Bãi đất đầu làng, vốn là một khu lán trại của công nhân xây dựng đập thủy lợi ở trước đó từ rất lâu rồi. Nền móng nhà trơ trọi, bức tường đổ thấp lè tè, dây đồng dây sắt ngổn ngang,… Người lớn chẳng ai ngó ngàng tới bãi đất xấu xí đó.
***
Địa phương khuyến khích nuôi trâu bò. Một chiến lược nông nghiệp nào đó mà lũ mục đồng chúng tôi không hiểu kỹ lắm được phát động rộng rãi, liên quan tới tăng số lượng đàn trâu bò ở xã. Xóm tôi có sáu đứa trạc tuổi nhau. Nhà có bò, nhà có trâu, chúng tôi nhanh chóng trở thành trẻ mục đồng trong niềm hân hoan tột độ. Bố mẹ giao chăn trâu buổi chiều nhưng có khi chúng tôi còn hẹn nhau cắp cái nón mê của mẹ, trốn ngủ trưa, lẻn ra chuồng, tháo gióng, dắt mũi trâu đi chăn. Lúc đầu chúng tôi chỉ chăn ven đường trong xóm nhưng cỏ cứ cạn dần. Lại thêm mấy lần chơi đá bóng, sút trái bưởi vào chân mấy anh thanh niên trong làng đi hái thuốc, mấy anh trợn mắt nhìn làm chúng tôi sợ chạy, quên cả bưởi. Cuối cùng, sau mấy ngày hội họp, chúng tôi quyết định “tu bổ” cái bãi đất hoang đầu làng kia thành sân chơi bóng, thành bãi thả trâu.
Đó là một quyết định táo bạo. Chúng tôi phải cặm cụi gom nhặt những phế liệu ở bãi đất lại để chúng không gây nguy hiểm gì cho trâu và người. Các cô chú đồng nát thôn lân cận cũng quen mặt chúng tôi vì hầu như cách vài ngày ghé làng là lại chở xe nặng đồ đồng nát chúng tôi bán. Bãi đất dần sạch sẽ, thênh thang, an toàn. Bầy cỏ lá gừng hăm hở ngoi lên phủ xanh nơi tưởng chừng cọc cằn, khó tính. Hoa xuyến chi cũng tưng bừng nở. Cỏ mần trầu cao nghều nghều góp mầu xanh rì cho bãi thả.
Trái bóng vàng lăn trên bãi thả là trái bưởi chúng tôi nhặt ở vườn của ông nội. Những quả bưởi bị ong chích một cái lỗ thâm sì ở vỏ, mã hơi xấu nhưng lại là quả bóng tốt cho mục đồng quê nghèo. Nam “kều” sút trái bưởi thẳng căng thì đường bóng cũng không đi quá nửa bãi thả. Nếu bãi thả tràn trề cỏ xanh này là một bầu trời xanh bao la thì khi chúng tôi chạy lăng xăng đá trái bưởi trên bãi, cũng chỉ là sáu vì sao nhỏ nhoi mà thôi. Mấy anh thanh niên hái thuốc rừng ngang qua bãi thả, dừng chân vệ đường nhìn chúng tôi. Bất giác, cả lũ mục đồng béo nhau, giật mình thon thót sợ các anh nhớ ra ít bữa trước bị đá bưởi vào người. Nhưng không, các anh nhìn chúng tôi tò mò, ngưỡng mộ, âu yếm. Sau đó, đội bóng bưởi thi thoảng lại đông vui hơn khi các anh đi hái thuốc về bãi thả sớm.
Chiều mát, chúng tôi trồng đủ mọi loại cây chúng tôi cho là đẹp vào khoảnh đất đó. Bố mẹ tôi luôn bảo có ai đi trồng mấy cái cỏ vớ vẩn ấy bao giờ. Bố mẹ cái Duyên, thằng Đạt,… cũng nói y chang vậy. Nhưng chúng tôi vẫn kiên định niềm yêu thích của mình với cây: rau sam, rau má, hoa dừa cạn, tóc tiên, nhọ nồi, thài lài,… Những loài cây hoang dại mọc tầm bơ tầm bất ngoài vệ đường giờ được những bàn tay nhỏ vun xới, nâng niu. Trồng cây đâu nhất thiết phải thu hoa thơm, quả ngọt. Một mầm cây nhỏ có thể nuôi dưỡng được nhiều tâm hồn, bội thu những niềm vui tuổi thơ.
***
Lớp mục đồng chúng tôi lớn lên, rời lưng bò, lưng trâu ra phố học hành, lập nghiệp. Dấu chân bặm sâu ngày nào khi kéo trâu, đá bóng trên bãi thả giờ đã phủ đầy mưa nắng thời gian. Chiều nay thấy đơn côi chú trâu bị cột ở gốc cây đầu làng, chú giật mình khi nhìn chiếc máy cày chạy qua.