Năm vừa qua, các bạn cũng được biết mạng xã hội được ví như là hung thủ giết người của biết bao vụ tự sát trên thế giới. Mọi người liên tục đổ lỗi cho nó nhưng quên mất rằng, hung thủ thực sự là chính chúng ta, những người dùng mang chiếc mặt nạ vô tội gián tiếp gây nên bất hạnh cho người khác. Sau các vụ việc đã xảy ra, hẳn là không còn ai xa lạ với kiểu người sẵn sàng đâm chọt, chửi bới thậm tệ, lôi cả tổ tiên gia phả ra để kích động người khác kể cả khi họ không nổi tiếng, chỉ vì không hợp con mắt. Song song với loại "anh hùng bàn phím" đó, còn có những tuýp người chuyển ác ý của mình sang một hình thức có vẻ "văn hóa hơn", mà điển hình là những loại sau đây:

1. "May là mình...": Khoe mẽ "ngầm"
    Dạo gần đây mình có lướt một vài bài viết kèm theo hình ảnh trên hội beauty tips mang nội dung khá hài hước:"Thật bất công khi mình phải chi sử dụng bao nhiêu là công thức skincare mà da vẫn rỗ và mụn đầy trong khi thằng em xài một cục xà bông từ trên đầu xuống chân da nó vẫn mịn đong". Đó là lời của những bạn sinh ra có cơ địa bị mụn nặng than thở về làn da của mình, pha lẫn chút ghen tỵ tếu táo với những bạn da khỏe. Tuy nhiên, gần như bài viết nào cũng vậy, cũng tồn tại 5-6 bình luận kiểu "May là mình sinh ra da đẹp tự nhiên rồi, không cần phải chăm sóc nhiều", hết. Một kiểu nói khác của hình thức này là:"Mấy em 13,14 tuổi đã biết skincare, make up trong khi mình 16,17 tuổi mà sữa rửa mặt còn chưa đụng vô", "Mày bôi kem chống nắng cả khi ở trong nhà luôn à? Tao còn không biết kem chống nắng là gì đây này". Cũng không khó để khẳng định rằng, những bạn ủng hộ ý đấy đều có nét đẹp bẩm sinh nào đó rồi. Cách nói này không trực tiếp chỉ trích ai, nhưng rất gây khó chịu và mặc cảm cho các bạn nữ không tự tin với vẻ ngoài của mình, khiến các bạn ấy bị coi là người sửa soạn, rảnh rỗi, tốn tiền,... trong khi làm đẹp là nhu cầu vô cùng chính đáng của một cô gái. Chẳng hiểu ý của những bạn khi nói ra là để làm gì, để gây ấn tượng với cánh đàn ông con trai về "vẻ đẹp tự nhiên" thượng đẳng của mình ư, hay là style của mình "men" nên có quyền tự hào hơn người khác, hay để được người khác xuýt xoa:"Ghen tị thật đó"? Thử tưởng tượng, một cậu học sinh có IQ cao nói mấy lời khoe mẽ như vầy:"May là mình sinh ra thông minh tự nhiên rồi, không cần học nhiều" với cậu bạn chậm hiểu nhưng lúc nào cũng chăm chỉ tiến thủ, nghe vào cũng đâu thấy dễ chịu gì đâu đúng không? Khi một người bỏ công sức ra để nâng tầm giá trị bản thân lên cho bằng người khác, thì đừng nên hạ thấp họ bằng việc thể hiện giá trị sẵn có của bản thân mình, bạn thấy nó không ghê gớm? Đơn giản vì bạn không phải họ mà thôi.

2."Mình không có ý gì đâu, nhưng...": Cào phím nhưng không quên "sợ".
   Hẳn mọi người cũng đoán được sau chữ "nhưng" là đủ thứ lời kết tội từ trên xuống dưới dành cho một nhân vật nào đó. Đặc điểm của kiểu nói này là ban đầu tỏ ra vô cùng lịch sự để tránh bị ném đá, nhưng càng về cuối lại càng thể hiện bản chất của người nói. Đơn cử như trường hợp: Câu chuyện kể về một cô gái là người yêu của một anh chàng hot boy, nhưng cô ấy bị thừa cân, còn bị bạn bè của anh chàng này body shaming khá nhiều, rốt cuộc anh chàng vẫn bên cạnh bạn gái mình và làm cô ấy vui lên. Trong 10 comments đầu tiên của câu chuyện này, có đến 7 comments có ý na ná nhau mà đại diện là câu nói này:"Cứ tưởng đến cuối cô này giảm cân, mình không có ý body shaming hay gì nhưng bạn trai này có nhiều người theo đuổi, cô ấy nên như vậy để trở nên xứng với bạn trai mình hơn". Wow, "không có ý body shaming" ở chỗ nào thế nhỉ? Mình không hiểu là tại sao lại có thể nói một câu mà vế trước đập vế sau chan chát như vậy? Đúng là cô ấy nên giảm cân, nhưng là để tốt cho sức khỏe của mình chứ không phải là làm mát mắt của những người thích chỉ trỏ bàn tán, vì có xứng hay không xứng, thì chỉ có người trong cuộc mới biết. Ví dụ khác, một fan bóng đá đã từng nhận xét câu lạc bộ Manchester United là: lối đá tăm tối hệt như màu da và tương lai của các cầu thủ vậy, và sau đó mở ngoặc đơn ghi "không có ý phân biệt chủng tộc". Hoặc là confession viết về Ninh Dương Lan Ngọc trong show Chạy đi chờ chi:"Mình không có ý gì đâu nhưng mình thấy chị ta.....". Đến khi bị nhận gạch đá thì lại vô cùng điềm nhiên mà nói:"Mọi người không hiểu ý mình rồi...". Đáng buồn là, lối chỉ trích này không chỉ được sử dụng rộng rãi trên mạng mà ở ngoài đời ta còn rất dễ bắt gặp. Hồi mình còn đi học, mình có một cô bạn đáng yêu, lễ phép, học giỏi, nhà có ba chị em. Trong một tiết học rảnh rỗi nào đó, cô X đã trò chuyện với bạn ấy và mình tình cờ nghe một câu đến giờ vẫn không thể quên được :"Ba chị em đều được như này thì tốt quá, không phải trọng nam khinh nữ, nhưng nên là ba thằng con trai thì vẫn tốt hơn". Một nhận xét chân thành là: Về mặt lời nói, trông các bạn có vẻ lễ độ và nhã nhặn hơn những "anh hùng" hở chút là văng tục, khiến người bị nói có cảm giác phải xem xét lại dù họ không sai gì, nhưng ý tưởng công kích thì chẳng khác gì nhau đâu.  

3."Thực tế là vậy mà, sau này lớn lên rồi sẽ hiểu....": Dạy đời sai chỗ.
   Không ít những bài viết tâm sự, chia sẻ chuyện học hành, chuyện xích mích và những nỗi buồn trong cuộc sống được up lên hằng ngày ở các trang web tâm lý học ứng dụng. Mang tiếng là trang web tâm lý, để cho một người nói nhưng nhiều người vào đưa ra lời khuyên, an ủi giúp đỡ, nhưng không phải ai cũng có cách thuyết phục hợp lý. Có một bạn trẻ chia sẻ: Cha mẹ bạn ấy bắt bạn ấy học ngành này vì có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng bạn ấy lại có một đam mê là ngành kia dù ở Việt Nam cơ hội việc làm không cao, bạn ấy có đủ năng lực để thực hiện đam mê đó tốt, hiện tại bạn ấy phải làm sao để thuyết phục cha mẹ? Thế là có một anh bạn chạy ào vào dạy đời:"Em còn nhỏ nên không biết, đam mê thì làm gì kiếm ra tiền, giờ em chưa có tài chính riêng, nên em mới suy nghĩ như thế thôi, sau này em mới biết tiền quan trọng. Thực tế là vậy mà, lớn lên em sẽ hiểu". Kiểu nói này đọc qua trông anh có vẻ là người từng trải, suy nghĩ thấu đáo, biết làm giàu,... và nó còn có công dụng khác là biến anh trở thành một đứa trẻ trâu thích dạy đời người khác chỉ vì anh sinh trước người ta vài năm thôi anh trai. Đam mê nào cũng vậy, không nhiều thì ít, cơ bản vẫn kiếm ra được tiền nếu bản thân nghiêm túc và có đủ năng lực. Trường hợp khác, một bé X đã từng tâm sự: Mẹ bé không thể mang thai được nên cha của bé lúc nào cũng đánh vợ, bồ bịch um sùm. Bây giờ đi học xa nhà bé rất nhớ mẹ, bé bị những ký ức đau buồn làm cho mình tiêu cực và mình nhận ra bé có một số dấu hiệu của trầm cảm. Qua cách nói mình thấy bé rất ngoan, sống tình cảm. Vâng, thay vì động viên mẹ bé và bé, lên án ông chồng vũ phu, thì có rất nhiều những comments vô duyên:" Tuổi trẻ ngày nay hở chút là buồn, cuộc sống là vậy mà nên tập chấp nhận vậy đi. Đọc self-help nhiều vào, có tài chính riêng rồi thì mấy chuyện này cũng là tép riu. Buồn bã thì được cái gì đâu". Khi thấy comment này lọt top, mình tự hỏi không biết đây là group tâm lý hay lớp học kinh doanh nữa?! Chả ai cản các bạn quan trọng hóa đồng tiền, thì các bạn cũng chả có quyền chê bai ai sống mộng mơ và tình cảm, chúng tôi không phải người lấy đồng tiền làm thước đo cho tất cả, nếu muốn thể hiện, mời đi chỗ khác cho.  

Việc chỉ trích một ai đó cũng giống như là năng lượng, không tự nhiên mất đi mà nó biến tướng thành một thứ gì đó khác, khiến ta khó nhìn ra hơn. Đây là bài viết dựa trên các thống kê và góc nhìn tâm lý học đối với giới trẻ, mình cũng đang cố gắng đặt lại bản thân vào độ tuổi này để hiểu được tâm lý các em. Hy vọng bài viết giúp một bộ phận các em nhìn nhận lại chính mình và biết cách đối nhân xử thế không chỉ trên mạng xã hội mà còn là trong cuộc sống hằng ngày nữa.