Chúng ta vẫn hay nói về tầm quan trọng của việc lập kế hoạch, rằng muốn thành công thì phải lập kế hoạch và bám sát nó. Thế nhưng thực tế cuộc sống không phải lúc nào cũng cho phép chúng ta theo sát kế hoạch đã lập ra.
Sẽ có những sự cố, những tình huống ngoài trù liệu, khiến chúng ta chệch ra khỏi hành trình đã dự tính. Khi thời thế thay đổi, tình hình khác đi, việc bám sát vào kế hoạch ban đầu là rất thiếu thực tế.
Vậy thì, thay vì lập kế hoạch và bám sát nó, có một triết lý mới đáng để chúng ta cân nhắc hơn, đang được áp dụng bởi rất nhiều công ty phát triển phần mềm, những nhà quản trị dự án và cả những start-up. Đó là triết lý agile.

Agile là gì?

Agile (linh hoạt) là một khái niệm bắt nguồn từ lĩnh vực công nghệ phần mềm. Nó không phải là cách thức hay quy trình làm việc cụ thể, mà nó có thể xem như một triết lý, một hệ thống các giá trị và nguyên tắc mà những người phát triển phần mềm nên áp dụng.
Nội dung của nó chủ yếu nằm trong bản Tuyên ngôn Agile (Agile Manifesto), được viết ra bởi 17 nhà phát triển phần mềm ở Mỹ vào năm 2001. Trong đó, có một ý quan trọng:
Ưu tiên việc thích nghi với các thay đổi hơn là làm theo kế hoạch đã định (responding to change over following a plan).
Triết lý agile khuyến khích sự thay đổi, ngay cả trong giai đoạn muộn của dự án. 
Sự tương tác đều đặn, nhanh chóng và liên tục giữa khách hàng và người phát triển phần mềm giúp cho việc giải quyết những vấn đề mới, thích nghi với tình huống mới được diễn ra nhanh chóng.
Sự cải tiến quy trình, điều chỉnh phương pháp được diễn ra song song với quá trình làm việc. Chính nhờ đó mà người ta tiết kiệm được nhiều thời gian, và công việc luôn trong trạng thái đồng bộ.
Quan niệm làm cơ sở cho agile chính là: ưu tiên sự thích nghi (adaptive) thay vì bám sát vào những gì đã tiên đoán (predictive). Đó là một quan niệm rất thiết thực, có thể áp dụng không chỉ trong lĩnh vực công nghệ phần mềm mà cả trong quản lý dự án và khởi nghiệp nữa.

Triết lý agile trong khởi nghiệp và kinh doanh

Eric Ries đã cổ vũ mạnh mẽ cho quan niệm này trong cuốn Khởi nghiệp tinh gọn, xuất bản năm 2011. Trong cuốn sách này, ông cho rằng sai lầm của các công ty khởi nghiệp theo kiểu truyền thống nằm ở chỗ:
Họ cố vẽ ra một bản kế hoạch kinh doanh dài hạn, hoàn chỉnh rồi tiến hành thực thi và giám sát quá trình thực thi đó. Nhưng nhiều trường hợp thực tế đã cho thấy, kết quả cho ra không như những gì được kỳ vọng ban đầu.
Theo Eric Ries, khởi nghiệp giống như chạy một chiếc xe jeep trên địa hình xa lạ và không bằng phẳng. Ở đó, các startup phải nhanh nhẹn và linh hoạt ứng phó với những tình huống mới, ngoài trù liệu, thông qua vòng lặp phản hồi (the feedback loop).
Điều này cũng đúng với cả những entrepreneur, chẳng hạn như những YouTuber.
Khi bạn mới xây dựng một YouTube channel, bạn sẽ nghĩ rằng làm nội dung kiểu này thì sẽ hấp dẫn người xem, nhưng hóa ra số lượt view bạn nhận về lại rất thấp.
Thế thì bạn phải ngồi phân tích vì sao nó lại thấp, bạn thử tìm kiếm những hướng làm nội dung mới, thay đổi cách thức thực hiện, cho đến khi thấy được dấu hiệu khả quan.
Bằng việc liên tục quan sát, phân tích rồi cải tiến nội dung, bạn mới có thể từ 0 subscriber lên được nút vàng. Đó là một hành trình của các vòng lặp phản hồi liên tục.
Nói tóm lại, tôi nghĩ rằng mỗi người chúng ta ngày nay, nếu muốn thành công vẫn cần lập kế hoạch. Nhưng đó không nên là một bản kế hoạch cứng nhắc bất biến, buộc phải theo sát liên tục.
Quan trọng hơn cả việc làm theo kế hoạch là phải để cho sự nghiệp của mình sống được và tăng trưởng được. Cả hai điều đó đều cần đến sự thích nghi với những tình huống mới.
Huyền Vũ
by Dmitrii Vaccinium