Gần đây có 1 người bạn của mình hỏi có những hành động cụ thể nào để giảm tác động của mỗi cá nhân đối với môi trường và thú thực là mình cũng không biết trả lời thế nào. Mình mới chỉ thực thực sự quan tâm đến vấn đề này khoảng gần 2 năm và cũng chỉ bắt đầu làm những điều rất nhỏ trong đời sống hàng ngày để giúp bảo vệ môi trường, chủ yếu là vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, mình nghĩ điều quan trọng, bên cạnh những hành động cụ thể, còn là cách hiểu đúng đắn về nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Là một người cũng trải qua những suy nghĩ tiêu cực và bất lực khi đọc các thông tin liên quan đến biến đổi khí hậu, mình muốn chia sẻ cách hiểu của mình đối với vấn đề này, hi vọng phần nào đó nó có thể coi là đúng đắn và có thể trả lời cho mọi người một số câu hỏi mà mình cũng đã từng gặp khi bắt đầu tìm hiểu về trách nhiệm cá nhân đối với biến đổi khí hậu.  
Đối với những người quan tâm đến môi trường, chúng ta luôn phải cân bằng giữa sự thoải mái của bản thân mình và tác động của mỗi cá nhân lên môi trường [spiderum]. Vấn đề là, mặc dù bạn có là một người vô cùng quan tâm đến vấn đề chung và sẵn sàng hi sinh sự tiện nghi của cuộc sống thường nhật, ví dụ như hạn chế mua quần áo, sử dụng các phương tiện công cộng mỗi khi có thể, … thì đặc điểm này cũng không xuất hiện ở tất cả mọi người, do đó, hi vọng mọi người từ chối quyền lợi của bản thân, 1 điều vô cùng rõ ràng, một các tự nguyện để hạn chế các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, một nguy cơ mà có nhiều người còn chưa rõ và chưa tin, là một điều gần như không thể. Còn chưa kể tới mỗi người một hoàn cảnh và có nhiều người thậm chí không thể đủ khả năng tài chính để sống “xanh” hơn. Do đó, mình tin rằng việc hi sinh quyền lợi cá nhân một cách quá mạnh mẽ để đổi lại những lợi ích chung cho môi trường (ở đây là vấn đề biến đổi khí hậu) không phải là một cách làm bền vững. Thực tế, trách nhiệm giảm thiểu carbon footprint nên được đặt lên vai của những tập đoàn lớn và các chính phủ vì họ là những người nắm trong tay nguồn lực để có thể tạo ra thay đổi trực tiếp. Rõ ràng là nếu các đơn vị này tạo ra các sản phẩm hoặc đề xuất các phương pháp thân thiện và gần gũi với môi trường, những khách hàng bình dân cũng sẵn sàng sử dụng chúng. Tuy nhiên, dưới góc độ là một người bình thường, chúng ta cũng có thể đóng góp ít nhiều từ phần mình để chống lại biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu. Vậy cụ thể thì chúng ta có thể làm gì?  
Đầu tiên, để trả lời cho câu hỏi trên, có một câu hỏi mình muốn bàn luận trước về động lực tại sao chúng ta lại muốn muốn giảm thiểu tác động của mỗi cá nhân lên cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.

1/ Eco-guilt và carbon footprint.

Có bao giờ bạn cảm thấy có lỗi khi đối mặt với những mẩu tin trên các mặt báo về biến đổi khí hậu. Tại sao lại không chứ, Trái Đất đang nóng lên là thật và hàng ngày các phương tiện truyền thông không ngừng nhắc nhở bạn rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên một phần bởi khí hậu đang thay đổi do sự phát thải của khí nhà kính vào môi trường. Cảm giác tiêu cực này tạm được gọi là eco-guilt hay cảm giác tội lỗi về môi trường. Eco-guilt là cảm giác hối hận hoặc tội lỗi mà một người có thể trải qua khi họ nhận ra rằng hành động của họ đang góp phần gây ra thiệt hại hoặc suy thoái môi trường. Cảm giác tội lỗi này có thể phát sinh từ nhiều tình huống khác nhau, chẳng hạn như sử dụng đồ nhựa dùng một lần, lái xe chạy bằng khí đốt hoặc mua các sản phẩm được đóng gói bằng vật liệu không bền vững. Trên thực tế, cảm xúc này xuất phát từ việc các phương tiện truyền thông đã vô tình khiến chúng ta tin tưởng rằng chúng ta là nguyên nhân của việc phát thải khí nhà kính (hoặc các vấn vấn đề môi trường nói chung). Sau cùng thì, chúng ta, những người tiêu dùng, trực tiếp sử dụng sản phẩm mà quá trình sản xuất, tiêu thụ và xử lý hậu quả của chúng đã gây ra một lượng lớn khí nhà kính phát thải vào môi trường. Sự quy chụp về trách nhiệm này được cô đọng trong khái niệm carbon footprint.
Carbon footprint được định nghĩa là lượng khí nhà kính phát thải ra môi trường bởi hoạt động của chúng ta. Đại lượng này thường được dùng để đo mức độ ảnh hưởng của mỗi cá nhân đối với vấn đề nóng lên toàn cầu. Thoạt nhìn, nó là một khái niệm rất vì môi trường và giúp ích trong việc định lượng hóa ảnh hưởng của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, nhìn lại về nguồn gốc và lý do khái niệm này ra đời và được phổ biến, chúng ta sẽ nhận ra một khía cạnh khác của vấn đề. Thực tế, vào những năm 70s của thế kỷ trước, các nhà khoa học đã bắt đầu tìm thấy mối liên hệ giữa sự gia tăng của khí nhà kính trong bầu khí quyển với sự tăng lên của nhiệt độ trung bình toàn cầu và các ảnh hưởng của chúng tới các hiện tượng khí hậu. Đương nhiên, các nghiên cứu này có thể đặt các công ty khai thác năng lượng hóa thạch vào trung tâm của sự chỉ trích và hoạt động kinh doanh của họ có thể bị cản trở dưới áp lực phải giảm lượng khí carbon từ việc khai thác. Để đối phó với vấn đề này, các công ty dầu mỏ sử dụng truyền thông như một cách định hướng dư luận trật khỏi nguồn gốc của vấn đề. 
Từ năm 2000, các tập đoàn năng lượng này đã sử dụng truyền thông như một cách để đánh lạc hướng dư luận và khiến cho mọi người hiểu vấn đề một cách không trọn vẹn. Bên cạnh việc đặt nghi vấn về tính chính xác của các nghiên cứu về biến đổi khí hậu và liên hệ giữa biến đổi khí hậu với sự phát thải khí nhà kính, một chiến thuật cũng được sử dụng đó chính là đổ lỗi cho người tiêu dùng. Từ đây khái niệm carbon footprint ngày càng được sử dụng rộng rãi. Cụ thể, trong chiến dịch làm lại thương hiệu của công ty Bristish Petrolium (tập đoàn năng lượng trong top 5 của thế giới), họ đã giới thiệu một chương trình cho phép tính lượng phát thải carbon (carbon footprint) của mỗi cá nhân(medium, colombia). Đây ngay lập tức trở thành một thành công khi nó chuyển hướng áp lực giảm thiểu khí thải từ các tập đoàn lên vai người tiêu dùng.   
Chiến thuật trên, tiếp tục được sử dụng đến nay, đã khiến cho những người quan tâm đến môi trường như chúng ta thực sự cảm thấy tội lỗi ngay cả trong những hành động thường nhật của bản thân mình như di chuyển hay sử dụng điện cho những mục đích cơ bản. Chúng ta đòi hỏi sự thay đổi ở mỗi cá nhân như một cách đóng góp vào sự thay đổi chung của thế giới. Tuy nhiên, thực chất thì sự thay đổi này còn phải diễn ra ở những tập đoàn lớn cung cấp các dịch vụ đó cho chúng ta. Tưởng tượng rằng doanh nghiệp và các bạn cùng “tham gia” vào việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Nếu như họ, những nhà cung cấp, chỉ đưa ra các giải pháp hoặc sản phẩm tồi, thì bạn, người tiêu dùng, mặc dù có quyền phủ quyết, cũng chỉ có thể chọn giải pháp tốt nhất trong những giải pháp tồi đó thôi. 

2/ Eco-guilt có tác động thế nào đến hành động của chúng ta?

Eco-guilt có thể khiến chúng ta hiểu sai về vấn đề. Nó khiến mọi người tin rằng họ có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng khí hậu nếu hàng hóa được tiếp thị là thân thiện với môi trường trong khi mục tiêu cuối cùng là tiêu thụ ít hơn về tổng thể. Ví dụ, khi bạn đi mua hàng và nhận thấy các sản phẩm được đóng dấu thân thiện với môi trường và giảm thiểu phát thải carbon, bạn sẽ có xu hướng chọn các sản phẩm này và nghĩ rằng mình đã làm một phần nhỏ để xoa dịu cảm giác tội lỗi của mình trong khi đó thì bạn cũng ko thực sự biết được liệu những cái nhãn đó ý nghĩa như thế nào hay không và có thể bạn sẽ lảng tránh giải pháp thực sự đó là hạn chế tiêu thụ các mặt hàng không cần thiết.
Việc bạn cảm thấy eco-guilt cũng khiến bạn ít tương tác và tìm hiểu với các vấn đề về môi trường hơn vì bạn nhận ra những mâu thuẫn trong tư tưởng và hành động của bản thân. Do đó, để tránh các mâu thuẫn này, chúng ta có xu hướng tránh xa các tin tức về môi trường và các cuộc trò chuyện bàn luận đến vấn đề này, điều mà hoàn toàn trái ngược với ý định ban đầu.  
Thực sự thì hành động của bản thân bạn có ảnh hưởng rất nhỏ đối với vấn đề phát thải khí nhà kính. Phần lớn năng lượng tạo ra (từ nhiên liệu hóa thạch) được sử dụng trong công nghiệp và sản xuất. Cụ thể, ước tính rằng top 100 tập đoàn ô nhiễm nhất chịu trách nhiệm cho 71% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu[fact]. (Thực ra số liệu 71% này cũng lấy từ sự tiêu thụ của khách hàng của những công ty này, bao gồm cả những người tiêu dùng bình thường, xem thêm tại link trên).     
Nói tóm lại, mình muốn nhấn mạnh rằng, khi bắt tay vào hành động chống lại biến đổi khí hậu và khủng hoảng môi trường, hãy hiểu rằng bạn không phải là vấn đề, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn ko có nghĩa vụ giải quyết vấn đề đó. Ngược lại, bạn còn chính là giải pháp quan trọng cho vấn đề biến đổi khí hậu.

3/ Ở cấp độ mỗi cá nhân, chúng ta có thể làm gì?

Nhìn từ góc độ của mỗi cá nhân, tùy vào những hành động chúng ta có thể làm, mình nghĩ có thể phân loại chúng vào 3 mục chính:

- Không làm các hành động mà gây ra sự phát thải khí nhà kính ra ngoài môi trường

Các hành động trong nhóm này đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong các phương tiện thông tin đại chúng và là những hành động rất dễ dàng mà chúng ta có thể làm. Ví dụ, phân loại để tái chế rác, tắt các thiết bị sử dụng điện khi không cần thiết, sử dụng phương tiện công cộng thay vì phương tiện cá nhân khi có thể, chuyển chế độ ăn từ các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật sang thực vật, … Bạn có thể bắt gặp những lời khuyên này ở bất cứ các bài viết nào liên quan đến việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hãy nhìn nó dưới góc độ con số. 
Cụ thể, lượng phát thải khí nhà kính trên đầu người của Việt Nam vào khoảng 3.5 tấn (cho đến năm 2021). Lượng khí này xuất phát từ nhiều nguồn, chẳng hạn như di chuyển, ăn uống, tiêu thụ sản phẩm như quần áo, giày dép. Bạn có thể nhìn vào thói quen sinh hoạt của mình và có những hành động cụ thể để giảm thiểu từ con số 3.5 tấn nói trên. Ví dụ, trung bình mỗi người Việt Nam tiêu thụ 8.42 kg[viet] (năm 2021). Nếu thay thế lượng tiêu thụ này bằng thịt gà hoặc lợn, bạn có thể giảm khoảng 450kg CO2-equivalent trong 1 năm [food]. Chuyển đổi qua hoàn toàn qua thực đơn từ thực vật còn có thể có tác động lớn hơn nhiều. Một ví khác, một chuyến bay nội địa từ Hà Nội vào TP.HCM (ước lượng) có thể giảm tới 0.16 tCO2, do đó, nếu như một năm bạn du lịch tới 10 lần từ bắc vào nam, thì lần tới hãy thử cân nhắc một vị trí gần với nơi bạn sống hơn.   
Tất nhiên là các số liệu trên là không tương xứng vì số liệu về carbon footprint của Vietnam vẫn chưa phổ biến. Các số liệu trên mình lấy ở các quốc gia phát triển và do thành phần kinh tế của mỗi quốc gia khác nhau, mỗi hành động tạo ra một lượng carbon khác nhau. Tuy nhiên, nó sẽ giúp bạn có thể có cái nhìn cụ thể hơn về hậu quả của những hành động của mình lên môi trường và từ đó điều chỉnh hành vi của bản thân một cách có hệ thống hơn.
Tất nhiên, cuộc sống hiện đại của chúng ta được tạo xây dựng chủ yếu dựa trên các tiện nghi, điều mà xây dựng dựa trên năng lượng hóa thạch. Do đó, giảm thiểu carbon cũng có nghĩa là giảm thiểu sự tiện nghi của cuộc sống. Do đó, chúng ta nên chấp nhận việc giảm thiểu carbon ở một mức độ cụ thể và rõ ràng, điều đó làm cho hành động của chúng ta dễ thực hiện hơn, bền bỉ hơn. Điều đó giống như bạn giảm cân vậy, nếu như bạn đặt mục tiêu quá tham vọng, thì chỉ sau một thời gian ngắn, chúng ta sẽ mất động lực và quay trở lại lối sống ban đầu. Nguy hiểm hơn là chúng ta sẽ có một ấn tượng xấu rằng việc này là quá khó và ở cấp độ cá nhân, chúng ta sẽ chẳng làm được gì nhiều. 

- Làm các hành động dẫn đến sự giảm thiểu khí nhà kính ra ngoài môi trường

Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn giảm thiểu lượng phát thải carbon, điều mà chúng ta có thể làm là sử dụng carbon offset. Người ta ước tính rằng lượng khí carbon thải ra sau 7 ngày sẽ phát tán gần như mọi nơi trên thế giới, do đó, chúng ta có thể trả tiền cho một tổ chức nào đó ở một địa điểm nào đó trên thế giới để họ có nguồn lực tài chính để thực hiện các dự án xanh, qua đó giảm thiểu lượng carbon chung. Trên thực tế, đây là một thị trường đang bắt đầu phát triển, không chỉ những công ty, doanh nghiệp dần dần phải mua chứng chỉ carbon, mà thị trường carbon offset cũng bắt đầu nhắm đến những cá nhân như chúng ta. Bạn có thể đăng ký dịch vụ của một số apps trên điện thoại và đặt ra mục tiêu giảm thiểu carbon footprint của bản thân và các app này sẽ tự động thanh toán lượng tiền tương đương với lượng carbon bạn muốn giảm. Các app này sau đó tài trợ cho các dự án giảm thiểu carbon ở nhiều khu vực trên thế giới bằng lượng tiền bạn đóng góp. Một số app gợi ý có thể xem thêm tại [app]. (Lưu ý là mình chưa từng dùng các app này và cũng ko khuyến khích mọi người dùng vì mình chưa kiểm chứng. Mình có dùng một app khác chức năng tương tự nhưng mình ko muốn promote sản phẩm ở đây). Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng dịch vụ này đi kèm với các hoạt động thải carbon như là khi đi máy bay, các hãng hàng không cũng cung cấp các gói carbon offset hoàn toàn cho chuyến đi của bạn.      
Tuy nhiên, đây vẫn là một thị trường rất mới và cần nhiều thời gian để hoàn thiện. Đến này thì  vẫn chưa thực sự có một quy chuẩn thực sự nào áp dụng chung cho tất cả các dự án trên phạm vi toàn thế giới mặc dù, bạn biết đấy, carbon ở đâu thì cũng là carbon. Ví dụ, cách tính lượng carbon offset của mỗi dự án về môi trường rất khác nhau và chúng ta có thể thấy giá thành của mỗi tấn carbon được giao bán bởi các dự án này cũng rất đa dạng. Cụ thể, theo [carbon price], giá mỗi tấn carbon trên thị trường tự nguyện dao động từ $0.3 đến $70 với giá trung bình vào khoảng $3. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề với thị trường này [offset]. Có một vài điểm được nêu trong video trên, cụ thể là:
+/ Mỗi dự án đưa ra số liệu chủ quan về lượng carbon đã được giảm thiểu
+/ 2 đơn vị có thể mua cùng một lượng carbon giảm thiểu, dẫn đến vấn đề double-counting (Lượng carbon negative bị tính 2 lần)
+/ Tính hợp lý của mỗi dự án. Ví dụ, đối với các dự án bảo vệ rừng, nếu như khu rừng đó đã được trưởng thành và phát triển tự nhiên, việc chúng ta gán mác khu bảo tồn cho chúng và gọi chúng là các dự án carbon offset không thực sự dẫn đến lượng khí carbon được giảm thiểu bởi vì tất cả những gì chúng ta làm là gắn một cái mác yêu môi trường cho chúng.
+/ Lượng carbon offset thường được tính trong tương lai mà tương lai thì đầy rủi ro. Điều này cũng giống như khi bạn mua trái phiếu, bạn mua vào và đến một thời điểm trong tương lai, bạn thu lại cả các khoản lãi (định kỳ) và gốc. Tuy nhiên, rủi ro luôn có thể xảy ra và không gì đảm bảo chắc chắn rằng bạn sẽ thu lại được khoản đầu tư. Tương tự như vậy, luôn có rủi ro trong các dự án carbon offsets. Ví dụ, đối với các dự án trồng và tái tạo rừng, rừng có thể chết bởi dịch bệnh hoặc cháy sau một thời gian, bất chấp rằng phải cần tới vài chục năm để các khu rừng này có thể hấp thụ lượng carbon như đã cam kết.  
+/ Các dự án này hoàn toàn có thể thuộc một chiến dịch greenwashing.
+/ …
Tóm lại, nếu như bạn quan tâm đến lượng carbon của bản thân, ít nhiều bạn cũng sẽ gặp những dịch vụ carbon offset như trên. Tuy nhiên, cần phải hiểu đúng đắn bản chất của các dịch vụ này và nếu như bạn muốn đóng góp cho các dự án xanh, hãy xem xét các số liệu và báo cáo tài chính của các dự án này trước khi hành động. Và trên hết, hãy nhớ rằng, nếu bạn muốn giảm thiểu lượng carbon footprint tổng mà bản thân tạo ra, điều đầu tiên bạn nên làm là sống tối giản và hạn chế ngay từ đầu các hoạt động phát thải của bản thân. 
Các hành động có thể nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề môi trường và tạo ảnh hưởng tích cực ngoài phạm vi cá nhân.
Mình đọc được một câu khá hay đăng trên instagram của (hình như) Greenpeace là giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu không phải là một người làm nó một cách hoàn hảo mà là nhiều người làm nó một cách không hoàn hảo (sorry vì khả năng dịch thuật của mình 😢). Nếu như bạn là một người ăn chay trường thì dưới góc nhìn của việc biến đổi khí hậu, bạn đã làm rất tốt. Nhưng nếu so sánh với một người ăn chay 50% và bằng cách nào đó, họ có thể thuyết phục 5 người khác giảm 20% lượng tiêu thụ thực phẩm từ động vật, thì theo một cách nào đó, bạn cũng đóng góp tương đương vào vấn đề giải quyết biến đổi khí hậu. Đồng thời, bạn cũng có thêm 5 người nữa bắt đầu quan quan tâm đến vấn đề này và tinh thần này có thể tiếp tục lan ra. Do đó, chúng ta luôn có thể bắt đầu hành trình “giải cứu thế giới” bằng cách giao tiếp với những người xung quanh về vấn đề khí hậu mà chúng ta quan tâm, đồng thời trau dồi hiểu biết của bản thân về những vấn đề này. Giao tiếp về vấn đề này cũng là một chủ đề rất thú vị. Thực sự thì khi chúng ta mang vấn đề này trong các cuộc trò chuyện, mọi người thường cố gắng tránh né nó, nhất là ở những quốc gia còn đang phát triển như Việt Nam, nơi mà mọi người còn đang tập trung vào phát triển kinh tế thay vì những vấn đề nằm ngoài cơm ăn áo mặc của họ. Do đó, khi đề cập đến các vấn đề về biến đổi khí hậu, hãy phát triển những kỹ năng giao tiếp của bản thân để có thể diễn đạt được ý định của bạn một cách dễ tiếp cận nhất có thể. Ngược lại, nếu như bạn có xu hướng tiếp cận nó một cách quá mạnh mẽ và trực diện, thay vì hiểu về background và mối quan tâm của người đối diện, bạn có thể làm giảm đi lượng người quan tâm đến vấn đề khí hậu. Đây là một chủ đề khó và thực tế là mình cũng đang học cách giao tiếp tốt hơn nhưng mình thấy Home » Yale Climate Connections cung cấp một số thông tin khá hữu ích đối với chủ đề climate communication.     
Ngoài ra, hãy theo dõi các hoạt động của những tổ chức làm việc trên vấn đề này và xem bạn có thể giúp gì. Năm ngoái mình có tham gia tình nguyện ở Join our Team | ClimateScience. Đó cũng là trải nghiệm khá vui và mình cũng học được nhiều điều là nhiều bạn trẻ trên thế giới trẻ hơn mình 5-10 tuổi cũng quan tâm sâu sắc đến vấn đề biến đổi khí hậu. Nếu như mọi người ai có trải nghiệm tại một tổ chức tình nguyện nào đó có thể tham gia bình luận bên dưới. 
Tóm lại, nguyên lý là hành động riêng lẻ của mỗi cá nhân sẽ không đem lại tác động gì lớn lao đối với một vấn đề vĩ mô như biến đổi khí hậu nhưng cùng nhau hành động, chúng ta có thể gửi đi tín hiệu về mối quan tâm của chúng ta và tác động vào những cơ quan có thẩm quyền hay những tập đoàn kinh doanh lớn (thông qua thói quen mua sắm của chúng ta chẳng hạn).        

Kết luận

Biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu và đòi hỏi nỗ lực từ nhiều bên để giải quyết. Sự thay đổi này cần đến từ sự chuyển dịch mạnh mẽ về cấu trúc kinh tế hiện nay và do đó, dưới góc độ mỗi cá nhân, sự thay đổi từ mỗi hành động đơn lẻ của chúng ta không thực sự gây nhiều ảnh hưởng. Do đó, nếu bạn cảm thấy tội lỗi về các hành động của bạn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu thì hãy dừng lại. Cảm giác tội lỗi xuất hiện chỉ để nhắc nhở chúng ta rằng vấn đề vẫn nằm đó và và cần người giải quyết. Do đó, nếu bạn đã xác định được vấn đề thì hãy bắt tay tay vào việc. 
Do đó, hãy bắt đầu đơn giản bằng cách thay các bóng đèn tiết kiệm điện năng hoặc ăn các loại thực phẩm có nguồn gốc rau củ thường xuyên hơn thay vì ăn thịt,... Để ý lối sống sinh hoạt của bản thân xem bạn có thể cắt giảm những hành động có hại cho môi trường nào, theo đó đặt các mục tiêu đơn giản và có thể dễ dàng đánh giá được. Đồng thời, hãy bắt đầu giao tiếp với những người xung quanh bạn để có thể xây dựng được một cộng đồng mạnh mẽ và quan tâm đến các vấn đề về môi trường, điều đó sẽ gửi một tín hiệu đến thị trường và nền kinh tế sẽ chuyển dịch theo hướng xanh sạch hơn. Đừng lo nếu bạn sẽ không thể thấy được ảnh hưởng của chúng một cách rõ rệt, sự thay đổi sẽ không phải là tuyến tính. Nhưng khi các hành động này được tích đủ, đến một ngày sự thay đổi sẽ là đột ngột và vô cùng rõ rệt.
Hãy coi việc giảm lượng phát thải ngày hôm nay như một khoản tiết kiệm. Bạn có thể không cần nó cho thời đại của mình, nhưng nó sẽ giúp con cái bạn có một cuộc sống dễ chịu hơn nhiều. 
Reference: