Chết tiệt! 8h45 tối 16.3.2020
Hội chứng tăng áp lực nội sọ
Các dấu hiệu kèm theo: tri giác trì trệ, thay đổi tính tình, có khi rối loạn tâm thần, lú lẫn...
Vâng. Ngồi ôn thi ngoại cơ sở một hồi đọc đến bài này. Nghĩ tui ngồi thêm lát nữa không tăng áp lực nội sọ thì cũng có “dấu hiệu kèm theo” kia mất. Đếch thể tập trung được! >_<
Lại mở Youtube!
 
4 Hours of Ambient Study Music To Concentrate - Improve your Focus and Concentration
Một cái screenshot từ video.
Ô kìa cảnh đẹp thế. :o
Thế xong từ một cái mục đích nghe nhạc để tập trung học hơn, thành ra tui lại cứ thẩn thơ ngắm cảnh.
*Nghèn nghẹn,
Sống mũi cay cay, xong lại ngạt mũi,
Bộp bộp*
Vài giọt nước mắt nóng hổi phi thật nhanh từ mắt vuốt ve theo bờ má rồi rơi lên trang giấy.
May là chả có ai tự dưng mở cửa phòng bước zô, không lại hỏi han mình. Với hoàn cảnh này, thì những cách giải thích dễ hiểu nhất có thể là:
“Em học không tập trung được, học không vào, bất lực quá :(“
Hay là :”Cảnh đẹp quá, cho nên em khóc! :(“
Có mà dở hơi. =))
Theo Wikipedia:
The term happiness is used in the context of mental or emotional states, including positive or pleasant emotions ranging from contentment to intense joy. It is also used in the context of life satisfaction, subjective well-being, eudaimonia, flourishing and well-being.
(Gg dịch tạm: Thuật ngữ hạnh phúc được sử dụng trong bối cảnh của trạng thái tinh thần hoặc cảm xúc, bao gồm cả những cảm xúc tích cực hoặc dễ chịu, từ sự hài lòng đến niềm vui mãnh liệt. Nó cũng được sử dụng trong bối cảnh hài lòng vớicuộc sống, hạnh phúc chủ quan, eudaimonia?, hưng thịnh và hạnh phúc.)
Vì sao mình lại đưa định nghĩa hạnh phúc vào đây?
Vì kia là những giọt nước mắt hạnh phúc của mình á :)) Tears of joy là đó chứ đâu.
Mình không biết rằng có một từ nào cụ thể trong tiếng Việt để có thể miêu tả về chính xác về kiểu tính cách của mình không. Để mình miêu tả tí nhớ:
Đây, là hình ảnh điện tim đồ của một nhịp tim bình thường. Bạn nhìn thấy cái đỉnh cao nhất hay cái đáy lõm xuống thấp nhất kia không? Giả sử như tâm trạng hàng ngày bình thường của một người nó là những đoạn trập trùng lên xuống nhè nhẹ kia, không quá vui, cũng không quá buồn/giận dữ. Đỉnh cao nhất kia là khi họ hạnh phúc nhất, nơi đáy thấp nhất kia là buồn nhất/ giận dữ nhất, có thể cao hơn, có thể thấp hơn nữa, nhưng đại loại biên độ dao động cảm xúc của họ khá là lớn. Có vài người xung quanh mình biết là như vậy.
Còn về phía mình, tìm mãi chả thấy điện tim đồ nào trên mạng để miêu tả được cho cái kiểu tâm trạng của mình nên mình sẽ miêu tả ngắn gọn rằng biên độ dao động cảm xúc mình nó be bé thôi, kiểu như nếu coi cái “đỉnh hạnh phúc” trên kia như một ngọn núi, thì cái đỉnh của mình thường chỉ là những ngọn đồi; còn cái đáy ở trên kia coi như sâu như địa ngục 9 tầng thì cái địa ngục của mình chắc chưa bao giờ quá 4 tầng.
Mình thường bỗng dưng yêu đời, ngân nga vài câu hát chỉ vì những thứ đơn giản, kiểu như sau vài ngày mưa hôm nay trời bỗng nắng ráo mát mẻ; kiểu như mình lượm được vài đồ vật không còn dùng được nữa ở nhà, mà lại nghĩ ra ý tưởng tái chế nó thành cái gì đó xinh xẻo để nhà cửa thêm xinh mà lại bớt rác thải; kiểu như sớm mai thức dậy thấy mí cây hành trong cốc cao thêm 1-2cm,...


Hình mình chụp một ít đồ mình tái sử dụng: lọ thủy tinh từ chai dầu ăn, mấy cành cây khô từ cái cây cảnh bị héo, vỏ bọc gom lại từ mấy cái bọc hoa mẹ được học sinh tặng, hộp giấy thì cắt thành ống cắm bút. :D Thế là mình có một cái bàn thật xinhhhh.








Ấy cho nên là có thể thấy mấy “giọt nước mắt hạnh phúc” kia với mình như kiểu: hmmm nếu lúc đấy mà có cái lọ hay cái gì để đựng được thì mình sẽ hứng nước mắt vào mà cất đi làm kỉ niệm =)).
Khi đó mình vừa mới đọc xong quyển “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” của tác giả “Đặng Hoàng Giang”.
Những gia đình lao động, nghè khó, trung lưu, thậm chí là giàu có, những người cha người mẹ,người thì kiểm soát con cái họ quá mức, đặt áp lực lên con quá nhiều, có người thì nghĩ chỉ cần chu cấp tiền nong và vật chất đủ đầy là được rồi,.. Những người con của họ- những nhân vật chính trong quyển sách ấy, phần lớn là những 9x, là tầm tuổi của mình, có người đang học đại học thì bỏ, có người bảo lưu, có người lại đỗ đại học nhưng không học mà đi làm theo niềm đam mê của họ, etc... hút cần, quan hệ tình dục sớm, trầm cảm, cô đơn và sợ hãi chính ngôi nhà của mình,... Họ vật lộn từng ngày, may mắn thì có người tìm được con đường của riêng mình và tiếp tục bước tiếp trên con đường họ chọn, cố gắng gạt bỏ lại phía sau những thương tổn từ quá khứ, từ tuổi thơ, từ gia đình. Có người chưa được may mắn lắm thì thậm chí vẫn còn đang đứng giữa cái ngã bảy to oạch như cái đoạn Khâm Thiên, Ô Chợ Dừa, trăm cái xe máy, ô tô vẫn cứ lao vun vút qua, hối hả đến cái đích mình chọn, còn họ, vẫn đứng đấy, xoay người 360 độ mà vẫn chưa biết, hoặc chưa muốn chọn cái ngã nào. Dưới chân như có hàng chục sợi dây của những nỗi nhức nhối, những vết hằn từ tuổi thơ còn bám chặt lấy họ, khiến họ không tìm được cái bản ngã của chính mình, rồi đứng đó hỏi:” Tôi là ai? Đây là đâu?”.
Bản thân không biết đủ nhiều người và cũng chưa đủ trải đời để bản thân có thể đưa ra được một giả thiết gì về mối liên hệ giữa nghề nghiệp của bố mẹ, giữa mối quan hệ của bố mẹ với ông bà thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến thế hệ của con, của cháu. Nhưng đọc sách của Đặng Hoàng Giang thì mình có thể hiểu một phần.
Về mình:
Bố mẹ mình đều là công chức Nhà Nước.
Bố mẹ đều có vị trí và đều có tiếng nói nhất định trong cơ quan.
Nhà mình cũng không giàu, đủ ăn, đủ mặc, đủ sống.
Thời gian lớp 6, tự dưng được đứng lên hát trước trường, xong được khen hát hay, hồi đấy vẫn còn bé tí tẹo cái độ ngây thơ như mấy bé lớp 4,5 bây giờ í.
*Nghĩ một thời gian*
Quyết định nói chuyện với bố một cách nghiêm túc: ”Bố ơi con nghĩ rồi con muốn sau này làm ca sĩ!”
Bố:" Ừ, giờ con cũng 11 tuổi rồi, 2 bố con có thể nói chuyện như người lớn được rồi. Thế giờ con muốn học gì? Học hát hay học đàn để bố đi hỏi thầy cho nhé."
Mặc dù trước đó hồi cấp một mình cũng suốt ngày giả vờ làm cô giáo viết lên bảng giảng bài cho học sinh “tưởng tượng” như đúng rồi, ai hỏi cũng bảo cháu thích sau này làm giáo viên :D.
Chính sự phản ứng của bố khiến mình cảm thấy được tôn trọng, được coi như một người trưởng thành, được lắng nghe, được làm điều mình thích, không bị áp đặt.
Tuy nhiên thì, sự thực tế của mẹ như dội gáo nước lạnh vào mình vậy :))
Bằng một vài câu thuyết phục qua một vài ngày, mình đã hoàn toàn tin tưởng là mình chả có khả năng làm ca sĩ, hoặc nếu có, thì chắc danh tiếng của mình cũng kiểu Lệ Rơi nếu mình còn có đủ tự tin như ổng :))
Và rồi, bằng cách nào đó, mình đã bị “mu muội” trước lời thuyết phục của bố mẹ, để thi vào trường Y :’).
Trên hết, mình đã luôn nhận được những sự hỗ trợ hết mình của bố mẹ, về mọi mặt.
Mà này, chỉ mỗi bố mẹ thôi thì con người hiện tại cuả mình có lẽ cũng không như mình bây giờ. Chị gái là một nhân vật rất quan trọng góp phần giúp mình là mình như hiện tại ;).Chị hơn mình 8 tuổi, cũng không hẳn là gắn bó suốt với mình từ bé tới lớn vì khi mình học lớp 5 thì chị đi học đại học ở Hà Nội rồi.
Mình có kiểu nói chuyện với chị: Ơi, Ừ, Gì?,... và không bao giờ “ạ” ở cuối câu nữa.
Người ngoài nghe chắc nghĩ con này láo! Vì bố mẹ mình còn bảo mình thế cơ mà :v
Nhưng mà thói quen rồi á. Xưng hộ như vậy không có nghĩa là mình không tôn trọng chị.Ngược lại, mình rất tôn trọng và yêu quý chị ý chứ. Và mình mới ngẫm ra chắc do mình coi chị như một người bạn thân gần gũi nhất với mình nên mình mới xưng hô kiểu vậy.
Một đứa bạn ở đại học thích deep xịt có một lần nói câu như thế này: Mỗi một con người mình từng gặp trong cuộc đời đều tạo nên chính mình bây giờ.
Chắc đấy là câu duy nhất của nó mình thấy đồng ý đến vậy, mình đồng ý những một nửa :))
Mình như thế nào, mình trở thành ra sao, mình có rút được kinh nghiệm, mình có học được gì từ những người mình gặp không, đó là do cách mình nhận thức, cách tiếp nhận thế giới quan xung quanh.
Theo mình, đúng hơn là công thức:
                                MÌNH + MỌI NGƯỜI = MÌNH
(Mình dốt toán bỏ xừ, nên công thức của mình nó chỉ như 1+0=1 :’) )
Áp dụng công thức trên vào mình, mình có:
Mình bây giờ= gia đình + bạn bè các cấp + thầy cô các cấp + ny cũ + bác lao công + bác bán đậu bên đường + cô bán rau + mấy bác bảo vệ + bác bán bánh mỳ canteen + bệnh nhân +......
(hic nói chung là mọi người mà hiểu 1+0=1 thì đọc đến đây là hiểu á, thương mình đỡ phải viết)
Mình đã khóc vì khoảnh khắc đấy, mình mới nhận ra lòng mình tràn đầy sự biết ơn và thương yêu đến nhường nào.
Khoảnh khắc đấy, số đo hạnh phúc và mãn nguyện trong mình nó đã vươn cao lên trên cả cái đỉnh núi giống trong cái điện tim đồ kia rồi.
Khoảnh khắc đấy mình đã tự hứa với bản thân sẽ viết một bức thư cho những người mình yêu thương.
Mình thường ngại thể hiện tình cảm ngoài đời lắm, cho nên viết thư là hợp lý nhất với mình.
Các bạn mình ạ, mình thường hay ra cái vẻ mặt lạnh lùng lầm lì cậy răng mới nói đấy nhưng thực ra trong lòng mình tràn đầy tình yêu thương các bạn, nên các bạn yêu thương mình nhé :>
Mình tin là ngoài kia, có nhiều người cũng may mắn như mình. Và mình cũng tin là, số người không may mắn lắm cũng nhiều không kém.
Bạn có thể là một người có hoàn cảnh tương đồng với một nhân vật nào đó trong sách của Đặng Hoàng Giang kia.
Bạn có thể là một người từng có một tuổi thơ khó nhọc, nó có thể dẫn đến những tổn thương tâm lý cho đến vài chục năm sau này nữa.
Bạn có thể là một người có những đỉnh của “nỗi buồn, giận dữ” nhiều hơn đỉnh của “hạnh phúc”.
Bạn có thể là một người có những giọt nước mắt, nhưng mà nước mắt của nỗi buồn/ giận dữ chứ không phải hạnh phúc.
Mình ước gì tất cả mọi người đều luôn có thể vui vẻ trong cuộc đời.
Nhưng thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói:

Anger is like mud, without it we cannot grow lotus flowers.

( Tạm dịch: Cơn giận giống như vũng bùn. Không có bùn thì chúng ta sẽ không trồng được hoa sen. )
Bùn, theo cách của nó, vẫn hữu dụng.
Cơn giận, theo cách nào đó, cũng sẽ hữu dụng.
Nếu bạn biết tận dụng cơn giận của mình đúng cách, bạn có thể trồng nên những bông hoa sen hạnh phúc, an yên và tha thứ.
Mình không trải qua, nên cũng không thể hiểu được hết nỗi đau buồn, những cơn giận dữ, tuyệt vọng mà ai đó ngoài kia phải trải qua khi họ không đủ may mắn có một gia đình hỗ trợ hết mình, thấu hiểu họ.
Mình không ở trong hoàn cảnh đó, nhưng mình cũng hiểu là thật khó biết nhường nào để tha thứ, để học bài từ những nỗi đau.
Nhưng trên hết, ai ai cũng muốn hạnh phúc, quyền mưu cầu hạnh phúc còn đươc tuyên bố trong bản Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ cơ mà.
Vậy cho nên, nếu bạn chưa đủ may mắn có tổng chiều cao ngọn núi nhiều hơn tổng số tầng địa ngục, hãy thử một lần ngồi lại, nói chuyện với bố mẹ, với gia đình, với người mà khiến mình giận hờn, khổ đau. Vì biết đâu, bạn giúp họ giải tỏa ra những cơn giận, những cảm xúc tiêu cực trong họ, những thứ đã đổ lên đầu bạn, và phát hiện ra nguồn gốc của nó là những tổn thương họ đã nhận nhận từ quá khứ, từ tuổi thơ của chính họ. Hiểu nhau thì sẽ thông cảm cho nhau.
Có một con đường với đích đến là hạnh phúc. 
Con đường ấy với bạn có thể không dễ dàng để chạm tới đích, nhưng nó xứng đáng để được lưu lại những dấu chân. 10 bước, 100 bước hay 1000 bước? Cứ đi đi rồi sẽ đến, chả có con đường nào là vô tận cả.
(Tips của mình: đừng dùng app đếm bước chân. Bao nhiêu bước không quan trọng, quan trọng là sẽ phải đến đích ;) )
Với những ai mà chả cần bước mà đã thấy hạnh phúc thường trực, bạn thật sự may mắn đấy!
Vẽ hay làm thơ hoặc làm nhạc hoặc chỉ đơn giản là nói lời yêu thương,... bất kể cách gì để lan tỏa niềm hạnh phúc ấy, bạn nhé! ;)
Còn mình, mình đi viết thư đây!


P/s:
Ngày 18/4/2020
Cảm ơn bạn đã đọc đến đây.
Nhờ vào việc được nghỉ học để ở nhà cách ly, mãi đến hôm nay mình mới có thể hoàn thành được bài viết này.
Trong ảnh là một con gà mờ đang tập tọe chiếc đàn ukulele.
Không thỏa được ước mong làm ca sĩ thì con gà mờ nhân dịp cách ly này tìm ngay cơ hội "trả thù" bằng cách tra tấn gia đình bằng giọng hát gà gáy và chiếc đàn uku mỗi ngày. 
YÊU CẢ NHÀ!