Ảnh mình chụp một bạn rắn hổ chúa ở Thảo Cầm Viên TP. HCM
1.     Danh pháp của rắn hổ chúa là Ophiophagus hannah CANTOR,1836, được mô tả lần đầu bởi T. E. Cantor vào năm 1836. Tên giống (chi) của loài này cấu thành từ hai yếu tố có gốc là tiếng Hy Lạp: "Ophio-", gốc là từ "ὄφις" (ofis, có nghĩa là "con rắn"), và "-phagus", gốc là từ "φαγία" (fagia, có nghĩa là "thức ăn"... và đúng vậy, thức ăn chủ yếu của loài này là các loài rắn khác, từ những loài rắn hổ như hổ mang, cạp nong, cạp nia,... những loài rắn lục như lục đuôi đỏ, chàm quạp, các loài rắn nước cho đến những con trăn nhỏ, chúng vẫn có thể tìm thấy lúc đang ăn những loài thằn lằn lớn (ví dụ như kỳ đà) hay những loài thú có vú nhỏ trong tự nhiên, nhưng không phổ biến.

2.    Rắn hổ chúa KHÔNG PHẢI là một loài rắn hổ mang. Ừ, bạn nghe đúng rồi đấy! Những loài rắn hổ mang thực sự là những loài rắn thuộc giống Hổ mang (thực/thật) Naja LAURENTI, 1768. Ở Việt Nam thì có 3 loài thuộc giống này là hổ mang hoa (hay còn gọi là hổ mang Trung Quốc, hổ mang bành, hổ hoa), hổ đất (hổ mang một mắt kính, hổ phì) và hổ mèo (hổ mang Xiêm, riêng mình thì gọi nó là "đứa ở dơ" vì nó hay khạc nhổ bừa bãi), và cả 3 loài này đều nằm trong menu của con hổ chúa kia. Nhắc đến giống Naja thì có bạn nào liên tưởng đến Rắn thần Naga không nhỉ? Chính xác, cái tên này bắt nguồn từ một từ tiếng Phạn là  "नाग" (naga, tức là "con rắn" hoặc "con rắn hổ mang"), và cái tên Nagini của con rắn trong Harry Potter cũng bắt nguồn từ từ này luôn nhé!

3.    Những cá thể rắn hổ chúa khác nhau có màu sắc khác nhau, tùy vào nơi phân bố, những con rắn ỏ Ấn Độ sẽ trông hơi khác những con ở Trung Quốc, những con ở Malaysia sẽ trông hơi khác những con ở Việt Nam,... nhưng mà có một đặc điểm chung là khi còn nhỏ, chúng sẽ có màu đen xen kẽ các sọc sáng màu (màu vàng, màu kem), trông hơi "đáng yêu", trên phần mang bành của chúng sẽ có hình chữ "V" ngược.

4.    Rắn hổ chúa cực kỳ, cực kỳ thông minh (x 3,14). Đúng vậy, đây được đánh giá là một trong những loài rắn thông minh nhất và có khả năng kiểm soát lượng nọc độc tiết ra rất hiệu quả nó có thể điều tiết lượng nọc độc tiết ra trong mỗi phát cắn, từ không tiết ra bất cứ một mg nào, hay gọi nôm na là "không có gì" đến "rất gì và này nọ", tiền viện phí của ông nào bị cắn cũng "rất gì và này nọ". Cho bạn nào chưa biết, hầu hết những loài rắn rất GHÉT việc tự vệ bằng nọc độc, vì để tạo ra nọc độc, chúng tốn rất nhiều sức lực, và nọc độc thì rất quý giá, thế nên trong trường hợp không cần thiết, chúng chỉ cắn "dọa", cú cắn đấy mang tính chất cảnh cáo và thường được gọi là "cắn khô" (dry bite).

5.    Nhắc đến nọc độc thì: Đừng để bị cắn, đừng đùa với rắn! Rắn hổ chúa sở hữu nọc độc không quá mạnh, yếu hơn rất nhiều loài rắn ở Việt Nam (cạp nong, cạp nia, các loài hổ mang, rắn biển,...), độc lực chỉ ngang rắn hoa cỏ cổ đỏ (rắn học trò, rắn hổ lửa) nhưng bù lại, khối lượng nọc độc (venom yield) của nó có thể gấp 1,5 lần những loài khác (khối lượng khô, mình sử dụng số liệu của Thai National Parks). Khi bị tiêm nọc, nạn nhân sẽ có các dấu hiệu như sưng, đau, hoại tử, và đây mới là phần teaser! Sau khi nếm trải mùi vị đau đớn, nạn nhân sẽ bắt đầu bị tê liệt, mắt sụp mí, đồng tử giãn, lác mắt, không nói được, khó nuốt, đắng họng, đôi khi trào đờm, dãi vì không nuốt được, không cử động được, liệt cơ hoành, không thở được, ngưng tim, có thể dẫn đến tử vong. Đấy chưa phải trường hợp tệ nhất, tệ nhất là khi nạn nhân bị sốc nọc vì lượng nọc của rắn hổ chúa khá lớn nhiều khi nạn nhân chết vì sốc nọc trước khi chết vì tác dụng của nọc. Nhưng mà tạo hóa không bao giờ đưa một khẩu súng vào tay một đứa ngốc, tuy rất máu mặt nhưng rắn hổ chúa lại rất thông minh như đã nói ở trên, chúng không bao giờ chủ động tấn công con người và sẽ luôn né tránh, bỏ chạy trừ khi bạn cố ý tấn công, sát hại hay xâm phạm vào nơi ở của nó. Thế nên GẶP RẮN THÌ TRÁNH XA!

6.    Ổ trứng của rắn hổ chúa có cấu tạo rất rất đặc biệt. Mình cá là đa phần các bạn sẽ rất ngạc nhiên khi nghe đến phần này. Ổ rắn hổ chúa là một công trình rất vĩ đại, thoạt nhìn thì có vẻ như nó là một đống lá khô hay một ụ đất ngẫu nhiên, nhưng nếu nhìn kỹ thì ta sẽ thấy như kiểu "Wow, wtf? Sao mộtt con rắn có thể làm vậy được nhỉ?", ổ rắn hổ chúa có kích cỡ khá lớn và cấu tạo phức tạp, chiều cao của nó có thể đạt đến nửa mét và đường kính ổ có thể lên đến 1 m! Ổ được cấu tạo từ những lớp lá được đan xen kẽ vào nhau, rất chắc chắn, những lớp lá ấy sẽ xen kẽ theo thứ tự ẩm - khô - ẩm - khô -... từ trong ra ngoài để đảm bảo giữ độ ẩm không quá thấp để trứng không bị khô, nhưng không quá cao để trứng không bị mốc, nấm... Và tụi nó làm tất cả những việc đó mà không cần có tay.

7.    Rắn hổ chúa là một loài có tập tính canh ổ trứng! Đây cũng là một tập tính rất thú vị của rắn hổ chúa. Sau khi xây tổ và đẻ trứng, rắn hổ chúa mẹ sẽ luôn thường trực ở bên cạnh ổ của nó và sẽ nhịn ăn từ 2 đến 3 tháng, chỉ uống nước. Cảm động khóc luôn!

8.    Rắn hổ chúa có thể nâng luôn 1/3 cơ thể của nó lên và bạnh mang ra khi gặp kẻ thù, khi tấn công, chúng không mổ xuống mà có hành động mổ "hù dọa" như các loài hổ mang thật mà chúng sẽ quăng cả cơ thể về phía kẻ thù, há mồm ra và cắn thật luôn, còn tiêm nọc hay không thì còn tùy vào ăn ở!

9.    Rắn hổ chúa là loài rắn độc dài nhất thế giới, tiếng tăm hơi bị lớn, thế nên ở Thất Sơn, An Giang, người ta vẫn hay đồn về "con rắn hổ mây to như cái cột điện, phóng vèo vèo trên đọt cây, phun nọc như mưa, khè ra lửa,...", có cả tục thờ rắn thần ở Việt Nam. Ờ thì đúng là có hơi phóng đại và lệch nhiều so với "nguyên tác", nhưng như vậy cũng đủ biết là loài rắn này chiếm một vị trí không nhỏ trong văn hóa, tâm linh của người Việt chúng ta, nhất là những người sống nhờ rừng, và chúng cũng chiếm một vị trí trong... bình rượu.

10.    Rắn hổ chúa là một loài rắn được xếp ở hạng mục VU (Vulnerable, Sắp nguy cấp) trong Sách Đỏ IUCN và trong mục IB của CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp), nghĩa là NGHIÊM CẤM KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG VÌ MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI.
Các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép rắn hổ mang chúa (thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ) sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 244 BLHS 2015. Tùy theo tính chất, mức độ, người vi phạm có thể bị phạt tù từ 1-5 năm, nếu vi phạm với số lượng từ 8 cá thể rắn hổ mang chúa trở lên có thể bị phạt từ đến 15 năm.

Hy vọng này sẽ hữu ích với các mọi người, nếu như phát hiện được bất cứ một vụ vi phạm nào về rắn hổ chúa nói riêng và động vật hoang dã nói chung, hãy gọi vào đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV: 1800 1522; còn nếu như phát hiện ai bị rắn cắn hoặc chính bạn bị rắn cắn, hãy gọi xe cấp cứu: 115; và làm ơn đừng tự xử lý bậy bạ, tào lao, mất mạng như chơi.

Cảm ơn mọi người đã đọc, nếu có sai sót gì thì mong nhận được sự góp ý của các bạn!