Dịch từ bài gốc trên Lithub của André Aciman
Là một nửa (trọn vẹn?) đồng hành cùng 
bài trên Spacemonkies (chuyển trang khi bạn thấy dấu hiệu)
---


















































Nước Pháp [mà tôi tơ tưởng] ấy chỉ là một chốn tưởng tượng, và những huyễn tưởng - mong mỏi, tưởng tượng, hay nhớ tới - chẳng nhất thiết phải tan biến đi chỉ vì nó không có thật. Thực sự, mỗi chúng ta có thể o bế tưởng tượng của chính mình, dẫu ta nhớ về những thứ chưa hề xảy ra trong quá khứ mãnh liệt chẳng kém những thứ quả thật từng xảy ra.
Alexandria duy nhất mà tôi có vẻ còn quan tâm chính là một Alexandria mà tôi tin rằng cha tôi và ông bà tôi từng biết. Đó là một thành phố màu sepia, và nó khơi dậy trí tưởng tượng của tôi bằng những ký ức chắc chắn không thể thuộc về tôi mà đã trở về rất lâu trong quá khứ khi nó từng là mái ấm cho rất nhiều con người trong gia đình tôi, thành phố mà tôi đã mất đi vĩnh viễn. Tôi khắc khoải cái Alexandria thuộc về hai thế hệ trước mình, biết rằng có lẽ nó chẳng hề tồn tại theo những gì tôi hình dung về nó, còn cái Alexandria mà tôi biết lại hoàn toàn có thật. Giá như tôi có thể du hành từ thời đại ngày nay về bờ bên kia và khôi phục lại cái Alexandria hẳn là đã từng tồn tại.
Ngày nay tôi không rõ là mình còn nhớ nhung gì Alexandria hay không. Có lẽ tôi nhớ căn hộ của bà, nơi mỗi thành viên trong gia đình tập trung lại để thu dọn và nói về lần chúng tôi chuyển hẳn sang Rome và rồi Paris, nơi hầu hết các thành viên của gia đình đã an cư. Tôi nhớ lần chỗ hành lý đến nơi, và càng thêm nhiều hành lý khác, và vẫn còn rất nhiều hành lý nữa, tất cả chất thành đống ở một căn phòng khách rộng rãi. Tôi nhớ mùi da tỏa khắp mỗi căn phòng ở nhà bà trong lúc, mỉa mai làm sao, tôi đang đọc Chuyện hai Kinh thành của Dickens. Tôi nhớ những ngày đó bởi vì, cùng với sự ra đi sắp sửa xảy ra, cha mẹ tôi cũng đã cho tôi nghỉ học để có thể tự do thoải mái làm bất cứ điều gì mình muốn trong một dạng kỳ nghỉ tự do, trong lúc cánh gia nhân cứ tới lui khuân đi khuân lại chỗ hành lý càng mang thêm cho căn nhà không khí khẩn trương chờ đại yến. 






































Tôi đang đùa bỡn với cái có-lẽ-xảy-ra nhưng lại không hề xảy ra nhưng vẫn không hề mai một đi chút nào chỉ vì chưa từng mà vẫn luôn có thể xảy ra, dù tôi e rằng nó sẽ chẳng bao giờ và đôi khi còn ước giá mà nó sẽ đừng bao giờ xảy tới.
Cho tôi lặp lại câu vừa viết, mà cái căn cốt của nó sẽ còn nhiều lần xuất hiện trong chương này:
Tôi đang đùa bỡn với cái có-lẽ-xảy-ra nhưng lại không hề xảy ra nhưng vẫn không hề mai một đi chút nào chỉ vì chưa từng mà vẫn luôn có thể xảy ra, dù tôi e rằng nó sẽ chẳng bao giờ và đôi khi còn ước giá mà nó sẽ đừng bao giờ xảy tới.
Tựa một vì sao chết, đây chính là kẻ đồng hành bí ẩn của bốn câu viết đã trao cho tôi quá nhiều rắc rối. Nó phá tan mọi thì động từ, thức, mọi khía cạnh diễn đạt và tìm kiếm một thứ thì không tuân theo cảm thức thời gian của chúng ta. Các nhà ngôn ngữ học gọi nó là thức phi-thực irrealis.
Sự mong ngóng của tôi không chỉ dành cho quá khứ. Mà nó mong ngóng tới một thời điểm trong quá khứ khi tôi hãy còn chưa phóng chiếu một giả tương lai vào Châu Âu; cái tôi ngóng mong là ký ức của những ngày cuối cùng tại Alexandria khi tôi đã sẵn lòng từ Châu Âu ngoảnh lại nhìn chính cái Alexandria mà tôi chỉ muốn rời đi. Tôi móng ngong chính mình mong ngóng chính tôi của ngày hôm nay.
Vào những ngày ấy tôi là ai, tôi nghĩ những gì, tôi sợ những gì, và tôi bị giằng xéo ra sao? Có phải tôi đang cố chuyển tới Châu Âu những mảnh rời của bản thể Alexandria của mình mà tôi e sợ sẽ nát tan vĩnh viễn? Hay là tôi ra sức ghép bản thể Châu Âu tưởng tượng trong đầu vào bản thể mà tôi sắp sửa bỏ lại phía sau?
Cái dòng lưu thông tuần hoàn này, vốn ngõ hầu để tồn lưu một thứ mà chúng tôi biết sắp sửa đánh mất nằm ngay chính cái hồn cốt của bản dạng irrealis ấy. Cái tôi đang cố tồn lưu, bất kể nó là gì, có thể không hoàn toàn có thực, nhưng cũng chẳng hề giả tạo. Nếu như ngày nay tôi vẫn đang tái ngộ tuần hoàn với chính mình, đó là bởi tôi luôn không ngừng nghỉ tìm kiếm một thứ đất nền dưới chân; tôi không có một thứ gì hết, không một chốn giữa không gian hay thời gian, không neo giữ, và, như cái từ gần như mà tôi sử dụng quá đỗi thường xuyên, tôi không hề có ranh giới giữa có và không, giữa đêm và ngày, giữa mãi mãi và không bao giờ. Các thức phi-thực không hề biết giới ranh giữa cái phải và cái không phải, giữa cái đã xảy ra và cái chưa từng. Theo rất nhiều cách khác nhau, các tiểu luận viết về nghệ sĩ, nhà văn, và những tư tưởng lớn xuất hiện trong chương sách này có thể chẳng liên quan gì tới con người tôi hay họ, và cách tôi đọc về họ có thể hoàn toàn sai bét. Thế nhưng tôi trót đọc sai về họ cốt để hiểu hơn về mình.

Một bức ảnh cha chụp tôi là bức ảnh cuối cùng của tôi ở Ai Cập. Tôi chỉ vừa quá 14. Trong ảnh tôi đang nheo mắt và cố giữ mắt mở - mặt trời rọi vào mặt - và tôi đang gượng cười, vì cha tôi đang hò hét bảo tôi phải đứng thẳng thớm, trong khi trong đầu tôi chỉ nghĩ rằng tôi căm ghét cái ốc đảo sa mạc cách Alexandria 20 dặm và chỉ mong về trở lại nhà và đi xem phim. Tôi ắt hẳn cũng biết đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ốc đảo ấy trong đời. Chẳng còn bức ảnh nào khác chụp tôi ở Ai Cập sau bức này.
Với tôi bức ảnh tượng trưng cho thời khắc cuối cùng của con người tôi dăm ba tuần trước khi rời khỏi Ai Cập. Khi đứng đó trong cái dáng vẻ lưỡng lự, phân vân điển trưng dốc cả hai tay vào túi quần, tôi chẳng hề biết chúng tôi đang làm gì ở cái tiền đồn sa mạc kia hay vì sao tôi lại cho cha chụp ảnh.
Tôi có thể nói cha không hài lòng với tôi. Tôi cố trông giống như con người mà ông nghĩ tôi nên trở thành - Đứng thẳng, đừng rúm ró, quyết đoán lên. Nhưng đó không phải tôi. 
Nhưng giờ nhìn lại bức ảnh, đó chính là tôi ngày hôm đó, đang cố trở thành một người khác hoặc lúng túng mắc kẹt giữa con người tôi không muốn và con người tôi bị yêu cầu phải trở thành.
Khi nhìn bức ảnh trắng đen, tôi cảm thấy cậu bé trong bức ảnh gần ngót sáu thập kỷ trước. Điều gì đã xảy ra với cậu? Rốt cuộc cậu ta đã trở thành con người như thế nào?
Cậu chẳng tiêu biến. Có lẽ tôi ước cậu ta biến mất cho rồi. Tôi đang tìm kiếm cậu, cậu nói. Tôi lúc nào cũng tìm kiếm cậu. Nhưng tôi chẳng bao giờ lên tiếng với cậu; tôi hiếm khi nghĩ về cậu ta. Nhưng giờ khi cậu ta lên tiếng, tôi lúc nào cũng đi tìm cậu, tôi nói, gần như một sự nhượng bộ, như thể tôi không chắc điều vừa nói có phải là ý của tôi hay không.
Và rồi tôi bất chợt nhận ra: đã xảy ra chuyện gì đó với cái con người của tôi ngày trước trong bức ảnh kia, với cái con người đang chằm chằm nhìn vào người cha đang ra lệnh cho cậu ta phải đứng thẳng, nói thêm, như ông vẫn thường hay như vậy, một câu “một lần duy nhất”, như thể để bảo đảm rằng tôi nghe thấm hết chỉ trích của ông. Và càng nhìn vào cái cậu bé trong ảnh, tôi càng bắt đầu nhận thấy một điều gì đó tách lìa tôi ra khỏi cái con người tôi có thể đã trở thành nếu như mọi sự vẫn yên nguyên không thay đổi, nếu tôi không rời khỏi, nếu tôi đã có một người cha khác hay được phép ở lại Ai Cập và trở thành cái con người tôi sẽ trở thành, hoặc muốn được trở thành. Chính cái con người mà tôi sẽ hoặc có thể trở thành tiếp tục đeo bám trong tâm trí tôi, bởi nó hiện diện ngay trong bức ảnh, đồng thời luôn lẩn khuất đó đây.
Điều gì đã xảy ra với con người mà tôi đang ra sức trở thành nhưng vẫn không hề biết rồi sẽ ra sao, bởi không một ai thật sự biết chắc mình đang trở thành ai cả? Tôi nhìn vào bức ảnh chụp trắng đen một người nào đó đàng kia và đành lòng lên tiếng, đó vẫn là tôi. Nhưng không phải tôi. Tôi đã không có mặt bên cạnh tôi.
Tôi nhìn bức ảnh chụp cậu bé tạo dáng cho cha mặt trời rọi lên gương mặt, và cậu bé nhìn tôi và hỏi, Anh đã làm gì với tôi? Tôi nhìn cậu bé, và tự hỏi: Nhân danh Chúa tôi đã làm gì với đời mình? Cái con người này của tôi, cái con người bị dứt bỏ và không hóa thực, là ai, theo cách tôi đã cắt bỏ và không trở thành cậu ấy?
Cậu không có một lời lẽ nào xoa dịu. Tôi ở lại đằng sau; cậu đã bỏ đi, cậu nói với tôi. Cậu bỏ rơi tôi; cậu bỏ rơi chính mình. Tôi ở lại đằng sau, còn cậu đã bỏ đi.
Tôi không có câu trả lời cho những gì cậu hỏi: Sao cậu lại không mang tôi theo? Sao cậu từ bỏ chóng quá?
Tôi muốn hỏi cậu ấy con người nào trong hai chúng tôi mới là thật, và con người nào thì không. 
Nhưng tôi biết câu trả lời của cậu là gì. Chẳng ai trong chúng tôi là thật.




































Tôi không còn là đứa trẻ cùng dì nhìn ra cửa sổ vào một Paris tưởng tượng. Tôi đang, như đã dự đoán tận ngày đó, tìm cách nhìn vào cái cậu bé đang nhìn vào tôi, ngoại trừ việc tôi không cảm thấy mình có thật như cậu khi đó. Tôi không bao giờ biết cậu là ai, vẫn đang bị nhốt lại ở Alexandria nhìn chằm lấy tôi, như là cậu sẽ không bao giờ biết tôi là ai và tôi đang làm gì tối hôm đó ở đường Marco Sala. Chúng tôi là hai linh hồn gắng tìm cách kết nối từ hai bên bờ.