Bạn có biết những gì bạn không biết?
"Đối với tôi, những báo cáo nói rằng chuyện gì đó chưa từng xảy ra luôn là những báo cáo thú vị, bởi vì như chúng ta biết, có những...
"Đối với tôi, những báo cáo nói rằng chuyện gì đó chưa từng xảy ra luôn là những báo cáo thú vị, bởi vì như chúng ta biết, có những điều chúng ta biết biết: đó là những thứ chúng ta biết là chúng ta biết. Chúng ta cũng biết rằng có những điều chúng ta biết không biết, tức là những thứ chúng ta biết là chúng ta không biết. Nhưng rồi cũng có những thứ không biết không biết – những thứ mà chúng ta không hề biết rằng chúng ta không biết." – Donald Rumsfeld, cựu Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.
Đọc thêm:
Trước khi mình nói cho bạn biết rằng có từ “deipnophobia” bạn chắc sẽ không còn biết có khái niệm này trên đời. Như vậy trước khi mình viết ra từ đấy, bạn không biết là bạn không biết từ đấy. Nhưng khi bạn đã nghe mình giới thiệu từ đấy, thì bạn biết rằng có từ “deipnophobia” tồn tại, nhưng bạn không biết nghĩa của từ đấy trước khi tra Google, như vậy bạn biết rằng bạn đang không biết gì. Sau khi tra Google xong bạn hiểu rằng “deipnophobia” là để chỉ nỗi sợ của việc đi ăn tiệc đông người. Như vậy bây giờ bạn biết rằng bạn biết cái gì.
Ok, nghe cũng thú vị. Nhưng mà biết được điều này thì có ích gì cho bản thân mình?
Vấn đề của mình nêu ra đó là có một kỹ năng rất quan trọng, mà nếu bạn nào chuyên học về xác suất thống kê, phân tích dữ liệu, báo cáo sẽ rõ. Kỹ năng này hầu như không ai dạy bạn, đó là kỹ năng: biết được những gì mình không biết. Tại sao kỹ năng này lại quan trọng? Bạn đã nghe đến những câu nói này chưa?
-Anh đó mới 26 tuổi đã làm quản lý công ty, giám đốc trẻ. Con lấy anh đó là hợp nhất rồi, là tốt cho con lắm.
-Đất nước mình nghèo là vì dân mình được giáo dục kém, nói thẳng là dân dốt. Dân nghèo, dốt thì sao đất nước giàu được?
-Mấy cha làm dự báo kinh tế toàn nói phét, ông thấy họ dự báo kinh tế miết mà có đúng bao giờ đâu. Toàn ăn tiền chính phủ rồi nói phét.
Những câu nói trên cho thấy một góc nhìn lệch lạc về các vấn đề xã hội và thường là do người nói không biết được rằng mình không biết gì, anh ta tự tin anh ta biết rõ mọi thứ và do đó tự tin tuyên bố như vậy. Suy nghĩ, góc nhìn của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến lối sống của chúng ta, và những góc nhìn suy nghĩ sai lệch sẽ khiến chúng ta sống lệch lạc.
Bạn đọc tin tức và biết rằng một nhóm người sau khi ăn tối ở quán ABC thì bị đau bụng và phải nhập viện, quán ABC bị cơ quan an ninh điều tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, thì liệu bạn có kết luận ngay rằng: quán này bán hàng mất vệ sinh nên mấy người kia bị đau bụng; hay là bạn sẽ đưa ra kết luận: có một nhóm người nhập viện sau khi ăn ở quán ABC.
Hai kết luận này thoạt đầu tưởng giống nhau nhưng thực chất khác nhau nhiều. Kết luận đầu là một suy luận dựa trên thông tin sẵn có và cảm tính, nó khẳng định là: tại vì quán ABC mà mấy người kia bị đau bụng. Còn kết luận hai thì chỉ là thuần túy dựa trên thông tin sẵn có: có người đau bụng sau khi ăn ở quán ABC. Nhưng nó không khẳng định là nguyên nhân là do quán ABC. Có thể mấy người kia đã ăn gì đó trước khi đến quán, có thể họ mang gì đó theo vào quán và ăn, có thể là rượu do một người trong nhóm nấu. Và đó chính là những suy luận của những người chuyên làm về khoa học dữ liệu: họ hằng ngày phải lọc ra những gì dữ liệu cho họ biết và những gì dữ liệu không cho họ biết.
Kết luận thứ nhất là của một người tự tin rằng anh ta biết chuyện gì xảy ra.
Kết luận thứ hai là của một người hiểu rằng có những chuyện anh ta không biết.
Và những người có trình độ tư duy thấp hay thường đưa ra quyết định như kết luận thứ nhất. Có những quyết định quan trọng và cần thiết trong cuộc đời như học trường nào, ngành nào, yêu ai, nên chia tay hay không, học ngoại ngữ ở đâu, đều được đưa ra một cách sai lầm do hai nguyên nhân chính: chủ quan tự tin rằng mình biết hết và không biết mình không biết gì.
-Anh ta là một người yêu thương động vật, hẳn anh ta có tấm lòng nhân hậu lắm, mình nên yêu anh ta => yêu về phát hiện anh ta là kẻ vũ phu và bủn xỉn.
-Trường này top đầu cả nước, học sinh đầu vào giỏi, giáo viên toàn giáo sư tiến sĩ hàng đầu cả nước, mình vô là rất tốt cho mình => áp lực thi cử, áp lực từ bạn bè, sống xa nhà vất vả chịu không nổi, phải bỏ học giữa chừng mặc cho bố mẹ la mắng.
-Con gái bây giờ chỉ thích trai đẹp, trai giàu, mấy đứa trai đểu trông ngầu ngầu. Muốn có bạn gái xinh mình phải tập gym, 6 múi, phải đi xe SH => thằng bạn tồ tẹt suốt ngày chỉ ngồi đọc sách, viết lách và tham gia hoạt động từ thiện cũng cưa đổ được cô gái xinh xắn của khoa.
Làm sao để tránh hoặc hạn chế rủi ro từ những kết luận sai lầm? Đầu tiên bạn phải xác định được bạn không biết những gì và thứ hai là bạn phải cố gắng giảm thiểu những vấn đề mà bạn không biết là bạn không biết.
Đọc thêm:
Xác định những gì bạn không biết
Bạn muốn xác định những gì bạn không biết, bạn phải bỏ qua sự ngạo mạn bên trong rằng mình biết rõ. Ví dụ như người tuyên bố về sự dối trá của các chuyên gia kinh tế học, anh ta phải bỏ qua sự ngạo mạn rằng anh ta biết hết về kinh tế học và khoa học dự báo. Sự ngạo mạn này thường là do hậu quả của việc đơn giản hóa vấn đề, đưa ra kết luận dựa trên trực giác (dự báo thì phải chính xác, không thì dự báo làm gì?). Bỏ qua sự ngạo mạn không hề dễ dàng, bởi vì nó khiến chúng ta nhận ra rằng chúng ta không biết nhiều như thế. Nó khiến ta cảm thấy bé đi một chút.
Sau khi bỏ qua sự tự tin rằng mình biết hết thì bạn nên bắt đầu đặt ra câu hỏi về những khái niệm mà mình đoán là mình biết, và tiếp tục trong ví dụ về dự báo kinh tế, như: thế tại sao dự báo kinh tế sai mà người ta vẫn hay dự báo? Mình đã hiểu đúng về kinh tế học chưa? Mình đã hiểu về mục đích của việc dự báo kinh tế chưa? Đặt câu hỏi là một vấn đề rất mệt vì bạn phải suy nghĩ. Không có nhiều đầu óc có đủ năng lượng, kỹ năng suy nghĩ và sự kiên nhẫn để đặt ra câu hỏi và tìm câu trả lời cho câu hỏi đó.
Việc đặt câu hỏi thường xuyên rất có ích vì nó giúp đưa đường dẫn lối, giúp mình hiểu sâu hơn vào những vấn đề mà bấy lâu nay mình luôn nghĩ là đúng, là hiển nhiên, là chân lý. Việc không đặt câu hỏi khiến cho một người bám chặt vào những định kiến của mình và để những định kiến lệch lạc đó tạo nên cuộc đời mình, ví dụ như:
-Tao nay đi bị rớt tiền. Xui vãi, chắc do ăn thịt chó ngày rằm.
-Con gái không biết nấu ăn chả ai thèm cưới.
-Ăn thịt bò nhiều dễ bị ung thư.
-Ra đường mà không mặc đẹp thì người ta khinh cho.
Mình lấy ví dụ về một người mình quen. Anh ta là một người đa nghi và anh nói với mình rằng anh không tin tưởng ai trên đời này ngoài người thân trong gia đình và anh cũng dặn em gái anh như vậy: đừng có tin thằng con trai nào hết, chỉ tin anh trai và bố thôi. Sau đó mình hỏi anh ta rằng:
-Nếu mình không tin người khác thì người khác cũng không thể tin mình được. Vậy có phải là em gái anh sẽ là người không đáng tin trong mắt mọi người?
-Nếu mình không tin người khác thì người khác cũng không thể tin mình được. Vậy có phải là em gái anh sẽ là người không đáng tin trong mắt mọi người?
Anh ta trả lời khá là dài, lòng vòng một cách phân bua nhưng anh ta không thể trả lời trực tiếp được. Anh ta chưa bao giờ đặt câu hỏi này.
Giảm thiểu những thứ mình không biết là mình không biết
Để làm được điều này, một người cần có kỹ năng tìm kiếm. Tìm hiểu qua việc đọc cũng không đủ, một người cần biết nên đọc gì và không nên đọc từ những nguồn nào, cần biết cách tìm sao ra cho thông tin của mình cần. Ví dụ như bạn lên kế hoạch đi du học và muốn biết về trường mình đang định đi, bạn cần phải vô website trường để lấy thông tin về khóa học, nếu bạn không hiểu thì email hỏi thẳng trường, thay vì lên các website không liên quan như VOZ, Web Tre Tho, để hỏi, vừa mất thời gian mà thông tin thu thập được thì lại không đáng tin cậy.
Nên tìm hiểu kinh nghiệm từ những người đi trước. Có những vấn đề mà mình không bao giờ ngờ được và tìm hiểu qua những người đã trải qua sẽ giúp mình biết đến những điều đó, ví dụ như nếu bạn chưa đi du học bao giờ bạn sẽ khó biết rằng bạn cần phải chuẩn bị ổ cắm 3 chấu chứ không phải 2 chấu như ở Việt Nam. Không tiếp xúc với nhà tuyển dụng bạn sẽ không biết được những sai lầm người viết CV hay mắc phải hoặc những câu trả lời nhà tuyển dụng muốn nghe trong phỏng vấn. Những vấn đề đó bạn nằm ở nhà sẽ không thể tưởng tượng ra được, đơn giản là vì bạn không biết là bạn không biết gì cả.
Kết luận
Việc xác định được những gì mình không biết là một trong những kĩ năng cần thiết cho tư duy phản biện, và khi bạn đã có được kĩ năng này bạn sẽ biết xử lý thông tin và đưa ra những quyết định đúng đắn trong các hoạt động hằng ngày lẫn các quyết định quan trọng trong đời. Để xác định được những thứ mình không biết, bạn cần phải học về kỹ năng tìm kiếm thông tin và phải tiếp xúc thường xuyên với những người có kinh nghiệp trong lĩnh vực mình đang tìm hiểu.
Và đến một ngày nào đó bạn sẽ nói với bản thân mình như một triết gia: “Chỉ có một điều mình chắc chắn đó là mình biết rất ít.”
Bạn có thể đọc các sách sau để giúp nâng cao tư duy:
Đây là bản gốc của của câu nói của Cựu Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Donald Rumsfeld trước giới truyền thông vào ngày 12/02/2002:
"Reports that say that something hasn't happened are always interesting to me, because as we know, there are known knowns; there are things we know we know. We also know there are known unknowns; that is to say we know there are some things we do not know. But there are also unknown unknowns – the ones we don't know we don't know. And if one looks throughout the history of our country and other free countries, it is the latter category that tend to be the difficult ones."
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất