Ai cũng biết bắt nạt là một trải nghiệm tồi tệ, chúng ta đang gặp phải vấn nạn bắt nạt lan tràn trên toàn cầu. Trong một nỗ lực làm nổi bật tác hại tiêu cực của nạn bắt nạt, IKEA đã đề nghị những đứa trẻ làm một thí nghiệm bắt nạt cây:
Có hai cây xanh tương tự nhau được đặt trong một trường học và được cung cấp cùng một lượng nước, phân bón và ánh sáng mặt trời trong 30 ngày. Các học sinh được đề nghị ghi âm lại giọng nói của mình, một số em nói những lời tử tế – yêu thương, một số em khác thì nói những lời chỉ trích – xúc phạm. Trong khi cả hai cây đều được chăm sóc như nhau về nước và ánh nắng mặt trời suốt 30 ngày liên tục, một cây thì được nghe những lời khen ngợi và động viên hàng ngày, còn cây kia thì ngập trong những câu từ ác ý. Kết quả: cây được trao những lời yêu thương và động viên vẫn khỏe mạnh và phát triển, trong khi cây bị bắt nạt dường như héo úa chỉ vì những lời ác ý.
Video về thí nghiệm này từ kênh của IKEA:

Một số nhận định của báo chí về thí nghiệm này:

Mặc dù điều này có thể khiến bạn phải suy nghĩ về tác động của ý thức và đời sống tình cảm của cây, nhưng không có gì lạ đối với bất kỳ ai có khu vườn hoặc một cây trồng trong nhà: chúng có vẻ hứng thú với những lời nói ngọt ngào, thậm chí là một số loại nhạc nhất định (theo trang Sciencing.)
Chuỗi cửa hàng nội thất IKEA của Thụy Điển nổi tiếng với việc bán đồ gỗ gia dụng hơn là làm các thí nghiệm khoa học, nhưng kết quả của bài học chống bắt nạt của họ cũng khá là sâu sắc. Ảnh hưởng của bắt nạt đối với trẻ em không phải chuyện đùa: trẻ em bị bắt nạt có nguy cơ trầm cảm và tự tử, lo lắng, mắc các vấn đề về sức khỏe, gia tăng sự cô lập với xã hội và kết quả học tập kém (theo StopBullying.gov).
Thí nghiệm bắt nạt cây dường như là một lời nhắc nhở tuyệt vời cho trẻ em rằng lời nói có thể gây tổn thương – dù đó là thực vật, động vật hay con người, thì tình yêu, lòng tốt và sự động viên vẫn có ích rất nhiều.

Sự thật là

Công bằng mà nói, thật khó để công nhận thí nghiệm này thực sự khoa học:
- Thí nghiệm thiếu nhóm đối chứng.
- Số lượng mẫu quá nhỏ: chỉ có 2 cây.
- Những người làm thí nghiệm thiếu chuyên môn về thiết kế thí nghiệm (hãng nội thất IKEA và học sinh).
- Hai cây đặt quá gần nhau nên chúng vừa được nghe lời khen, lại vừa bị nghe lời bắt nạt.
Khả năng cao là dự án này dùng kết quả định trước, những người làm thí nghiệm có lý do chính đáng để can thiệp làm sai lệch thí nghiệm để truyền tải một thông điệp tốt đẹp, vì nhỡ cái cây bị bắt nạt phát triển mạnh, thông điệp sẽ thế nào? Mục đích biện minh cho cách thức.
Trang HelloGiggles nhận định: “tất cả đều có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc cây cối có thể bị can thiệp dễ dàng để tạo ra kết quả ấn tượng.”
Chương trình MythBusters của kênh Discovery cũng dành hẳn một tập phim tài liệu cho hiện tượng này. Họ lấy 60 cây đậu chia thành 3 nhóm và thực hiện 2 bản thu âm. Một bản là những lời khen ngợi yêu thương và một bản là những lời lăng mạ tàn nhẫn. Họ phát đi phát lại chúng trong hai nhà kính riêng biệt. Nhà kính thứ ba thì giữ trong im lặng như một đối chứng thí nghiệm. Sau khi theo dõi sự phát triển của cây đậu trong 60 ngày, nhóm Mythbusters đã so sánh kết quả. Họ phát hiện ra rằng nhóm cây trồng trong im lặng phát triển kém hơn, trong khi những cây nghe được tiếng người lại phát triển tốt hơn, những không tìm thấy sự khác biệt giữa nhóm cây nghe những lời ác độc với nhóm cây nghe những lời yêu thương.
Thật ra, thông điệp đằng sau thí nghiệm này không hẳn là tích cực, mà có khả năng gây ra tác dụng ngược: nó khiến những kẻ ác ý tin rằng những câu chửi rủa của họ có khả năng sát thương lên nạn nhân rất hiệu quả (đến cây cối còn phải héo úa), họ lại càng có động lực bắt nạt. Ngoài ra, nếu bạn là nạn nhân, và tin vào điều này, thì những lời lăng mạ sẽ khiến bạn suy sụp nhanh hơn, và bạn có một cái cớ có vẻ “rất khoa học” để cho phép mình tiếp tục đóng vai nạn nhân (thay vì mạnh mẽ lên, bỏ ngoài tai những lời lăng mạ, chó cứ sủa, đoàn người vẫn cứ đi). Eleanor Roosevelt từng nói:
Không ai có thể khiến bạn cảm thấy thấp kém nếu không có sự đồng tình từ chính bạn.
(Tham khảo từ: https://www.bustle.com/p/ikea-asked-kids-to-bully-plants-for-experiment-it-showed-how-plants-really-do-hear-what-were-saying-9020304)
Một post khác cũng bàn về thí nghiệm này từ facebook của thầy Vũ Hồ: