Hôm nay là tròn 1 tuần ông ngoại mất.
Trong một ngày Hà Nội ráo khô, gió lượn, chợt cảm nhận về cuộc đời sinh ly tử biệt, lòng bỗng ngoe nguẩy vài gợn nước, chẳng như một viên sỏi bé rơi tõm lòng hồ.
Sống xa lìa nhau là “sinh ly”, chết vĩnh biệt nhau là “tử biệt”. Thấy cuộc đời ly nhiều, mà biệt cũng chẳng kém.
Nhớ buổi chiều mùng 3 tết, mình cùng hai đứa em đá cầu ở khoảnh sân gạch đỏ – nơi ngồi bàn uống nước trong nhà ông cũng có thể nhìn thấy. Mấy ngày sao lạnh khiếp, vậy mà lúc đó nắng lên, đẹp lạ. Ba thằng chơi hăng say, có lúc thấy ông đứng chống gậy trước hiên nhà, nhìn và mỉm cười.
Nhớ những lần ông gọi mình ra ngồi cạnh, nói vài câu chuyện đời vặt, vặt đời. Mình chẳng kể gì, chỉ vâng – dạ, chỉ vâng – dạ thôi.Nhớ hôm cuối cùng ngồi cạnh ông vào bữa tối. Ông muốn ăn rau sống mà các cậu các dì không cho vì sợ ông lạnh bụng. Trưa hôm sau nhẽ vì thèm quá, ông bảo mình lấy cho ông ít rau sống. Mình lấm lét nhìn xung quanh, thấy không có ai liền gắp lấy gắp để đặt lên mâm, đầu nghĩ: “Ông cứ ăn đi cho đã”.
Nhớ giọt nước mắt trên khuôn mặt xương xương của ông khi cả đàn con cháu chào để về Hà Nội, tiếp tục với công, với việc. Ông nằm trên giường, ngoảnh đầu vào phía trong khi mình đến bên cạnh chào, như thể sợ mình nhìn thấy khoé mắt ẩm nước.
Ông ra đi nhẹ nhàng và êm ả, mọi người cứ nói với nhau là “chết tiên”. Buổi chiều ấy, khi ngồi cạnh linh cữu ông, mình cũng thấy êm ả và nhẹ nhàng.
Lại nhắc: Sống xa lìa nhau là “sinh ly”, chết vĩnh biệt nhau là “tử biệt”. Trong một lúc trôi dạt, mình muốn đổi chỗ mấy con chữ với nhau: “sinh biệt” – “tử ly”. Thấy khoái khoái. Lại nghĩ: “Sinh ly tử biệt” nói về hiện thực cuộc đời; còn “sinh biệt tử ly” nói về thái độ với cuộc đời: Khi sống biết rằng sẽ có ngày vĩnh biệt, nên hãy sống tử tế và chân thành; Khi chết, đừng coi chuyện là vĩnh biệt, chỉ tạm chia ly thôi, ai rồi cũng gặp lại nhau cả.
Lại ngẫm, thấy cũng bình an nhiều nhiều.
Bức ảnh mình chụp trăng, vào buổi tối cuối cùng ngồi ăn bên cạnh ông
Bức ảnh mình chụp trăng, vào buổi tối cuối cùng ngồi ăn bên cạnh ông