Nỗi oan của Cao Biền - Phần 3 (cuối): Nhiều người làm, Cao Biền chịu
Trong phần cuối của loạt bài về Cao Biền, ta sẽ cùng đi tìm lời giải đằng sau lý do tại sao hình tượng Cao Biền bị thay đổi và biến tướng theo chiều hướng tiêu cực đến vậy.
Qua phần 1 và phần 2 của loạt bài viết mang tính "giải ảo về Cao Biền", chúng ta đã lần lượt tìm hiểu về những đóng góp của Cao Biền với nước ta thời kỳ còn là An Nam Đô hộ phủ thuộc nhà Đường; đồng thời cũng làm sáng tỏ về những câu chuyện nhuốm màu huyền bí ít căn cứ liên quan tới việc "Cao Biền trấn yểm", vốn đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người. Nếu đã nghiền ngẫm thật kỹ hai bài viết trước, tất bạn đọc sẽ biết Cao Biền không hề thuộc cái nhóm quan lại tàn ác, vơ vét khi cai trị An Nam, mà ngược lại còn đóng góp khá nhiều vào việc phát triển cơ sở hạ tầng nơi đây. Còn về chuyện phù phép trấn yểm, có thể khẳng định Cao Biền nếu có là pháp sư thì cũng chỉ là một pháp sư gà mờ; có chăng thì ông cũng chỉ mê tín một cách thái quá, dẫn đến kết cục thảm thương lúc cuối đời mà thôi.
Nhưng vì sao từ một hình tượng hết sức bình thường, nếu không muốn nói là có phần tích cực, mà giờ lại biến tướng theo chiều hướng tiêu cực như vậy? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm lời giải cho câu hỏi đó. Và với bài viết này, bên cạnh những nguồn tài liệu sơ cấp như các bộ sử, tác giả cũng có tham khảo bài báo "Phép thuật Cao Biền tại An Nam - Từ ảo tượng đến chân tướng" của Thạc sĩ Phạm Lê Huy, đăng tải trên Tạp chí nghiên cứu tôn giáo, số 141, năm 2015; xin viết rõ để bạn đọc tránh thắc mắc.
SỰ PHỨC TẠP CỦA HÌNH TƯỢNG CAO BIỀN
Như đã giới thiệu từ Phần 2 của loạt bài này, hình tượng Cao Biền được miêu tả trong các câu chuyện chí dị thường tự mâu thuẫn lẫn nhau và tập trung vào các yếu tố kì ảo hơn là sự thực hay logic. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Phạm Lê Huy, lý do cho việc này là bởi hình tượng Cao Biền mang tính kì ảo trong văn hóa dân gian vốn dĩ vô cùng phức tạp, trải dài từ nhiều cấp độ ôn hòa, gây hấn thụ động cho đến gây hấn chủ động. Dĩ nhiên, cách phân chia này rất phức tạp và chỉ phù hợp với những người thực sự cần tìm tòi nghiên cứu văn hóa thật sâu. Do đó, trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta có thể tạm chia hình tượng Cao Biền trong văn hóa dân gian thành hai thái cực cơ bản đối lập nhau: tích cực và tiêu cực. Như vậy có thể là hơi giản lược quá, nhưng như vậy cho bạn đọc dễ hình dung hơn.
Hình tượng Cao Biền tiêu cực
Như đã nói từ Phần 1 của loạt bài này, Cao Biền là một người có công lao to lớn với xứ An Nam, được các triều đại phong kiến vô cùng kính trọng. Thế nhưng, trong không ít câu chuyện dân gian hoang đường, Cao Biền lại hóa thành một thầy phù thủy xấu xa, giỏi thuật phong thủy, cao tay nghề trấn yểm, chuyên tìm cách phá hoại long mạch của nước ta. Xin dẫn ra một vài trích đoạn:
“Đời Đường Cao Biền ở An Nam muốn yểm linh mạch bèn mổ bụng con gái chưa chồng mười bảy tuổi, vứt ruột đi, nhồi cỏ hôi vào bụng, mặc áo quần vào rồi đặt ngồi trên ngai đem tế bằng trâu bò, hễ thấy cử động thì vung kiếm chém đầu. Phàm muốn đánh lừa các thần đều dùng thuật này. Biền đem thuật đó để yểm thần núi Tản Viên, thì thấy thần cưỡi ngựa trắng ở trên mây, nhổ nước bọt xuống rồi bỏ đi. Biền than rằng: “Linh khí ở phương Nam không thể lường được, vượng khí đời nào hết được!”. Sự linh ứng của thần đã hiển hiện ra như vậy đó.” - Lĩnh Nam chích quái, Tản Viên sơn truyện -
“Người đời truyền tụng rằng Cao Biền giỏi thuật số, thông địa lý, thường cưỡi diều giấy bay trên không trung để yểm các nơi thắng cảnh.” - Lĩnh Nam chích quái, Dấu trâu vàng ở huyện Tiên Du -
“Một hôm nọ, Biền ra đứng ở bờ sông Lô Giang, phía đông thành Đại La, thấy trận gió lớn nổi lên, sóng nước cuồn cuộn, mây trời mù mịt, có một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ tím, tay cầm hốt vàng rực rỡ một khoảng trời, chập chờn lên xuống trên khoảng không. Mặt trời cao ba con sào, khí mây hãy còn mù mịt, Biền rất kinh dị, muốn yểm thần. Đêm nằm mộng thấy thần nhân tới nói rằng: "Chớ yểm ta, ta là tinh ở Long Đỗ, đứng đầu các địa linh, ông xây thành ở đây, ta chưa được gặp, cho nên tới xem mừng cho đó thôi, ta có sợ gì bùa phép?" Biền kinh hãi. Sáng hôm sau, Biền lập đàn niệm chú, lấy kim đồng thiết phù để yểm. Đến hôm ấy, sấm động ầm ầm, gió mưa dậm dật, đất trời u ám, thần tướng hò reo, kinh thiên động địa. Trong khoảnh khắc, kim đồng thiết phù bật ra khỏi đất, biến thành tro, bay tan trên không. Biền càng kinh hãi, than rằng: "Xứ này có thần linh dị, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ”. Sau Ý Tông triệu Biền về, quả nhiên Biền bị giết và Cao Tàm được cử sang thay.” - Lĩnh Nam chích quái, Truyện sông Tô Lịch -
“Xưa, khi Cao Biền đến chiếm nước Nam, vừa xây xong thành Đại La. Một hôm, Biền ra chơi cửa Đông, bỗng thấy mây mù vần vũ, mây ngũ sắc đùn lên rực rỡ sáng lòa. Giữa đám mây có một người mặc áo màu, trang sức lạ lùng, cưỡi con rồng đỏ, tay cầm thẻ vàng, bay lượn trong mây một lúc lâu rồi biến mất. Biền kinh ngạc cho là linh quỉ, định dựng đàn để yểm đảo. Đêm ấy, Biền mơ thấy thần đến bảo rằng: “Ngươi chớ nghi ngờ, ta không phải là yêu khí, mà là thần Vương khí Long Độ đây. Nhà ngươi mới xây xong thành nên ta đến xem đấy thôi”. Hôm sau tỉnh dậy, quân Biền than rằng: “Chúng ta không hàng phục được người phương xa hay sao? Sao lại để cho ma quỉ bên ngoài nhòm ngó, đấy là điềm chẳng lành? Xin cho lập đàn, làm nên hình nộm, dùng sắt nặng ngàn cân làm bùa để yểm trừ!”. Biền cho là phải, liền cho làm bùa để yểm thần. Đến hôm sau, trời đất tối sẫm, gió mưa ào ạt, bùa sắt tan tành biến thành tro bụi. Biền cả sợ than rằng: “Chắc là ta phải trở về phương Bắc rồi”. Một thời gian sau, quả nhiên Biền bị triệu về Bắc. Dân chúng cho là linh dị, làm đền để thờ thần ở cạnh chợ Kinh sư.” - Lĩnh Nam chích quái, Truyện thần Vương khí Long Đỗ -
“Trước khi thị tịch, sư gọi đệ tử là Thiền Ông đến bảo rằng: “Trước đây Cao Biền đắp thành ở sông Tô Lịch, biết đất Cổ Pháp ta có khí tượng vương giả bèn đào sông Điềm Giang, đầm Phù Chẩn để cắt yểm long mạch, tất cả mười chín nơi. Ta đã khuyên Khúc Lãm đắp lại như cũ. Ta lại trồng một cây gạo ở chùa Minh Châu để trấn chỗ đất bị cắt long mạch, đời sau tất có bậc đế vương xuất hiện để vun trồng chính pháp của ta. Sau khi ta mất, ngươi nên cho đắp đất, dựng nhiều bảo tháp, dùng pháp thuật mà yểm tàng, không để cho người ngoài biết”. Nói xong sư qua đời, thọ 85 tuổi.” - Thiền uyển tập anh, Truyện Trưởng lão La Quý An -
"Theo truyền thuyết, Cao Biền xưa là một tướng giỏi, pháp sư đời nhà Đường sang cai trị Việt Nam, thường cưỡi diều giấy đi dò phá long mạch nước Nam, khi bay đến đất Hoa Lư đã bị một đạo sĩ (do thần Thiên Tôn hóa thân) cùng nhân dân ở đây dùng tên bắn, Cao Biền bị trọng thương, diều gãy cánh rơi xuống hòn núi này, từ đó hòn núi mang tên là núi Cánh Diều." - Tóm lược truyền thuyết núi Cánh Diều -
Bên cạnh đó, còn nhiều tích truyện khác cũng đều liên quan tới việc Cao Biền trấn yểm long mạch nước ta, đại để cũng đều xây dựng hình ảnh một pháp sư gian ác, tìm đủ cách để thỏa mãn dục vọng cá nhân, không từ thủ đoạn. Nổi tiếng nhất chắc là câu chuyện cổ tích "Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non", bạn đọc chắc không còn lạ, nên không dẫn thêm nữa, ngại rườm.
Nhìn chung, như đã chứng minh ở bài viết trước, Cao Biền chỉ là một tay mơ bị dắt mũi trong lĩnh vực phù phép. Vậy nên có thể chắc chắn rằng Cao Biền chẳng hề có tài mà đòi đi trấn yểm long mạch cả một quốc gia. Thế nhưng trong những câu truyện này, năng lực của Cao Biền đã được đưa lên một tầm cao mới, khác hẳn với những gì được chính sử ghi nhận.
Hầu hết những câu truyện này đều xoay quanh hai luận điệu rằng hoặc là Cao Biền trấn yểm long mạch để khiến nước Nam mãi mãi không có vua để phải lệ thuộc vào thiên triều, hoặc là trấn yểm để dòng dõi mình sau này có số đế vương. Những câu chuyện này cũng đều đặt ra một kết cục chung cho Cao Biền là luôn thất bại, hoặc trước thần linh An Nam, hoặc bởi mọi người xung quanh đã vô tình hay cố ý phá hỏng âm mưu của ông.
Hình tượng Cao Biền tích cực
Dù vậy, vẫn có những truyện chí dị cho thấy Cao Biền tỏ ra kính trọng với thần linh phương Nam và được họ phù trợ:
“Đến lúc Cao Biền dẹp giặc Nam Chiếu, Lý (Ông Trọng) hiển linh cứu trợ, Cao Biền bèn sửa sang lại đền miếu, tạc gỗ làm tượng, gọi là đền Lý Hiệu Úy, nay gần bên sông lớn, thuộc xã Bố Nhi, huyện Từ Liêm, cách phía tây kinh thành khoảng 50 dặm, (Bố Nhi nay là xã Thụy Hương). Mỗi năm giữa mùa xuân đều có tế lễ.” - Lĩnh Nam chích quái, Lý Ông Trọng truyện -
“Xưa, Cao Biền đánh phá Nam Chiếu xong, đi tuần tới châu Vũ Ninh, nằm mộng thấy một người thân cao chín thước, mặt mày gân guốc, mắt xếch, mày ngài, mặc áo đỏ, thắt đai lưng, đến yết kiến. Biền hỏi: “Thần nhân là ai”, đáp rằng: “Ta là Cao Lỗ, làm tướng theo phò An Dương Vương, thường có công lớn, bị Lạc Hầu gièm pha, phải về. Sau khi chết, Thượng đế thương ta trung trực, cho trông coi một dải núi sông, trông coi các vị tướng quân khác, chống giặc Nam Chiếu, bảo vệ mùa màng, là phúc thần ở đây. Nay thấy ông đi dẹp giặc, bờ cõi bình yên. Ta nếu không tới gặp thì e thất lễ vậy”. Biền hỏi: “Lạc Hầu vì sao lại gièm pha?”. Thần đáp: “Những việc này, không thể tiết lộ được”. Biền cố nài, thần nói rằng: “An Dương Vương là tinh gà vàng, Lạc hầu là tinh vượn trắng, tôi là tinh rồng đá. Gà với vượn thì hợp nhau, còn với rồng thì xung khắc, nên mới bị gièm pha”. Nói xong thì bay lên trời mà đi. [...] Đời này qua đời khác đều được sắc phong. Đến nay hương khói vẫn còn, phụng thờ sự tích hiển hách.” - Lĩnh Nam chích quái, Truyện Thần đá Cao Lỗ -
“Giữa niên hiệu Hàm Thông nhà Đường, Cao Biền phá Nam Chiếu, đi đến cõi ấy thì gặp một dị nhân diện mạo hòa nhã, bận nghê thường vũ y, đón đường cùng đi đến; Cao Biền mời vào trong màn nói chuyện thì nói tòan chuyện thời sự đời Tam Quốc. Sau khi từ biệt, Cao Biền đưa ra đến cửa hốt nhiên không thấy đâu. Cao Biền lấy làm lạ, hỏi người trong thôn. Thôn nhân chỉ mộ Sĩ Vương mà thưa. Biền than tiếc không kịp biết [...] Thôn dân mỗi khi có việc gì, cầu đảo đều có linh ứng. Đến nay vẫn là phúc thần.” - Việt điện u linh tập, Gia Ứng Thiện Cảm Linh Vũ Đại Vương truyện -
“Vương họ Lý tên Ông Trọng […] Đến lúc Cao Biền đánh phá nước Nam Chiếu, Vương thường hiển linh trợ thuận. Cao Biền lấy làm kinh dị, sai thợ trùng tu từ vũ tráng lệ hơn xưa, và chạm khắc tượng gỗ son thếp giống như thực mà đem lễ vật đến tế, từ đó, hương hỏa không khi nào hết.” - Việt điện u linh tập, Hiệu Úy Uy Mãnh Anh Liệt Phụ Tín Đại Vương truyện -
“Xưa nước Việt ta nội thuộc nhà Đường, Nam Chiếu nhập khấu, hãm quận ấp, đuổi quan Đô hộ nhà Đường, chia binh đồn mà giữ. Người trong nước cáo cấp với nhà Đường, vua Ý Tông nhà Đường sai Trương Điệp làm tướng, lãnh năm vạn quân qua thảo phạt. Trương Điệp biết nam binh đông đảo, chần chừ không dám tiến. Vua Ý Tông nổi giận, khiến Cao Biền đến thay. Biền biết hải đạo Bạch Hạc có man binh đóng giữ mới đóng một nghìn chiếc thuyền nhẹ như bao nổi, vượt biển vào Thanh Hải và hai cửa bể Đại Nha, Tiểu Nha, rồi đánh lấy lại Giao Châu, đặt Trấn ở chỗ ấy, Biền ưa đạo thuật, đã đắp xong Trần rồi, liền thiết bàn thờ Địa Ký, tế rượu để cầu âm phù. Canh ba đêm ấy, nghe thần nói ở không trung rằng: Nếu muốn xong việc quan, Nên tìm nguồn đạo đức, Xử cho chính trực luôn, Nghịch đảng sẽ về phục. Biền cả mừng, bèn xây dựng Đạo Cung, đặt tên là Đô hộ cung, bên tả dựng đền thờ thần Thổ Địa để làm thủ hộ cho đẹp mắt. Người đời sau thờ làm Phúc Thần.” - Việt điện u linh tập, Thiện Hộ Linh Ứng Chương Vũ Quốc Công truyện -
“Một lần qua đây, Cao Biền đã đến miếu tế lễ và cầu khấn rằng: “Nay ta cầm quân đi đánh giặc Nam Chiếu, hai vị thần có anh linh thì âm phù cho ta thắng giặc. Sau khi thành công hẳn được sắc phong cúng tế, hương hỏa muôn đời.” Đêm ấy, Cao Biền chiêm bao thấy hai vị tướng mặc long bào, giáp ngọc long lanh, đội mũ trăm sao. Một vị cưỡi ngựa trắng, cao hơn bảy thước tay cầm siêu đao vàng, một vị cưỡi hổ vàng tay cầm búa việt. Cao Biền hỏi: “Danh tướng ở đâu đến đây?”. Một vị xưng: “Ta vốn là Trung Thiên Bảo Quốc”, vị kia xưng: “Ta là Trung Lang Tế Thế, đều là đại thần của nhà Triệu hồi xưa, nay thấy Ngài đem quân đi đánh giặc, chúng ta xin tòng chinh, âm phù cho Ngài thắng giặc”. Hôm sau Cao Biền truyền cho phụ lão, dân làng Nam Trì rằng: “Ta với hai vị tướng Thượng Đẳng Linh Thần tại đây như có nhân duyên từ trước. Vừa qua giặc Nam Chiếu xâm phạm An Nam , làm cho nhân dân lầm than khổ cực, ta mang quân đi tiễu trừ giặc cướp. Qua nơi đây biết chắc là Thần linh rất thiêng. Quả nhiên đêm về, hai vị Thượng Đẳng Linh Thần hiện lên xin tòng chinh, âm phù cho quân ta thắng giặc ”. “Ta với hai vị thần ấy tuy âm dương cách biệt, nhưng đã chung một huyết khí bẩm sinh. Tuy rằng Nam Bắc hai phương nhưng đều chung một Trời một Đất nên từ nay ta cùng hai vị Thần kết nghĩa anh em và muốn hai vị Thần được hưởng cúng tế vạn năm, tiếng thơm lưu truyền bất hủ”. - Ngọc phả Thần tích miếu thờ Lữ Gia Nam Trì, Hàn Lâm Đông Các Đại Học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Nhâm Thân (1572) triều Lê Anh Tông niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất -
Ngoài ra, ngay trong các bộ chính sử nước ta, cũng có những ghi chép dạng chí dị, và thảy đều khắc họa Cao Biền là một người biết lễ nghĩa, có một tấm lòng ngay thẳng, có cái tâm chí công vô tư nên được thần linh phù trợ:
“Cao Vương nhà Đường [tức Cao Biền] dẹp nước Nam Chiếu, khi đưa quân về qua châu Vũ Ninh, đêm nằm chiêm bao thấy có người lạ tự xưng là Cao Lỗ, nói: "Ngày xưa giúp An Dương Vương, có công đánh lui giặc, bị Lạc hầu gièm pha, phải bỏ đi, sau khi chết, trời thương không có tội gì, ban cho một dải núi sông này, cho làm chức quản lĩnh đô thống tướng quân, làm chủ mọi việc đánh dẹp giặc giã và mùa màng cày cấy. Nay theo minh công đi dẹp yên quân giặc, lại trở về bản bộ, không có lời từ biệt thì không phải lễ [...]" - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngoại kỷ, kỷ nhà Thục -
“Canh Thìn, năm thứ 37 [221 TCN], (Tần Thủy Hoàng Lữ Chính năm thứ 26). Nước Tần thôn tính cả 6 nước, xưng hoàng đế. Bấy giờ người Từ Liêm, Giao Chỉ ta, là Lý Ông Trọng người cao 2 trượng 3 thước, lúc ít tuổi đến hương ấp làm lực dịch, bị trưởng quan đánh, bèn bỏ sang nước Tần làm quan đến chức Tư lệ hiệu úy. Thủy Hoàng lấy được thiên hạ, sai ông đem quân đóng giữ đất Lâm Thao, uy danh chấn động nước Hung Nô. Khi tuổi già, về làng rồi chết. Thủy Hoàng cho ông là người kỳ lạ, đúc đồng làm tượng, để ở cửa Tư Mã ở Hàm Dương, bụng tượng chứa được mấy chục người, ngầm lay thì chuyển động được, Hung Nô tưởng đó là hiệu úy còn sống, không dám đến xâm phạm (Triệu Xương nhà Đường làm đô hộ Giao Châu, đêm thường nằm chiêm bao thấy cùng Ông Trọng giảng bàn sách Xuân Thu, Tả Truyện, nhân hỏi chỗ ở cũ, rồi dựng đền thờ. Khi Cao Vương đi đánh Nam Chiếu, thần thường hiển linh giúp sức. Cao Vương cho sửa lại đền thờ, tạc gỗ làm tượng, gọi là [tượng] Lý hiệu úy. Đề ở xã Thụy Hương huyện Từ Liêm).” - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngoại kỷ, kỷ nhà Thục -
Những truyện này đều xoay quanh khoảng thời gian Cao Biền dẹp Nam Chiếu. Với sự phù trợ của các thần linh phương Nam, Cao Biền đã giành được chiến thắng và ông cũng đáp lễ họ bằng cách xây dựng các công trình thờ tự, hoặc phổ biến sự thờ cúng của họ. Có thể xem rằng những truyện này là sự tri ân ít ỏi của dân gian với một người có nhiều công lao với xứ An Nam như Cao Biền vậy. Ta có thể thấy rõ hình tượng Cao Biền tiêu cực đã trở nên vô cùng nổi tiếng, lấn át những câu chuyện và ghi chép ít ỏi khắc họa một Cao Biền tích cực. Vậy tại sao lại như thế?
ĐI TÌM LỜI GIẢI
Những truyện truyền kì về phép thuật của Cao Biền cùng những hiển linh của các vị thần nước Nam được liệt kê một số ở trên, tuy không thực sự đầy đủ, nhưng cũng đã phản ánh tương đối hai thái cực về hình tượng Cao Biền trong văn hóa dân gian. Như đã thấy, hầu hết chúng chỉ được ghi lại trong Việt điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái, Thiền uyển tập anh cùng một số các ngọc phả thần tích tản mát trong dân gian (dĩ nhiên, một vài tích trong số đó phù hợp với quan điểm về Cao Biền chính sử, được lựa chọn để đưa vào trong chính sử như Toàn thư và các sử sách khác). Năm sáng tác của các tác phẩm này tuy còn có ý kiến bàn cãi nhưng chắc chắn là được viết sau thời Cao Biền rất rất lâu, rơi vào khoảng thời Lý - Trần. Ví dụ như ở bài tựa đầu sách Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên ghi rõ là sách viết năm Kỷ Tị, Khai Hựu nguyên niên, tức là năm 1329. Lĩnh Nam chích quái cũng vậy, bài tựa của Vũ Quỳnh cho biết: ông tìm được sách này và tiến hành nhuận chính vào năm Nhâm Tý, Hồng Đức năm thứ 23, tức năm 1492. Vậy là các sách kể trên đều được viết sau thời Cao Biền làm quan ở nước ta đến hơn nửa thiên niên kỷ. Các tác phẩm khác thì ra đời muộn hơn và cũng chỉ là những hư cấu mở rộng dựa trên hình tượng Cao Biền giỏi trò phép thuật đã có từ các sáng tác thời Lý - Trần này.
Như đã chứng minh ở trên, các tác phẩm ra đời sau thời Cao Biền sống rất lâu. Trải qua một thời gian lâu đến như vậy, hằng hà sa số cuộc chiến loạn, bao nhiêu hiện tượng văn hóa xã hội được thêm vào và mất đi… thì những nguồn tư liệu sót lại trong quần chúng hầu hết chỉ là truyền miệng. Điều này dẫn đến các ghi chép về Cao Biền của dân gian đều mang một màu sắc thần bí, khác xa với hình tượng của một Cao Biền đã từng tồn tại trong lịch sử.
Đáng chú ý hơn nữa, nhiều ghi chép tích cực và tiêu cực lại cùng nằm trong một tác phẩm, tức là tự thân các tác phẩm cũng phản ánh sự phức tạp của hình tượng Cao Biên trong văn hóa dân gian, ví dụ như Lĩnh Nam chích quái vừa chép rằng Cao Biền muốn ám hại thần Tản Viên lại vừa bày tỏ sự tôn kính với Lý Ông Trọng, hay chính trong truyện về sông Tô Lịch thì Cao Biền cũng vừa cố trấn yểm thần Long Đỗ lại vừa kính trọng thần Tô Lịch. Nhìn chung, xét theo hướng nào thì chúng vẫn rất đa dạng, hoàn toàn không có chuyện chỉ mang tính tiêu cực như cách truyền thông đại chúng miêu tả ngày nay.
Vậy phải giải thích sao cho việc phổ biến những huyền thoại mang tính tiêu cực này trong xã hội đương thời? Chúng được tạo ra như thế nào và với mục đích gì?
Văn hóa làng xã đặc trưng của nước ta
Một trong những nguyên nhân khả thi nhất dẫn đến sự phổ biến của hình tượng Cao Biền tiêu cực nói riêng và tổng thể nói chung trong tầng lớp dân chúng, đó chính là văn hóa làng xã và những sản phẩm của nó.
Từ xa xưa trước khi hình thành nhà nước thì những làng xã đã ra đời, cùng với đó là những phong tục văn hóa. Sự lâu đời của phong tục văn hóa chính là điều khiến cho “phép vua thua lệ làng”. Văn hóa làng xã nước ta thường mang tính khép kín, ít biến đổi. Một người nông dân bình thường trong xã hội xưa thường sẽ gắn bó với nơi sinh sống của mình suốt cả cuộc đời, không mấy khi vượt ra khỏi phạm vi lũy tre làng. Do đó, khả năng tiếp cận với thông tin thường không mang tính trực tiếp hay chính xác, mà là được truyền qua nhiều người, với độ sai thường lệch cao. Những hành động của Cao Biền, vốn được ghi chép chính xác bởi tầng lớp tinh hoa, thì với tầng lớp thấp hơn, sẽ bị biến đổi đi hoặc ít hoặc nhiều, tạo thành một hình tượng Cao Biền hoàn toàn khác với chính sử.
Có thể chắc chắn rằng hình tượng Cao Biền trong các tác phẩm chí dị phần lớn đã tồn tại trước đó rất lâu dưới dạng truyền khẩu. Trong không gian văn hóa làng xã cũng tồn tại tầng lớp thiểu số các thành phần trung lưu và tinh hoa thông thạo chữ Hán, cụ thể là các thầy đồ, các học trò hoặc các nhà Nho từ quan về quê. Những người này đã ghi chép lại những hình tượng Cao Biền trong văn hóa dân gian ấy lại thành những tác phẩm chí dị khác nhau, phản ánh tính chất văn hóa của từng địa phương nơi họ sinh sống. Nói cách khác những hình tượng Cao Biền tản mạn trong dân gian đã được văn bản hóa và lưu lại dưới hình thức chữ viết thông qua các tác phẩm chí dị. Bằng chứng là hầu hết những tác phẩm có miêu tả về hình tượng Cao Biền mang tính kì ảo trong các tác phẩm chí dị đều gắn với một tích, hoặc một địa phương cụ thể, ví dụ như Tản Viên sơn truyện gắn liền với khu vực núi Tản Viên, Truyện Thần Vương khí Long Đỗ gắn liền với dòng sông Tô Lịch, truyền thuyết núi Cánh Diều gắn liền với ngọn núi cùng tên... Bằng cách được văn bản hóa, chúng dễ dàng thoát ra khỏi phạm vi địa phương, trở thành những nhận thức phổ biến trong xã hội và góp phần xây dựng nên hình tượng Cao Biền trong văn hóa dân gian.
Từ đó có thể thấy, hình tượng Cao Biền trong văn hóa dân gian phản ánh đặc tính của văn hóa làng xã Việt Nam, đó là tính bảo thủ cố hữu của con người sống trong làng xã mà mở rộng ra là sự bảo thủ cố hữu của các cộng đồng làng xã. Sự tù đọng của văn hóa làng xã là môi trường kìm hãm sự phát triển văn minh, là điều kiện thuận lợi cho thói mê tín dị đoan phát triển. Những gì vượt quá tầm hiểu biết của họ thì đều dễ được giải thích bằng các logic tâm linh mà hoàn toàn không chính xác về mặt thực tế. Nên nhớ rằng, vào thời Đường, Trung Quốc có thể được xem như là khu vực văn minh nhất thế giới với nhiều tiến bộ khoa học kĩ thuật, cũng như về văn hóa. Cao Biền vừa có tài xẻ sông đào núi, làm thay đổi đến cảnh quan tự nhiên và lại vừa có thể xây dựng các công trình lớn như thành Đại La một cách dễ dàng trên nền đất dễ sụt lún, thường xuyên ngập úng và có lũ lớn của vùng đồng bằng sông Hồng (trong khi không ít triều đại trước và sau đó thường gặp nhiều khó khăn, hoặc thất bại trong việc xây dựng) hay như đào kênh Thiên Uy có đá lớn cản đường sức người không cách gì phá nổi. Những việc này có thể được xem như là điều “thần kì” và để giải thích, tư duy dân gian đã quy kết sự thành công ấy có được là do sử dụng phép thần thông.
Như đã nói qua ở trên, tính bảo thủ cố hữu là một trong những đặc điểm của văn hóa làng xã. Trước những làn gió văn minh, mới mẻ, tính bảo thủ khiến làng xã duy trì những truyền thống cũ, dù đã lạc hậu, mà không chịu đón nhận những điều hiện đại. Sự phản kháng này có thể dẫn tới sự ác cảm với những điều mới mẻ, văn minh và khiến văn hóa làng xã dần sản sinh ra các hình tượng tiêu cực liên quan đến chúng. Với trường hợp của Cao Biền, hình tượng tiêu cực của ông rõ được sinh ra bởi sự ác cảm của con người sống trong văn hóa làng xã, khi những câu truyện khắc họa hình ảnh Cao Biền tiêu cực đều xoay quanh việc Cao Biền cố gắng can thiệp vào văn hóa - tự nhiên của các địa phương và phải nhận lấy thất bại tất yếu.
Ngoài ra, cũng có một lý do nữa là tính dân tộc của người Việt Nam. Chúng ta hẳn nhiên đều biết rằng hiện nay, nhiều người có lối tư duy theo hướng bài trừ các yếu tố Trung Quốc một cách khá cao, nếu không muốn nói là đôi khi rất cực đoan. Chính vì thế, cho dù Cao Biền có thể được coi là một Tiết độ sứ có tâm, đóng góp nhiều thứ cho vùng đất mình cai trị, nhưng vì là người Trung Quốc, cho nên ông cũng phải chịu chung số phận bị bài trừ, bất kể đóng góp. Do đó, việc một hình tượng vốn đa dạng và phức tạp như Cao Biền trong văn hóa dân gian Việt Nam dần bị quên lãng mặt tích cực, xoáy sâu vào mặt tiêu cực âu cũng là điều dễ hiểu.
Những cuốn sách giả danh Cao Biền
Trở lại với lĩnh vực phép thuật, có nhiều sách địa lý, bùa chú và phong thủy xuất hiện trong dân gian vào khoảng thời Lê Trung hưng được cho là do Cao Biền viết như An Nam cửu long ca, Hồng Vũ địa cảo, Vấn đáp sơn thủy phụ An Nam cửu long ca, Địa lý di cảo, Địa lý tiện lãm, Cao vương di cảo, Địa kiềm, An Nam cửu long kinh, Cao Biền di cảo, An Nam địa cảo lục… Hiện nay, trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm vẫn còn lưu giữ phần lớn các cuốn sách loại này.
Dễ thấy, những sách kể trên chỉ xuất hiện trôi nổi trong dân gian và tự nhận là của một người sống cách đó đã gần một thiên niên kỷ viết trong khi không hề có bất kỳ một bằng chứng nào. Do đó, chắc chắn rằng chúng không thể được viết bởi Cao Biền. Bởi vậy, có thể nhận định rằng tất cả các sách này đều chỉ mượn tiếng của Cao Biền để khuếch trương thanh thế mà thôi. Điều này đã được giới tinh hoa, tiêu biểu là sử gia Ngô Thì Sĩ đương thời xác nhận:
“Lại còn bản Địa lý di cảo ở nước ta, người ta cứ đua nhau suy tôn và bàn tán về môn địa lý của Cao Vương, nhưng khi Cao Biền ở nước ta, đương lúc Đường Lý rối ren, Nam Chiếu dòm ngó, phải lo việc quân chưa rỗi, việc chiến trường mới tạm yên, lại phải dời về Tây Xuyên, đâu còn có công phu nhàn rỗi mà cắp địa bàn đi hàng vài ngàn dặm để xem long mạch đất cát sông ngòi làm ra sách Kiểm ký, để chọn đất sẵn cho người đời sau được? Di cảo ấy có lẽ là thời Trần có một nhà địa lý giả tên Cao Biền để làm cho thần kỳ cái thuật của mình đấy thôi.” - Ngô Thì Sĩ bình, Đại Việt Sử ký Tiền biên, Ngoại kỷ, Kỷ nội thuộc Tùy Đường -
“Tham phú quý mà hảo thần tiên, không tránh được bị kẻ dưới lừa gạt, đó là cái thậm ngu của Cao Biền. Người đời sau không biết khảo cứu tường tận, lại cho là Biền thông thiên văn, giỏi địa lý.” - Sơn cư tạp thuật -
Như đã chứng minh, văn hóa làng xã mang tính tù đọng bảo thủ, là môi trường nảy sinh và dung dưỡng cho thói mê tín dị đoan. Những tác phẩm giả danh Cao Biền này đều mang màu sắc kì ảo, do đó dễ dàng bám rễ vào đời sống văn hóa làng xã đã tồn tại hình tượng Cao Biền mang tính kì ảo và lan truyền tới những nơi chưa có. Hoặc có thể, chính hình tượng Cao Biền mang tính kì ảo được tạo ra từ văn hóa làng xã đã ảnh hưởng ngược tới một phần giới trung lưu và tinh hoa, dẫn tới sự ra đời của các sách này. Dù là theo hướng nào, tóm lại, sự ra đời của những sách giả danh Cao Biền cũng đã củng cố thêm hình tượng một Cao Biền giỏi phép thần thông, biết trấn yểm long mạch đã tồn tại trước đó trong dân gian.
Trần Thủ Độ làm, Cao Biền chịu
Tiếp theo, cần phải nhắc lại một lần nữa rằng tuy chẳng có một ghi chép nào trong chính sử, từ sử Trung Quốc cho đến sử nước ta nói rằng Cao Biền được cử tới trấn yểm phương Nam. Thay vào đó, lại có ghi chép cho thấy chính người phương Nam ta… tự trấn yểm lẫn nhau:
“Mậu Thân, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 17 [1248], (Tống Thuần Hựu năm thứ 8). Tháng 6 [...] Sai các nhà phong thủy đi xem khắp núi sông cả nước, chỗ nào có vượng khí đế vương thì dùng phép thuật để trấn yểm, như các việc đào sông Bà Lễ đục núi Chiêu Bạc ở Thanh Hóa; còn lấp các khe ở kênh mở đường ngang dọc thì nhiều không kể xiết. Đó là làm theo lời Trần Thủ Độ.” - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, Thái Tông Hoàng đế -
Và đặc biệt, sách Địa kiềm tuy hiện nay không còn, nhưng ngay từ cuối thời Lê, tác giả khuyết danh của Sơn cư tạp thuật đã khẳng định Địa kiềm không phải là sách do Cao Biền viết ra như người ta vẫn tưởng, mà thực ra là do các nhà sư phong thủy thời Trần soạn theo lệnh của Trần Thủ Độ:
“Sách Địa kiềm xứ Việt, dạy trấn yểm đất có vượng khí, đều là do các nhà sư phong thủy soạn ra theo lời Trần Thủ Độ, mà lại giả danh Cao Biền.” - Sơn cư tạp thuật -
Việt sử tiêu án một lần nữa lật lại vấn đề này:
“Vua sai Thuật sĩ đi quan sát khắp núi sông trong nước, nơi nào có vượng khí thì yểm cho mất đi (như là núi Chiêu Bạc, sông Bà Lễ đều bắt thợ đục và đào cho sai hình đi). Thế tục truyền rằng: Cao Vương (Biền) xem xét mạch sông núi nơi nào là đại địa, đều có đặt thành bài ca, hoặc là nói chỗ đất này đã lập chùa, đắp đường, đào giếng và chôn sắt để yểm đi rồi, ý giả đều là Thủ Độ làm cả, mà đổ cho Cao Vương, để làm cho thuật của mình là thần kỳ đó thôi.” - Việt sử tiêu án, mục Nhà Trần, tiểu mục Thái Tôn Hoàng đế -
Có thể thấy, không ít ghi chép công nhận rằng thời Trần thực sự đã có việc trấn yểm các long mạch trong cả nước theo lệnh của Trần Thủ Độ nhưng lại đổ cho Cao Biền. Tạm phán đoán rằng thời Trần bắt đầu rộ lên việc trấn yểm, có lẽ bắt nguồn từ việc chuyển giao quyền lực giữa 2 triều Lý và Trần. Trần Thủ Độ vì không muốn nhà Trần phải chịu sự soán ngôi từ một gia tộc khác như số phận của nhà Lý nên đã tin lời bọn buôn thần bán thánh, thực hiện các lễ trấn yểm công phu nhằm giữ ngôi cho dòng họ.
Về sự nhầm lẫn Trần Thủ Độ thành Cao Biền, chúng ta có thể quay về với vấn đề đặc tính văn hóa làng xã để đưa ra một lời giải thích có thể xem như phù hợp: thông tin những gì Trần Thủ Độ làm, khi đến được với dân chúng thì hoặc đã vô tình hoặc cố ý đã biến thành hành động của Cao Biền. Nhìn chung, có thể kết luận rằng thực sự đã từng có những vụ trấn yểm đất đai được thực hiện bởi Trần Thủ Độ, nhưng người chịu tiếng xấu một cách oan uổng cho những việc làm ấy lại chính là… Cao Biền, một người sống cách gần một nửa thiên niên kỉ trước đó.
Lý Thái Tông không làm, Cao Biền... lại chịu
Theo nhà nghiên cứu Phạm Lê Huy, một trong những lí do cho sự phổ biến của hình tượng Cao Biền tiêu cực đương thời là do tác phẩm Kho tàng Truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi. Trong giai đoạn 1957 - 1982, trên cơ sở kế thừa những nội dung trong Histoire de Cao Bien thuộc ghi chép Contes et Légendes Annamites từ tập san Excursions et Reconnaissances năm 1885 của nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp Par A.Landes, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi lại bổ sung thêm một số truyền thuyết ông sưu tập được ở các địa phương để tổng hợp lại thành chuyện “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” và đưa vào sách Kho tàng Truyện cổ tích Việt Nam. Được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996, Kho tàng Truyện cổ tích Việt Nam không đơn thuần là một tài liệu nghiên cứu. Trong suốt một thời gian dài, nó đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam. Các truyện “cổ tích” trong sách nhiều lần được trích lược, tái bản dưới dạng tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam dành cho thiếu nhi. Có thể nói, Kho tàng Truyện cổ tích Việt Nam đóng một vai trò to lớn trong việc phổ biến hình tượng Cao Biền phù thủy trong xã hội Việt Nam hiện đại.
Khó có thể hoàn toàn đồng tình với nhận định này, bởi lẽ sự phổ biến của những câu chuyện trấn yểm của Cao Biền hiện tại trên các phương tiện truyền thông không đến từ các truyện cổ tích, mà tới từ loạt bài báo Thánh vật ở sông Tô Lịch vào khoảng tháng 3 - 4 năm 2007 mà sẽ được mổ xẻ ở cuối bài viết. Có chăng, chỉ từ sau vụ việc đó thì các truyện cổ tích trên mới có được sức hút trở lại và được biết tới nhiều hơn mà thôi. Do vậy, nếu quy kết vai trò chủ đạo là nhờ của Kho tàng Truyện cổ tích Việt Nam thì có phần hơi khiên cưỡng. Tình huống khả dĩ nhất, đó là sau loạt bài Thánh vật ở sông Tô Lịch, các truyện cổ tích này được phổ biến trở lại, góp phần củng cố ngược về cho hình tượng Cao Biền trấn yểm mới nổi lại trên truyền thông đại chúng được thêm phần vững chắc hơn.
Có thể thấy, các tích do Nguyễn Đổng Chi sưu tầm để đưa vào "Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non" luôn luôn là những tích tiêu cực. Điều này, nếu như áp dụng tính chất của tính dân tộc của người Việt Nam để giải thích, thì rất có thể là Nguyễn Đổng Chi đã cố tình lựa chọn như vậy cho phù hợp với xu thế bài Tàu mạnh mẽ thời bấy giờ nhằm tạo ra một câu truyện mang tính phổ quát về Cao Biền theo hướng tiêu cực, phù hợp với định hướng chung. Do vậy, nếu sử dụng câu truyện với mục đích nghiên cứu hình ảnh của Cao Biền trong văn hóa dân gian thì quả là phiếm diện.
Tuy nhiên, trong Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non, có hai tình tiết rất đáng chú ý, có thể phản ánh một trong những nguyên nhân sâu xa của hình tượng Cao Biền trấn yểm. Đó là việc Cao Biền dùng lúa để làm quân và việc quân sĩ của Cao Biền vừa dùng giáo xóc tám vạn cái tháp bằng đất lên núi Bát Vạn vừa hô "Thống Vận Hoàng đế".
Về tình tiết dùng lúa làm quân, chúng ta có thể liên hệ với việc Cao Biền rải đậu làm phép trước mặt quân Thục:
“(Cao) Biền ưa phù phép, khi cầm quân đánh đuổi người Man, ban đêm đều lập đội ngũ, dựng cờ xí, đốt giấy vẽ hình người ngựa trước quân sĩ, vừa vãi hạt đậu, vừa niệm chú rằng: “Quân Thục hèn nhát, nay ta phái cho thần binh của thần Huyền Nữ đi trước!” - Tư trị thông giám, Đường Kỷ, Thiên thứ CCLII -
Kết cục sau đó thì Cao Biền đã chọc giận quân sĩ, cộng thêm điều kiện quân binh khắc nghiệt đã khiến họ làm phản. Việc dậy non của những binh sĩ dẫn đến vô dụng trong “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” có thể là cách lớp lang kì ảo của văn hóa dân gian phản ánh câu chuyện hiện thực về sự làm phản của quân Thục với Cao Biền sau khi ông làm phép vậy.
Với tình tiết quân sĩ của Cao Biền vừa dùng giáo xóc tám vạn cái tháp bằng đất lên núi Bát Vạn vừa hô "Thống Vận Hoàng đế", sự việc có phần phức tạp hơn nhiều. Chi tiết này có thể được tác giả Nguyễn Đổng Chi cóp nhặt từ những truyền thuyết dân gian vùng Bắc Ninh, được xác nhận là có tồn tại trong một thời gian dài trước đó:
“(Núi Bát Vạn) nơi nơi có tháp gạch rải rác. Tương truyền Cao Vương tạo nên 8 vạn ngôi tháp để yểm, nên có tên như vậy.” - Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí -
“Núi Bát Vạn, ở phía Đông Nam huyện Tiên Du 2 dặm. Tương truyền Cao Biền đời Đường dựng tháp Bát Vạn để trấn yểm, nên gọi thành tên ấy.” - Đại Nam nhất thống chí, Tỉnh Bắc Ninh, tiểu mục Núi sông -
Cũng theo nhà nghiên cứu Phạm Lê Huy, năm 2011, nhà nghiên cứu đã có dịp tiếp cận các hiện vật bảo tháp được lưu trữ trong Bảo tàng Bắc Ninh có ghi dòng chữ “Tháp chủ Khai Thiên Thống Vận Hoàng đế” được khai quật từ núi Bát Vạn. Theo đó, các mô hình tháp đất nung này khá tương ứng với tình tiết trong truyện. Tuy nhiên, cũng theo nhà nghiên cứu, các mô hình tháp đất nung dùng trong việc thờ tự này lại chỉ phổ biến dưới thời Lý - Trần chứ không phải từ thời Đường, cụ thể là dưới thời Lý Thái Tông.
Dưới thời Lý - Trần, Phật giáo được coi là quốc giáo và là thời kỳ phát triển hưng thịnh nhất của Phật giáo Việt Nam, có rất nhiều ngôi chùa, tháp được xây dựng ở thời kỳ này. Tháp là phù đồ (stupa), tức nơi thờ xá-lị của Phật. Từ Ấn Độ đến các quốc gia thì kiểu thức cũng có sự biến đổi theo quan niệm Phật giáo của mỗi nước. Ở Việt Nam và Trung Quốc, tháp phát triển theo kiểu “kiến trúc nhà”, tháp hình trụ, trong lòng tháp rỗng, tháp để thờ Phật và thờ “xá lị” của Phật. Thời Lý - Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, tháp cũng được xây dựng và tạo tác với quy mô lớn, đa dạng về kích cỡ và mẫu mã.
“Đinh Dậu, [Long Thụy Thái Bình] năm thứ 4 [1057], (Tống Gia Hựu năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, xây bảo tháp Đại Thắng Tự Thiên cao vài [2a] chục trượng, theo kiểu 12 tầng (tức là tháp Báo Thiên).” - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Nội kỷ, Kỷ nhà Lý, mục Thánh Tông Hoàng đế -
“Ất Dậu, [Long Phù] năm thứ 5 [1105], (Tống Sùng Ninh năm thứ 4). [...] Mùa thu, tháng 9, làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diên Hựu, ba ngọn tháp chỏm đá ở chùa Lãm Sơn. Bấy giờ vua sửa lại chùa Diên Hựu [...] Trước sân chùa xây bảo tháp. Hàng tháng cứ ngày rằm, mồng một và mùa hạ, ngày mồng 8 tháng 4, xa giá ngự đến, đặt lễ cầu phúc, bày nghi thức tắm Phật, hàng năm lấy làm lệ thường.” - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Nội kỷ, Kỷ nhà Lý, mục Nhân Tông Hoàng đế -
“Đinh Dậu, [Hội Tường Đại Khánh] năm thứ 8 [1117], (Tống Chính Hòa năm thứ 7). [...] Tháng 3, ngày Bính Thìn, vua ngự đến núi Chương Sơn để khánh thành bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện. Có rồng vàng hiện.” - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Nội kỷ, Kỷ nhà Lý, mục Nhân Tông Hoàng đế -
“Mậu Tuất, [Hội Tường Đại Khánh] năm thứ 9 [1118], (Tống Trùng Hòa năm thứ 1). [...] Tháng 2, sử nước Chân lạp sang chầu. Đặt lễ yến tiệc mùa xuân và mở hội khánh thành bảy bảo tháp. Bấy giờ xuống chiếu cho Hữu ty bày nghi trượng ở điện Linh Quang, dẫn sứ giả đến xem.” - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Nội kỷ, Kỷ nhà Lý, mục Nhân Tông Hoàng đế -
“Nhâm Dần, [Thiên Phù Duệ Vũ] năm thứ 3 [1122], (Tống Tuyên Hòa năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 2, nhà sư Dương Tu dâng một đôi ngọc bích trắng. Tháng 3, ngày Mậu Dần, mở hội khánh thành bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh ở Đội Sơn.” - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Nội kỷ, Kỷ nhà Lý, mục Nhân Tông Hoàng đế -
Kỷ Dậu, [Thiên Thuận] năm thứ 2 [1129], (Tống Kiến Viêm năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, nhập nội điện trung là Lý An Dậu dâng hươu trắng. Cho An Dậu tước Đại liêu ban. Thái úy Dương Anh Nhĩ dâng hươu trắng. Mở hội khánh thành 8 vạn 4 nghìn bảo tháp ở gác Thiên Phù.” - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Nội kỷ, Kỷ nhà Lý, mục Thần Tông Hoàng đế -
Theo từng thời kỳ lịch sử khác nhau, kiến trúc cũng như chức năng của tháp thay đổi theo. Ở thời Lý, tháp cũng chính là chùa, trong tháp thờ tượng Phật. Có thể nói, các mô hình tháp đất nung là những ngôi chùa thu nhỏ, dùng cho việc tế tự. Do đó, các tháp được khai quật ở núi Bát Vạn Bắc Ninh đều là những công trình thờ tự chứ không phải là thứ dùng để trấn yểm.
Dòng chữ “Tháp chủ Khai Thiên Thống Vận hoàng đế” được ghi trên các tháp là cách viết tắt của “Khai Thiên Thống Vận Tôn Đạo Quý Đức Thánh Văn Quảng Vũ Sùng Nhân Thượng Thiện Chính Lý Dân An Thần Phù Long Hiện Thể Nguyên Ngự Cực Ức Tuế Công Cao Ứng Chân Bảo Lịch Thông Huyền Chí Áo Hưng Long Đại Địch Thông Minh Từ Hiếu Hoàng đế”, tức Tôn hiệu đầy đủ của vua Lý Thái Tông kể từ năm 1028. “Tháp chủ” có nghĩa là những mô hình tháp đất nung này được làm ra dưới sự chỉ đạo và thuộc sự sở hữu của Lý Thái Tông. Năm 2012, một mô hình kiến trúc tháp tương tự cũng được phát hiện tại khu vực khai quật 62 - 64 Trần Phú trong địa tầng thời Lý thuộc Di tích Hoàng thành Thăng Long. Điều này nghĩa là toàn bộ những tháp đất nung khai quật được kể trên đều được làm và đặt trên núi Bát Vạn theo lệnh của vua Lý Thái Tông, không phải Cao Biền.
Về mục đích của các tháp đất nung này, có thể suy chúng được bố trí trên núi Bát Vạn trong những khu vực được cho là có linh khí hoặc những ngôi chùa trong quá khứ từng tồn tại trên núi, để người hành hương tới nơi đây có thể thực hiện việc cúng bái. Và có thể số lượng thực sự của chúng không phải là 8 vạn như con số trong những ghi chép gán cho Cao Biền, mà là 8 vạn 4 ngàn giống như số lượng bảo tháp trong sự kiện khánh thành gác Thiên Phù thời vua Lý Thần Tông. Con số 8 vạn 4 ngàn này trong Phật giáo mang một ý nghĩa vô cùng linh thiêng, khởi nguồn từ quan niệm có cả thảy 8 vạn 4 ngàn Pháp Môn:
“Ta đã nhận được 8 vạn 2 ngàn Pháp từ Đức Phật Và 2 ngàn Pháp từ các Tỳ Kheo 8 vạn 4 ngàn là những Pháp được chuyển vận.” - Tạng Kinh Nikaya, Bài kệ của Phật A Nan Đà -
Về sau, con số này còn mang ý nghĩa to lớn vĩ đại khi được đưa vào trong câu chuyện về hành động công đức của vua A Dục:
“Bấy giờ A Dục vương đến chùa Chỉ Kê Đầu Ma, nhà vua đến trước Thượng Tọa Da Xá chắp tay bạch rằng: “Tôi nay phát nguyện tạo dựng 8 vạn 4 ngàn bảo tháp trên khắp cõi Diêm Phù Đề.” Thượng Tọa đáp lời: “Lành thay, lành thay.” Vua trở về cung lệnh làm 8 vạn 4 ngàn hòm báu, dùng vàng bạc châu báu để trang trí, trong mỗi hòm báu đều để một viên xá lợi, sau đó lại làm 8 vạn 4 ngàn bình sứ để đựng đồ bảy báu, lại làm 8 vạn 4 ngàn bảo cái, 8 vạn 4 ngàn hoa xếp bằng lụa để làm vật trang nghiêm, cứ một hòm Xá Lợi giao cho một vị Dạ Xoa, sai đem đi đến khắp nơi trong cõi Diêm Phù Đề. Cứ chỗ nào đủ một ức người thì tạo một bảo tháp.” - A Dục vương truyện -
Với một triều đại sùng bái Phật giáo như thời nhà Lý, hẳn hành động của vua Lý Thái Tông mang ý nghĩa gây dựng công đức như trường hợp của A Dục vương. Nhưng vì sao mà nhà vua phải làm như vậy? Dựa trên tình tiết tương đồng giữa cuộc đời của A Dục vương và vua Lý Thái Tông, đó là đều từng sát hại anh em mình thì nhiều khả năng nhà vua thực hiện hành động công đức này với mục đích chuộc tội cho việc sát hại anh em mình trong cuộc tranh đoạt ngôi vị trước đó: Loạn Tam vương năm 1028. Ấy là khi vua Lý Thái Tổ vừa băng, di chiếu truyền ngôi cho Thái tử Lý Phật Mã (tức vua Thái Tông sau này); ba vương là Vũ Đức vương, Dực Thánh vương, Đông Chinh vương đều đem quân đến tranh ngôi. Khi quân của Thái tử và quân của ba vương dàn trận, Vũ vệ tướng quân Lê Phụng Hiểu rút gươm kể tội các vương rồi xông thẳng đến chém chết Vũ Đức vương. Quân các vương sợ hãi tan chạy cả, về sau khi Thái tử đã lên ngôi, hai vương về triều chịu tội, vua đều tha tội cho.
Tuy nhiên, cũng có thể đây chỉ là một hành động với mục đích gây dựng công đức đơn thuần của nhà vua, khi dưới triều Lý thì vua nào cũng là một vị Phật tử sùng đạo. Bởi như đã nói, dưới thời vua Lý Thần Tông cũng có hành động tạo 8 vạn 4 ngàn bảo tháp này, dù rằng nhà vua không hề mắc tội sát hại anh em. Với quyền lực và tiền tài của một vị vua, Lý Thái Tông có thể dễ dàng bắt chước hành động của vua A Dục khi xưa mà chẳng cần nhất thiết là phải có hoàn cảnh tương đồng.
Tóm lại, có thể khẳng định rằng dưới thời Lý Thái Tông, nhà vua đã cho đặt rất nhiều mô hình tháp đất nung có chữ “Tháp chủ Khai Thiên Thống Vận” tại núi Bát Vạn để gây dựng công đức cho bản thân. Tuy nhiên, những ký ức về nghi lễ thời Lý này đã dần dần bị phai nhạt và biến mất theo thời gian. Sau này, khi tình cờ nhìn thấy những mô hình tháp đó, người đời sau đã dựa trên dòng chữ “Tháp chủ Khai Thiên Thống Vận Hoàng đế” để tạo ra câu chuyện về Cao Biền. Với trường hợp này, chẳng những Cao Biền bị mang tiếng làm tà thuật, mà các tòa tháp đất nung được tạo ra với mục đích thờ cúng cũng bị vu cho cái tiếng là vật dùng để trấn yểm. Thế mới thấy những truyện dân gian có thể bóp méo sự thật lịch sử khủng khiếp đến mức nào.
Tham quan làm, vẫn lại là... Cao Biền chịu
Nội dung cuối cùng của loạt bài viết này sẽ giải thích cho lí do mà hình tượng Cao Biền tiêu cực lại phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện đại và cái cách mà nó liên quan trực tiếp tới sự kiện nạo vét lòng sông Tô Lịch năm 2001. Lưu ý rằng nội dung này mang tính động chạm khá nhiều đến xã hội hiện tại, các bạn nên cân nhắc giữ một cái đầu lạnh trước khi đọc, để tránh có sự quy chụp và phản ứng quá khích không đáng có.
Như đã nói, loạt bài viết về Thánh vật ở sông Tô Lịch là khởi nguồn của những câu chuyện đồn thổi về việc Cao Biền trấn yểm đất An Nam, đưa tiếng tăm của ông một lần nữa trở lại với xứ này. Khi loạt bài viết này ra mắt, nó đã tạo nên một vụ nổ lớn trong lòng xã hội Việt Nam bấy giờ. Những ngày đầu hè năm 2007, khắp Hà Nội và rộng ra là cả nước, ở đâu cũng bắt gặp cảnh người dân hiếu kỳ chuyền nhau đọc báo lẫn tờ photo đến nhòe cả chữ về bài đăng Thánh vật ở sông Tô Lịch. Trong loạt bài này, ông Nguyễn Hùng Cường hai lần khẳng định em gái ông là Nguyễn Thị Bích Hợp, cán bộ Công ty Bảo hiểm PJICO, bị oan khuất do… gia đình gặp đại hạn từ chuyện "phạm phải trận đồ trấn yểm Đại La trên sông Tô Lịch".
Trước hết, về cái gọi là oan khuất liên quan tới cô em gái của ông Cường là bà Nguyễn Thị Bích Hợp, tại kỳ 2, bài báo viết:
"Ngay đến hôm nay, gia đình tôi vẫn còn phải chịu nhiều oan khuất. Em gái tôi là Nguyễn Thị Bích Hợp, bán bảo hiểm cho PJICO chỉ bán cho Công ty Việt Thái Phong, không tham ô, tham nhũng đồng nào. Chỉ vì các ông giám đốc, phó giám đốc tham ô tiền tỷ mà em gái tôi phải ra tòa".
Tiếp đó, trong kỳ 3 của bài báo, ông Cường tiếp tục viết:
"Cô em gái tôi, Nguyễn Thị Bích Hợp, công tác tại Sài Gòn đang vướng phải oan khuất. Chỉ vì lòng tận tâm tận lực với Công ty PJICO, em tôi phải ra tòa. Cô em tôi đi xin lễ ở nhiều nơi, các thầy đều nói hạn của em tôi bắt đầu từ đại hạn của gia đình tôi từ năm Tân Tỵ 2001, năm tôi phạm phải trận đồ trấn yểm Đại La trên sông Tô Lịch…”
Việc hai lần nhấn mạnh chuyện oan khuất liên quan cô em gái vừa phải ra hầu tòa trong vụ PJICO và quy kết "đại hạn của em tôi bắt đầu từ đại hạn của gia đình tôi" hẳn tác giả có dụng ý. Vậy, có thực Nguyễn Thị Bích Hợp oan khuất trong vụ bảo hiểm PJICO không, có thực bà Hợp "không tham ô, tham nhũng đồng nào"?
Ngày 23/4, nhà báo Đăng Trường thuộc báo Công an nhân dân đã tìm hiểu vấn đề này tại Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV - cơ quan thụ lý vụ án tham nhũng ở PJICO. Đại tá Nguyễn Tiến Lực, Cục trưởng hiện đang công tác tại TP Hồ Chí Minh. Khi đề cập đến vụ việc này, vị Đại tá đã trả lời ngay rằng "Vụ này tôi giao đồng chí cấp phó chỉ đạo điều tra. Nhưng tôi khẳng định các kết luận đưa ra là đầy đủ căn cứ pháp lý, dựa trên các chứng cứ vững chắc".
Vụ án sau đó được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử. Trong tổng số 3,8 tỷ đồng gian lận tại PJICO có liên quan việc nhận hối lộ của nguyên Tổng Giám đốc Trần Nghĩa Vinh cùng Phó Tổng Giám đốc Hồ Mạnh Quân. Cùng hầu tòa còn có bị cáo Phan Hồng Thu, nguyên Giám đốc Công ty Việt Thái Phong và 3 cựu cán bộ của PJICO gồm: Nguyễn Thị Bích Hợp, nguyên cán bộ Phòng Bảo hiểm Hàng hải, chi nhánh TP Hồ Chí Minh; Vũ Dương Quý, nguyên Phó phòng Giám định, bồi thường; Ngô Hồng Khoa, nguyên Trưởng phòng Giám định, bồi thường.
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp, em gái ông Cường, 38 tuổi, trú tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Ngày 12/9/2005, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Bích Hợp về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Sau khi thu thập đầy đủ chứng lý, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận: bà Nguyễn Thị Bích Hợp đã lập chứng từ thu phí bảo hiểm của Công ty Việt Thái Phong sai quy định.
Cơ quan CSĐT khẳng định, với hành vi cố ý làm trái nói trên, Nguyễn Thị Bích Hợp đã giúp sức, tạo điều kiện cho Công ty Việt Thái Phong thực hiện trót lọt hành vi phạm tội. Kết luận này được Viện KSND tối cao thống nhất và truy tố bị cáo Hợp ra trước tòa. Bị cáo Hợp cũng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Như vậy, không có căn cứ nào để nói rằng bà Nguyễn Thị Bích Hợp bị oan khuất. Hành vi phạm tội của bị cáo là rõ ràng và đã phạm tội nào thì phải bị xử lý theo pháp luật về tội đó.
Cũng như bất kỳ cá nhân nào, việc xử lý là căn cứ vào chứng cứ, theo đúng quy định pháp luật. Hoàn toàn không thể biện minh một hành vi phạm tội đã được kết luận để gán cho câu chuyện xảy ra ở sông Tô Lịch, cho rằng việc đó cũng bị Thánh vật hay gì khác. Nói kiểu như vậy thì thử hỏi, những bị cáo khác trong vụ PJICO bị cái gì ám khi họ cũng phải đứng trước vành móng ngựa chịu sự trừng phạt của luật pháp? Việc nhắc nhiều lần về cô em gái của mình vừa phải ra tòa và liên tục nhấn mạnh "đang vướng phải oan khuất" hẳn không phải điều ông Cường nêu ra một cách bình thường. Có động cơ gì ông muốn nhân chuyện Thánh vật ở sông Tô Lịch để tạo một áp lực thiếu khách quan trong vụ việc này?
Một số trường hợp khác theo ông Nguyễn Hùng Cường cũng có nguyên do từ “thánh vật” ở sông Tô Lịch. Đáng chú ý, vụ việc liên quan đến 3 người: bà Nguyễn Thị Sang, nguyên Chủ tịch UBND Nghĩa Đô, ông N.L., nguyên Phó Chủ tịch và ông M.G., nguyên Bí thư Đảng ủy. Ông Cường nhắc lại chuyện xảy ra năm 1986, khi Đảng ủy, chính quyền, Công an thị trấn Nghĩa Đô bắt một vụ mê tín dị đoan tại miếu Đôi Cô, thu một số đồ vật liên quan trong miếu. Hậu quả vụ việc là: ông N.L. sau đó không trúng cử và mất chức Chủ tịch UBND thị trấn; ông M.G. bị bệnh về mắt và con trai ông tham gia vụ dùng súng cướp tài sản công dân; bà Nguyễn Thị Sang bị phạt 2 năm tù.
Báo Công an nhân dân sau đó cũng đã liên hệ để tìm hiểu sự thật vụ việc này. Theo như ông Cường thì những người nói trên mất chức hay phải ngồi tù là có nguyên do sâu xa từ vụ chỉ huy lực lượng bắt vụ mê tín dị đoan ở miếu Đôi Cô nói trên. Nhưng thực tế, vụ bắt mê tín dị đoan xảy ra năm 1986, trong khi những người nói trên bị xử lý cách đó nhiều năm vì vi phạm pháp luật. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Sang đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, có những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại địa bàn nên bị xử phạt 2 năm tù. Việc con trai ông M.G. sử dụng súng gây ra vụ cướp tài sản công dân xuất phát từ việc quản lý, sử dụng súng trái quy định của ông và đương nhiên, con ông phạm tội thì phải bị xử lý theo pháp luật, không có oan khuất gì ở đây. Đối với ông N.L., nguyên Chủ tịch UBND thị trấn, do trong quá trình công tác, ông có những biểu hiện khuất tất, không được tín nhiệm nên tại kỳ bầu cử HĐND thị trấn, ông đã không đủ số phiếu quy định…
Như vậy, việc mất chức hay bị phạt tù của những người nói trên là do vi phạm pháp luật, do không được tín nhiệm. Tất cả đều xuất phát từ hành vi của chính họ và bị xử lý theo pháp luật. Một cán bộ ở quận Cầu Giấy biết rõ việc này cho rằng, cách đặt vấn đề như ông Cường rõ ràng là suy diễn, ngụy biện. Không có bất kỳ căn cứ nào để nói rằng vì "thánh vật" nên họ bị như trên… Về điều này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải thuộc Viện Công nghệ môi trường cũng kịch liệt phản đối việc ông Nguyễn Hùng Cường đổ thừa rằng một số người bị mất là do cầm đồ vật ở sông Tô Lịch. "Có biết bao người đã động vào những thứ đồ cổ đó nhưng có phải ai cũng xui, ai cũng chết?" - tiến sĩ nói. Riêng về những người vi phạm pháp luật, phạm tội, bị cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, kết luận và xử lý theo quy định mà ông Cường lại đánh lạc hướng sang "thánh vật" để cho rằng oan khuất, bị ám thì rõ ràng cần xem xét động cơ.
Thế giới tâm linh trong chừng mực nào đó vẫn là bộ phận không thể thiếu của đời sống văn hóa tinh thần. Có những điều khoa học cũng chưa giải thích được và cần có thêm thời gian. Thế giới tâm linh cũng cần được đặt vào hoàn cảnh, cần hiểu đúng và vận ứng vào điều kiện cụ thể. Nhưng nếu coi tâm linh để gán ghép vào những chuyện không may mắn của từng cá nhân lại là chuyện khác. Chưa nói, có những việc rõ ràng không có liên quan gì nhưng do sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó, rơi vào đúng thời gian diễn ra sự việc hoặc sau khi xảy ra sự việc nên dễ có sự liên tưởng tới tâm linh. Tóm lại, loạt bài Thánh vật ở sông Tô Lịch được ra đời chỉ là để lợi dụng sự mê tín vẫn còn sót lại trong xã hội Việt Nam hiện nay dù văn hóa làng xã thời xưa đã gần như biến mất theo quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa hòng chạy tội cho các quan chức tham ô có quan hệ với tác giả mà thôi.
KẾT
Thông qua loạt bài viết 3 phần về Cao Biền, hy vọng đã có thể cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn khách quan và chính xác nhất có thể về nhân vật lịch sử bị hiểu nhầm trong một thời gian quá lâu này. Có thể nhiều người vẫn sẽ chẳng có thiện cảm gì với Cao Biền, bởi dù sao ông cũng là quan lại của nhà Đường sang cai trị nước ta. Thế nhưng, dù thế nào đi chăng nữa, cũng không thể phủi bỏ hết mọi đóng góp của Cao Biền đối với sự phát triển của An Nam ngày đó. Và quan trọng hơn, ta không nên quá tin vào những câu chuyện nhuốm màu sắc thần bí, ma quái và phi lý để gán cho Cao Biền những việc mà chắc chắn ông chẳng liên quan gì đến.
Viết bài: Nguyễn Quốc Hoàn; biên tập và chỉnh lý: Hải Stark
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lĩnh Nam chích quái
- Thiền uyển tập anh
- Việt điện u linh tập
- Đại Việt Sử ký Toàn thư
- Đại Việt Sử ký Tiền biên
- Việt sử tiêu án
- Sơn cư tạp thuật
- Đại Nam nhất thống chí
- Cùng nhiều thần tích, ngọc phả và các truyện dân gian
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất