VỀ TRỰC GIÁC
Nếu có người hỏi, liệu mình có tin vào trực giác không? Mình vốn là người phần nhiều dựa vào tư duy logic nhưng câu trả lời với mình...
Nếu có người hỏi, liệu mình có tin vào trực giác không? Mình vốn là người phần nhiều dựa vào tư duy logic nhưng câu trả lời với mình “tất nhiên là có”.
Để hiểu rõ trước tiên ta cần xem trực giác thực sự là gì. Đây là giọng nói tự nhiên từ bên trong bạn không phải đến từ lý trí hay suy nghĩ có ý thức. Định nghĩa trực giác, hay giác quan thứ 6, nôm na là khi bạn cảm thấy, biết, tin vào một điều nào đó, dự cảm một điều nào đó xảy ra, “dù không sao giải thích được”. Ví dụ đơn giản nhất là khi bạn lái xe trên đường về nhà, mặc dù không hề ý thức đến thứ tự đường đi ra sao nhưng vẫn về đến nhà. Bác sĩ Bingham ở Zimbabwe - đã có kinh nghiệm lâu năm thấy một bệnh nhân trong phòng chuẩn bị mổ, mặc dù chưa từng gặp, chưa từng đọc bệnh án của bệnh nhân này, bỗng có một cảm giác bất an, một sự thôi thúc bí ẩn buộc chị phải kiểm tra tim người bệnh, sau khi kiểm tra thì đúng là đã có những dấu hiệu bất thường của chứng hẹp van hai lá, một tình trạng có thể gây ra biến chứng trong quá trình gây mê để phẫu thuật, sau đó cuộc phẫu thuật đã được hoãn lại kịp thời. Lấy một ví dụ khác, khi nghe được giọng nói từ người mẹ vang lên trong điện thoại từ đầu dây bên kia: “con đấy à?” ngay lập tức trực giác cho người con biết sắp có chuyện chẳng lành mặc dù anh ta không sao giải thích được.
Tuy nhiên điều cần nhấn mạnh ở đây, đó là không phải cái gì không giải thích được thì ta cũng gán cho nó là trực giác. Trong đại đa số các trường hợp thì đều là những thứ không đúng, sai hoàn toàn. Trực giác muốn có được phải bắt buộc cần đến từ những “kinh nghiệm và trải nghiệm” qua thời gian của bản thân mỗi người. Trực giác tìm đường của bạn có là do bạn đã đi qua con đường đó hàng trăm lần, nếu một ngày bạn đến một thành phố xa lạ hoàn toàn, thì trực giác tìm đường của bạn sẽ vô dụng. Người bác sĩ vốn đã có kinh nghiệm cứu chữa với hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn bệnh nhân khác nhau. Người con đã sống với người mẹ hàng chục năm nên hiểu rõ ngữ điệu trong câu nói của người mẹ mình. Trực giác không phải thứ thuộc về tâm linh. Nó được hình thành và phát triển dựa trên kinh nghiệm đã được tích lũy, ghi nhớ từ trước. Còn nếu có ai mới tham gia vào thị trường tiền mã hoá liền khẳng định “theo linh cảm của tao thì coin này ngày mai sẽ tăng giá gấp chục lần” hoặc, gặp một tai nạn không may rồi bột miệng than rằng “đấy hôm nay trước khi ra đường tao đã có linh tính chẳng lành rồi” thì hoàn toàn là bịa đặt, mê tín dị đoan và vô căn cứ.
Vậy, trong mỗi tình huống cần đưa ra quyết định, nếu thấy xuất hiện trực giác, hãy cân nhắc xem trực giác của bạn có đang đánh giá đúng sự kiện. Bạn thực sự có nhiều kinh nghiệm về tình huống này trong quá khứ hay không? Nếu có hãy tin vào trực giác của bạn - còn nếu không hãy dùng lý trí, tư duy để phân tích, và ra quyết định, tránh để cảm xúc chi phối.
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất