Bóng đá đang ngày càng chán, câu nói này chắc mọi người rất quen khi lướt mạng xã hội suốt mùa Euro này. Thì đúng thật, với mình, bóng đá càng ngày càng chán.
Mình không nói đùa đâu, bóng đá càng ngày càng chán rồi. Nhiều năm đọc, viết, nghiên cứu về bóng đá, thì tới thời điểm hiện tại, mình chọn xem bóng đá với con mắt ngây thơ nhất, nhưng cũng là lúc mình ngáp ngày càng nhiều khi xem bóng.
Chắc mình buồn vì Trent không được ra sân nữa...
Chắc mình buồn vì Trent không được ra sân nữa...
Tình cờ, bài phỏng vấn cực dài về 2 chủ nghĩa của bóng đá “Between Absolutism and Relativism” trên Spielverlagerung (nếu bạn có ý định hiểu sâu thêm về bóng đá thì đây là một trang hay dành cho bạn) ập vào người mình. Mình đỡ không nổi nên lại đành đọc và ngẫm về nó. Nôm na bài phỏng vấn này so sánh về phong cách chơi bóng “giống” với Pep Guardiola đang xây dựng và một phong cách tự do hơn (phong cách thường được thấy ở các đội bóng Nam Mỹ). Bài phỏng vấn này quá dài nên tóm gọn lại, với mình, Pep Guardiola phá hỏng thứ bóng đá mà mình muốn xem!!!
Mình cũng từng bắt chước các nhà phân tích mạng khác, phân tích về các đội hình, các hệ thống chiến thuật, các vị trí của cầu thủ trên sân mà quên mất, bóng đá (và chiến thuật) không hề diễn ra trong một thế giới giả lập, bóng đá được chơi bởi con người và con người thì rất phức tạp, phi lý (mình dùng từ mà mấy bác hay dùng), thế giới quan của họ được hình thành từ mối quan hệ thường xuyên với thế giới bên ngoài.
Cầu thủ được coi như các “thực thể thể thao” (mình không biết dùng từ thế nào mới sát nghĩa) với hiệu suất và khả năng thể chất nhất định, và chiến thuật sinh ra để giải mã và khai thác con người, chứ không phải dùng con người để phục vụ một chiến thuật nhất định, đối với mình là như vậy.
Chính trong cuộc phỏng vấn đó, các chuyên gia thấy được ngành chiến thuật bóng đá có truyền thống tránh xa việc nghiêm túc đối mặt với ý thức của con người và những hoạt động sâu hơn của tâm lý. Đơn giản với mình, việc khai thác tâm lý cầu thủ nên xuất phát từ câu trả lời cho câu hỏi “Một cầu thủ sẽ thấy mệt hơn sau 3 trận thua hay 3 trận thắng?”.
Hơi rời xa vấn đề mình bức xúc rồi, bóng đá ngày càng chán, bạn có đồng ý không. Nếu bạn đồng ý, thì bạn có trả lời được tại sao nó lại chán không?
Một đội tuyển Pháp vượt qua vòng bảng với chỉ 1 bàn thắng tự ghi, các ông lớn tại Euro đều chưa làm hài lòng người hâm mộ từ lối chơi của mình. Dù vậy với mình, họ chơi bóng rất hay. Các phương án tiếp cận trận đấu đều hợp lý, các quyết định của từng cá nhân cầu thủ đều có chủ đích, khoảng cách trình độ của các quốc gia được giảm nhiều nhờ tuân thủ chiến thuật,... Nhưng nó chán bạn nhỉ. 
Điều duy nhất làm mình vui ở kì Euro này chắc là màn trình diễn của 2 sao trẻ Tây Ban Nha, đặc biệt là của Yamal, một Wonderkid như bước ra từ game Football Manager. Lamine Yamal là một cầu thủ tiềm năng, cậu ấy sẽ còn làm được nhiều điều, nhưng tưởng tượng, sẽ thế nào nếu cậu rơi vào tay một hệ thống chiến thuật khắt khe, buộc cậu phải chơi thiếu tự do, rồi cậu sẽ dần biến thành Phil Foden mất… Mình đùa đấy, Southgate xứng đáng được tôn trọng nhiều hơn (cái này cũng là một chủ đề mà mình muốn phân tích). Dù gì, mong Yamal sẽ được “chơi bóng” chứ không chỉ “đá bóng”, và nếu tuyển Tây Ban Nha có không vô địch thì cậu cũng đã có một màn trình diễn trong mơ.
messi messi messi gol gol gol!!!
messi messi messi gol gol gol!!!
Cái mình muốn nói ở đây là, hình ảnh “chiến thuật” bóng đá đang to lớn quá trong một trận đấu, đừng gán cho bất cứ cầu thủ nào một cái vị trí cố định trên sân, mà hãy chỉ nghĩ tới vai trò của họ với đội bóng của mình và với trận đấu đó. Bóng đá đang ngày càng chán, có vẻ là vậy, cả hai đội đều “không muốn bị ghi bàn” chứ không phải “ghi càng nhiều bàn càng tốt”, điều này có nhiều lý do, nhưng chắc người xem chúng ta phải quen dần với tình trạng này, hoặc chúng ta phải chuyển qua xem Copa America hay giải VĐQG Brazil thì ta mới thấy rõ, bóng đá xuất phát từ con người, chứ cứ cái đà này, thì con người đang bị bóng đá chi phối mất rồi.
Link bài viết mà mình đề cập: https://spielverlagerung.com/2024/01/10/protagonists-of-the-game-between-absolutism-and-relativism/