Bạn có những người bạn thực sự ở nơi làm việc không?
Mình luôn cảm thấy mình là người hướng nội, gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ mới với mọi người xung quanh. Mối quan hệ được đề cập ở đây là mối quan hệ cần đầu tư thời gian, đầu tư công sức để có hiểu biết về đối phương, có sự tin tưởng nhất định lẫn nhau chứ không phải mối quan hệ xã giao, nói những câu chuyện tầm phào hoặc chỉ để giải quyết một vấn đề nhất thời nào đó. Cụ thể trong công việc, có những người mình làm việc cùng tuy nhiên chỉ dừng lại ở mức độ trao đổi công việc, xong công việc thì câu chuyện dừng lại mà cả hai phía đề cảm thấy không cần thiết/muốn phải tiếp tục duy trì liên lạc. Tuy nhiên có những người khi làm việc cùng mình như tìm được cùng một tần số. Những người mà có cảm tưởng cả 2 đang cùng bước chung nhịp với nhau, mặc dù chỉ là trong việc xử lý một công việc nào đó. Mọi việc diễn ra một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, không cần giải thích nhiều, mỗi người tự biết cần phải làm gì và cần hỗ trợ gì cho đối phương để mọi việc trơn tru nhất. Và tất nhiên khi đã bắt được "tần số" với nhau thì việc thực hiện công việc, chia sẻ định hướng, hay chỉ ra những điều xấu của nhau cũng không còn là việc khó khăn nữa. Những người mà với mình không chỉ là đồng nghiệp mà là "bạn đồng nghiệp". Việc tìm được người như vậy tất nhiên phụ thuộc vào cả tính cách từng người, môi trường làm việc, độ tuổi,... Mình nghĩ có thể không phải ai cũng thích xây dựng những mối quan hệ như vậy vì nó đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và kết quả đạt được là hạn chế. Không giống với xu hướng hiện tại, người ta thích những thứ nhanh, ngắn và hot. Những mối quan hệ được xây dựng bằng cách chỉ cần xem, vuốt và lựa chọn. Và tất nhiên, tốt hay xấu, phù hợp hay không phù thuộc vào từng cá nhân, và lựa chọn của từng người là cần được tôn trọng.
Mình nhớ một ví dụ của tác giả Dan Ariely trong cuốn sách Phi lý trí, mình sẽ không trích dẫn chi tiết ra đây mà chỉ tóm tắt để các bạn nắm được nội dung. Đại loại là có một vị khách đi du lịch ở một đất nước xa lạ, không biết ngôn ngữ nước đó và gặp rất nhiều khó khăn. Một cách tình cờ vị khách đó gặp được một người đồng hương của mình (cũng là khách du lịch), từ đó 2 người như thân thiết từ trước và chia sẻ với nhau rất nhiều chuyện tại một thành phố xa lạ. Tuy nhiên vấn đề chỉ đến khi mà một trong hai người quyết định xin thông tin liên hệ của người kia. Chuyến du lịch kết thúc và 2 người trở lại cuộc sống thường nhật ở đất nước của mình. Một thời gian qua đi, hai người kết nối được với nhau và có cuộc hẹn ở quán cafe tại chính thành phố họ đang sống. Và kết cục không như mong đợi, câu chuyện của họ không còn được hào hứng, thân thiết như lúc đi du lịch nữa. Và theo tác giả nhận định việc có những buổi trò truyện tiếp theo là hết sức khó khăn. Nguyên nhân được đưa ra là mối quan hệ bị tri phối bởi môi trường bên ngoài.
Việc hình thành một mối quan hệ mới diễn ra một cách chậm chạm, từ tốn. Còn việc ra đi của một người thì nhanh chóng hơn rất nhiều. Tâm lý của con người ta thường ít trân trọng những thứ đang có bên mình hơn (tất nhiên là tùy mức độ ở từng người). So với việc có thêm một cái gì mới và mất đi một cái được cho là "của mình", thì việc mất mát có tác động lớn hơn nhiều trong thời gian dài hơn.
Suy cho cùng, việc gắn bó với một người ở nơi làm việc so với định hướng tương lai, môi trường làm việc thì không quan trọng bằng. Bản thân mình cũng là người đã từng chia tay công ty cũ để đến với nơi làm việc mới, mặc dù ở nơi cũ có những mối quan hệ quý giá mà mình mong muốn sẽ được làm việc cùng nhau trong thời gian dài. Tuy nhiên, khi là người ở lại thì mình mới cảm nhận rõ hơn cảm giác của việc "chia tay", bởi khi bạn là người ra đi, sẽ có nhiều cái mới đón chờ, thử thách bạn. Cái mới thường làm bạn thích thú, đôi khi phải bận rộn thích nghi vì vậy cảm giác mất mát sẽ được nguôi ngoay bớt đi. Có nhiều người sẽ đặt câu hỏi là tuy không làm việc cùng thì vẫn có thể "chơi" với nhau, giữ liên lạc như những người bạn. Điều đó là hoàn toàn chính xác, khi hai người đã thực sự hiểu nhau thì việc duy trì quan hệ là không có nhiều khó khăn. Tuy nhiên lúc này quan hệ sẽ ở vị trí khác, sẽ chỉ là những người bạn đơn thuần ngoài đời sống, và có thể bạn sẽ rơi vào trường hợp như hai vị khách du lịch như ví dụ bên trên.
Trên đây chỉ là câu chuyện của cá nhân mình, suy nghĩ của bản thân trong một ngày chia tay một người "bạn đồng nghiệp". Mọi cảm xúc không mãnh liệt, đau khổ như chia tay người yêu, không quằn quại, đau đớn như chia tay người thân trong gia đình mà chỉ man mác, nhẹ nhàng nhưng khiến người ta phải suy ngẫm, nhìn lại và trân trọng hơn những người đang bên cạnh mình.
Những quan điểm trong bài viết mang tính cá nhân và có thể khác nhau tùy từng người, rất hy vọng nhận được quan điểm, chia sẻ cũng mọi người về vấn đề liên quan.