Sự gắn bó trong giai đoạn thơ ấu quan trọng như thế nào?
"Chị đừng đi lấy chồng nha...Đợi em lớn đã." Đây là những gì em trai 11 tuổi đã nói với mình tối hôm qua. Dạo gần đây câu hỏi lớn...
"Chị đừng đi lấy chồng nha...Đợi em lớn đã."
Đây là những gì em trai 11 tuổi đã nói với mình tối hôm qua. Dạo gần đây câu hỏi lớn nhất mỗi ngày của nó là bao giờ mình đi lấy chồng, nó bảo chị đi rồi sẽ buồn lắm, đợi em học xong Đại học rồi mới đi có được không. Lúc đó mình đã rất xúc động, nhưng cố kìm lại, mình nửa đùa nửa thật nói bao giờ thích thì chị sẽ đi, không có chờ ai hết đâu. Nhưng cuối cùng nhìn khuôn mặt có vẻ buồn buồn và nghiêm túc của nó, mình đành phải nói: Yên tâm đi, còn lâu lắm. Chuyện này khiến mình suy nghĩ, biểu hiện như vậy có phải thể hiện rằng sự gắn bó của mình đối với em trai đang ở mức độ sâu sắc không, khi mà sự vắng bóng của một người khiến người kia cảm thấy lo âu, buồn bã? Và mình cũng thắc mắc rằng, liệu đặc tính gắn bó trong thời thơ ấu có vai trò quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của một đứa trẻ? (Hơi không liên quan ^_^)
1. Định nghĩa về sự gắn bó
Nhà tâm lí học người Anh John Bowlby được nhiều người cho là cha đẻ của thuyết gắn bó (Attachment Theory). Một trong các thuyết gắn bó đời đầu đó là sự gắn bó là một hành vi học được dựa trên kinh nghiệm (learned behaviour). Nó đơn thuần chỉ là kết quả của một mối quan hệ nuôi dưỡng giữa đứa trẻ và người chăm sóc. Bởi vì người chăm sóc cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu như thức ăn, nơi ở, mà đứa trẻ tự nhiên hình thành một hình thức gắn bó.
Như vậy, ba mẹ chỉ cần cho đứa trẻ thức ăn, quần áo, nơi ở, cho đi học,...là đứa trẻ sẽ tự nhiên sẽ trở nên gắn bó, thân thiết với họ sao? Vậy tại sao chúng ta thường thấy những tình huống như thế này, mặc dù luôn cố gắng cung cấp đủ các điều kiện vật chất cho con cái, thậm chí là dư thừa, nhưng có một số đứa trẻ vẫn được cho là ngỗ ngược, bất hiếu, tính cách chống đối và cố gắng xa rời ba mẹ? Vậy còn yếu tố nào khác ảnh hưởng tới một sự gắn bó thành công giữa hai người?
Sau này, thuyết gắn bó đã dần phát triển. John Bowlby thực hiện các quan sát ở trẻ em và nhận thấy rằng, ngay cả khi đã được cho đồ ăn thì những đứa trẻ khi bị bắt rời xa ba mẹ của mình vẫn không hề bớt sợ hãi. Thay vào đó, ông cũng tìm ra là sự gắn bó còn được định hình bằng những hành vi và động lực rõ ràng, như khi sợ hãi, trẻ em thường quay về với người chăm sóc để nhận được sự quan tâm, an ủi và bảo vệ. Ngoài ra, khi phải xa rời những người gắn bó này, trẻ em trải qua những cảm xúc buồn bã và lo âu. Như vậy, ông cho rằng:
sự gắn bó là một mối quan hệ tình cảm kéo dài và gần gũi với một người khác.
Ngoài ra, dưới quá trình phát triển các hình thức gắn bó của đứa trẻ với người nuôi dưỡng, Bowlby xem sự gắn bó này liên quan rất lớn tới quá trình tiến hóa (evolutionary processes). Khi đề cập tới việc làm thế nào tạo một một sự gắn bó thành công, trong khi các nhà hành vi học cho rằng yếu tố như thức ăn dẫn đến sự hình thành các hành vi gắn kết, thì Bowlby lại chứng minh rằng, chính sự quan tâm nuôi dưỡng bao gồm cả thể chất lẫn tinh thần (nurturance), cùng với sự sẵn sàng đáp ứng (responsiveness) mới là những yếu tố quyết định sự gắn bó.
2. Sự gắn bó trong giai đoạn thơ ấu quan trọng như thế nào?
Sự gắn bó giữa người nuôi dưỡng và trẻ em từ khi chúng còn là những đứa trẻ sơ sinh giữ các vai trò và thể hiện các mục đích quan trọng khác nhau. Thứ nhất, trẻ em ở giai đoạn này không thể tự mình sinh tồn, chúng cần có người nuôi dưỡng để cung cấp các nhu yếu phẩm và môi trường cần thiết phục vụ cho mục đích sinh tồn. Như vậy sự gắn bó đóng vai trò thiết yếu cho những đứa trẻ để chúng lớn lên. Và cũng tạo các điều kiện an toàn để chúng tự do khám phá thế giới.
Bowlby và các nhà nghiên cứu khác như Ainsworth, Main và Solomon cũng tin rằng
trong những giai đoạn đầu tiên của thời thơ ấu, sự gắn bó giữa đứa trẻ với người nuôi dưỡng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong suốt cuộc đời của đứa trẻ ấy.
Nó ảnh hưởng sâu đậm lên các mối quan hệ của đứa trẻ sau này và thậm chí là ảnh hưởng rất lâu dài.
Ngoài ra, một số hiệu quả tích cực khác cũng được ghi nhận. Ví dụ như những đứa trẻ có sự gắn bó với những người chăm sóc của mình từ khi còn là trẻ sơ sinh thường sẽ hình thành sự tự tin mạnh mẽ hơn khi chúng lớn lên. Những đứa trẻ này cũng cho thấy sự tự lập cao, khả năng học tập tốt ở trường, xây dựng được các mối quan hệ xã hội thành công, đồng thời trải qua các cảm xúc lo âu, trầm cảm ít hơn nhiều.
Và ngược lại, thất bại trong việc hình thành sự gắn bó trong giai đoạn ấu thơ thường có những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống sau này của những đứa trẻ. Đa số các trẻ em được chẩn đoán mắc chứng rối loạn chống đối (ODD), rối loạn hành vi (CD) hoặc rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) là những đứa trẻ gặp phải các vấn đề về sự gắn bó trong giai đoạn thơ ấu, ví dụ như bị lạm dụng, bị bỏ bê hoặc chấn thương. Các bác sĩ lâm sàng cũng cho rằng trẻ em được nhận nuôi từ sau sáu tháng tuổi trở đi có nguy cơ mắc các vấn đề về sự gắn bó cao hơn.
Nhà tâm lí học Harry Halow đã thực hiện nhiều ví dụ với loài khỉ nâu và gây tranh cãi vì bị cho là tàn nhẫn. Ông đã cô lập các khỉ sơ sinh và cho chúng lớn lên một năm đầu tiên ở các môi trường khác nhau, một trong số đó là ở cùng với các khỉ mẹ thay thế. Các khỉ mẹ thay thế này có thể là một mô hình với phần thân quấn dây thép, hoặc với vải bông mềm. Kết quả cho thấy rằng khỉ con tuy nhận thức ăn từ khỉ mẹ quấn thép nhưng lại có xu hướng ở cùng với người mẹ vải bông mềm hơn. Ngoài ra, các khỉ con được nuôi dưỡng bởi khỉ mẹ thay thế gặp phải các vấn đề về cảm xúc và tương tác xã hội, chúng nhút nhát hơn. Thí nghiệm còn phát hiện ra rằng, có một thời điểm mấu chốt trong giai đoạn nhạy cảm này đóng vai trò quyết định, khi đó nếu sự gắn bó cơ bản này không được hình thành, chúng sẽ chịu những tổn thương mà sau này không gì có thể bù đắp được.
Mình đã gặp một số trường hợp những người lớn đã từng trải qua thời thơ ấu thiếu thốn tình cảm, họ thực sự có khả năng mắc phải các bệnh về tâm lí, hoặc dễ rơi vào trầm cảm cao hơn những người khác. Lúc này, những liệu pháp tâm lí can thiệp rất khó khăn để phát huy hiệu quả. Khi bạn muốn giúp đỡ họ, sẽ có cảm giác như bộ não của họ đã được cố định sẵn với những suy nghĩ tiêu cực rất khó để thay đổi. Hoặc ở trong lớp mà mình làm trợ giảng, sẽ luôn có một số bé không thể hòa nhập với bạn bè, luôn làm việc một mình, và gặp khó khăn trong giao tiếp. Khi hỏi xung quanh thì rất nhiều trong số đó đều gặp phải các vấn đề về gia đình. Những bé này không phải tính cách hướng nội, mà thực sự đã gặp các tổn thương về tâm lí lúc nhỏ, nên cần sự quan tâm nhiều hơn những bé khác. Mình chỉ có thể dùng biện pháp trò chuyện nhiều hơn, tránh đề cập tới các vấn đề nhạy cảm và khéo léo dẫn dắt các bạn xung quanh hỗ trợ bé nhiều hơn.
Cảm ơn vì đã dành thời gian đọc bài của mình. Chúc mọi người một buổi tối tốt lành!
Nguồn tham khảo:
https://trangtamly.blog/2018/02/19/dac-tinh-gan-bo-trong-thoi-tho-au/
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất