Năm lên 6, cha mẹ tôi cãi nhau. Mẹ bỏ đi mang theo tôi đến nhà một người đàn ông lạ, không lâu sau đó xảt ra một vụ ẩu đả. Tôi – Một đứa bé lúc bấy giờ chưa nhận thức được điều gì cả.
Năm lên 11, khi đã nhận thức rõ hơn, tôi đang ở cùng ông bà, nhìn bạn bè mình hạnh phúc bên gia đình, cha mẹ họ, tôi ghen tị và thầm oán trách cuộc đời.
Năm 15 tuổi, khi đã lớn hơn chút. Tâm sinh lý dần phát triển, lần đầu tôi có cảm giác với một bạn khác giới. Chúng tôi cứ thế có tình cảm, rồi một ngày người bạn ấy rời xa tôi. Tôi khóc.
Năm lên 18, tôi lựa chọn nghỉ học để theo đuổi đam mê, sau đó lại rơi vào “cái bẫy” cuộc đời, nó đã lấy đi một khoảng thời gian thanh xuân. Tôi hối hận và cho rằng cuộc đời thật bất công.
...
         Mỗi chúng ta trong quá trình trưởng thành, ai rồi cũng đều trải qua những khoảnh khắc đau đớn, nuối tiếc và tuyệt vọng. Lúc ấy ta chưa đủ nhận thức để nhìn nhận thế sự ra sao mà chỉ biết oán trách, đổ lỗi cho hoàn cảnh, đóng vai một nạn nhân thụ động, yếu đuối và trách nhằn cuộc sống thật khó khăn. Để rồi đến một lúc, khi nỗi sợ, sự giận dữ, lòng tham nổi lên oán trọn tâm trí, ta mưu cầu một hạnh phúc với suy nghĩ rằng phải có được tất cả. Từ ngoại hình, tài trí, địa vị, công danh... Tất cả đều phải hơn người thì cuộc đời mới được an yên và hạnh phúc. Nhưng lại đâu biết được rằng tâm hồn lúc bấy giờ đã bị héo úa từ lúc nào. Nó giống như là bông hoa nhựa, nhìn bên ngoài thì đẹp mã, nhưng bên trong lại chẳng tồn tại sự sống. Bởi vì tâm hồn đã bị đánh gục bởi những thứ phù phiếm ở bên ngoài – Nỗi sợ, sự giận dữ và lòng tham.  Muốn có được hạnh phúc thật sự, không phải là khi có được tất cả mà hạnh phúc có được chính là khi ta buông được tất cả.
       Đối với tôi mà nói, không có một định nghĩa cụ thể nào cho hai từ “buông bỏ”. Suy cho cùng, nó cũng chỉ là cái tên mà con người đặt cho. Chúng ta định nghĩa thế nào thì nó sẽ là thế đấy. Với một số người, buông bỏ là bỏ đi một điều gì đó, là quyết định dừng lại hay quên đi những người, những chuyện làm ta đau lòng, khiến ta tổn thương và mất mát. Điều đó không sai, nhưng khi nhìn từ góc độ khách quan hơn, buông bỏ chính là khi ta quay trở về với bản ngã nguyên thủy. Khi trong tiềm thức còn chưa bị ảnh hưởng bởi bất cứ chuyện gì khiến ta cảm thấy nặng lòng. Ta vô tư, vô lo, vô nghĩ và cảm thấy vô cùng thanh thản. Thế há lại chẳng phải là quay về làm một đứa trẻ sơ sinh hay sao? Làm gì có chuyện vừa phải đối mặt với sóng gió cuộc đời mang tới trong khi vẫn vô ưu, vô lo như vậy được?
        Cái vô ưu, vô lo ở đây là cách mà ta lựa chọn để đối mặt với những vấn đề tưởng chừng khó khăn, to tát mà không thể nào tha thứ, buông xuôi được. Chứ không phải là vô ưu, vô lo để mà rũ bỏ trách nhiệm. Có nhiều người khi nghe đến buông bỏ lại cho rằng ừ thì cuộc sống mà, cứ buông thả đi, cần gì phải nghĩ nhiều cho lo lắng, mệt mỏi, cứ điềm nhiên mà sống như vậy mới đích thực là buông bỏ. Vậy thế còn gia đình, cha mẹ, con cái, người thân bạn để cho ai lo? Không lẽ lại bám vào cái định nghĩa buông bỏ dở người kia để nói chuyện? Làm sao vô trách nhiệm với bản thân mà lại muốn tìm được sự thanh thản bên trong mình được. Chúng ta phải biết quản lý để đảm bảo cuộc sống ổn định, không để sự ganh ghét, tham lam, nóng giận chi phối. Buông bỏ là khi ta sống, vẫn lo chuyện mưu sinh nhưng không quá đặt nặng chuyện tranh đấu hơn thua mà phải biết khi nào là đủ. Cái đủ ở đây là khi ta nhận ra những bất lợi ngoại cảnh không gây áp lực tiêu cực đến đời sống của chúng ta. Buông bỏ không phải là từ bỏ công việc bên ngoài thân, mà là buông bỏ tất cả suy nghĩ vướng bận về những thứ làm cho chúng ta phiền não, trĩu nặng.
        Tuổi thọ của đời người chỉ kéo dài trong một hơi thở. Ta trút một hơi thở dài, thấy lòng dạ nhẹ nhõm, bình yên, đó chính là thanh thản. Nhưng để được thanh thản, trước đó ta cũng phải hít một hơi thật sâu. Thử tưởng tượng cuộc sống đã ngắn ngủi như thế, mà thường xuyên phải hít vào những thứ độc hại làm cho tinh thần và tâm trí bất an. Vậy thì giây phút nào ta mới được sống hạnh phúc đây?
       Theo tập quán của người Á Đông, từ thời các cụ cho đến bậc cháu chắt bây giờ, phải đợi đến khi nhắm mắt xuôi tay mới hết chuyện để lo toan. Ông bà lo cho cha mẹ, đến khi họ lớn, lập gia đình, có con cái và cháu chắt. Những con người ấy vẫn luôn tận tụy, lo toan đủ điều. Và cứ thế diễn ra như một vòng lặp. Người lớn hơn lo cho kẻ nhỏ hơn. Đối mặt với vấn đề sinh tồn, tìm lại được sự thanh thản quả là điều không dễ dàng gì. Vậy nên không học cách buông bỏ thì làm sao thấy được sự an yên. Không buông xuống thì làm gì có chuyện được sống thanh thản?
      Mọi sự việc diễn ra trên đời này đều có lí do, đến rồi đi và để lại cho ta bài học. Ta không thể cứ cố gắng gượng ép hay thay đổi điều gì đó để khiến trái tim không bị tổn thương được. Giống như khi đi qua một tấm gương, hình ảnh phản chiếu ta hiện lên đó. Lúc đi qua rồi thì hình ảnh ấy cũng biến mất. Cho nên mọi sự trên đời không gì là bất biến. Điều ta muốn quên, đừng cố tạo áp lực phải quên. Khi ta cứ cố gắng ép bản thân phải quên đi thì lại càng đau khổ hơn bởi cái nhớ. Thậm chí, nỗi nhớ còn chi tiết, sâu sắc hơn lúc đầu. Hãy cho bản thân thời gian được nghỉ ngơi. Khi tâm hồn được chữa lành cũng chính là lúc chúng ta buông bỏ được.
     Tôi từng được nghe câu nói rất hay từ một vị thiền sư. Chỉ vỏn vẹn mười hai chữ thôi nhưng đã dựng lên cả “thiên đường” phiền não: Buông không đành – Nghĩ không thông – Nhìn không thấu – Quên không được. Chính những cái “không” ấy là lí do khiến chúng ta dù muốn buông bỏ cũng khó mà thực thi.
     Nhiều người trên thế gian bi lụy đến nỗi đau khổ vì tình yêu, không quên được chuyện quá khứ, ôm vọng tưởng về một tương lai để rồi bỏ lỡ hiện tại. Trước khi làm khổ mình, khổ người như thế thì hãy nhớ đến điều này: 
“Người nên đến sẽ đến, người nên đi thì không có cách nào giữ được.
  Đừng ép người, đừng ép mình, đừng bận tâm đau lòng bởi một chuyện.
  Buông bỏ chấp trước vạn sự tùy duyên.”
      Muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa, chúng ta cần rèn luyện trái tim thật khỏe, có một khối óc thật thoáng và tâm hồn nhẹ nhàng để có cách hành xử mang lại bình yên cho mình, cho những người mà ta tiếp xúc.
      Buông bỏ chính là nghệ thuật sống. Đòi hỏi ở ta nhiều nghị lực và quyết tâm rèn luyện. Nhưng một khi đã buông bỏ được rồi, ta sẽ cảm thấy cuộc đời thanh thản và hạnh phúc hơn rất nhiều. Đời người sống được bao nhiêu hà cớ gì phải buộc mình, làm khổ bản thân bởi những tư tưởng nặng nề đeo mang?
      Vậy nên, tôi chọn cách sống buông bỏ, để có được ngày mai tốt đẹp hơn!