Ba năm sau ngày “Bản Ballad của Buster Scruggs” (2018) được khởi chiếu,  nhiều bài review tiếng Việt vẫn chưa nói được bất cứ điều gì quan trọng  về bộ phim này, ngoài việc nó là một tuyển tập 6 phim ngắn hấp dẫn và  tuyệt đẹp về miền Viễn Tây. Ở một góc độ nào đó, họ không sai: bộ phim  của anh em nhà Coen đã đưa chúng ta vào cuộc du hành của 6 nhân vật điển  hình cho các phim cao bồi – là tay thiện xạ, tên cướp, người kể truyện  rong, ông lão đào vàng, cô tiểu thư yếu đuối, và kẻ săn tiền thưởng –  giữa một thiên nhiên hùng vĩ ẩn chứa nhiều nanh vuốt. Nhưng bộ phim  không chỉ có vậy: 6 đoản khúc của nó không rời rạc, mà hợp thành một bản  trường ca chứa đựng một ý nghĩa chung. Bằng cách ném khán giả vào cảnh  sinh tử giữa thiên nhiên câm lặng và những con người tham lam, bộ phim  đã buộc họ phải chiêm nghiệm về ý nghĩa của cái chết, của cuộc đời – để  rồi tiết lộ ở đoạn cuối phim rằng mọi ý nghĩa như vậy chỉ là sản phẩm tự  huyễn.


Cái chết qua nhiều lăng kính
Sau vài phút search Google, tôi được biết “Bản Ballad của Buster  Scruggs” xuất phát từ vài mẩu truyện nhỏ mà anh em nhà Coen đã viết rải  rác suốt 25 năm. Họ không dựng chúng thành phim ngay vì một lý do lãng  xẹt: “chẳng ai bỏ tiền đầu tư cho phim ngắn”. Khi trả lời phỏng vấn Los  Angeles Times hồi năm 2018, Ethan Coen kể rằng phải đến lúc viết xong 3  mẩu truyện, họ mới nảy ra ý tưởng kết hợp chúng vào một bộ phim chung.  “Cái chết” được chọn làm ý tưởng chủ đạo để liên kết các mẩu truyện với  nhau, đơn giản vì chúng chẳng có điểm chung nào khác. Trên tinh thần  này, họ bổ sung thêm vài mẩu truyện còn thiếu, và viết mẩu truyện số 6  để phát biểu tổng thể ý nghĩa của bộ phim. Sự ra đời có phần tình cờ này  của “Bản Ballad” mang đến cho nó một ưu điểm về mặt nghệ thuật: nó rất  đa dạng về phong cách.

Sáu mẩu truyện trong phim mang đến cho khán giả sáu góc nhìn khác  nhau về cái chết, và đối cực của nó là đời sống. Nhưng những góc nhìn  này không đại diện cho sáu loại người khác nhau trong xã hội Mỹ: chúng  đại diện cho sau motif truyện khác nhau. Theo cảm nhận của tôi, mẩu  truyện đầu tiên gợi nhớ không khí trong các anh hùng ca của Homer: chàng  hát rong (!) thiện xạ Buster Scruggs bị hạ bởi một tay súng còn phi  thường hơn mình, để rồi tan thành cát bụi và nhường huyền thoại cho đối  phương. Mẩu truyện thứ hai gợi nhớ phiên tòa trong tiểu thuyết Người Xa  Lạ của Albert Camus: tên cướp ngân hàng thoát khỏi rồi quay lại giá treo  cổ chỉ vì vài sự tình cờ, trước khi y bị phán xử bởi một tòa án tưởng  tượng sai cả dặm về những gì đã thật sự diễn ra, và vào thời khắc bị tử  hình, lựa chọn hợp lý duy nhất của y là chấp nhận sự phi lý của đời  sống. Mẩu chuyện thứ ba sử dụng một motif tương tự  Chim Sơn Ca Và Hoa  Hồng của Oscar Wilde: một nghệ sĩ khuyết tật say mê “hót” về những vẻ  đẹp của đời sống mà mình không hề được tham dự, cho đến khi cậu bị vứt  bỏ vì trở thành vô dụng giữa thời buổi mà sự nông cạn, kệch cỡm lên  ngôi. Mẩu truyện thứ tư, trong thực tế, được chuyển thể từ truyện ngắn  Hẻm Núi Đầy Vàng của Jack London: ông lão đào vàng tìm kho báu giữa  thiên nhiên hùng vĩ và sự nhòm ngó của tên cướp hiểm độc, để rồi chứng  minh rằng chỉ kẻ lắng nghe và tôn trọng vạn vật xung quanh mới có quyền  sống tiếp. Mẩu truyện thứ năm, một mẩu truyện sẽ không còn hay nếu tôi  hé lộ tình tiết, thực ra cũng được chuyển thể từ truyện ngắn Cô Gái  Hoảng Sợ của Stewart Edward White. Và không khó để nhận ra mẩu truyện  thứ sáu in đậm dấu ấn của bậc thầy kinh dị kiêm cha đẻ trinh thám Edgar  Allan Poe: nó dùng phong cách kể truyện của Poe, khung cảnh đen tối mê  hoặc trong các các phẩm của Poe, trong khi nhân vật chính, tay “thần  chết” người Anh, thì mang diện mạo giống Poe như đúc.
Như một ổ đạn tròn sáu viên, “Bản Ballad của Buster Scruggs” lần lượt  găm sáu góc nhìn về cái chết vào trong lòng khán giả. Nó buộc họ phải  lần lượt chiêm nghiệm về cái chết định sẵn của kẻ anh hùng giang hồ, cái  chết phi lý của kiếp nhân sinh, cái chết của vẻ đẹp lý tưởng khi rơi  vào hiện thực, cái chết của cá thể ích kỷ trong thiên nhiên không ngừng  sống… Để rồi sau năm mẩu truyện đầu tiên, khán giả tự rút ra ý nghĩa cho  đời sống hữu hạn của mình.
Cho đến khi mẩu truyện thứ sáu bước lên, và nói với họ rằng những ý nghĩa kia chỉ là tự huyễn.


Nỗi sợ chết sinh ra ý nghĩa của cuộc sống?
 Sau khi thưởng thức năm mẩu truyện đầu tiên, tôi không khỏi thấy gờn  gợn. Nếu mỗi mẩu truyện đến từ một thế giới quan khác nhau, và gán cho  cuộc sống một ý nghĩa khác nhau, thì đâu có điểm nào chung giữa chúng?  Mẩu truyện thứ sáu – “Còn lại sự hữu tử” – đã mang đến một lời giải thỏa  đáng cho câu hỏi này.
Truyện bắt đầu trên một cỗ xe ngựa lao vun vút trong ánh hoàng hôn,  nơi ba hành khách đang tranh cãi inh ỏi về tình yêu và cuộc sống. Trong  khi lão thợ săn nói rằng mọi con người đều giống những con vật mà lão  thường đánh bẫy ở các nhu cầu cơ bản, bà vợ của một linh mục nói rằng  hai loại người – là người trong sạch và kẻ tội lỗi – hẳn phải yêu theo  hai cách khác nhau. Đáp lại, tay cờ bạc người Pháp cười ha hả, và nói  rằng đời có muôn loại người, mỗi người định nghĩa tình yêu một kiểu, và  biết đâu ông chồng linh mục đã phản bội bà trong ba năm sống xa nhau…  Câu nói này khiến bà vợ linh mục uất lên đến suýt nghẹn thở, cho đến khi  hành khách người Ireland trấn an bà, và làm im bặt những người trong  xe, bằng cách ca một bài ca buồn về cái chết.
Rồi trên sự im lặng mà bài ca để lại, tay người Anh trông giống Poe  giới thiệu anh bạn Ireland của mình, đồng thời hé lộ một sự thật dễ sợ.  Thì ra họ là hai thợ săn tiền thưởng có biệt danh “tử thần”, đang vận  chuyển một xác chết chất trên nóc xe đến nơi trao thưởng. Mỗi lần phải  săn một kẻ “tội lỗi”, “tử thần” người Anh sẽ kể một câu truyện, nói một  cuộc tán gẫu, hát một đoản khúc, thắp một tia sáng nhỏ, để đánh lạc  hướng con mồi tội nghiệp, trong lúc “tử thần” người Ireland chuẩn bị hạ  thủ y. Và người Anh nói thêm: ông ta thích ngắm nhìn cái chết của con  mồi, đặc biệt là những biểu cảm hiện lên trong đôi mắt y, khi y “mặc cả”  về hành trình đến cõi chết, và khi y gắng gượng hiểu nó.

Cặp đôi bí ẩn này chỉ là hai kẻ săn tiền thưởng thích đùa, hay là hai  “tử thần” đang áp giải ba linh hồn tội lỗi? Cuộc tranh luận trên xe chỉ  diễn ra một cách tình cờ, hay là nỗ lực của ba người đã khuất để hiểu ý  nghĩa của cuộc sống mà họ vừa trải qua? “Tử thần” im lặng, và bộ phim  im lặng không đáp, cũng như cái chết đang im lặng chờ đợi chúng ta cuối  chuyến xe đời người.
Có thể cuộc sống chẳng có ý nghĩa định trước nào, vì cái chết không  có quy luật và không chừa người tốt kẻ xấu. Có thể mỗi chúng ta tự đặt  ra ý nghĩa cho cuộc sống của mình, để tự an ủi mình trước sự im lặng của  cái chết và của vũ trụ bất định mênh mông. Có thể mỗi nghệ sĩ là một  “tử thần” ranh mãnh, chuyên dụ khán giả vào miền chưa biết để buộc họ  rộn lên những cảm xúc, nảy ra những tầng nghĩa, và trả tiền mua sách,  mua vé xem phim… cho mình. Hoặc có thể không, ai biết.
♞ TRAILER: https://youtu.be/_2PyxzSH1HM

♞ P/S: Tôi đang cần tìm một công việc liên quan đến review phim, bạn nào biết xin giới thiệu giùm. Chin cảm ơn :< !