Cuộc săn phù thuỷ thời đại số
Khi chúng ta dành quá nhiều thời gian để lên án và chỉ trích người khác trên mạng xã hội, chúng ta không chỉ làm tổn thương họ mà còn đánh mất chính mình.
Câu chuyện cô gái Việt bị tấn công vì cổ vũ Thái Lan tại chung kết AFF Cup 2024 tái hiện hoàn hảo những cuộc săn phù thuỷ — những kẻ dị giáo — thời Trung Cổ. Thay vì giàn hỏa thiêu, ta có bàn phím, mạng xã hội và thuật toán để trút giận và trừng phạt những ai dám đi ngược lại "chuẩn mực". Chúng tiếp tay cho sự xuống cấp văn hóa ứng xử, biến đám đông thành tòa án online, phán quyết dựa trên cảm xúc và tin sai.
Như một vở bi hài kịch, nơi con người vừa là diễn viên vừa là khán giả, say sưa với màn tự hủy hoại tập thể của chính mình, chỉ khác là lần này, ngọn lửa hận thù lan nhanh hơn và thiêu rụi nhiều hơn.
Từ cổ động viên đến mục tiêu săn lùng tập thể
Đ.Ng.H, một cô gái trẻ với sở thích cá nhân khá "lạ đời"—cổ vũ đội tuyển Thái Lan suốt 10 năm—đã trở thành tâm điểm của một cơn bão mạng xã hội. Chỉ bởi cô xuất hiện trên khán đài với băng rôn ghi "From Vietnam with 10 years of love Thailand" trong trận đấu giữa Việt Nam và Thái Lan, hàng nghìn người đã quyết định biến cô thành kẻ thù chung. Họ không chỉ chửi bới, đe dọa mà còn hack tài khoản cá nhân và phát tán thông tin riêng tư của cô lên mạng.

Đ.Ng.H, nạn nhân của cuộc săn phù thuỷ thời hiện đại.
Giữa thời bình với biết bao thông tin về văn minh tiến bộ, đây quả là một "thành tựu" đáng kinh ngạc của đám đông cuồng nộ cực đoan: biến một hành động vô hại thành cái cớ để hàng nghìn người cùng nhau "hành quyết" một cá nhân. Nếu nhìn nghiêm túc hơn, đây là biểu hiện rõ ràng của sự suy thoái trong văn hóa ứng xử. Chỉ vì một hành động không vừa lòng số đông, cô gái trẻ này đã bị gán nhãn "phản quốc", "vong bản", như thể việc cổ vũ đội bóng yêu thích là tội ác lớn nhất thời đại.
Theo Đặng Hoàng Giang trong Thiện, Ác và Smartphone, đây chính là biểu hiện điển hình của "văn hóa làm nhục tập thể". Khi đám đông trực tuyến phi-nhân-hóa nạn nhân—xem họ như những "avatar vô hồn" để trút giận—họ quên mất rằng phía sau màn hình là một con người bằng xương bằng thịt với cảm xúc và nhân phẩm. Thật đáng buồn (và cũng thật nực cười), khi những người tự nhận mình yêu nước lại chọn cách "bảo vệ danh dự dân tộc" bằng cách xúc phạm và đe dọa đồng bào mình.

Bìa sách: Thiện, ác và smartphone.
Sự tàn nhẫn được hợp thức hóa
Đám đông trên mạng xã hội không chỉ là nơi bộc lộ sự phẫn nộ mà còn là nơi che giấu trách nhiệm cá nhân. Trong tâm lý học đám đông, như phân tích của Đặng Hoàng Giang, mỗi cá nhân cảm thấy mình nhỏ bé và vô danh trong biển người. Họ không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của hành động tập thể, từ đó dễ dàng buông lời tàn nhẫn hơn. Và thế là họ lao vào cuộc chiến không cân sức này với tâm thế của những anh hùng giải cứu thế giới, tưởng rằng mình đang thực thi công lý.
Nhưng công lý kiểu gì? Một công lý được xây dựng trên sự sỉ nhục và đe dọa? Một công lý mà mỗi lượt like, share hay bình luận tiêu cực chẳng khác gì những ngọn roi góp phần vào cuộc hành hình công khai? Thật trớ trêu khi những người tham gia lại tưởng rằng họ đang bảo vệ giá trị chung—dù đó có thể là lòng tự hào dân tộc hay bất kỳ lý do nào khác—nhưng thực chất chỉ đang thỏa mãn cơn khát quyền lực nhất thời.
Hành vi này không phải mới mẻ. Từ thời Trung Cổ với việc đóng dấu sắt nung đỏ lên mặt kẻ phạm tội đến thời hiện đại khi Internet lưu trữ "vết sẹo kỹ thuật số" mãi mãi của nạn nhân, chúng ta chứng kiến sự phục sinh đáng kinh ngạc của văn hóa làm nhục công cộng. Sự khác biệt duy nhất? Phạm vi lan tỏa giờ đây đã mở rộng từ vài trăm người lên đến hàng triệu người qua Internet. Và thay vì dùng sắt nung đỏ, chúng ta dùng bàn phím và nút share—nhanh hơn, tiện lợi hơn và cũng tàn nhẫn hơn.
Thuật toán gia tốc cho vòng xoáy hận thù
Nếu đám đông là ngọn lửa thì AI chính là cơn gió mạnh thổi bùng nó. Trong cuốn Nexus của Yuval Noah Harari, tác giả cảnh báo rằng AI không chỉ đơn thuần là công cụ mà còn là "tác nhân" khuếch đại thông tin tiêu cực. Thuật toán tối ưu hóa tương tác trên mạng xã hội thường ưu tiên hiển thị các nội dung gây tranh cãi hoặc kích động cảm xúc mạnh mẽ, biến những câu chuyện như của Ng.H thành "mồi câu view" hoàn hảo.

Bìa sách: Nexus.
Hãy thử tưởng tượng: bạn mở Facebook hay TikTok lên và thấy hàng loạt bài đăng về cô gái này với tiêu đề giật gân như "Phản quốc giữa sân vận động", "Fan Thái Lan trá hình". Bạn click vào xem thử, rồi thuật toán hiểu rằng bạn quan tâm đến chủ đề này và tiếp tục gợi ý thêm nhiều nội dung tương tự. Vòng xoáy cứ thế lặp lại, kéo bạn ngày càng sâu vào cơn giận dữ tập thể.
Không chỉ vậy, AI còn trực tiếp tham gia vào việc sản xuất nội dung độc hại. Với khả năng tạo ra deepfake hay các bài đăng kích động một cách dễ dàng, AI đã trở thành công cụ đắc lực cho những kẻ muốn lợi dụng tình huống để gây thêm hỗn loạn. Và khi AI nhóm những người có quan điểm cực đoan vào cùng một buồng-vọng-âm (echo chamber), nó tạo ra một môi trường hoàn hảo để nuôi dưỡng lòng thù hận.
Harari ví von rằng AI giống như lửa: nó có thể sưởi ấm nhưng cũng có thể thiêu rụi nền văn minh nếu không được kiểm soát đúng cách. Và trong trường hợp này, rõ ràng chúng ta đang để ngọn lửa ấy cháy lan mà không có bất kỳ biện pháp nào để dập tắt.
Một chiếc gương méo mó
Câu chuyện của Ng.H cũng đặt ra một câu hỏi lớn hơn về bản chất của văn hóa mạng trong thời đại ngày nay: liệu chúng ta có đang sống trong một môi trường nơi sự tử tế ngày càng hiếm hoi và lòng thù hận ngày càng phổ biến? Mạng xã hội vốn được kỳ vọng sẽ kết nối con người và tạo ra một cộng đồng toàn cầu tốt đẹp hơn. Nhưng thực tế lại cho thấy điều ngược lại: nó trở thành nơi nuôi dưỡng sự chia rẽ, cực đoan và bạo lực.
Như Đặng Hoàng Giang từng viết: "Căm ghét phá hủy cả người bị ghét lẫn người ghét". Khi chúng ta dành quá nhiều thời gian để lên án và chỉ trích người khác trên mạng xã hội, chúng ta không chỉ làm tổn thương họ mà còn đánh mất chính mình—đánh mất khả năng đồng cảm và lòng nhân ái vốn là nền tảng của bất kỳ xã hội văn minh nào.
Để tránh những bi kịch tương tự, chúng ta cần xây dựng một "hệ miễn dịch số" bao gồm:
- Giáo dục lòng trắc ẩn và tư duy phản biện.
- Tăng cường kiểm soát các thuật toán AI để giảm thiểu nội dung độc hại.
- Thúc đẩy trách nhiệm cá nhân trong môi trường trực tuyến.
Nhưng liệu điều đó có khả thi? Trong một thế giới mà mỗi cú click đều mang lại lợi nhuận cho các nền tảng mạng xã hội, có lẽ hy vọng vào một môi trường mạng tử tế hơn chỉ là giấc mơ xa vời. Và như vậy, chúng ta tiếp tục sống trong vòng xoáy hỗn loạn mà chính mình tạo ra—một vòng xoáy nơi thiện và ác hòa quyện đến mức khó phân biệt. Hay nói cách khác: nếu Internet là chiếc gương phản chiếu xã hội loài người thì có lẽ đã đến lúc chúng ta phải tự hỏi liệu mình đang soi vào gương hay nhìn vào vực thẳm?

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Linh Hoàng
Đồng tình :)) hồi ý cũng thấy dân mạng quá toxic, mình cũng tranh luận với bạn bè mà tiếc ai cũng có tư tưởng vậy
- Báo cáo

phucnt
Để đọc các bài viết sớm hơn, hãy subscribe mình tại link sau:
https://phucnt.substack.com/
- Báo cáo

OhYeah
Khi văn minh hiện đại tiến đến chủ nghĩa cá nhân thì đa số người Việt lại lùi về văn hóa bộ lạc 

- Báo cáo