Tuần vừa rồi mình có gửi khảo sát “The Fruitful Marriages” thăm dò ý kiến các bạn liệu có hứng thú khi mình chia sẻ về tình yêu và hôn nhân cũng như những trải nghiệm mà mình đã học hỏi được qua đời sống vợ chồng của mình. Mình rất vui vì đã nhận được một loạt phản hồi từ các bạn, đặc biệt là rất nhiều câu hỏi. Mình sẽ chia sẻ dần dần theo thời gian nhé. Cái gì mình đã trải qua mình sẽ chia sẻ từ kinh nghiệm bản thân, cái gì mình còn bí, chưa có hiểu biết mình sẽ đọc thêm và viết lại để chúng ta cùng rèn luyện. Nếu bạn muốn tham gia khảo sát hay gửi câu hỏi cho mình thì cứ viết vào form này nhé. ;)
Trong bài viết đầu tiên của series “The Fruitful Marriage”, mình sẽ trả lời câu hỏi của một bạn gửi đến mình:
“Em đã lấy chồng được hơn 1 năm và em cảm thấy mình chưa hiểu gì được về chồng mình cả. Lúc em nghĩ là em hiểu thì em lại chẳng hiểu gì. Anh ấy cũng không hiểu gì về em. Em toàn phải nhắc em thích cái này cái kia. Em buồn anh ấy cũng không đoán ra được, cũng chẳng biết làm gì để em vui. Em cảm thấy khó hiểu nhau quá.”
Đầu tiên, chúng ta dừng lại một chút và cùng suy ngẫm điều dưới đây.

Bạn định nghĩa như thế nào là “hiểu nhau?”

Khi bạn nói vợ/chồng/bạn trai/bạn gái không hiểu mình, ý bạn hiểu ở đây là gì? Có phải là họ không biết bạn thích món ăn gì, thích nghe nhạc gì, nằm phía bên trái hay bên phải, thích uống cafe đường hay không đường, độ đậm nhạt ra sao…? Rồi không hiểu nghĩa là mùng 8/3 bạn thích tặng hoa, và 20/10 bạn thích được tặng quà giá trị hơn một chút nhưng bạn kia chẳng hiểu điều này? Hay đi ra đường, bạn thích được chồng mình nắm tay nhưng người chồng chẳng bao giờ đoán được nên chẳng bao giờ hành động như vậy?
Ở một mức độ nào đó, đúng là sự hiểu cần có biểu hiện qua việc để ý những sở thích và thói quen cá nhân nhỏ như trên. Vì chúng ta yêu thương nhau nên chúng ta quan tâm nhau, và sự quan tâm được bày tỏ qua lịch trình hàng ngày hay thói quen của người kia chúng ta đều biết.
Ngày xưa lúc yêu và lúc mới cưới, mình cũng nghĩ y hệt như bạn vậy. Mình cũng kỳ vọng là bạn trai (bây giờ là chồng mình) biết rõ mình thích gì. Khi đi gặp gỡ bạn bè, thấy chồng tự động chọn cho mình đồ uống mình thích, gọi cho mình món ăn mình thèm là mình cực kỳ đắc ý. Cảm tưởng như đấy là đỉnh điểm của hạnh phúc.
Theo thời gian, khi mà sống với nhau lâu hơn, cuộc sống nhiều điều lo toan hơn, rồi công việc dồn dập, thói quen và suy nghĩ của mình thay đổi. Món ăn, đồ uống mình cũng khác đi. Ví dụ như ngày xưa còn sinh viên thích sinh tố xoài lắm. Đi đâu người yêu cũng tự động gọi món này cho. Nhưng đến khi đi làm, tự nhiên mình chẳng còn thích gì món này nữa. Mình chuyển sang thích những loại nước thanh lọc. Sự biến chuyển này mình chẳng nhận ra… nhưng trớ trêu là mình lại mặc định chồng mình phải biết được sự thay đổi đó.
Thế nên, nhiều lúc mình đã giận dỗi rồi bực mình chỉ vì chồng mình gọi không đúng cái mình muốn. Làm không đúng điều mình thích. Mình kỳ vọng quá nhiều rằng vì đã sống với nhau lâu nên chồng mình phải tự biết là đồ đạc trong nhà mình thích để vị trí ra sao và chồng cũng phải đồng tình như vậy. Rồi mình cũng khó chịu khi mà mình “khó ở” trong người chồng không tinh tế. Hay đi làm về có chuyện bực mình ở công ty mà chồng chẳng hỏi han gì, cứ kể chuyện linh tinh đâu đâu… Rồi mình cũng tự lẩm nhẩm trong đầu “chồng mình chẳng hiểu mình gì nữa?”

Bạn có nhận ra vấn đề gì ở đây không?

Thứ nhất, hiểu nhau như thế nào còn phụ thuộc vào việc bạn muốn người ta hiểu gì về bạn. Nếu đánh giá tình cảm yêu thương của một người chỉ qua việc họ chẳng biết bạn không thích ăn cái này cái kia thì không phải cơ sở vững chắc. Lý do bởi vì…. đọc tiếp cái thứ hai.
Thứ hai, cuộc sống thay đổi, xã hội thay đổi, con người thay đổi, khẩu vị, tâm lý, tình cảm, trải nghiệm cũng có thể bị thay đổi, điều chỉnh. Chúng ta không phải là một “hằng số” cố định để rồi cả đời chỉ ăn mỗi một món, làm mỗi một việc, thích đi mỗi một nơi. Chúng ta thay đổi theo nhiều phương diện mà nhiều lúc, chính bản thân chúng ta còn chẳng biết mình đã khác xưa từ lúc nào. Khi chúng ta còn không thể theo dõi và thấu hiểu mình thì làm sao đòi hỏi một người khác hiểu chúng ta được?
Thứ ba, chúng ta có quyền đòi hỏi người bạn đời hay người yêu mình những sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Chúng ta cũng có quyền không vui khi họ chẳng tâm lý về những sở thích của chúng ta. Nhưng có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi ngược lại, “thế mình có hiểu gì về họ không?”
Thứ tư, có lẽ sẽ có lúc chúng ta nghĩ, “bạn thân mình còn hiểu mình hơn chồng mình (hay bạn trai mình).” Nhưng để mình nói bạn nghe, mối quan hệ tình bạn hoàn toàn khác với tình yêu và tình yêu đôi lứa khi chưa cưới cũng hoàn toàn khác với khi đã là hôn nhân sống với nhau trong một gia đình. Nếu có hàng chục biến số ảnh hưởng tới tình bạn thì với tình yêu đôi lứa, con số sẽ là hàng trăm biến đố tác động, và tới hôn nhân thì yếu tố chi phối có thể lên đến hàng nghìn. Lúc bạn nghĩ là “bạn thân mình hiểu mình hơn” bạn đời của mình thì hãy dừng lại một chút và nhắc nhở bản thân “à không đúng lắm, vì hai bối cảnh khác nhau.”
Không tin ư? Bạn cứ lấy một ví dụ thôi. Nếu đứa bạn thân của bạn làm gì đó sai với bạn, lắm khi nó chỉ cần xin lỗi rồi mời bạn đi ăn này kia rồi nói vài câu là có khi bạn xí xoá xong. Nhưng nếu là chồng bạn nói một câu gì đó hay làm điều gì nhỏ thôi không vừa ý bạn, bạn sẽ suy nghĩ rất nhiều, buồn bã, có khi còn đến công ty kể lể với người khác. Mình đã gặp nhiều tình huống như này rồi hồi còn đi làm văn phòng ở Việt Nam.

Sự hiểu nhau chỉ là tương đối

Vì có rất nhiều yếu tố chi phối nên chúng ta thật không thể kỳ vọng người khác hiểu mình được. người khác ở đây bao gồm cả bạn đời, người yêu, kể cả bố mẹ, anh chị em ruột, bạn thân… Không ai mà hiểu hết chúng ta được. Chúng ta không chỉ tồn tại ở bề ngoài qua những hành động bề ngoài mà còn có đời sống nội tâm — thứ mà không ai có thể nhìn thấu được và chúng ta gần như cũng không thể thấu được chính mình. Vậy thì ai mà hiểu nổi chúng ta?

Đừng kỳ vọng họ hiểu hết chúng ta, thay vào đó, hãy học cách hiểu họ nhiều hơn

Mình đã từng có một thời gian lúc mới cưới rất suy nghĩ, lắm lúc căng thẳng. Phần vì thiếu kiến thức hôn nhân, đời sống vợ chồng, phần vì thấy chồng mình cứ làm điều mình chẳng vui. Mình thích cái này cái kia, chồng mình đoán ý toàn sai. Nhưng đi ra ngoài gặp gỡ nhiều cặp vợ chồng, quan sát, học hỏi rồi đọc thêm rồi tư tưởng được thông thoáng, mình nhận ra mình thật sai lầm.
Mình quá kỳ vọng sự hiểu ở chồng mình mà chẳng bao giờ tự vấn bản thân mình có hiểu chồng mình không? Chồng mình cũng có người vợ là mình, mà chẳng bao giờ chồng mình hỏi mình “sao em chẳng hiểu anh?”, chỉ có mỗi mình hỏi chồng mình vậy. Có lẽ mình đã ích kỷ.

Mình thay đổi bằng cách học cách hiểu chồng mình

Đúng vậy, mình đã nhận ra sai lầm của mình và mình bắt đầu học cách hiểu chồng mình trước, thay vì chỉ tập trung vào mình và đặt mình lên đầu tiên.
Có lẽ, bạn sẽ nghĩ rằng “vợ chồng ngang hàng, nam nữ bình đẳng, sao chị phải hạ thấp mình xuống? Chồng chị cũng phải hiểu chị chứ, sao chị phải học cách hiểu chồng chị…”
Mình hoàn toàn hiểu được góc nhìn của bạn và ở một mức độ nào đó, xã hội bây giờ là như thế. Mình cũng đã nghĩ vậy, nhưng rồi mình tự hỏi bản thân, “mình yêu chồng mình bao nhiêu và mình muốn hôn nhân bọn mình hạnh phúc đến mức nào?” Mình xoay chuyển vòng luẩn quẩn của việc “chồng không hiểu mình” bằng việc lùi lại và đặt tình yêu thương lên trên hết. Mình đặt bản thân vào vị trí của chồng mình rồi nhìn nhận chồng mình từ phía mình — mình nhận ra, mình cũng chưa hiểu chồng mình mấy.
Nói đến đây, mình cũng phải nhấn mạnh rằng bởi vì vợ chồng mình thời điểm đó đã tin Chúa, đã có cùng một nền tảng đức tin và lý tưởng sống nên bước ngoặt này đã cho mình những sự thấu hiểu rất quan trọng về chính bản thân mình và hôn nhân. Chính những hiểu biết về đời sống vợ chồng trong Kinh Thánh đã giúp mình thay đổi.
Những gì mình đã rèn luyện:
1. Ngừng đặt câu hỏi với chồng mình rằng “sao anh không biết em thích cái này, cái kia?” hay “sao anh không biết em muốn làm gì?” hay “em đi làm về mệt mà anh không biết gì luôn?”… Mình biết càng hỏi vậy mình càng tự làm mình căng thẳng.
2. Để ý, quan sát chồng mình nhiều hơn, xem thử chồng mình thích làm gì, ăn gì, chơi gì, có thói quen gì, từ nhỏ đến lớn. Trước khi chồng mình định làm gì đó mình sẽ nói kiểu vui vui là “em biết anh sắp làm gì rồi đấy…” Cứ dần dần, chồng mình ngạc nhiên mình biết hết những gì chồng mình thích làm và sẽ làm. Mình cũng biết lúc nào chồng mình vui hay không vui. Chỉ cần nghe tiếng xe máy dưới cổng là mình biết ngay chồng mình đã về, mà không cần chạy ra xem mặt hay nghe tiếng. Chính bởi điều này mà chồng mình cũng dần dần để ý những cái mình làm, có lẽ đã “cảm động” vì mình quan tâm nhiều chăng ;)
3. Đọc nhiều sách về hôn nhân, đời sống tình cảm, đặc biệt là Kinh Thánh để giúp cho mình có góc nhìn rộng mở hơn về cuộc sống vợ chồng. Khi mình chỉ bó hẹp trong một khuôn khổ suy nghĩ thì mình cứ bị bế tắc trong đó mãi không thoát. Phải làm cho đầu mình rộng ra, giãn ra thì tư tưởng mới thông thoáng được.
Đấy là 3 việc duy nhất mình đã làm để thay đổi góc nhìn của chính mình và cải thiện sự thấu hiểu của vợ chồng mình. Nghe có vẻ giản đơn đúng không? Nhưng thực hành là cả một quá trình và khi đã làm được rồi thì hiệu ứng của nó rất mạnh mẽ đó.
Mình hy vọng chia sẻ nhỏ này sẽ có ích cho bạn nhé. Có câu hỏi gì cứ điền vào form này hoặc để dưới phần bình luận nha.