Dịch từ bài gốc trên Lithub của André Aciman
Là một nửa (trọn vẹn?) đồng hành cùng bài trên Notdoing (chuyển trang khi bạn thấy dấu hiệu)
---
Bốn câu văn tôi viết nhiều năm về trước cứ đáo lại vào tâm trí. Tôi vẫn chưa chắc mình hiểu hết chúng hay chưa. Một phần nào đó trong tôi muốn neo chúng lại, còn một phần khác e rằng làm như thế sẽ xua đi phần ý nghĩa mà ngôn từ không thể kể được - hay, tệ hơn nữa, chính cái nỗ lực muốn thẩm thấu sâu hơn ý nghĩa càng khiến nó chui trốn sâu hơn. Cảm tưởng như bốn câu viết ấy không hề muốn kẻ này, tác giả của chúng, biết tôi đã cố nói điều gì. Tôi trao ngôn từ cho chúng, nhưng ý nghĩa lại chẳng thuộc về sở hữu của tôi.
Tôi viết ra chúng là nhằm để hiểu được điều gì nằm tại cái nguồn cơn của vệt hoài cổ lạ kỳ cứ lững lờ bên trên gần như tất cả những gì tôi từng viết ra. Vì sinh ra ở Ai Cập và, như vô số người Do Thái sống tại Ai Cập, tôi bị trục xuất ở tuổi 14, dường như niềm hoài cổ của tôi khởi lập một cách tự nhiên tại Ai Cập. Vấn đề nằm ở chỗ một thiếu niên sống tại Ai Cập, nơi khi đó trở thành một nhà nước cảnh sát bài-Do Thái, là tôi dần ghét Ai Cập và chỉ mong có thể được sang Châu Âu, nhất là Pháp, bởi tiếng mẹ đẻ của tôi là tiếng Pháp và gia đình của chúng tôi gắn bó chặt chẽ với cái mà chúng tôi tin rằng chính là văn hóa Pháp của mình.
Mai mỉa thay, thư từ qua lại với bạn bè và người thân đã sống ở nước ngoài lại luôn nhắc những kẻ sắp sửa rời Alexandria rằng điều tệ hại nhất xảy ra ở Pháp hay Ý hay Anh hay Thụy Sĩ là bất cứ ai rời khỏi Ai Cập đều cảm thấy niềm hoài cổ khôn xiết dành cho nơi họ sinh ra, vốn đã từng là quê hương của họ, cho tới khi nó không còn như thế nữa. Những người chúng tôi vẫn còn sống ở Alexandria được tin rằng sẽ bị hoài cổ tác động, và nếu nói về nỗi hoài cổ ấy đủ nhiều, thì có lẽ việc gợi dậy thứ hoài niệm to tát ấy hóa ra chính là cách mà chúng tôi tự ngừa chống lại trước khi nó tấn công chúng tôi khi đến Châu Âu. Chúng tôi thực hành hoài niệm, tìm kiếm những nơi chốn và vật dụng chắc chắn sẽ nhắc nhở về Alexandria mà chúng tôi rồi sẽ mất đi. Theo nghĩa nào đó, chúng tôi đang nuông ấp hoài cổ dành cho một nơi mà nhiều người chúng tôi, đặc biệt là người trẻ, không hề yêu quý và chỉ chờ tới ngày dời đi.

Những người chúng tôi hành xử như những cặp đôi cứ thường trực nhắc nhở đối phương về cuộc ly hôn bất cưỡng sắp tới để không cảm thấy bỡ ngỡ khi nó xảy đến và khiến cho cả hai đều cảm thấy nhung nhớ lạ lùng về cuộc sống mà cả hai không thể chịu đựng được.
Nhưng vì chúng tôi cũng mê tín, thành ra thực hành hoài cổ còn là một mánh lới với hy vọng sẽ được ban phát một sự ân xá nào đó trước tình thế trục xuất toàn thể người Do Thái tại Ai Cập, bằng chính cái hành vi giả vờ rằng chúng tôi hoàn toàn tin mọi chuyện được an bài sẽ sớm xảy ra và chúng tôi cũng muốn nó, kể cả khi đổi đắp bằng sự hoài niệm một lần nữa sẽ ập đến khi đã tới Châu Âu. Có lẽ tất cả chúng tôi, trẻ lẫn già, đều e sợ Châu Âu và cần chí ít thêm một năm để làm quen với cuộc tha hương được hồ hởi đợi chờ này.
Nhưng khi đã tới Pháp, tôi nhanh chóng nhận thấy nước Pháp chẳng phải là một quốc gia thân thiện và chào mời mà tôi từng tơ tưởng ở Ai Cập. Suy cho cùng, cái nước Pháp ấy vẫn chỉ là một thứ huyễn tưởng cho phép chúng tôi sống trong niềm mất mát Ai Cập. Nhưng, ba năm sau, một lần nữa tôi rời Pháp để sang Mỹ, nước Pháp cũ xưa, từng ước ao bất thình lình trỗi dậy từ tro tàn, và ngày nay, trong tư cách một công dân Mỹ sống ở New York, tôi ngoảnh lại và cảm thấy mình một lần nữa ngóng trông về một nước Pháp chẳng hề hiện hữu và chẳng thể nào hiện hữu nhưng vẫn sờ sờ ra đó, đâu đó giữa chặng trung chuyển từ Alexandria sang Paris và New York, mặc dù tôi không thể trỏ ra đích xác nó nằm tại đâu, bởi lẽ nó làm gì có trú sở. 


























Tôi nhớ những ngày ấy có lẽ bởi vì chúng tôi chẳng còn ở Ai Cập cũng chẳng còn ở Pháp nữa. Tôi nhớ chính là cái giai đoạn mấp mé, chuyển giao - những ngày tôi mong chờ về một Châu Âu mà tôi từ chối không công nhận rằng mình đã sợ, đồng thời vẫn chẳng hoàn toàn tin rằng chẳng bao lâu nữa thôi, vào Giáng Sinh, tôi sẽ được chạm vào nước Pháp. Tôi nhớ những chiều muộn và đầu tối khi ai nấy trong nhà đều sẵn sàng dùng bữa tối; có lẽ chúng tôi buộc phải họp lại nhằm truyền cho nhau can đảm và đoàn kết trước khi đối diện với tình cảnh trục xuất và lưu đày. Đó là những ngày tôi bắt đầu cảm nhận một sự mong ngóng nào đó mà chưa một ai từng lý giải nhưng tôi biết nó cũng không quá khác với tình dục, vốn trong tâm trí của mình tôi đánh đồng với sự mong ngóng dành cho nước Pháp.
Khi nhìn lại những tháng cuối cùng của mình tại Alexandria, điều mà tôi ngóng trông chẳng phải Alexandria; điều mà tôi ngóng trông khi nhìn lại đó là được thăm trở lại cái khoảnh khắc ấy, khi một đứa trẻ vị thành niên mắc kẹt ở Ai Cập mơ tới một cuộc sống khác bên kia Địa Trung Hải và bị thuyết phục rằng đời sống ấy tên là nước Pháp. Cái khoảnh khắc xảy ra vào một ngày xuân ấm áp ở Alexandria với cửa sổ mở toang, tôi và dì tôi dựa vào bậu cửa nhìn ra biển khơi, và dì nói cảnh tượng này làm dì nhớ nhà ở Paris, là nơi chỉ cần rướn ra khỏi cửa sổ một ít sẽ nhìn thấy dòng Seine. Đúng vậy, khi ấy tôi đang ở Alexandria, nhưng tất cả mọi thứ về tôi đều đã sang Paris, đang ngắm nhìn một lát cắt của sông Seine.
Nhưng ngạc nhiên nằm ở đây. Tôi không chỉ mơ về Paris khi đó; tôi còn mơ về Paris nơi mà, một ngày cách đó không xa, tôi đứng nhìn dòng Seine và bồi hồi nhớ lại cái buổi chiều lần trước ở Alexandria, khi tôi, cùng với dì, tưởng tượng về con sông.
Và đây là bốn câu viết đã mang lại cho tôi quá nhiều rắc rối:
Khi tôi nhớ Alexandria, tôi không chỉ nhớ về Alexandria. Khi tôi nhớ Alexandria, tôi nhớ về cái nơi mà tôi ưa hình dung mình đã từ đó rời đi sang một nơi khác. Nhớ Alexandria mà không nhớ cả nỗi ngóng trông của tôi về Paris giữa Alexandria cũng giống như một ký ức sai lạc. Hiện diện tại Ai Cập là một quá trình khôn ngớt tôi giả vờ mình đã rời khỏi Ai Cập.
Tôi giống như những người Do Thái Marrano của Tây Ban Nha hiện đại vào những ngày đầu, những người Do Thái cải đạo sang Cơ Đốc giáo để tránh bị xử tử nhưng vẫn bí mật theo Do Thái giáo, mà không hề nhận ra rằng, theo thời gian và sau nhiều thế hệ, rốt cuộc chính họ cũng hoang mang về cả hai tín ngưỡng và không còn biết tín ngưỡng nào mới thật sự thuộc về mình. Sự tái cải dự kiến về lại Do Thái giáo sau khi cuộc khủng hoảng chấm dứt không bao giờ xảy ra, nhưng sự trung thành họ dành cho Cơ Đốc giáo cũng là một ảo tưởng chẳng kém. Tôi đang nuôi nấng một thứ cảm thức về bản thân ở Alexandria và ấp một cảm thức khác tại Paris, trong khi trông chờ một cảm thức thứ ba sẽ ngoảnh về con người tôi bỏ lại phía sau sau khi đã đặt chân đến bến bờ mới.




































































































Lần cuối ở Nervi, tôi chụp ảnh đường Marco Sala, con phố chính nhộn nhịp nối liền thị trấn nhỏ Bogliasco với Nervi, miền Nam Genoa. Dùng iPhone, tôi chụp hoàng hôn, một phần là vì tôi yêu thích một điều gì đó trong hoàng hôn ở con đường trống vắng, cong lượn, và một phần bởi có một hừng sáng lạ lùng trên vỉa hè. Tôi chờ một chiếc xe biến mất rồi chụp. Có lẽ tôi muốn cảnh tượng ấy tồn tại bên ngoài thời gian, không hề có chỉ dấu về nơi chốn, thời gian, hay thập kỷ nào. Rồi tôi đăng bức ảnh lên Facebook.
Có người thích vì tôi đã đề cập tới Eugène Atget và ngay lập tức biến bức ảnh màu tôi chụp thành ảnh trắng đen, càng trao cho bức ảnh một dáng vẻ mờ nhạt, đầu thế kỷ 20. Tôi không nhờ ai cả, nhưng rõ ràng nó đã được hàm ngụ, hay ai đó đã tự suy ra ý thích chưa được tiết lộ của tôi và quyết định thử sức. Ai đó khác thích việc chuyển màu vừa rồi cho bức ảnh của tôi và quyết định làm thêm: lần này nó trông như một bức ảnh chụp vào năm 1910, hay 1900, và giờ đây có thêm một sắc sepia lờ mờ. Người này đã diễn giải mục đích ban đầu của bức ảnh và trao lại cho tôi theo đúng ý nguyện ban đầu. Tôi muốn có một bức ảnh năm 1910 chụp Nervi nhưng không biết rằng, theo cách của mình, tôi đang cố sức xoay ngược kim đồng hồ. Tôi nhờ một người bạn Facebook khác tái tạo lại một Nervi phong cách Doisneau; và một người khác còn đủ tử tế để tạo ra một Nervi phong cách Brassaï.
Tôi thích mọi hình ảnh chụp Paris cũ xưa. Chúng mang trở lại một thế giới cũ xưa đã biến mất và tôi hoàn toàn nhận thức rằng nó có thể rất khác với Paris của các nhiếp ảnh gia như Atget hay Brassa muốn tóm bắt trên phim. Ảnh chụp các tòa nhà và đường phố, thay vì đời sống, thay vì những giọng nói lanh lảnh, những tiếng huýt rỗi công, mùi người, hay mùi hôi cống rãnh chạy bên dưới các con phố bẩn thỉu. Proust: mùi hương, âm thanh, tâm trạng, thời tiết...
Cái tôi nhẽ ra nên nghi ngờ - nhưng lại không hay biết - đó là tôi đã chụp một bức ảnh không phải của một Nervi tước đoạt hết mọi dấu mốc thời gian; mà tôi đang chụp một Alexandria mà tôi tiếp tục hình dung vào thời điểm ông bà tôi đã dời sang đó, cách hơn một thế kỷ.
Bức ảnh bị thay chỉnh trên Facebook hóa ra lại làm tỏ lộ cái nguyên nhân sâu kín mà tôi đã chụp nó từ đầu; không hề hay biết, nó gợi tôi nhớ tới một Alexandria bí huyền mà tôi có vẻ đã nhớ lại nhưng không còn chắc chắn còn quen thuộc hay không. Cái mà Facebook trả về cho tôi là một Alexandria phi-thực thông qua một bắt chước Paris bắt chước một Alexandria không có thực tại một thị trấn ở Ý tên gọi Nervi.







Tất cả những gì tôi biết sau khi cất đi iPhone là rốt cuộc tôi phải trở về Alexandria và tự mình nhận ra rằng tôi không hề nhào nặn ra cái mà tôi đã khám phá ra ở đường Marco Sala. Nhưng quay trở về sẽ chẳng thể chứng minh điều gì, cũng như có biết đi chăng nữa cũng chẳng minh chứng được bất kỳ điều gì.
k.