩ nghệ làm ô nhiễm môi trường và gây bệnh cho cộng đồng dân tộc cũng có thể xem là một cái tội. Bệnh truyền nhiễm tràn lan. Đó cũng là bức tranh chung của nông thôn Việt Nam ngày nay.
Tình hình ô nhiễm môi trường và xuống cấp môi sinh chẳng khác gì quả bom y tế nổ chậm. Nếu không có chiến lược phòng bệnh đúng ngay từ bây giờ thì việc xây dựng thêm bệnh viện hay nhập khẩu máy móc mắc tiền chẳng giải quyết được gì cả, và những người như em rể tôi sẽ còn ra đi ở tuổi mà đáng lẽ vẫn còn cống hiến cho đất nước.
Tài liệu tham khảo:
Trends in incidence and histological pattern of thyroid cancer in Ho Chi Minh City, Vietnam (1996–2015): a population-based study
[2]
Trends in colorectal cancer incidence in Ho Chi Minh City, Vietnam (1996–2015): Joinpoint regression and age–period–cohort analyses
Trends in breast cancer incidence in Ho Chi Minh City 1996-2015: A registry-based study
[4] Preetha Anand, et al. Cancer is a Preventable Disease that Requires Major Lifestyle Changes. Pharm Res. 2008 Sep; 25(9): 2097–2116.