Bạn nên xóa Facebook. Và đây là lí do
Nội dung bài gốc Yes, You Should Delete Facebook. Here's Why. Tác giả Nat Eliason - Founder of Growth Machine | Writer ...
Nội dung bài gốc Yes, You Should Delete Facebook. Here's Why.
Tác giả Nat Eliason - Founder of Growth Machine | Writer
Vài tuần trước tôi đã xoá tài khoản Facebook, bắt nguồn từ một câu chuyện đáng sợ hồi tháng ba vừa rồi.
Tôi và bạn mình tình cờ gặp một nhà đầu tư của anh ấy trong một quán café ở San Francisco. Nhà đầu tư đó hỏi chúng tôi về Ample, một đối thủ cạnh tranh của Soylent. Ông ấy tò mò muốn biết chúng tôi nghĩ gì về công ty đó, cũng như về các công ty thực phẩm thay thế bữa ăn nói chung.
Dù chưa từng nghe đến Ample, nhưng tôi cũng đã chia sẻ đôi điều mình biết về Soylent, và lí do tại sao tôi sẽ không bao giờ tốn tiền cho những công ty như thế này. Người bạn của tôi hầu như có chung quan điểm trong suốt cuộc trò chuyện.
Và rồi nó kết thúc, chúng tôi rời đi. Sau đó tôi chưa hề nghĩ gì thêm về Ample, cũng như tìm kiếm hay nói gì trên mạng. Vậy mà chưa đến 24 giờ sau, trên feeds Insta của tôi đã xuất hiện quảng cáo về nó.
Cứ như là có ma quỷ vậy! Tôi đã quen với việc nhìn thấy quảng cáo về các sản phẩm liên quan tới website tôi truy cập, những điều tôi đề cập trên Facebook, nhưng với những thứ mới chỉ xuất hiện trong cuộc nói chuyện của tôi thì thật là lạ lùng.
Sau một hồi mày mò, tôi mới nhận ra mình không phải là người duy nhất. Có hàng tá người trên mạng đã bị bối rối bởi các quảng cáo tưởng chừng được tạo ra nhờ việc Facebook nghe trộm cuộc nói chuyện của họ vậy.
Rõ ràng là như thế này, điều trên không thể xảy ra được. Đó là cả một núi công việc và quy trình đồ sộ để xử lí thông tin nhằm có được mục tiêu quảng cáo tốt hơn. Như một bài báo trên Wired đã đề cập, Facebook không cần nghe lén cuộc nói chuyện của chúng ta.
Họ có thể nhằm vào bạn một cách đơn giản mà không cần đến điều đó.
NGỌN NGUỒN CỦA VẤN ĐỀ
Cần nhấn mạnh lại rằng họ không nghe lén cuộc nói chuyện của bạn vì họ không phải làm như thế. Nhưng nếu có, đây sẽ là vấn đề đáng sợ hơn nhiều. Facebook biết nhiều về bạn đến nỗi họ làm bạn tin rằng họ đang lắng nghe bạn thầm thì chuyện riêng tư. Họ có quá nhiều dữ liệu về bạn thế nên họ có thể gửi cho bạn những quảng cáo liên quan một cách kì lạ đến những sự việc trong thế giới thực.
Hãy dành ra một lúc để tưởng tượng rằng, bạn có một người bạn hiểu bạn tường tận đến mức này. Ai đó biết mọi nơi bạn tới, mọi thứ bạn thích, bạn sợ, bạn muốn, những người bạn đi chơi cùng và cảm xúc của bạn ở mỗi thời điểm khác nhau.
Họ có thể là điều gì đó tuyệt vời, hoặc là cơn ác mộng trong cuộc đời của bạn. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách mà họ sử dụng thông tin, và ở mức độ tin tưởng của bạn có thể dành cho họ.
Giờ tưởng tượng người bạn này có thể sử dụng thông tin của bạn để làm ra tiền, bằng cách thao túng lựa chọn của bạn sẽ giúp họ sinh lời. Và cũng tưởng tượng họ là loại người bị suy đồi về đạo đức đến nỗi lợi dụng bạn bè của mình theo cách này.
Liệu động cơ của họ sẽ như thế nào nhỉ ?
Vì họ có thể kiếm ra tiền bằng cách thao túng lựa chọn của bạn, họ sẽ cố gắng kiểm soát quá trình bạn chọn lựa. Và vì họ có thể làm việc đó một cách tốt hơn khi hiểu rõ về bạn, họ sẽ muốn hiểu về bạn hơn. Nếu họ muốn một kết quả mĩ mãn nhất cho mình, họ sẽ phải thao túng lựa chọn của bạn và thu thập thông tin về bạn nhiều nhất có thể.
Đây có vẻ là câu chuyện của Facebook:
1. Họ kiếm tiền nhờ quảng cáo.
2. Như vậy họ cần bạn click vào quảng cáo.
3. Do đó họ cần hiểu hơn về bạn để gửi những quảng cáo phù hợp hơn.
4. Và họ cần bạn bỏ ra nhiều thời gian hơn trên website của họ để bạn click nhiều quảng cáo hơn.
5. Vì vậy họ có động lực tạo cho bạn thói quen dành thời gian với nền tảng của mình để trong khi đó họ thu thập thông tin về bạn nhiều nhất có thể.
Các sản phẩm của Facebook không phải là thứ nền tảng, mà là chúng ta. Nếu như sản phẩm là thứ doanh nghiệp bán ra để tạo ra lợi nhuận, thì sản phẩm của Facebook là thông tin và sự chú ý của chúng ta. Chúng ta chính là sản phẩm. Và khách hàng của Facebook là những công ty mua quảng cáo dựa trên sự chú ý và thông tin đó.
Nếu thời gian và sự chú ý của chúng ta là sản phẩm thật sự của Facebook, thì mục tiêu dài hạn của họ đã quá rõ ràng: ảnh hưởng (và đánh thuế) cách chúng ta giao tiếp vào thế kỷ 21. Mọi sản phẩm họ tung ra và mọi công ty họ sở hữu đều liên quan đến mục tiêu này theo một cách nào đó :
- Facebook (app) là một nền tảng truyền thông đa năng, tập trung vào tính cộng đồng.
- Messenger/Whatsapp là những nền tảng hướng đến nhu cầu liên lạc tức thời, theo các nhóm nhỏ hơn.
- Instagram là nền tảng truyền thông trực quan.
- Oculus có khả năng trở thành phiên bản tích hợp của tất cả các nền tảng trên trong tương lai.
Facebook muốn chi phối cách chúng ta giao tiếp vì điều đó đồng nghĩa với nhiều thông tin và sự chú ý hơn, đem lại nhiều doanh thu quảng cáo hơn. Khá là đơn giản.
Nhưng ý tưởng này thật ra đáng sợ hơn một chút: một công ty muốn kiểm soát cách bạn tương tác với người khác mà nhờ đó họ kiếm lời. Không phải là những bí mật, động cơ đen tối nào ngầm định hướng công ty, mà với những động cơ đã hình thành lên nó thì đây là một hệ quả thiết yếu.
So sánh mô hình này với Netflix. Bạn trả cho Netflix một khoản đều đặn hàng tháng, và đổi lại, bạn được thưởng thức một cách thoải mái các show truyền hình, phim điện ảnh từ nền tảng của họ. Netflix không kiếm thêm tiền kể cả khi bạn dành thêm nhiều thời gian cho họ (thực ra là họ sẽ kiếm được ít hơn), do đó họ không có động cơ gì để làm bạn dính chặt với ứng dụng này (ngoài việc bạn chuyển sang một đối thủ của họ). Với Netflix, chúng ta là khách hàng.
Đây không phải để nói rằng tất cả những ứng dụng có quảng cáo là xấu còn những ứng dụng phải trả tiền là tốt. Tôi đã sử dụng Foursquare và Swarm liên tục trong vòng hơn 7 năm. Có những ứng dụng mà tôi tự nguyện chia sẻ vị trí, thói quen du lịch, ăn uống, mua sắm mà tôi không hề có tí cảm giác nào là Foursquare đang sử dụng dữ liệu đó để làm cho cuộc sống của tôi tệ đi.
Các quảng cáo trong Foursquare hầu hết đều hữu ích. Mục tiêu của họ là trở thành nơi mà khách hàng có thể tìm thấy một nhà hàng hoặc một quán café để thưởng thức. Họ không cần bạn dành cả đống thời gian với ứng dụng, và họ cũng không cần bạn mua sản phẩm của những người bán mà không liên quan đến mục đích của bạn khi sử dụng ứng dụng này. Họ chỉ muốn bạn giữ thói quen check in và tìm kiếm các điểm điểm thông qua họ, và đem đến cho bạn những quảng cáo có liên quan đến loại thức ăn và cửa hàng mà bạn sẽ thích.
Nếu Foursquare bắt đầu sử dụng dữ liệu của tôi theo cách làm tôi khó chịu, tôi sẽ thôi sử dụng nó. Nếu mọi lần tôi check in ở một nhà hàng và ngay sau đó nhận được email từ họ, là tôi biết Foursquare đang bán địa chỉ email của tôi cho nơi mà tôi đã ghé qua và tôi không hài lòng về việc đó. Tôi sẽ xóa nó đi, chuyển qua một ứng dụng khác có thể tin tưởng hơn.
Vấn đề với Facebook là họ đang cố gắng dành thế độc quyền trong thế giới điện tử của chúng ta, khiến chúng ta ngần ngại trong việc từ bỏ nó. Việc chuyển từ Foursquare sang Yelp không làm người ta lo lắng, nhưng việc xóa Facebook thì có.
NỐI SỢ TỪ BỎ
Làm thế nào mà Facebook đã ăn sâu vào cuộc sống của chúng ta đến nỗi có những người đã sống 30 năm liền không có nó giờ lại đột nhiên lo sợ mất nó?
Một phần nào đó bắt nguồn từ lí do ban đầu mọi người tìm đến: thông tin. Chúng ta muốn biết những gì đang diễn ra trong cuộc sống của bạn bè, người thân, và Facebook đã trở thành một nguồn tin luôn sẵn sàng cho việc đó.
Nhưng dần dần, Facebook đã biến tình bạn từ một quá trình chủ động sang bị động. Bạn có thể ngồi yên chờ vài cập nhật hiện lên từ một người bạn hoặc một người thân và rồi đáp lại nó. Bạn không phải mất công tìm đến và hỏi điều gì đang diễn ra, bạn sẽ nhận được thông tin đó nhờ những thuật toán kì diệu.
Bao lâu thì bạn sẽ hỏi bạn bè mình rằng họ đang sống như thế nào rồi? Hoặc để xem cuộc sống của họ có gì đổi mới không? Giờ thì gần như chẳng cần điều đó nữa, vì Facebook đã tự động hóa cả quá trình này. Chúng ta không cần làm gì, thông tin tự đến, và vì vậy chúng ta mất đi những năng lực cập nhật thông tin trong các mối quan hệ xã hội.
Điều này giống với vấn đề tôi đã vạch ra trong bài báo của mình về việc chuyển từ công cụ tìm kiếm sang mạng xã hội. Vì chúng ta không còn chủ động tìm kiếm mọi thứ trên Internet, thay vào đó chúng được người khác đưa đến, chúng ta trở thành những khách hàng nhận tin thụ động. Và vì chúng ta ngày càng hướng đến tình bạn thụ động kiểu Facebook, chúng ta mất đi khả năng giữ liên lạc với mọi người.
Nếu mối quan hệ trên Facebook cũng mang nhiều ý nghĩa như những mối quan hệ trong thực tế thì mọi chuyện ổn thôi, nhưng không phải vậy. Những cuộc hội thoại qua ứng dựng liên lạc và việc cập nhật thông tin của bạn bè thông qua newsfeed tạo nên mối quan hệ tương tự như Soylent. Một bước ngụy phát triển về công nghệ để vượt lên cả quá trình lịch sử của loài người, và thất bạt thảm hại khi thiếu những giá trị mà chính nó đang cố gắng thay thế.
Và vì chúng ta đã quen với tình bạn kiểu Facebook trong một thời gian dài, việc từ bỏ sẽ thật sự đáng sợ. Làm thế nào để bạn biết những sự kiện đang diễn ra đây? Làm thế làm để bạn biết chuyện gì đó trọng đại sẽ diễn ra trong cuộc đời bạn bè mình? Làm thế nào để bạn giữ liên lạc với mọi người đây?
Câu trả lời đơn giản là cách mà chúng ta đã làm từ 100.000 năm trước đây. Nói chuyện. Hãy trở thành một người khách hàng chủ động về thông tin xoay quanh cuộc sống của bạn bè thay vì để nó được thả trôi đến bạn.
Nhưng thật ra cũng nên đặt câu hỏi: sao phải bận tâm? Đúng thế, rời bỏ Facebook có thể sẽ làm bạn bỏ lỡ những sự kiện, tin tức cập nhật, tin nhắn, vì mọi người khác đều đang sử dụng nó. Và đúng là không có những thông tin đó một cách kịp thời thì sẽ khá bất tiện.
Vậy thì tại sao đáng phải xóa bỏ mạng xã hội này thay vì níu kéo tiếp tục sử dụng nó?
SAO PHẢI BẬN TÂM KHI XÓA FACEBOOK
Một số người theo dõi thế giới công nghệ trong một vài năm tới đây sẽ thấy Facebook tiếp tục duy trì vị trí thống trị của mình, và sẽ cho rằng mọi việc là ổn khi đối xử thiếu trách nhiệm với thông tin của khách hàng trên danh nghĩa của sự phát triển, khi tối ưu hóa sản phẩm của bạn dựa theo tính gây nghiện, và khi bán thông tin về người dùng của bạn.
Hoặc, trong một vài năm tới. họ có thể thấy hệ quả to lớn mà Facebook phải đối mặt vì đã hành xử theo cách đó. Họ có thể nhìn thấy mọi người chọn quan tâm tới sản phẩm khác họ tin tưởng, và bỏ rơi Facebook.
Đâu là lí do khiến việc bỏ Facebook lại quan trọng đến thế: điều này gửi đến thông điệp rằng doanh nghiệp không thể, và không nên, cố gắng để có sức ảnh hưởng lớn đến thế trong cuộc sống của chúng ta. Và nếu doanh nghiệp nào khác cố gắng làm điều đó trong tương lại, họ sẽ bị trừng phạt vì điều đó.
Nếu ai đó xung quanh lừa dối chúng ta, chúng ta sẽ kể điều đó cho bạn bè mình. Chúng ta phát tán đi thông tin về những thứ có thể tin được hoặc không qua những cuộc chuyện phiếm, điều này phần nào thể hiện hậu quả cho việc bội tín. Nếu các doanh nghiệp không phải chịu hậu quả tương tự cho việc bội tín như thế, họ sẽ chẳng có cớ gì phải cân nhắc trước khi chuẩn bị làm điều gì có thể hủy hoại niềm tin của người dùng.
Nếu Facebook nghĩ họ có thể tiếp tục với tính gây nghiện, doanh thu quảng cáo, và thu thập dữ liệu mà không gặp hậu quả gì, họ sẽ tiếp tục làm những việc đó.
Từ cái cách mà Facebook trở thành một thế lực độc quyền trong cuộc sống của chúng ta trong khoảng 5 đến 10 năm trở lại đây, và hệ quả của sự độc quyền đó, tôi nghĩ có một vài bài học thiết yếu mà chúng ta có thể áp dụng cho các công ty công nghệ khác.
Đừng tin một sản phẩm nào có thể thay thế quá trình tự nhiên của con người
Facebook không thể thay thế phương thức liên lạc trực tiếp cũng như các giao tiếp trong xã hội. Soylent không thể thay thế được thức ăn. Porn không thể thay thế được sex. Tinder không thể thay thế cho việc hẹn hò. Việc công nghệ hóa mọi mặt trong cuộc sống của chúng ta nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng nó sẽ không có tác dụng với những quá trình đã xưa như quả đất, và chúng ta cũng đừng nên tin rằng 4 chàng trai trong kí túc Havard có thể thực sự tạo ra một mạng liên kết xã hội tốt hơn những gì chúng ta có trên thực tế.
Là khách hàng, không phải sản phẩm
Hãy chọn chi trả cho các dịch vụ thay vì để dịch vụ đó bán thông tin của bạn. Hãy trả tiền để xóa bỏ quảng cáo bất cứ khi nào có thể. Khi bạn dùng một sản phẩm miễn phí, bạn vẫn trả cho họ theo một cách nào đó, thường là thông qua sự chú ý và dữ liệu của bạn trong sản phẩm đó. Hãy cẩn trọng với động cơ ẩn sau những công ty và sản phẩm bạn sử dụng, và đừng trông chờ rằng họ sẽ đối xử nhân từ với thông tin của bạn.
Quan trọng nhất : đối xử với các công ty như người với người
Nếu không thể tin tưởng được một công ty nào, hãy rời bỏ họ, và làm cho họ cảm thấy được hậu quả. Nếu một công ty có thể lợi dụng người dùng để kiếm tiền, họ sẽ tiếp tục làm như vậy cho đến khi nhận thấy hậu quả.
Facebook đã trở thành một đối tác gian xảo của chúng ta. Họ gây dựng một vị thế quan trọng trong cuộc sống của mỗi người, đến nỗi kể cả bạn có muốn dứt khỏi họ, những hậu quả sẽ làm bạn lo sợ.
Nhưng sự ảnh hưởng của việc từ bỏ đó nhỏ bé lắm, tôi không thể miêu tả được. Tôi gần như không sử dụng cả năm trước khi xóa nó hoàn toàn, và trong ngần đó thời gian tôi chẳng thấy lưu luyến gì. Có thể tôi đã bỏ lỡ 1 hay 2 sự kiện gì đó, nhưng cái giá đó tính ra là quá nhỏ.
Để cập nhật tin tức từ cuộc sống của bạn bè, tôi chỉ đơn thuần làm theo cách truyền thống. Nói chuyện với họ. Sẽ thật tuyệt khi chúng ta có chủ đề nào đó để nói chuyện khi gặp mặt trực tiếp, thay vì ngồi trước điện thoại, nhìn vào màn hình Facebook để cập nhật newsfeed.
Tưởng tượng rằng 10 năm về trước bạn được giải thích việc nếu bạn đăng kí tài khoản Facebook, họ sẽ thu thập thông tin chi tiết (đến khó chịu) về bạn, kiểm soát cảm xúc của bạn, lưu trữ những đoạn hội thoại của bạn, và cố gắng kiểm soát cách bạn giao tiếp trực tuyến với người khác. Liệu bạn có đăng kí không? Liệu bạn có để cho lũ trẻ của mình đăng kí không?
Tôi thì chắc chắn là không, và tôi nghĩ rằng bạn cũng vậy.
Đây là lần đầu tiên mình chuyển ngữ một bài viết từ Medium. Dù chủ đề này đã xưa như trái đất nhưng vẫn mong mọi người có thể dành thời gian đọc và cho cảm nhận.
Thanks for reading.
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất