Tuần vừa qua, hàng triệu thí sinh bước vào kì thi tốt nghiệp kết hợp tuyển sinh đại học. COVID mùa thứ 2 và EURO mùa thứ mấy nghìn không nhớ làm cuộc thi có đôi chút khác biệt, tuy nhiên độ giải trí vẫn không hề thua kém các kì thi trước.
Ông A, đưa con thi vào Bách Khoa, than thở: “Hồi xưa tôi thi được 15 điểm 3 môn, đi về làng bọn trẻ con nhìn thấy là dạt ra 2 bên đường, đứng nghiêm trang chào. Có đứa mắt còn rớm lệ. Giờ con tôi thi được 30 điểm mà còn mất ăn mất ngủ chờ điểm chuẩn”. Được biết con ông A thi ngành CNTT, theo lời khuyên của 1 người anh sinh năm 96.
Cô B, người có 5 năm kinh nghiệm đưa con đi thi, cho biết thêm:”Con tôi 5 tuổi đã biết ngửa tay xin tiền, 10 tuổi đã lập quỹ đen quỹ đỏ, 15 tuổi đã biết cóp sex HD vào usb bán cho bạn bè, cả nhà khấp khởi mừng thầm. Ai cũng nghĩ cháu sẽ thi ngoại thương hoặc kinh tế quốc dân. Nhưng thế mà nhầm. Từ cái ngày cháu nhà tôi mang đâu về cái quyển gì 300 bài code thiếu nhi, cháu nhà tôi bỏ ăn bỏ ngủ, suốt ngày đóng kín cửa ngồi trong nhà. Âu cũng là cái đam mê của cháu nên nhà tôi đành chiều theo”.
<i>Cuốn sách bán chạy nhất những năm gần đây</i>
Cuốn sách bán chạy nhất những năm gần đây
Phụ huynh thì nghĩ vậy, còn học sinh thì nghĩ gì. Chị C, nhổ toẹt một bãi xuống đất, mạnh mẽ bày tỏ quan điểm:”Đề thi văn năm nay thật quá xa cách quần chúng nhân dân. Thời đại nào rồi yêu nhau mà cứ nhung với nhớ. Quê mùa thế xuống mẫu giáo mà yêu. Thằng cháu em đọc đề xong còn hỏi Xuân Quỳnh là người thời Lý hay thời Trần. Đề thi nên chọn một chủ đề gần gũi với chúng em hơn, ví dụ như phân tích vụ li dị của tỉ phú Bill Gate chẳng hạn”.
Được biết chị C sẽ bỏ thi các môn còn lại để phản đối sự xa cách và thiếu sâu sắc xã hội của ban ra đề năm nay. Dự định của chị là học khóa bổ túc tâm linh, nhằm mở lớp tư vấn cho các chị các em lấy được chồng thành đạt biết rửa bát quét nhà mà không biết li dị. Chị đặt tên lớp học là Kĩ Nghệ Lấy Chồng, bắt chước một nhà văn đã chết cách đây một trăm năm.
Anh D, bạn cùng lớp chị C, cảm thấy lo lắng. Không như chị C, ngoại hình anh không có, khả năng ngoại cảm thì chỉ dưới mức trung bình. Biết thân biết phận, anh buông tay, dự định học theo nghề cha làm chủ tịch tỉnh. Anh chia sẻ, giọng mệt mỏi:”Xã hội đã phân chia thế chứ tôi báu gì. Tôi định làm rapper, nhắm mắt thả trôi tâm hồn, ngày qua ngày dizzz srkttt przt nhằm quên đi cuộc đời ô trọc. Thế mà bố tôi lại dúi vào tay tôi một túi sổ đỏ”.
Nói xong anh quay người bỏ đi, môi ngậm chặt. Cái dáng điệu buồn bã của anh im đậm xuống buổi chiều thi, làm sụt sùi biết bao tâm hồn đa cảm. Trước khi khuất bóng người ta vẫn như nghe được câu hát tâm tình của anh: Quá nhiều sổ đỏ, đời coi như bỏ.
Trong một diễn biễn khác, Xăng Tăng - đệ tử của Đường Tăng, đã bất ngờ debut. Không cần chạy 72 campaign quảng cáo như sự phụ mình, không livestream bố cáo thiên hạ, không mua ads mua like, Xăng Tăng đơn giản là đi lên sân khấu và trở thành chuẩn mực mới, aka "bình thường mới". Phát biểu trước báo giới, Xăng Tăng cho biết ngắn gọn: "Đừng nói tôi chơi trội chỉ là tôi cá tính thôi". Câu nói đơn giản mà dứt khoát này đã và đang truyền cảm hứng cho hàng triệu triệu bạn trẻ Việt Nam, ít nhất mỗi tháng một lần.
Trong khi đó anh Nobita, thích làm đại ca, nhưng không trường lớp nào đào tạo, thất nghiệp chán đời nên đành đi cứu thế giới
Trong khi đó anh Nobita, thích làm đại ca, nhưng không trường lớp nào đào tạo, thất nghiệp chán đời nên đành đi cứu thế giới
Nếu Xăng Tăng không phải là gu của bạn thì việc Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập một số tỉnh thành có lẽ sẽ làm bạn hứng thú. Cư dân mạng đề nghị xát nhập tỉnh Quảng Bình vào tỉnh Hà Tĩnh để thành tỉnh Bình Tĩnh, hoặc Bình Định với Phú Yên để thành tỉnh Bình Yên. Đất nước có 2 tỉnh Bình Tĩnh Bình Yên thì đời đời ấm no hạnh phúc.