BỐ MẸ CŨNG LÀ LẦN ĐẦU LÀM BỐ MẸ
Mình có một tuổi thơ khá là…ừm…”hoang dã”.
Hồi nhỏ, nhà mình nghèo, bố mẹ bận rộn đủ thứ việc để kiếm tiền, còn mình vì hay ốm vặt nên gần như chẳng phải làm việc nặng, chỉ cần đến bữa thì nấu cơm và lo học hành cho tốt. Nhưng từ bé mình đã rất nghịch ngợm, ham chơi. Nếu bị nhốt trong nhà, mình sẽ chui qua song cửa sổ để trốn ra ngoài rồi chạy tót lên tận xóm trên xóm dưới để chơi bời cùng bạn bè. Gần như trò gì mình cũng từng chơi qua. Đánh trận giả, chơi bi, bắt cá, lang thang ở bờ sông hay trên cánh đồng, đi xem máy cày, xem tát ao, bắt chuồn chuồn về nuôi, trèo cây, hái trộm (quả) trứng gà nhà hàng xóm, bắt kiến cho nó uống rượu rồi đánh nhau, đá bóng, nhảy dây, trốn tìm, ô ăn quan, chơi búp bê, bán hàng,… Nhà mình ở quê, giữa nhà này với nhà kia gần như chỉ ngăn cách nhau bằng một bờ giậu. Mình thích nhất là chui qua lỗ hổng ở những hàng rào cây mỏng manh ấy, chạy xuyên từ vườn nhà mình qua vườn hàng xóm, để… khám phá thiên nhiên, phiêu lưu thám hiểm y như trong những cuốn sách mà mình từng đọc. Hồi đó “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” hay “Đảo giấu vàng” chẳng khác gì sách gối đầu giường của mình.
Vì nghịch ngợm mải chơi nên nhiều lần về muộn quên nấu cơm, bị bố ăn roi là chuyện hết sức bình thường. Lúc bé đâu có biết gì nhiều, giận dỗi bố mẹ là đòi sống đòi chết, đòi bỏ nhà ra đi, gào thét la hét ăn vạ dỗi hờn nhịn ăn đủ kiểu. Lớn lên mới hiểu đi làm vất vả cả buổi, về nhà chỉ mong có cơm ăn để chiều còn tiếp tục, nhưng chỉ vì đứa con mải chơi đầu óc lơ lửng trên mây mà phải bị đói, vừa tức vừa mệt, bảo sao không vụt cho nó một phát. Nhưng rồi mình cũng học khôn, đi chơi về muộn mình sẽ mượn bạn một cuốn sách hay truyện về len lén để đâu đó cho bố thấy (tại bố mình thích đọc sách) để bố mình ngồi nghỉ ngơi đọc sách trong lúc mình vội vã vo gạo cắm cơm. Nói thì nói vậy nhưng suốt cả tuổi thơ dữ dội của mình, số lần mình bị bố đánh chắc chỉ tính trên đầu ngón tay, cũng chỉ là một hai roi, đau một lúc là hết. Nhưng vì là trẻ con nên mỗi tổn thương dù là nhỏ cũng được phóng đại thành hết sức to lớn, thành nỗi oan ức không lời giải. Vì là trẻ con chỉ có thể dựa dẫm vào bố mẹ nên mỗi hành động, lời nói của bố mẹ đều có thể in dấu ấn sâu đậm trong tâm trí non nớt ấy, dễ dàng trở thành lực tác động mạnh mẽ đến tính cách và nhận thức của đứa trẻ sau này.
Mẹ rất hiếm khi đánh mình, nhưng lại thường xuyên chửi mắng bằng những lời lẽ hết sức khó nghe. Những buổi trưa bị mẹ bắt đi ngủ, mình len lén trốn ra sau nhà tự chơi một mình. Lần duy nhất mẹ tát mình cũng là vào một buổi trưa mình vừa tự chơi vừa nói chuyện một mình ầm ĩ khiến mẹ không ngủ được. Mình nhớ mình đã rất ghét mẹ bởi vì “bị tát vào mặt” giống như bị đánh vào “thể diện”. Mình không rõ thể diện của một đứa trẻ thì to tát đến mức nào hay liệu lúc đó mình đã thực sự hiểu cái gì gọi là thể diện hay chưa, thế nhưng, tổn thương nó mang lại là thật. Vì vậy mà mình đã ghét mẹ suốt một thời gian.
Cũng chính do bố mẹ quá bận rộn không có thời gian quan tâm, áp lực từ việc bố mẹ hay cãi cọ và mẹ quá thường xuyên cằn nhằn mắng mỏ mà một chuyện xấu đã xảy ra với mình, để lại một vết thương khó có thể xóa nhòa. Lúc đó mình lựa chọn không kể với bố mẹ, sau này cũng không, vì nó đã là một chuyện chẳng thể nào thay đổi.
Vậy là, thời thơ ấu mình đã chịu nhiều tổn thương từ môi trường gia đình. Rất nhiều lần bố mẹ khiến mình tổn thương, nhưng đồng thời cũng có không ít lựa chọn sai lầm của mình khiến bố mẹ thất vọng và khổ sở. Mối quan hệ giữa những người cùng chung sống với nhau là vậy, bởi mỗi người một tính cách, một suy nghĩ nên dễ dàng xảy ra mâu thuẫn, xung đột. Không phải cứ yêu thương nhau thì tự khắc sẽ hòa thuận, mà mối quan hệ nào cũng cần trải qua hiểu lầm, giải tỏa, mọi thứ tốt đẹp hay không phụ thuộc vào việc mâu thuẫn có giải quyết thuận lợi hay không.
Đến bây giờ, mối quan hệ của mình với bố mẹ đã ổn định và hài hòa trở lại. Không hẳn là vì bố mẹ đã thay đổi trở thành hình mẫu mà mình mong muốn hay ngược lại, mà là dần dần mình hiểu được rằng, bố mẹ cũng là lần đầu làm bố mẹ. Là một người trưởng thành, mỗi ngày đi làm phải đối mặt với vô số áp lực và căng thẳng, một mình sống vốn đã khó khăn, để cân bằng giữa gia đình và xã hội lại càng tốn công mất sức gấp bội. Bố mẹ sinh ra mình giữa lúc họ cũng đang bộn bề cuộc sống, phải vừa học cách chung sống với nhau, vừa chăm lo cho một đứa trẻ là mình. Trẻ con vốn là một sinh vật vừa phiền phức vừa vô dụng, nếu không có tình yêu thương và sự chăm sóc của bố mẹ, đứa trẻ sẽ không thể sống sót. Bố mẹ mình khi ấy cũng chỉ là hai con người bình thường, thương con, nhưng cũng không đủ khả năng lo toan mọi chuyện. Bố mẹ học cách làm bố mẹ từ chính bố mẹ của họ, tức ông bà mình. Và bởi bố cũng lớn lên từ đòn roi của ông nội, nên có lẽ bố mình nghĩ đó là phương pháp đúng đắn. Cũng có thể đánh đòn con cái chỉ là một phương thức giải tỏa cảm xúc (sai lầm) mà thôi. Điều này mãi đến khi bắt đầu đi làm, bắt đầu đối mặt với thực tế nghiệt ngã của cuộc sống, bắt đầu thử hình dung những khó khăn vất vả khi có thêm một đứa trẻ phải lo, mình mới dần thấm thía. Bây giờ mình “lo thân còn chẳng xong”, đến nuôi mèo còn chẳng dám vì sợ không thể chăm sóc tốt cho nó, huống chi là một đứa trẻ. Hẳn là lúc ấy, bố mẹ mình cũng đã rất cố gắng rồi.
Nói như vậy không có nghĩa là mọi tổn thương từ thời thơ ấu của chúng ta đều nằm ngoài trách nhiệm của bố mẹ. Chỉ là với mình, sự thông cảm và thấu hiểu còn quan trọng hơn nhiều so với thù ghét hay những lời chỉ trích. Mình nghĩ nếu đến lượt mình trở thành mẹ của một đứa trẻ, mình sẽ cố gắng học hỏi và chuẩn bị tốt hơn, cẩn thận và bao dung hơn, cố gắng giảm bớt tối đa những tổn thương mà con mình có khả năng phải chịu đựng. Và nhất định mình phải trở thành một người đủ tốt trước đã.
Nếu có thể chuẩn bị tốt hơn thì dù là lần đầu, những trải nghiệm chắc chắn sẽ không quá tệ.