Tranh Tú Anh vẽ
Khi tự miêu tả về bản thân, Tú Anh cho rằng cô không thể nhìn nhận một cách rõ ràng mình hiện tại là người như thế nào. Ba năm trước, Tú Anh là kiểu tomboy ngỗ nghịch. Một năm trước, cô có thể tự nhận là kiểu con gái được yêu thích tại trường. Nhưng hiện tại, Tú Anh không còn là bất cứ ai trong những khuôn mẫu trên.
Và chính điều đó khiến cô cảm thấy được là chính mình.. 

TUỔI THƠ "DỮ DỘI"

Tú Anh sinh ra trong một gia đình gia giáo điển hình với bố là bộ đội và mẹ từng học sư phạm. Là con út trong gia đình có ba người con gái, Tú Anh chia sẻ bố mẹ luôn mong muốn sinh được cô là con trai. Vì vậy, cô đã được giáo dục như…  một cậu con trai trong suốt thời niên thiếu. Chính điều đó đã khiến Tú Anh trở nên rất cá tính và thường không chơi được với những bạn gái khác. Cô thường dành thời gian ở một mình và từ đó, những suy nghĩ như mình là ai, tại sao mình không giống với mọi người dần đến với Tú Anh sớm hơn bạn bè đồng trang lứa. 
Những câu hỏi này khiến Tú Anh hình thành thói quen quan sát những người xung quanh, với mong muốn từ đó sẽ rút ra được mọi người giống nhau ở điểm nào và rốt cuộc làm thế nào mọi người có thể hòa nhập với nhau. “Giống như khi chơi game và tìm ra cheat code vậy, tớ muốn nhìn từ những góc độ khác nhau để biết bản thân nên làm gì.” Khi đó, Tú Anh nghĩ rằng từ những quan sát này, cô có thể học cách để giả vờ giống với mọi người, đồng thời làm theo những quy tắc ứng xử phù hợp để bản thân được chấp nhận.
Nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Trong suốt khoảng thời gian từ cấp một đến cấp ba, Tú Anh vẫn không tìm được cách để hòa nhập với tập thể. Thời cấp 1, người bạn thân cô tin tưởng nhất hóa ra cũng chính là người đã nói dối với cô giáo, khiến Tú Anh bị cô lập trong lớp. Tới khi học cấp ba, bạn trai đầu tiên lại khiến cô có cảm giác rằng cậu không thích những người giỏi hơn và... nam tính hơn mình, rằng cô chỉ nên làm nền và ủng hộ cậu. Không chấp nhận thay đổi chỉ bởi vì người khác muốn mình thay đổi, Tú Anh chấp nhận từ bỏ mối tình này để cậu bạn trai có thể tìm kiếm một cô gái khác. Sau chuyện này, Tú Anh cho biết bản thân cô lại càng có động lực để trở nên… giống con trai hơn. 
Cô cũng có thêm động lực để theo đuổi những kỹ năng mình có năng khiếu như sáng tác, hát, vẽ, viết truyện,.. Việc dành hầu hết thời gian một mình khiến Tú Anh càng khép mình lại và càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc hòa nhập với mọi người. “Điều này làm nhiều người ghét tớ. Đi đến đâu tớ cũng bị bắt nạt, cả ở ngoài đời lẫn trên mạng.” - Tú Anh chia sẻ.
Không phải ngẫu nhiên mà Tú Anh thử sức ở nhiều lĩnh vực như vậy. Lớn lên dưới sự giáo dục nghiêm khắc, Tú Anh cho biết việc bố mẹ vừa bao bọc vừa kỳ vọng nhiều ở mình khiến cô luôn phải cố gắng đạt được nhiều giải thưởng, cố gắng “giỏi hơn người khác”. Nhưng dù vậy, sâu trong thâm tâm, Tú Anh luôn cảm thấy những việc mình làm chẳng đến đâu, đồng thời luôn luôn là “không đủ” đối với bố mẹ: “Tớ cảm thấy từ đầu tới giờ, cuộc đời tớ giống như chỉ đang viết nháp và tớ cũng không thực sự tập trung theo đuổi duy nhất một điều gì.”

Đọc thêm:

Cũng vì lý do này, cùng với những biến cố khác trong gia đình đã khiến Tú Anh đặt câu hỏi vì sao mỗi người lại hành xử theo một cách nhất định và gây tổn thương cho nhau. Để tự tìm ra câu trả lời, cô tìm đến tâm lý học; và rồi dần nhận ra những hành vi liên quan đến bố mẹ, hiểu được vì sao họ lại làm như thế với mình và học được cách nhìn mọi thứ với sự cảm thông.
Cũng trong thời gian đó, Tú Anh bắt đầu đọc những cuốn sách về những người hay ở một mình và phần nào bị cô lập với xã hội như “Người xa lạ” của Albert Camus, “Hóa thân” của Kafka hay “Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm” của Mark Haddon,... Khi đọc những tác phẩm này, cô cảm thấy đồng cảm với những nhân vật trong truyện, từ đó có thêm động lực tìm hiểu thêm về các tác giả và dần nhận thấy có sự liên kết giữa họ với triết học. Đây chính là cánh cửa dẫn cô đến việc đọc và tìm hiểu về triết học, trước khi viết những bài chia sẻ hết sức thú vị trên Spiderum như Đạp lên cái nóng bằng chủ nghĩa khắc kỷ, Chủ nghĩa hiện sinh - sự an ủi cho cuộc đời trọc lốc hay Hãy cứ là chính bản thân mình đi” - Nhưng mà là ai cơ?

ĐỔ VỠ VÀ ĐỊNH HÌNH LẠI BẢN THÂN

Thời điểm cấp ba có lẽ là khoảng thời gian tồi tệ nhất với Tú Anh. Như đã chia sẻ trong bài viết Năm lớp Mười hai, tôi cạo đầu, cô từng phải đối mặt với con quái vật trầm cảm vào những năm cuối cấp vì chuyện gia đình, chuyện bắt nạt của bạn bè. Biến cố này đã phần nào làm thay đổi thái độ của mẹ cô. Nếu như bình thường mẹ sẽ nạt nộ, tức giận với mọi thứ cô làm thì lần này bà chỉ nhẹ nhàng chở Tú Anh đi sửa tóc. Bà cũng dặn cô không được nói với ai rằng mình bị trầm cảm, và nếu có ai hỏi thì bảo rằng cạo đầu như vậy là do bị nấm, vì “nếu tất cả biết bị trầm cảm con sẽ không lấy được chồng”. Tú Anh chia sẻ rằng vào khoảnh khắc đó, cô nhận thấy tất cả những gì cô từng nghĩ về mẹ trước đây đều hoàn toàn sai lầm. Hóa ra bà không hề ghét, mà trái lại còn rất yêu thương cô, dù là với một tình yêu vụng về. Kể từ sau giây phút đó, Tú Anh bắt đầu muốn mẹ vui, muốn làm bà hài lòng. Đó cũng là những bước đầu giúp cô xây dựng lại mối quan hệ với bố mẹ mình. 
Tú Anh cho rằng chính khoảng thời gian tưởng như toàn tiêu cực đó cuối cùng lại đem đến những tiến triển tích cực trong gia đình khi bố mẹ hiểu cô hơn còn chính cô cũng hiểu hơn về hai người. Hai bên dần hiểu được bản chất dẫn đến những mâu thuẫn trước đây, đồng thời học được cách tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. 
Mặc dù đã vượt qua được những khúc mắc trong gia đình nhưng những trải nghiệm với bạn bè trong suốt thời gian đi học vẫn khiến Tú Anh không thể hài lòng với bản thân. Lên đại học, cô quyết tâm phải thay đổi hoàn toàn để “trả thù” thế giới. 
“Tớ quyết tâm sẽ trở thành một người cực kỳ dễ gần, cực kỳ được yêu thích.” - Tú Anh chia sẻ.
Với những điều từng học được trong quá trình quan sát người khác suốt những năm tháng tuổi thơ, cùng những kiến thức về tâm lý học và triết học đã tích lũy, Tú Anh không gặp nhiều khó khăn để làm được điều này. Cô dần trở thành kiểu người hài hước, hay cười, thân thiện, “làm nền” phía sau để mọi người tỏa sáng; do đó có thật nhiều bạn như từng mong muốn.
Ngay khi mọi thứ đang tiến triển tích cực thì bệnh trầm cảm lại quay lại với Tú Anh sau đỉnh điểm là một cuộc cãi vã “nảy lửa” với chị gái, tác nhân khiến cô chợt nhận ra những điều mình không để ý trước đây. 
“Trước giờ tớ vẫn tin là mình làm tất cả mọi thứ, từ vào đại học, tham gia hoạt động đến kết bạn đều là vì mọi người. Nhưng chị tớ thì không nghĩ vậy, chị nói tớ không làm cho ai hài lòng cả. Lúc đấy tớ cảm giống như một mảnh kính bị vỡ ra thành hàng trăm mảnh vậy. Tớ không còn biết mình nên trở thành một hình mẫu như thế nào nữa” - Tú Anh chia sẻ.
Khi không còn gì để tin tưởng, người ta thường sẽ tìm tới bất cứ điều gì làm mình khuây khỏa. Và với Tú Anh, kiến thức lại một lần nữa phát huy tác dụng vỗ về, giúp cô từng bước vượt qua cuộc khủng hoảng này của chính mình. Sau khi vùi đầu trong sách vở, để rồi tình cờ đọc được rằng não bộ sẽ thay đổi theo thời gian, còn chúng ta thì như một đống bùi nhùi, Tú Anh bất chợt cảm thấy được tự do, và không còn bị bó buộc trong việc “phải trở thành một ai đó”, hay “sống theo một khuôn mẫu nào đó” cố định nữa. Tại sao cô lại không thể lúc này như thế này, lúc khác như thế khác, giống “một đống bùi nhùi” và hoàn toàn thoải mái với điều này? 
Quan trọng hơn, khi bắt đầu sống với niềm tin như vậy, cô nhận ra rằng kể cả khi không còn là Tú-Anh-mà-mọi-người-từng-biết, vẫn có những người yêu quý và nhận ra con người thật sự của cô, vẫn có những người làm nền tảng để Tú Anh định hình lại bản thân, và nhắc nhở cô về những điều cốt lõi tạo nên chính mình.
Chia sẻ về bản thân hiện tại, Tú Anh cho biết cô vẫn không có một định nghĩa rõ ràng về việc mình là ai, mình muốn trở thành gì. Nhưng cô lại biết rất rõ ràng những gì mình không muốn trở thành và tự có cho mình một định nghĩa bản thân khá đặc biệt: “Khi bỏ đi những điều tớ không thích thì phần còn lại chính là tớ.”

Đọc thêm:

Lối tư duy mới này cũng giúp cô nhìn nhận lại những suy nghĩ trước đây của bản thân. Nếu như lúc trước Tú Anh luôn cho rằng mọi thứ mình làm đều chẳng đến đâu, chẳng hạn như khi viết truyện ngắn đăng báo Hoa Học Trò hay báo Trà Sữa, cô nghĩ rằng sẽ luôn có những người viết hay hơn mình; hay khi đi thực tập ở Lê Bích, cô luôn thấy mọi người giỏi hơn mình, không chỉ ở khả năng vẽ mà còn ở tất cả mọi thứ; và kể cả với việc hát, khi đăng tải các bài hát của mình, cô vẫn sẽ luôn nghĩ rằng có những người hát hay hơn, sáng tác hay hơn. Nhưng đến thời điểm hiện tại, Tú Anh nhận ra những so sánh đó không còn quan trọng nữa và dần học được cách hài lòng với những gì mình làm được.
Thái độ này giúp Tú Anh thoát khỏi cảm giác tiêu cực để có thể thoải mái theo đuổi những điều cô thích. Nếu như lúc trước mặc dù đã từng phổ nhạc cho bài thơ Nhặt ở bờ rào, từ đó nhận thức được rằng việc sáng tác nhạc rất thú vị và khiến cô hạnh phúc, Tú Anh vẫn luôn cảm thấy thiếu tự tin về khả năng của mình; thế nhưng ở hiện tại, khi không còn áp đặt những kỳ vọng của bản thân vào việc sáng tác nữa, cô chỉ cảm thấy sự vui vẻ từ hoạt động sáng tạo này. 
Như đã từng chia sẻ trong bài viết Bí mật của tất cả mọi người, chính nhờ thử sức ở nhiều lĩnh vực nên Tú Anh có cơ hội nhìn mọi việc từ nhiều góc nhìn và gặp gỡ nhiều người với sở thích, tính cách khác nhau. Điều này giúp cô nhận ra ai cũng có những lo lắng, băn khoăn, cũng không biết mình là ai, không biết tương lai của mình sẽ như thế nào, dù người đó có cao siêu đến đâu. 
“Vậy nên bây giờ tớ không lo lắng, mà ngược lại còn cảm thấy may mắn. Dù tớ dở dang, chẳng đâu ra đâu nhưng ít ra tớ được thử sức ở nhiều lĩnh vực và được hiểu thêm về mọi người.” 

NGUYÊN TẮC SỐNG: PHẢI TỬ TẾ

Hành trình trưởng thành của Tú Anh gắn liền với những biến cố tâm lý, mâu thuẫn gia đình và khủng hoảng trong quá trình định hình bản thân. Vậy nên khi đọc câu chuyện của cô, hẳn nhiều người trẻ cũng có được những đồng cảm nhất định.
Tú Anh cho biết cũng chính điều này khiến cô mong muốn đối xử tốt và giúp đỡ tất cả mọi người. Như khi tham gia Beautiful Mind Việt Nam, cô muốn giúp đỡ những người gặp phải các vấn đề về tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu,... Cô cũng là người thành lập CLB Sơ cứu tâm lý trong trường. Hay thời điểm hiện tại kể cả trong các bài viết của mình, cũng có thể thấy Tú Anh cố gắng động viên mọi người, giúp mỗi người nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực hơn. Đơn cử như các bài viết Cô gái của tớ thân mến, Này, cảm ơn vì đã tồn tại hay Làm thế nào để bớt nhạt.
“Nguyên tắc của tớ là tử tế. Tớ từng tiếp xúc với nhiều người có vấn đề tâm lý và bản thân tớ cũng có vấn đề tâm lý nên tớ luôn muốn đối tốt với mọi người. Tớ biết mọi người đều tổn thương, đều có những tâm sự riêng. Điều đó không có nghĩa là tớ chấp nhận người khác thô lỗ với tớ, nhưng tớ cảm thông với họ bởi vì tớ biết ai cũng sẽ có những lúc không khống chế được bản thân. Không chỉ trích, không phàn nàn, tớ chỉ muốn lắng nghe và giúp họ nhìn nhận được vấn đề của mình.” - Tú Anh chia sẻ.
Điều này cũng lý giải phần nào lý do khiến cô lựa chọn viết bài trên Spiderum. Tú Anh cho biết Spiderum là nơi khiến bản thân cô cảm thấy vui vẻ, nơi cô có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình, tương tác với những người có cùng mối quan tâm. Điều quan trọng hơn, Spiderum khiến Tú Anh có cảm giác như một người bạn luôn đồng hành cùng mình và thực sự quan tâm tới những vấn đề mình đang gặp phải.
“Có một kỷ niệm khiến mình cảm thấy Spiderum giống như một người bạn, đó là lúc anh Việt Anh nhận ra việc mình đã xóa những bài viết cũ và hỏi rằng mình có muốn khôi phục lại những bài đấy không. Chính những điều nhỏ bé này khiến mình cảm giác được lắng nghe và được kết nối.” 
Hiện tại, Tú Anh cũng đã tham gia vào hỗ trợ đội ngũ Spiderum với vai trò thực tập sinh nội dung. Một số bài viết Humans of Spiderum gần đây cũng do cô phụ trách thiết kế. Sắp tới Tú Anh cũng sẽ tham gia vào việc xây dựng hình ảnh và nội dung cho website hay fanpage của Spiderum. Nói về những đóng góp này, cô chỉ cười và chia sẻ chân thành:

“Cứ có gì giúp được là tớ giúp Spiderum hết sức thôi.”

Kết thúc phần phỏng vấn, Tú Anh cho biết: “Đối với những bạn đã đọc bài và theo dõi tớ từ trước đến nay, tớ rất cảm ơn những lời chia sẻ, cảm nhận của mọi người sau khi đọc bài viết của tớ. Đối với Spiderum, tớ cảm giác như Spiderum là một người bạn thân vậy. Khi chơi thân với ai, tớ muốn làm người đó hạnh phúc. Vậy nên tớ mong Spiderum sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.”
Thực hiện: Hoàng Phương, Hữu Cường
Thiết kế: Isa Quan