Bên trong suy nghĩ của các dân chơi (chứng khoán)
Chỉ tính riêng sàn chứng khoán New York, hàng ngày có đến hàng tỉ cổ phiếu được giao dịch. Thủ đô Amsterdam, Hà Lan dường như là cái...
Chỉ tính riêng sàn chứng khoán New York, hàng ngày có đến hàng tỉ cổ phiếu được giao dịch. Thủ đô Amsterdam, Hà Lan dường như là cái nôi của các thế hệ dân chơi. Tất nhiên không phải vì nền công nghiệp cần sa đóng góp đến hàng tỉ Euro hàng năm cho nền kinh tế quốc gia này, mà bởi ở đây tọa lạc những “cột mốc” đầu tiên cho thị trường chứng khoán toàn cầu. Năm 1602, cổ phiếu hiện đại đầu tiên, phát hành bởi công ty Đông Ấn Hà Lan được đem lên sàn Nieuwe Brug, Amsterdam (Nieuwe Brug thực ra chỉ là một cây cầu; trở thành trung tâm giao thương thương mại trọng yếu tại Hà lan từ năm 1561 dưới hướng dẫn của chính phủ dành cho các thương nhân). Từ xuất phát điểm đó cho đến nay, có đến hơn 43000 doanh nghiệp ghi danh trên các sàn chứng khoán khắp thế giới. Điều nay mở ra nhiều cơ hội hơn cho các dân chơi (chứng khoán), hay chỉ khiến người ta thêm đau đầu giữa quá nhiều sự lựa chọn? Hum nay xin mời các Nhện đào sâu vào tư duy của các dân chơi: người ta chọn đầu tư một cổ phiếu như thế nào?

Điều mà chúng ta hay các dân chơi quan tâm chủ yếu, là giá trị của cổ phiếu. Giá trị này hoạt động dựa trên nguyên lý cung cầu. Khi số lượng người muốn mua cổ phiếu vượt quá số lượng người bán, giá trị trên thị trường của cổ phiếu tăng vọt và điều ngược lại xảy ra khi nguồn cung dư thừa so với nhu cầu thu mua. Vậy, giá trị cổ phiếu không chỉ đơn thuần thể hiện giá trị vật chất mà còn thể hiện sự đánh giá của đại chúng về tiềm năng gia tăng lợi nhuận của một công ty. Và làm sao mà có thể biết được, khi mà có vô số yếu tố có thể tác động đến doanh nghiệp (cả tốt lẫn xấu): các yếu tố ngoại cảnh như chính trị-xã hội đến những yếu tố xuất phát từ chính nội tại công ty, ví dụ như bê bối mua bán thông tin khách hàng hay phát ngôn “khác bọt” đến tự vị trí CEO doanh nghiệp ( ở châu Mỹ xa xôi chúng ta có Elon Musk của Tesla, ở xứ sở này chúng ta biết đến tập đoàn BKAV với anh Qu… à mà thôi :D). Những điều này làm cho giá trị cổ phiếu không bao giờ được sống trong êm đềm mà phải liên tục trải qua đắng cay ngọt bùi với vòng đời khúc khuỷu, đã có lúc lên mây nhưng lại có lúc bị các nhà đầu tư bán tháo, xua đuổi.
Vậy các dân chơi (chứng khoán) hướng đến vạch đích nào khi bước chân vào cuộc chơi này? Một logic phổ biến chính là các nhà đầu tư đặt niềm tin vào sự tăng trưởng giá trị của cổ phiếu, lợi nhuận họ thu được là sự chênh lệch giữa giá mua ban đầu- thứ mà sẽ thấp hơn nhiều so với giá trị cổ phiếu đó sau một khoảng thời gian tăng trưởng (tất nhiên đây không phải là viễn cảnh của các dân chơi kém may mắn hơn khi sự tăng trưởng không đi theo lộ trình được dự đoán trước đó, mà tắt cái văn đi thì đơn giản là họ bị lỗ keke :D). Lại có những dân chơi khác chọn đầu tư vì họ tin rằng tốc độ mà lạm phát làm giảm giá trị món tiền sẽ chậm chân hơn nhiều so với tốc độ gia tăng giá trị cổ phiếu. Ví dụ như lạm phát ở mức 2% nhưng giá trị tăng trưởng của cổ phiếu ở mức 3%, thì không những món tiền đầu tư không bị mất giá đi 2%- được bảo toàn giá trị ban đầu và còn bonus thêm 1% lợi nhuận.


Người ta thường kháo nhau rằng, thị trường chứng khoán hoạt động như một chiếc máy kiểm phiếu bầu trong quỹ thời gian ngắn hạn. Lý do là bởi những dao động nhất thời trong giá trị của một loại cổ phiếu thể hiện ý kiến/ đánh giá của đại chúng về giá trị công ty.

Nhưng trên đường dài, thị trường này lại vận hành như một chiếc cân, cân đo sức nặng của chính doanh nghiệp (tất nhiên hông phải sức nặng vật lý keke, mà là sức chọi). Bởi “đường dài mới biết ngựa hay”, khi ta nhìn tổng quát đồ thị giá trị cổ phiếu sau 1 quý, 2 quý hay 1 năm, chúng ta mới thấy rõ được xu hướng phát triển và khả năng tạo ra lợi nhuận của công ty đó.

Theo góc nhìn này, các dân chơi hệ “chủ động” tập trung khai thác triệt để cỗ máy kiểm phiếu. Họ nhận thấy rằng, giá trị cổ phiếu tại một thời điểm bất kỳ nhất định hoặc đánh giá quá cao/ quá thấp giá trị một công ty, hoặc không thể phản ánh bản chất các chuyển biến mà sẽ gây tác động mạnh lên toàn thị trường. Dân chơi “chủ động” tối đa hóa lợi nhuận khai thác được từ thị trường chứng khoán bằng cách mua vào các cổ phiếu ở mức giá thấp hơn so với cái giá mà nó thật sự xứng đáng. Ơ cơ mà, làm sao họ có thể nhìn ra tiềm năng từ những lá cổ phiếu bị thị trường “khinh rẻ” này? Những người chơi này dùng chiến thuật xem xét, đánh giá tình trạng vận hành, dữ liệu báo cáo tài chính, quan sát xu hướng giá cả nguyên vật liệu và sản phẩm đầu ra và kể cả dùng đến các thuật toán.

Ở một thái cực đối lập, các dân chơi “thụ động” (mãi mới bẻ lái được mạch văn về đối tượng này keke :D) đặt niềm tin vững chắc vào cán cân trọng lực hay sự phát triển vững chắc của doanh nghiệp trong thời gian dài. Mặc cho thị trường tại một thời điểm nhất định tồn tại vạn biến, tâm họ vẫn bất biến vững tin vào sự tăng trưởng tích cực của doanh nghiệp trên quãng dài. Do đó, nếu các dân chơi này mua vào một loạt các loại cổ phiếu tiêu biểu trong thị trường, qua thời gian nó sẽ phát triển giá trị lợi nhuận. Tuy nhiên, họ không nhất thiết phải trực tiếp thực hiện giao dịch này, thông qua việc tham gia các “Quỹ đầu tư theo chỉ số” (Index Fund). Đây là loại hình quĩ tương hỗ mua tất cả các cổ phiếu trong một loại chỉ số chứng khoán nhất định, ví dụ cổ phiếu của 30 công ty công nghiệp hàng đầu nước Mỹ trong chỉ số Dow Jones. Rời xa khỏi nhập nhằng vô số lý thuyết, quay về thực tế, có lẽ ranh giới giữa hai hệ dân chơi này không phải là quá lớn. Thực tế tồn tại rất nhiều dân chơi là kết quả lai tạp từ cả hai hệ :D. Ví dụ như, có những dân chơi “chủ động” mua các loại cổ phiếu nhất định, nhưng lại giữ chúng trong một quãng dài thiệt dài, chứ không bán ra ngay khi giá trị của loại cổ phiếu chạm đỉnh.
Để kết bài nhanh gọn lẹ thì, đầu tư chứng khoán chẳng phải một cuộc chơi đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Cá rằng nếu có một hướng dẫn nhập game rõ ràng được viết ra, chắc hẳn toàn thể xã hội sẽ đổ xô vào thị trường này.
Nguồn chính sử dụng:
Các tài liệu tham khảo:
Tái bút: Mình biết bài viết khá khô khan nên cảm ơn các độc giả đã đọc đến dòng này ạ. iu mọi người vô cực. Bài viết không đi sâu vào thị trường chứng khoán mà chỉ quan sát và nhìn nhận một cách tổng quan các kiểu nhà đầu tư trong thị trường. Mong là bài viết hữu ích cho mọi người <3

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
P/s: All in FLC always best choice hehe