Bài viết của Craig Schamelis trên Psyche
Craig Schamelis là triết gia và một nhà khoa học xã hội.
--
Năm trước, tôi trò chuyện với một bé gái 13 tuổi quanh chủ đề tri thức. Cô bé dừng dùng điện thoại để nêu quan điểm của mình trong một tranh luận giữa các thành viên gia đình, khi tôi cho rằng tri thức khác với thông tin và cũng có giá trị hơn. Cô bé không đồng ý. Tôi ấn tượng trước trí thông minh và thái độ sớm nhận thức của cô bé khi đón nhận lập luận từ một tiến sĩ ngành khoa học xã hội, thế nên tôi lắng nghe cô bé quả quyết thông tin và tri thức là như nhau. Nhưng gần như chắc chắn là không phải như vậy.
Một so sánh tương đồng là khác biệt giữa sách “tự trợ” và khoa học xã hội khắt khe. Sách tự trợ, giống như thông tin, là dữ liệu không qua sàng lọc; bao gồm sự tiêu thụ lượng lớn thực tế chưa kiểm chứng mà chỉ do các cá nhân từng trải qua ghi chép lại. Trong khi đó, giống như tri thức, khoa học xã hội bắt đầu bằng thông tin thu thập và các phương pháp tư duy được nhiều người cùng tham gia đóng góp.
Tri thức hình thành từ khoa học xã hội tạo ra các giả thiết để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, là khi các nhà xã hội học hiểu về bản dạng cá nhân như một phần của vũ trụ mang ý nghĩa biểu tượng, và từ đó phân tích các thay đổi xảy ra ở vũ trụ này. Bản thể luận là chi triết học đánh giá các thắc mắc về hiện hữu và bản thể; do đó, nếu nói theo ngôn ngữ triết học, các nhà khoa học xã hội khởi đầu bằng chứng cứ và lý thuyết về bản thể, vì trước hết cần phải hiểu bản thể là gì về mặt xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa, và tâm lý, trước khi đưa ra lời khuyên làm thế nào để cải thiện bản thể đó.
Thử nhìn vào mảng sách tự trợ về định hướng nghề nghiệp. Trong quyển tự trợ luôn luôn ăn khách Dù của bạn màu gì? 2020 (lần đầu xuất bản 1970), Richard Bolles mách bảo độc giả tìm kiếm định hướng nghề nghiệp hãy đặt câu hỏi: “Tôi là ai?” Để giúp họ trả lời, Richard vận dụng kinh nghiệm cá nhân, giai thoại và ngụ ngôn, đưa ra chỉ dẫn mang màu sắc một bài giảng kinh. Và quả thật, Bolles là một linh mục Giám nghiệm. Dẫu ông không sai khi khuyên hãy đào sâu để hiểu hơn về bản thân thay vì dùng công việc để định nghĩa bản thân, Bolles tách rời khái niệm bản thể cá nhân ra khỏi ngữ cảnh xã hội.
Lối tiếp cận này có thể xảy ra tình trạng phụ thuộc vào thiên kiến vùng miền hay chủng tộc. Chẳng hạn, tâm lý xã hội chỉ ra rằng chủ nghĩa cá nhân thay đổi theo sắc tộc. Người Mỹ gốc Á có thể kém thoải mái trước hành vi bộc lộ đậm tính cách cá nhân hơn là người Mỹ gốc Âu. Nhưng sự lưỡng lự không muốn tham gia hoàn toàn hành vi cá nhân có thể cho ta thấy nhiều tri thức về cộng đồng và xã hội nói chung. Hai nhà xã hội học thế kỷ 20 Émile Durkheim và George Herbert Mead hình dung bản thể hoàn toàn là một sản phẩm của các tác động xã hội xung quanh. Trái lại, sách tự trợ phục vụ một bản thể nằm ngoài bối cảnh xã hội, khiến cho chúng thật sự chệch choạc nếu đem so sánh với nghiên cứu khoa học xã hội.
Trong một bài tập, Bolles yêu cầu độc giả vẽ ra sáu cánh hoa, mỗi cánh đặt tên theo một khía cạnh trong tính cách của độc giả. Loại tự nghiệm này theo Bolles sẽ mang lại nhiều hơn sự thỏa mãn và kết quả lao động hiệu quả hơn tại nơi làm việc và cả trong sự nghiệp. Nhưng các tác động từ phía xã hội hoàn toàn không được phân tích ở đây.
Ảnh: Jorge’s J. Gutiérrez Salomón
Chùm phim tài liệu do Anh sản xuất Seven Up! (1964) minh họa cho chúng ta thấy điều gì sẽ xảy ra mỗi khi có sự cảm thông cho giai tầng xã hội khi định nghĩa về bản thể. Trong Seven Up!, người ta ghi hình 14 học sinh người Anh từ các tầng lớp kinh tế khác nhau. Tập phim mới đây nhất trong chùm này thực hiện năm 2019, người tham gia lúc này đã 63 tuổi. Điều phim làm sáng tỏ không nằm nhiều ở các đặc điểm cá nhân họ sở hữu, mà lại là các vấn đề mà họ đang gặp phải, những con đường đã lựa chọn trong đời, và sự thành công trong các nỗ lực kiếm thu nhập luôn nhất quán với giai tầng mà họ sinh ra. Trong suốt hơn 50 năm, không một cá nhân nào trong số này vượt ra khỏi tầng lớp kinh tế của mình, dẫu cho câu chuyện của họ hoàn toàn được kể qua lăng kính cá nhân.
Louise Woodstock, một học giả về truyền thông và kỹ thuật số từng nghiên cứu về loại hình sách tự trợ, đã lưu ý rằng "các câu chuyện cá nhân đặt một sức mạnh lẫn trách nhiệm khủng khiếp lên bản thể, trong khi chính chúng lại từ chối ảnh hưởng từ các thiết chế xã hội".
Ngầm dụ trong bài tập vẽ cánh hoa trong quyển Dù của bạn màu gì? – và trong rất nhiều sách tự trợ cũng như khoa học xã hội – là suy nghĩ bản thể vốn là một câu chuyện, mà chuyện thì có thể kể lại theo ý mình. Nhưng các nhà khoa học xã hội, bao gồm các nhà tâm lý lẫn các tác giả tự trợ, dường như kể lại cho chúng ta một câu chuyện khác về bản thể. Chẳng hạn, Dale Carnegie, tác giả quyển Đắc nhân tâm (1936) mô tả lại quá trình nhờ một ai đó thực hiện một hành vi nào đó bằng cách đánh động và giải quyết các khát khao bên trong họ. Tuy nhiên, một nghiên cứu khoa học thường được trích dẫn năm 1995 chỉ ra rằng người ta dễ bị bất mãn hơn khi tìm cách gây ảnh hưởng tới người khác nếu như người kia cảm thấy hài lòng về kết quả nhận được. Còn ly kỳ hơn nữa. Cùng nghiên cứu này cũng chỉ ra các nhà thương thuyết cảm thấy kém thành thật và đáng trọng hơn sau mỗi kỳ thương thuyết thành công. Kết luận này như đập thẳng vào quyển Đắc nhân tâm, bởi nó chất vấn cái giả định cho rằng chúng ta sẽ cảm thấy thành công hơn nếu người mà ta muốn gây ra ảnh hưởng trở nên hạnh phúc hay phấn chấn hơn.
Ấy vậy mà phần không nhỏ sách tự trợ về thành công kinh tế và sự nghiệp vẫn đang được viết ra theo tinh thần quyển Đắc nhân tâm của Carnegie, và kết quả là, chúng tạo ra cảm giác như thể con người luôn là một chủ thể tự do thương thuyết với bản thân, vì bản thân mà không cần bối cảnh xã hội. Một tác giả khác không chút bận lòng với bối cảnh xã hội là Mark Manson, tác giả quyển bestseller Nghệ thuật tinh tế của việc "đếch" quan tâm (2016). Manson tức tối trước sự chú trọng vào lòng tự tôn và sự tự gán quyền lợi của thời buổi hiện tại. Nhưng góc nhìn này hoàn toàn cá nhân. Trong thế giới quan của Manson, lòng tự tôn nhanh chóng hóa thành sự tự gán quyền, và sau đó là ái kỷ. Điều bị phớt lờ ở đây chính là sự chú trọng tùy tiện vào lòng tự tôn vốn đã trở nên cực kỳ phổ biến ở các tự thuật suốt nhiều thập kỷ qua. Nghiên cứu khoa học xã hội cho thấy tự tôn của con người không nhất thiết có thể giải thích cho thành tựu của họ. Hơn nữa, nhảy vèo từ tự tôn bị thổi phồng sang tự gán quyền lợi, như cách của Manson, lại đóng vai trò cổ xúy cho các mục tiêu xã hội đáng ngờ, chẳng hạn bào mòn các chương trình phúc lợi xã hội và đồng thời thúc đẩy phúc lợi chỉ riêng cho người giàu thông qua các cơ chế như đồng sở hữu công-tư.
Giống mô tả về cá nhân của Manson, các tự thuật của sách tự trợ về thành và bại xem yếu tố kinh tế là một chiến lược hoàn toàn cá nhân hoặc nhằm phục vụ cho gia đình. Trong quyển Đánh thức người khổng lồ bên trong (1991), Anthony Robbins khuyên chúng ta suy ngẫm về khái niệm tác giả gọi là “phức hợp”, chiến lược dành dụm bao gồm tái đầu tư để sinh lợi nhuận. Một nhà khoa học xã hội làm việc trong cùng lĩnh vực này thường sẽ chọn cách nhìn vào xu hướng nội địa hay nhân khẩu học. Chẳng hạn, tại Mỹ, sức mua của đồng đôla đã sụt giảm đều từ năm 1967 tới nay (ngoại trừ hai năm cá biệt). Thống kê từ Quỹ tiền tệ quốc tế chỉ ra rằng, vào thời điểm quyển sách đầu tay của Robbins ra đời, tỉ lệ dành dụm gia đình đã bắt đầu sụt giảm và kéo dài suốt hơn 20 năm tại Mỹ, Anh, Australia và Canada. Các khác biệt liên văn hóa và quốc gia thường là đối tượng của các nghiên cứu khoa học xã hội, và hóa ra, chính xã hội mà cá nhân dành dụm lại là một nhân tố quan trọng khác trong hành vi tiết kiệm: quá trình dành dụm tại Mỹ xảy ra thấp hơn bất cứ nơi nào khác, bởi vì, theo một số nhà kinh tế, nền văn hóa Mỹ là nền văn hóa tiêu thụ bậc cao và thỏa mãn tức thời, do đó các quyết định dành dụm dễ bị đẩy lui vào tương lai.
Robbins có thể phản biện rằng nếu nhiều người đọc sách của mình, họ hẳn đã triển khai được phức hợp đó. Nhưng hoàn toàn ngược lại, ta có thể hình dung về một nhà khoa học xã hội hàn lâm khuyên bâng quơ và chỉ đưa ra các thực tế đơn thuần về tiết kiệm mà thôi. Chẳng có gì ngạc nhiên khi các tác phẩm tự trợ ngay lập tức thu hút độc giả - chúng tạo ra một cảm giác tự chủ và hứng thú với các lựa chọn mà chúng ta đưa ra xoay quanh cuộc sống tài chính và sự nghiệp của mình. Có trong tay quyền dành dụm đủ tiền để thay đổi các trạng thái sinh tồn cơ bản kỳ thực là một ý nghĩ vô cùng quyến rũ.
Một lý do khác để tiết kiệm là dùng số tiền đã cất đi để đưa ra các thay đổi về công việc hay về cuộc sống mỗi khi thiết yếu hoặc khi chúng ta mong muốn. Câu hỏi của Bolles “Dù của bạn màu gì?” chỉ về quyết định thay đổi hay khởi đầu một sự nghiệp dựa trên duy nhất bản ngã nội tại. Ngược lại, các nhà khoa học xã hội muốn biết về các hoàn cảnh khi đó những chiếc dù có màu sắc cho riêng mình; chúng ta cảm thấy cần thiết phải biết vì sao chiếc dù màu đỏ, đen hay lục; chúng ta muốn biết những tác động nào khiến chúng ta phải đưa ra bước nhảy; chúng ta muốn biết những thay đổi nào về văn hóa, lịch sử, xã hội và kinh tế đã xảy ra và sản sinh ra những cá nhân cần tới chiếc dù, và chúng đang thay đổi ra sao. Đương nhiên, đôi khi cách tiếp cận từ góc nhìn tự trợ là cái mà chúng ta cần. Các nhà khoa học xã hội đóng vai trò mô tả nhiều hơn khuyên nhủ. Khi đến lúc các “tác nhân thay đổi” và các nhà cách mạng thay đổi các hoàn cảnh xã hội cơ bản đang bó buộc chúng ta, có lẽ một tự thuật mang tính tự trợ sẽ tiếp năng lượng cho ta hành động tốt hơn bây giờ.

k.