Bạn Có Đang Thực Hành Kỷ Luật Tự Giác Đúng Cách (P1)
Nhiều người đánh đồng khái niệm kỷ luật tự giác với đạo đức, dẫn đến việc ta thưởng cảm thấy xấu hổ khi không hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Có một cách tốt hơn giúp bạn xây dựng kỷ luật tự giác một cách vững chắc.
Khi còn học đại học, tôi nghe cộng đồng mạng kháo nhau rằng bạn có thể tập cho mình thói quen mỗi ngày chỉ cần ngủ hai tiếng là đủ. Hãy nhớ rằng lúc đó là vào đầu những năm 2000 - khi mà tất cả chúng ta đều tin sái cổ vào những thứ vớ vẩn không biết bằng một cách thần kỳ nào đó xuất hiện trên mạng.
Câu chuyện bắt đầu thế này: các nhà khoa học trong quân đội đã phát hiện ra một phương pháp ngủ giúp nâng cao năng suất làm việc của bạn lên mức không tưởng. Đây là kết quả của quá trình tìm hiểu số giờ tối thiểu các binh lính cần để ngủ trong một ngày. Và nó thật ngoài sức tưởng tượng. Một số vĩ nhân trong lịch sử như Napoléon, Da Vinci hay Tesla được cho là đều áp dụng cùng một phương pháp ngủ, nhờ đó mà họ đã làm nên những điều vĩ đại. Tuyệt vời hơn là bất kỳ ai (ít nhất là người ta nghĩ vậy) cũng có thể có được năng suất làm việc siêu khủng như thế (kể cả bạn, và tôi). Người ta tin rằng, chỉ cần có ý chí mạnh mẽ, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng vượt qua những ngày thiếu ngủ để thích nghi với phương pháp siêu phàm này. Người ta tin rằng, tất cả điều này đều đã được xác minh là đúng và bằng cách này hay cách khác, có thể được áp dụng rộng rãi.
Tất cả đều là người ta cho rằng như vậy.
Phương pháp này được biết đến với tên gọi Uberman Sleep, và bạn có thể áp dụng nó như sau:
- Giấc ngủ tuân theo Quy tắc 80/20 - tức là 80% khả năng hồi phục của cơ thể đến từ 20% thời gian bạn ở trong trạng thái vô thức. Đồng nghĩa với việc 80% giấc ngủ của bạn là lãng phí thời gian.
- Giai đoạn “năng suất nhất” của giấc ngủ được gọi là REM và chỉ kéo dài khoảng 15-20 phút ngắt quãng. Điều đó có nghĩa cứ hai tiếng bạn ngủ, thì chỉ có khoảng 20 phút cuối cùng là thực sự có ích. Làm một phép tính đơn giản, dễ dàng nhận thấy nếu bạn ngủ 8 tiếng/đêm, chỉ 80-100 phút trong số đó thực sự giúp ích cho quá trình nghỉ ngơi và khôi phục sức khỏe. Đối với cộng đồng mạng, như thế là hết sức không hiệu quả và cần phải điều chỉnh phương pháp ngủ.
- Các nhà khoa học trong quân đội (được cho là) đã phát hiện ra khi thiếu ngủ trầm trọng, chỉ cần nằm xuống là bạn sẽ ngay lập tức đạt được giấc ngủ REM -như một cách bù đắp lại việc cơ thể bị thiếu ngủ. Cộng đồng mạng quả quyết rằng thế mới là hiệu quả đích thực.
- Ý tưởng của phương pháp ngủ Uberman là nếu cứ sau 4tiếng, bạn chợp mắt 20 phút hết ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác; giấc ngủ REM sẽ đến với bạn ngay khi bạn đặt mình xuống giường. Sau khigiấc ngủ REM kết thúc, bạn sẽ cảm thấy được thư giãn và tràn đầy năng lượng trong suốt 3-4 giờ tiếp theo.
- Bạn sẽ không biết mệt mỏi là gì nếu cứ sau mỗi 4 tiếng, bạn tiếp tục chợp mắt 20 phút. Còn gì tuyệt vời hơn nữa, bây giờ bạn đã là một Uberman chính hiệu.
- Tuy nhiên có một vấn đề: nếu phải mất 1-2 tuần thiếu ngủ cực độ để thích nghi với phương pháp Uberman. Bạn sẽ phải thức trắng nhiều đêm liền và buộc bản thân mỗi ngày chỉ được ngủ 6 lần, mỗi lần 20 phút. Và nếu chẳng may bạn ngủ lố 20 phút, tất cả coi như vứt và bạn phải bắt đầu lại từ đầu.
- Tất nhiên là không được phép sử dụng caffeine và đồ uống có cồn nhé.
- Có thể thấy, phương pháp ngủ Uberman là một thử thách cho những ai muốn phát triển bản thân với phần thưởng là có thêm 20-30% số giờ làm việc hiệu quả mỗi ngày, từ giờ cho đến khi họtrút hơi thở cuối cùng.Điều này tương đương với việc bạn sẽ có thêm hai ngày mỗi tuần hoặc thêm ba tháng rưỡi mỗi năm. Hoành tráng quá đi chứ lại! Ta có thêm cả một thập kỷ để làm những điều mình muốn, trong khi những người khác còn đang lãng phí thời gian quý báu vào giấc ngủ vô bổ.
Như một con thiêu thân, tôi cũng cố gắng thử áp dụng phương pháp Uberman (rất nhiều lần). Ròng rã nhiều năm liền, tôi bị ám ảnh với việc phải thực hiện cho bằng được phương pháp này.
Và cũng trong từng đó năm, tôi chưa một lần thành công.
Kỷ Luật Tự Giác & Ý Chí
Rõ ràng lâu lâu thức trắng một đêm không phải là việc gì quá khó khăn. Nhất là khi bạn đang chạy dealines hoặc/và đang chơi đồ.
Cái khó là làm sao thức được qua đêm thứ hai, rồi đêm thứ ba, rồi đêm thứ tư. Thiếu ngủ quá độ khiến bạn vật vã và nhanh chóng nhận ra tinh thần chúng ta mỏng manh đến nhường nào. Đến ngày thứ ba, bạn bắt đầu ngủ gật ngay cả khi đang đi bộ giữa ban ngày. Bạn quên béng luôn những thông tin cơ bản như mẹ bạn tên gì, bạn đã ăn tối chưa, hoặc đ* m*, hôm nay là thứ mấy nhỉ?
Ngày thứ tư đánh dấu việc bạn bắt đầu mê sảng, tưởng tượng rằng mọi người đang nói chuyện với bạn. Bạn nghĩ rằng mình đang viết email và rồi chợt phát hiện ra bạn thậm chí còn không nhớ nổi ai là người nhận. Tôi từng đi vòng vòng trong phòng khách cả tiếng đồng hồ, chỉ để giữ cho bản thân tỉnh táo. Khi đồng hồ điểm 12h trưa, cũng là lúc tôi đổ cái rầm, bất tỉnh ngay lập tức. Ác mộng liên tục xuất hiện như thể giấc ngủ của tôi kéo dài hàng giờ đồng hồ vậy. 20 phút sau, tiếng chuông báo thức dựng tôi dậy. Đó là lúc tôi dành 3 tiếng đồng hồ tiếp theo để cố gắng thuyết phục bản thân trong tuyệt vọng, rằng tôi cảm thấy thật tràn đầy năng lượng và muốn bắt tay vào làm việc ngay lập tức. Và mọi chuyện cứ lập đi lập lại như thế.
Rốt cuộc thì chưa lần nào tôi trụ được quá 4 ngày. Mỗi khi thất bại, tôi lại cảm thấy vô cùng thất vọng vì bản thân thật thiếu ý chí và kỷ luật. Tôi tin chắc rằng hẳn tôi phải làm được điều này chứ. Tôi điên tiết mỗi khi nghĩ đến cảnh bản thân không tài nào làm được thứ mà khối người ngoài kia làm được. Hẳn là bản thân tôi có vấn đề. Đến việc ngủ ít lại thôi mà còn không làm được thì mày làm được c*n c*c gì hả Mark?
Cứ thế, tôi tiếp tục hành hạ bản thân mình. Nhưng càng hành hạ bản thân, tôi càng nhận ra những kỳ vọng của tôi là phi thực tế như thế nào.
***
Có thể không ít lần bạn dùng ý chí như công cụ đắc lực trong nỗ lực cố gắng thay đổi hành vi của mình. Để rồi nhận ra bạn thất bại thảm hại như nào. Nhưng đừng vì thế mà nản lòng! Vì cuộc sống là như vậy.
Đối với nhiều người chúng ta, kỷ luật tự giác và ý chí không có gì khác nhau. Nếu thấy ai đó ngày nào cũng thức dậy lúc 5 giờ sáng đều như vắt chanh, 3 bữa chỉ uống sinh tố và dành ra 3 giờ đồng hồ tập thể dục trước khi đặt đít vào bàn làm việc, ta bĩu môi cho rằng việc quái gì phải khổ thế - nhìn cứ như thể là đang ngược đãi bản thân để trông có vẻ hạnh phúc ấy.
Nhưng liệu có phải như vậy không? Nếu bạn thực sự quen một người như thế, bạn sẽ nhận sự thật là: họ thực sự tận hưởng những thứ họ làm.
Giống như việc tự dằn vặt bản thân sau mỗi lần “ngựa quen đường cũ”, việc đánh đồng kỷ luật tự giác và ý chí chẳng đóng góp được gì vào việc giúp ta thay đổi thói quen. Không những thế, nó còn phản tác dụng. Thử hỏi một người ăn kiêng mà xem. Việc bạn chẳng chuẩn bị gì ngoài một “ý chí kiêm cường” trước khi bắt đầu làm một việc gì đó, thường chỉ làm cho vấn đề của bạn (cả thể chất và tinh thần) thêm trầm trọng.
Bạn cần nhận ra rằng ý chí cũng hoạt động y chang như một cơ bắp vậy. Nếu bị bạn “bón hành” quá nhiều, nó sẽ trở nên mệt mỏi và kiệt sức. Thường thì tuần đầu tiên ăn kiêng, bắt đầu chế độ luyện tập mới, hoặc bắt tay thực hiện một thói quen mới vào buổi sáng, mọi thứ diễn ra rất mượt. Nhưng đến tuần thứ hai hoặc thứ ba, đâu lại hoàn đấy cả.
Tương tự như thế, việc bạn ép bản thân nâng liền cục tạ 250 kg ngay trong lần đầu đến phòng gym hay ngay lập tức bật dậy lúc 4 giờ sáng (nhất là khi bạn thường ngủ đến 12 giờ trưa) nghe khôi hài không kém gì việc tôi cố gắng thực hành phương pháp Uberman cả. Để có thể thành công, ý chí phải được rèn luyện liên tục trong một thời gian dài.
Nhưng điều này lại đặt ra một câu hỏi hóc búa. Việc chúng ta đánh đồng kỷ luật tự giác với ý chí cũng giống như câu hỏi gà có trước hay trứng có trước: Để rèn luyện ý chí, ta cần có kỷ luật tự giác trong một thời gian dài. Nhưng để có kỷ luật tự giác, ta lại cần có ý chí mạnh mẽ.
Vậy rốt cuộc cái nào có trước cái nào? Tôi nên làm gì bây giờ? Tôi phải bắt đầu như thế nào cho đúng?
Rõ ràng trên thực tế, kỷ luật tự giác hầu như tách biệt hoàn toàn với ý chí của chúng ta.
Vì Sao Khó Có Thể Dùng Ý Chí Để Thay Đổi Thói Quen?
Về cơ bản, logic hay suy nghĩ không quyết định việc ta sẽ làm gì. Tất cả những gì chúng có thể làm là gây ảnh hưởng lên quyết định của chúng ta, nhưng suy cho cùng, cảm xúc mới là thứ quyết định hành vi.
Chúng ta có xu hướng làm những điều ta cho là "tốt" và tránh làm những gì ta cảm thấy "không tốt". Tuy nhiên không phải những gì ta cảm thấy "tốt" đều đúng. Thi thoảng ý chí sẽ trồi lên, từ chối những mong muốn và cảm xúc nhất thời và bắt chúng ta làm những điều “đúng”.
Từ trước đến giờ, trong nhiều trường hợp, đạo đức yêu cầu bạn phải từ bỏ bản thân. Để trở thành người tốt, bạn không chỉ phải từ chối thú vui cá nhân mà còn phải sẵn sàng tổn thương chính mình. Thế giới chúng ta không thiếu những nhà sư tự đánh và nhốt mình trong phòng nhiều ngày mà không ăn, thậm chí không nói chuyện trong nhiều năm liền. Ta cũng có không ít đạo quân lao mình vào lửa chiến mà chẳng mảy may thắc mắc về lý do ra trận. Cũng có người cả đời không quan hệ tình dục hoặc chỉ làm thế sau khi đã kết hôn. Tất cả đều không vui vẻ chút nào cả.
Chính phương pháp thực hành cổ điển này đã hình thành nên quan điểm rằng “ý chí = kỷ luật tự giác”. Phương pháp này hoạt động dựa trên niềm tin rằng ta có thể đạt được kỷ luật tự giác bằng cách phủ nhận cảm xúc của mình. Bạn muốn cái bánh taco đó sao? NHƯ THẾ Đ* ỔN ĐÂU! CHẮC CHẮN BẠN KHÔNG MUỐN ĂN THỨ KINH TỞM ĐÓ ĐÂU! BẠN TỆ VÃI CẢ CỨT! THỨ BẠN CẦN LÀM LÀ PHẢI NHỊN ĐÓI CHO ĐẾN CHẾT!
Phương pháp này đã hợp nhất hai khái niệm ý chí (khả năng từ chối ham muốn và cảm xúc của bản thân) và đạo đức. Bất kỳ ai không thể nói không với miếng bánh taco đó đều là thất bại của tạo hóa.
KHÁI NIỆM CỔ ĐIỂN VỀ KỶ LUẬT TỰ GIÁC
Kỷ luật tự giác = Ý chí = Phủ nhận bản thân = Người tốt
Thật ra việc coi ý chí và đạo đức là một cũng có lý của nó. Sự thật đã chỉ ra (một cách chính xác) rằng, khi được quyền theo đuổi ham muốn bản năng, khả năng cao tất cả chúng ta đều trở thành những kẻ ái kỷ khốn nạn. Nếu không bị điều gì kìm hãm, ta sẽ ăn, sẽ chịch hoặc sẽ giết bất kỳ ai hoặc bất kỳ thứ gì trong phạm vi mười mét. Thế nên trong suốt chiều dài lịch sử, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các triết gia và các vị vua vĩ đại hằng rao giảng rằng đạo đức đồng nghĩa với việc cảm xúc phải nhường chỗ cho sự hợp lý và bồng bột phải nhường chỗ cho ý chí.
Và ở một chừng mực nào đó, cách tiếp cận này có hiệu quả! Nó không chỉ tạo ra một xã hội ổn định, mà còn … làm xáo trộn cuộc sống của mỗi người chúng ta.
Nghịch lý của việc đánh đồng kỷ luật tự giác và đạo đức là: chúng ta bắt buộc phải cảm thấy "không ổn" về tất cả những điều ta cho là "ổn". Để có được kỷ luật tự giác, ta phải học cách tự xấu hổ - tự căm ghét bản thân vì dám sống là chính mình. Chỉ cần bị đẩy vào tình huống liên tục phải tự xấu hổ vì những khoái cảm của mình, sớm muộn gì chúng ta cũng trở nên khiếp sợ và ghê tởm bản thân (vì dám có những ước muốn như thế) và bắt đầu nghe theo lời người khác.
To be continued!
Nguồn: If Self-Discipline Feels Difficult, Then You’re Doing It Wrong - Mark Manson
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất