Ngày nào cũng thế, điện thoại mình sẽ đổ chuông với lời nhắc “Bạn đang thấy thế nào?” vào 10 giờ tối.

Đây là một phương pháp mình đọc được từ một bài viết về chăm sóc đời sống tinh thần và thấy thú vị nên học hỏi. “Dạo này thế nào?”, “dạo này khoẻ không?”, “mọi việc vẫn ổn chứ”, v.v. là câu hỏi đầu tiên của hầu hết các cuộc đối thoại, bất kể độ thân quen. Chúng ta hỏi nó nhiều đến mức, bản thân câu hỏi dần dần thế chỗ cho lời chào. Nó đơn thuần trở thành một cách chào hỏi. Chúng ta có còn thực sự quan tâm tới câu trả lời không, khi mà nó gần như luôn là “Tớ/em/tôi/mình ổn”? Chúng ta thường tránh làm người khác khó xử bằng cách tỏ ra là mình ổn. Chúng ta không thích bị đánh giá bởi những cảm xúc tiêu cực của mình. 
Hàng ngày, vào 10 giờ tối, màn hình điện thoại mình sẽ sáng lên với lời nhắc “Bạn đang thấy thế nào?”. Mình nghe thấy câu hỏi ấy trong đầu với một giọng điệu chân thành nhất có thể. Từ lúc nào, mình thấy bản thân thi thoảng vô thức nhìn đồng hồ khi kim sắp điểm 10 giờ. Đôi khi mình háo hức chỉ vì mình biết đó là một câu hỏi thực sự dành cho mình. Thời gian đầu, mình thường trả lời bâng quơ, ừ thì mình ổn. Đấy là một phản xạ. Trả lời như thể một người bất kỳ vừa hỏi mình câu đó. Thế rồi, khi câu hỏi ấy cứ xuất hiện đều đặn, mình không thể nói rằng ngày nào mình cũng thấy ổn. Vậy thì, mình đang thực sự cảm thấy thế nào?
Dạo gần đây, có lúc mình còn nhìn nhầm “Bạn đang thấy thế nào?” thành “Bạn là ai?” (How are you - who are you?). Thực ra đó cũng là một câu mình tự vấn nhiều, có thể bạn cũng thế. Có lần mình cũng cố trả lời rồi đấy. Điều kỳ lạ là, với câu hỏi “Bạn là ai?”, mình càng hỏi đi hỏi lại thì câu trả lời của mình ngày càng rối rắm và làm mình khó xử. Hôm nay, lúc điện thoại báo “Bạn đang thấy thế nào?”, mình lại nhìn nhầm thành “Bạn là ai?”. Và cũng hôm nay, mình đã trả lời như thế này cho cả hai câu hỏi:
Sự thật là mình không ổn. Mình không thấy ổn với những gì đang xảy ra trên thế giới và cái cách mà mình đã góp phiền khiến nó trở nên như thế. Mình không thấy ổn với sự thờ ơ và lạnh lùng từ nhiều người quen cũng như người thân về vấn đề này. Mình không thấy ổn với những bất công thường nhật mà người da đen phải đối mặt. Mình thấy biết ơn vì vẫn có những người đã lên tiếng, có người đang đấu tranh cho màu da của chính mình, có người tuy khác màu da nhưng cũng đang ủng hộ cho cuộc đấu tranh đó. Thật sự là chỉ cần nghĩ đến những cuộc đối thoại về phân biệt chủng tộc với nhiều người trong tương lai thôi, mình đã thấy ngán ngẩm rồi. Thế nhưng, mình cầu mong lần này tiếng nói của người da đen sẽ được lắng nghe và công nhận, mặc dù sự công nhận này có phần chậm trễ.
Mình là ai nhỉ? Mình chẳng là gì to tát, nhưng không thể phủ nhận rằng mình là một phần của bộ máy phân biệt người da đen, và có lẽ là mình sẽ không thoát ra khỏi bộ máy đó được nếu như chính nó không sụp đổ. Tại sao lại thế? Bởi vì để có được một vài đặc quyền mà mình có, mình đã vô tình tước nó đi khỏi một người da đen khác, chẳng hạn như việc là người châu Á ở Đức nên người ta nghĩ là cần cù, giỏi Toán, trong khi người da đen lại bị coi là lười biếng và tệ nạn. Ngày mai thức dậy, mình sẽ lựa chọn trở thành người như thế nào trong thế giới này? Mình có thể tiếp tục im lặng và nhắm mắt làm ngơ trước những nỗ lực biểu tình không biết mệt mỏi của cộng đồng người da đen. Thế cũng được nhỉ? Bao nhiêu người đang làm thế chứ có phải mình mình đâu, thế nên thế cũng được mà?
Giá mà mình có thể ngây thơ đến thế. Chẳng phải “ngu si hưởng thái bình” hay sao? Mình muốn trở thành người như thế nào?
Mình muốn là người biết tự vấn về những đặc quyền mà mình đang có. Mình muốn là người biết thừa nhận rằng không phải ai cũng có được nhiều thứ mà mình mặc nhiên được hưởng. Mình muốn là người cảm thấy xấu hổ vì đã từng cho rằng đó là điều hiển nhiên. Mình muốn là người quyết tâm cố gắng suy nghĩ độc lập và thấu đáo hơn. Mình muốn là người cảm thấy bất mãn với tình hình thế giới hiện tại. Mình muốn là người biết xem xét lại những điều mình vẫn cho là đúng. Bằng mọi giá, mình không muốn an phận khi sự an phận của mình cũng góp phần vào cái chết của biết bao người da đen vô tội.
Hôm nay, khi được hỏi “Bạn đang thấy thế nào?”, mình muốn trả lời là sau mấy hôm vừa rồi mình thấy mệt mỏi. Còn những người da đen với nỗ lực đòi lại quyền con người suốt hàng trăm năm nay, mình chỉ muốn khóc khi nghĩ những gì họ đã phải trải qua.
Lời cuối cùng mình muốn gửi tới các bạn đọc thân mến, khi các bạn đọc những dòng này, mình muốn gửi tới bạn những lời chân thành này: 
Bạn đang thấy thế nào? Về cả thể chất lẫn tâm hồn, những gì đang diễn ra ở Mỹ có ảnh hưởng tới bạn không? Nếu bạn không muốn trả lời câu hỏi vừa rồi, bạn có thể cho mình biết tại sao được không? Còn nếu bạn hoàn toàn không quan tâm đến chủ đề này vì nó chẳng liên quan gì đến bạn, bạn có đồng tình là người da đen xứng đáng bị đối xử tàn bạo không? Chỉ hôm nay thôi, mình khẩn khoản mong bạn thử ngừng suy nghĩ về bản thân và những vấn đề cá nhân. Xin bạn nhớ rằng điều đó không phủ nhận giá trị của bạn hay những khó khăn mà bạn đang gặp phải. Mong bạn hiểu rằng, người da đen đã đợi quá lâu để tiếng nói của họ được lắng nghe, và đây là lúc thích hợp nhất để mỗi chúng ta có thể nhường phần sân khấu dù là ít ỏi nhất của mình cho họ. Mình biết rằng việc này chẳng dễ chịu chút nào, và mình rất tiếc khi phải nói với bạn là chẳng có sự chất vấn nào có thể làm người ta thấy dễ chịu hơn cả. Bạn à, cảm ơn bạn nhiều lắm nếu như bạn có thể hiểu được. Ngày hôm nay, coi như bạn đã tiến thêm được một bước rất lớn trong hành trình tỉnh thức. Chỉ cần tưởng tượng nếu kiếp sau đầu thai thành một người da đen trong thế giới của chúng ta hiện nay, bạn sẽ tự đưa ra được câu trả lời cho chính mình. Chưa bao giờ là quá muộn để thay đổi. Chưa bao giờ là quá muộn để lên tiếng. Thứ đầu tiên mà ta có thể thay đổi được là chính mình đó, bạn ạ!

NẾU BẠN KHÔNG BIẾT NÊN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU, ĐÂY LÀ VÀI THỨ MÌNH GỢI Ý BẠN CÓ THỂ XEM HOẶC ĐỌC:

Phim tài liệu “13th” trên Netflix hoặc YoutubePhim tài liệu về khoảng cách giàu nghèo giữa các sắc tộc (Youtube)Tiểu luận của Nguyễn Ái Quốc về KKK và những cuộc hành hình người da đen tại Mỹ“Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc không chỉ nói về thuế máu mà còn bàn luận về vấn đề nô lệ da đenhttp://antiracismforbeginners.com/