Bạn Là Ai?
Khám phá quá trình tự nhận thức và định nghĩa bản thân trong cuộc sống hiện đại, giúp bạn tìm ra giá trị cốt lõi và xác định cái tôi của mình.
Giá Trị Của Bài Viết: Cân bằng cái tôi, Cách xác định mình là ai, Cách để bước đầu phát triển bản thân.
Khủng Hoảng Hiện Sinh
Hãy nhớ lại khoảnh khắc sau gần 18 năm trải đời, vào một buổi tối ngẫu nhiên bạn nhìn vào gương và nghĩ bụng “Mình sống trên đời này để làm gì nhỉ?”, “Thế giới này khác đi ra sao nếu như không có mình?”. Đây không phải là câu hỏi quá xa vời đâu, mà chính là bước đầu trong việc định hình bản thân.
Mình có cơ hội tiếp xúc với nhiều cá nhân, khi mình hỏi họ “Kể ra 3 điểm bản thân bạn tự hào” họ không trả lời được; mình hỏi “kỷ niệm đáng nhớ nhất của bạn là gì” họ cũng không trả lời được nốt. Mình chợt nhận ra là ngoài kia còn nhiều người chưa định nghĩa được giá trị bản thân và hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn tìm thấy được phần nào đó bị ẩn sâu trong mình.
Xin chào mình là Kraven và bạn đang đọc bài viết “Bạn Là Ai?”. Đây là chương 1 của CĐ&NQTV, mình sẽ mượn khủng hoảng hiện sinh để làm mở bài cho một thứ lớn lao hơn ở phía sau.
- - -
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khủng hoảng hiện sinh trở thành một chủ đề nóng, đặc biệt khi con người cảm thấy bị lạc lối và thiếu mục đích trong cuộc sống. Khủng hoảng hiện sinh là trường hợp một cá nhân bắt đầu có những câu hỏi sâu sắc liên quan đến sự tồn tại của mình. Nguyên nhân mỗi người mỗi khác, có người sẽ gặp những biến cố lớn, người thì nhận thức được sự hữu hạn của cuộc sống, bắt đầu có cảm giác cô đơn, tìm đến tôn giáo hay triết học, bắt đầu lên án một số thành phần xã hội hay đặc biệt hơn là tiếp xúc với nghệ thuật,... [1] [2] [3]
Thời thơ bé, ta bông đùa vô lo vô nghĩ vì vốn dĩ sự tò mò của một đứa trẻ sẽ khiến cho chúng luôn thấy thế giới này thú vị. Đến cái tuổi đi học, mọi quyết định lớn nhỏ đều được gia đình và xã hội định hướng. Mọi thứ cứ như thế tiếp diễn và đến lúc chiếc kén rạn nứt. Cảm giác mơ hồ về tương lai hay sự xung khắc giữa luồng ý kiến từ bản thân và xã hội ngoài kia bắt đầu tích tụ. Đây là thời điểm mà con người cảm thấy mất phương hướng, hoài nghi về bản thân và bối rối trước hàng ngàn sự lựa chọn ngoài kia. Chính trong sự hỗn loạn ấy, ta có cơ hội để quay trở về nhìn nhận với bản thân mình, câu hỏi về “cái tôi” của bản thân.
Nghiên cứu của Neff và Germer chỉ ra rằng, việc phát triển sự tự trắc ẩn có thể giúp giảm bớt lo âu và đau khổ tâm lý trong giai đoạn khủng hoảng hiện sinh. Đồng thời, giai đoạn này liên quan mật thiết đến việc cảm nhận về cái tôi, khi người ta thường tìm kiếm sự công nhận từ xã hội thay vì sự thỏa mãn nội tâm. [4]
Cái Tôi Là Gì?
Cái tôi hay bản ngã là một quan niệm trong tâm lý học, triết học, tôn giáo. Theo định nghĩa đơn giản nhất thì nó là sự nhận thức về bản thân của mỗi người. Đó là sự tự nhận thức, cảm xúc, giá trị của bản thân từ đó tạo nên con người họ. Nói cách khác thì “Cái Tôi” chính là cách để ta phân biệt được người này và người kia ở trong xã hội này.
Có thể bạn đã nghe cái câu “Trong một mối quan hệ thì nên hạ cái tôi xuống” điều này làm chúng ta bị bó hẹp tư duy rằng cái tôi là một thứ gì đó tiêu cực, ai càng hạ nó xuống sẽ càng thành công trong cuộc sống. Mình không khuyến khích điều đó. Trên thực tế thì cái tôi có thể vừa khiến bạn đánh mất bản thân và cũng có thể là đồng minh giúp bạn xây dựng hệ giá trị của bản thân. Vì vậy nhiệm vụ của ta không phải là hạ thấp nó, mà là cân bằng và trân trọng nó.
Bổ Sung: Trong bài viết [Cách Để ‘Thực Sự’ Thành Công] mình có nói đến việc là một người Cho Đi (Giver) thì cần phải đặt ra giới hạn để bản thân không bị lợi dụng. Thì bài viết này sẽ viết rõ hơn về cách bạn đặt ra những giới hạn đó.
Trong các mối quan hệ, dù là tình bạn, tình yêu hay công việc, cái tôi là yếu tố quyết định đến cách chúng ta giao tiếp và ứng xử với nhau. Nếu ai đó luôn tìm cách để nâng cao cái tôi của mình, họ có thể không nhận ra rằng sự chú trọng quá mức vào bản thân có thể làm tổn hại đến những người xung quanh. Một người có cái tôi quá lớn có thể không chấp nhận quan điểm khác, luôn muốn chiếm ưu thế trong mọi tình huống và không bao giờ lắng nghe.
Ngược lại, một cái tôi quá nhỏ cũng không mang lại sự hạnh phúc. Khi không biết rõ bản thân mình, không có chính kiến hay không biết đặt ra giới hạn, bạn sẽ dễ bị lợi dụng và không thể phát triển cá nhân. Cái tôi ở mức cân bằng sẽ giúp bạn đứng vững trên đôi chân của mình, nhưng không phải theo cách áp đặt hay cố chấp.
Mình có một thằng bạn, nó luôn ủng hộ người khác trong mọi việc, ngại đưa ra quan điểm của mình vì sợ mất lòng người khác. Đến khi tụi mình hỏi sâu về nó, nó không biết bản thân mình thích gì hay ghét điều gì nữa, từ đó mà dù nó có rất nhiều bạn nhưng không ai biết nó thích gì hay ghét gì và chính nó cũng không hiểu bản thân mình. Tương tự, mình chưa thấy một người phụ nữ nào đồng ý quen một anh người yêu lúc nào cũng “dạ, vâng” và không có chính kiến riêng, ngại tranh cãi, ngại phản biện, gió chiều nào theo chiều ấy. Tất cả nằm ở ‘Cái tôi’. Cái tôi lại thường bị gán cho những tiếng xấu. Người ta nói rằng cái tôi là nguồn cơn của mọi mâu thuẫn, là gốc rễ của sự kiêu ngạo, ích kỷ và cố chấp. Nhưng nói theo góc nhìn hạn hẹp của mình thì "Cái tôi là chiếc la bàn chỉ rõ đâu là xã hội và đâu là bản thân".
Cách Xác Định Cái Tôi Của Bản Thân
Đầu tiên bạn phải tin rằng không có cuộc sống của ai là 'vô vị' hay 'nhạt nhẽo' cả. Thứ nhạt nhất trên đời chỉ có thể là nước lọc, nhưng 70% trọng lượng cơ thể của bạn là nước. Màu sắc nhạt nhất trên đời là màu trắng, nhưng vậy tại sao tòa nhà quan trọng nhất nước Mỹ lại có tên là "Nhà Trắng"? Tương tự mình tin là dù cuộc đời bạn như thế nào đi chăng nữa thì nó cũng vô vàn điều thú vị và đặc biệt trong đó rồi. Chỉ khi bạn tin rằng cuộc sống bạn là đặc biệt thì những câu hỏi tiếp theo mới phát huy hết tác dụng với bạn.
Để trả lời được câu hỏi “Bạn là ai” thì đầu tiên ta cần xác định rõ Cái Tôi. Mình có một danh sách các câu hỏi giúp bạn dễ dàng định hình được bản thân giữa dòng đời ngoài kia, nhớ lấy giấy bút ra nhé:
1. Xác định giá trị cốt lõi của bạn?
+ Giá trị nào của một con người mà bạn cho rằng là thứ quyết định giá trị của họ? (chân thành, lòng trắc ẩn, khoan dung, tiền bạc, quyền lực, địa vị,...)
+ Khi gặp một quyết định khó khăn, yếu tố nào sẽ khiến cho bạn quyết định hướng đi cho bạn? (đạo đức, cảm xúc, lợi ích, hậu quả, trực giác,...)
2. Xác định mục tiêu của bạn?
+ Bạn muốn trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân trong khía cạnh nào? (sự nghiệp, học vấn, tình cảm, gia đình,...)
+ Đối với bạn thì định nghĩa thành công là gì? (là có nhiều tiền, là nhiều người yêu quý, là sống hạnh phúc)
3. Xác định quan điểm sống của bạn?
+ Điều gì/ hoạt động gì khiến bạn vui vẻ và có ý nghĩa nhất khi bạn được làm nó? (tập trung vào công việc, nhìn thấy con mình khôn lớn, làm từ thiện,...)
+ Đối với bạn thì định nghĩa thất bại là gì? Bạn sẽ làm gì để đối diện với thất bại? (là không đạt được mục tiêu, là không chấp nhận bản thân, là gây ra sự tiêu cực cho người khác,...)
4. Xác định ranh giới của bạn?
+ Điều gì mà bạn không cho phép người khác tác động đến? (gia đình, sở thích, quyền riêng tư, thời gian, cảm xúc,...)
+ Bạn thấy thoải mái với kiểu người nào? Bạn không muốn tiếp xúc với kiểu người nào? (...)
+ Trường hợp nào dễ khiến bạn rơi vào trạng thái mất bình tĩnh? (Bị xúc phạm, đụng chạm đến gia đình, bị phán xét,...)
5. Sở thích và Sở Trường?
+ Điều mà bạn luôn tự hào về bản thân mình? (khả năng giao tiếp, quản lý thời gian, làm việc nhóm,... )
+ Bạn nghiêng về hướng ngoại hay nội hay cân bằng? Điều này ảnh hưởng đến bạn như thế nào? (như việc bản thân muốn ở lì trong nhà nhưng người yêu thì lại muốn đi đây đó, hay lúc thảo luận nhóm bản thân lại không biết nên nói rõ ý mình như thế nào cho mọi người hiểu,...)
6. Hạn chế và Điểm Yếu?
+ Bạn muốn ưu tiên cải thiện điểm nào để bản thân tốt hơn? (sức khỏe, tài chính,...)
- - -
Đôi khi bạn không thể ngay lập tức trả lời câu hỏi mình là ai được, nhưng thông qua những câu hỏi này, mình mong là nó giúp cho bạn xác định được phần nào đó con người bạn. Đây là File tải về để bạn có thể tự làm và kết luận bản thân:
Đừng Để Người Khác Xúc Phạm Cái Tôi Của Bạn
Một khi bạn đã hiểu rõ cái tôi của mình, bạn cần học cách bảo vệ nó. Không ai có quyền định nghĩa giá trị của bạn ngoài chính bạn.
Hãy nhớ rằng việc bảo vệ cái tôi không đồng nghĩa với việc phải luôn đúng hay áp đặt người khác. Đó là việc đặt ra ranh giới rõ ràng và kiên quyết không để bất kỳ ai chà đạp lên những gì bạn coi là quan trọng.
Khi bạn để người khác xúc phạm cái tôi của mình mà không phản kháng, bạn đang cho họ quyền làm chủ cuộc sống của bạn. Nhưng khi bạn bảo vệ cái tôi, bạn không chỉ giữ gìn giá trị bản thân mà còn dạy người khác cách tôn trọng bạn.
Dạy Người Khác Tôn Trọng Bạn
Có rất nhiều cách để bảo vệ cái tôi mà không gây hại cho người khác. Một trong những cách quan trọng nhất là học cách nói "không". Việc này không có nghĩa là bạn phải trở nên cứng rắn hay khó gần, mà là học cách nhận thức và bảo vệ giới hạn của bản thân. Khi bạn xác định rõ ràng những điều gì là quan trọng với mình và những gì không chấp nhận được, bạn sẽ dễ dàng đứng vững trước những tác động từ bên ngoài.
Hơn nữa, bạn cũng cần phải học cách đối diện với sự chỉ trích mà không để nó làm tổn thương cái tôi của mình. Không phải tất cả những lời chỉ trích đều đáng để chúng ta phải phản ứng quá là gay gắt hay gì đâu. Một cách để giữ vững cái tôi độc lập là học cách lắng nghe và phân tích những phản hồi từ người khác mà không để cảm xúc chi phối. Chỉ khi bạn làm chủ được cái tôi của mình, bạn mới có thể phản ứng một cách thông minh và tích cực. [5]
Ví dụ cá nhân mình là con trai nhưng mình sinh ra đã môi son (môi đỏ tự nhiên không cần son), da thì trắng cộng với dáng người nhỏ. Người ngoài nhìn vào thường nghĩ rằng mình trong cộng đồng LGBT. Mình rất hay bị người khác hiểu nhầm giới tính và bị gọi là “bà”. Mình thì không thích điều đó và tất nhiên là không chấp nhận, nên mình nói thẳng với họ rằng mình thẳng và không thích xưng hô kiểu đó. Nếu họ là một người lịch sự và văn minh, họ sẽ tôn trọng mình không xưng hô vậy nữa. Còn ai xem nhẹ lời nói của mình, thì mình cho next.
Lưu ý: Mình thật sự không trong cộng đồng LGBT nên phía trên nếu mình có dùng từ gì đó sai hay vô ý đụng chạm gì thì thật sự mình không có ý đó.
Thành Thật Với Bản Thân và Tư Duy Phát Triển
Sau khi đã có được Cái Tôi rõ ràng, biết được điểm mạnh để phát huy thì ta cũng cần cải thiện điểm yếu. Nhưng trước khi cải thiện điểm yếu, ta cần học cách chấp nhận bản thân ở thời điểm hiện tại. Thừa nhận bản thân là không hoàn hảo, có điều còn chưa tốt,... chỉ những người thật sự dũng cảm mới dám nhận mình là chưa tốt.
Ví dụ chuyện tình yêu cho dễ hiểu: Bạn bị run khi lần đầu đi chơi với crush? Hãy nói trực tiếp với cô ấy rằng bạn thấy lo mà không cần giấu diếm, phụ nữ không đánh giá bạn đâu, ngược lại cô ấy còn coi trọng sự thành thật của bạn thay vì cố gắng tỏ ra tự tin mà tay thì chảy mồ hôi, nói năng thì lấp vấp.
- - -
Những phương pháp như Tự Kỷ Ám Thị - tự lừa dối bản thân - là phương pháp mang lại hiệu quả trong ngắn hạn. Ví dụ, một người chơi thể thao có thể tự lừa dối rằng họ bất khả chiến bại để tăng sự tự tin, mặc dù thực tế họ có thể bị đánh bại. Cuộc sống này là dài hạn nên hãy áp dụng khôn ngoan, đừng tự lừa dối bản thân về những chuyện lâu dài, việc lừa dối bản thân trong suốt quãng thời gian đó thật sự gây rất nhiều tiêu cực cho sức khỏe tâm lý của bạn. [6] [7]
Ví như bạn crush một cô nàng thích đọc sách, nhưng trước giờ bạn chưa bao giờ đọc nổi được cái mục lục. Thời gian đầu bạn tìm hiểu về sách hay các tác phẩm tiêu biểu, giả vờ đọc sách trước mặt cô ấy để lấy lòng thì vẫn hiệu quả, nhưng khi cô ấy hỏi sâu hơn về tác giả hay tác phẩm đó viết về điều gì? giải Nobel văn học? So sánh sự khác nhau giữa văn học Pháp và Nga? Thì bạn sẽ lòi ra là một thằng múa rìu qua mắt thợ. Tình cảm là lâu dài, chỉ có sự thành thật là sàng lọc ra ai thật sự phù hợp.
- - -
Tiếp theo cùng bàn đến tư duy cố định và tư duy phát triển. Đặc biệt trong văn hóa Việt Nam đời nay luôn đề cao truyền thống và ngại thay đổi. Tiêu biểu ta có câu ca dao “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” để nói về quyền quyết định nằm ở cha mẹ thay vì cuộc sống tự do của con cái. Vào lớp học là phải học thuộc, ai thắc mắc thì bị cho là nổi loạn hay kém thông minh (mình ban đầu bất ngờ khi đã học đến đại học rồi mà giảng viên còn không cho mình thắc mắc mà còn bị gọi là “thằng thích thể hiện”, nghĩ lại chán thật haha). Trai thì học kỹ thuật, gái thì học y, dược,... Tư duy cố định không chỉ kìm hãm sự phát triển cá nhân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự sáng tạo và ngại đổi mới của xã hội. Khi mọi người tin rằng năng lực là bất biến, họ sẽ không dám thử thách bản thân, không dám đón nhận thất bại, và không nhìn nhận thất bại như một cơ hội để học hỏi. [8]
Khi thất bại trong việc gì đó, bạn không đổ lỗi mà nhìn nhận lại chúng và rút ra bài học cho bản thân để lần sau làm tốt hơn, đó là tư duy phát triển. Nó nhìn nhận bản thân một cách thực tế và không phê phán, cũng không tự mãn sau khi thành công. Không có gì là hoàn hảo nhưng bạn biết chắc rằng mình sẽ luôn hoàn thiện bản thân, không giậm chân tại chỗ. [9]
Không có gì là hoàn hảo nhưng bạn biết chắc rằng mình sẽ luôn hoàn thiện bản thân, không giậm chân tại chỗ.
Các Bài Tập Cải Thiện Tư Duy Phát Triển
Mình muốn hướng các bạn đến rìa của vùng an toàn thay vì nhảy cóc ra khỏi vùng an toàn luôn. Các nguyên tắc để thành công luôn nhắc đến việc chia mục tiêu lớn thành mục tiêu nhỏ, bài tập này bạn có thể áp dụng ngay lập tức mà không thấy quá khó khăn:
+ Chọn đồ uống có vị khác.
+ Ngồi ở vị trí khác khi vào quán/ lớp học.
+ Viết những thứ bạn sợ nhưng chưa dám thử
+ Trên đường về hãy đi con đường khác.
+ Xem thể loại phim mà trước giờ chưa xem.
+ Dành một phút đứng trước gương và nói lời tích cực với bản thân.
- - -
Ly nước đó có thể dở, vị trí mới có thể cản trở tầm nhìn, phim có thể chán nhưng chi ít thì bạn cũng dần quen với việc thử những điều mình chưa dám và nhận ra thất bại cũng là điều rất chi là bình thường trong cuộc sống. Sau này như việc bắt chuyện với người lạ, đi du lịch một mình hay thử một công việc mới cũng sẽ mang lại trải nghiệm cho bạn, miễn là bạn thực sự thích hoạt động ấy chớ không thúc ép gì bản thân. Mục tiêu cốt lõi của nhóm bài tập trên là giúp bạn làm quen với cảm giác thất bại, từ đó mới thấm thía cái câu “thất bại là mẹ của thành công.” Đây cũng là file bài tập để bạn phát triển tư duy bản thân:
- - -
Tóm Tắt
Khủng hoảng hiện sinh là điều đang diễn ra ở xã hội ngoài kia, nó khiến con người rơi vào lối sống có phần chênh vênh, tiêu cực. Một trong những yếu tố giúp bạn thoát khỏi nó là xác định cái tôi của bản thân. Để biết rằng ta đều cuộc sống riêng, nhận ra các bài học khác nhau và trải nghiệm đó của duy nhất chỉ mình bạn có.
Cái tôi giúp xác định bản thân nhưng đã bị bóp méo thành thứ gì đó ghê tởm. Nhớ rằng việc cân bằng cái tôi là quan trọng nhưng đừng biến nó thành đối tượng bị chỉ trích như thế, suy cho cùng bạn sẽ thấy những người không có chính kiến riêng là những người không thành thật với bản thân mình, gió chiều nào theo chiều đấy. Hãy nhớ rằng chỉ có bạn mới được phép định nghĩa giá trị của bản thân mình.
Hãy là người mạnh mẽ, trung thực và luôn tiến về phía trước, không ngừng cải thiện bản thân và sống một cách trọn vẹn. Đừng để những nghi ngờ hay sự tác động từ bên ngoài làm mờ đi bản chất của bạn. Khi bạn hiểu rõ và yêu thương chính mình, bạn sẽ tìm thấy con đường đúng đắn và ý nghĩa trong cuộc sống này.
Kraven 03:16 | 23/11/2024
Tham Khảo:
[1] Frankl, V. E. (1946). Man’s Search for Meaning. Beacon Press.
[2] Durkheim, E. (1897). Suicide: A Study in Sociology. Free Press.
[3] Haan, M. (2015). The Role of Art in the Search for Meaning: A Sociological Perspective. Arts and Humanities Journal, 7(1), 22-34.
[4] Neff, K. D., & Germer, C. K. (2013). A pilot study and randomized controlled trial of the mindful self-compassion program. Journal of Clinical Psychology, 69(1), 28-44.
[5] Stone, D., & Heen, S. (2014). Thanks for the Feedback: The Science and Art of Receiving Feedback Well. Penguin Books.
[6] Taylor, S. E., & Brown, J. D. (1988). Illusion and well-being: A social psychological perspective on mental health. Psychological Bulletin, 103(2), 193–210.
[7] J., & Dunning, D. (1999). Unskilled and unaware of it: How difficulties in recognizing one's own incompetence lead to inflated self-assessments. Journal of Personality and Social Psychology, 77(6), 1121–1134.
[8] Dweck, C. S. (2006). Mindset: The New Psychology of Success. Random House.
[9] Claro, S., Paunesku, D., & Dweck, C. S. (2016). Growth mindset tempers the effects of poverty on academic achievement. Proceedings of the National Academy of Sciences, 113(31), 8664-8668.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất