Bạn bè ngoài đời lẫn trên mạng đều biết tôi là một nhà hoạt động nữ quyền "tự xưng". Bình đẳng cho phái nữ vẫn luôn là vấn đề khiến tôi đau đáu, bởi tôi lớn lên trong một xã hội còn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Cái tên mà họ hàng thường gọi tôi khi bé là "Vịt giời" vì cho rằng sau này đến tuổi, tôi sẽ "bay đi" về nhà chồng. Một trong số ông chú chỉ nhớ tên của anh trai tôi, còn tên tôi thì không vì cho rằng sau này khi lấy chồng, tôi sẽ chẳng còn nhiều liên hệ tới gia đình nữa. Nhiều bạn bè của tôi có suy nghĩ rằng phải đẻ con đầu là con trai thì mới nhẹ nhõm, không bị áp lực. Nhưng tôi may mắn vì mẹ đã nuôi nấng và thương yêu hai anh em tôi đều như nhau, bạn bè thân thiết của tôi đều mang tư tưởng tự do và bình đẳng, nghệ sĩ tôi thần tượng là Taylor Swift, và những kiến thức tôi tiếp thu hàng ngày luôn nhắn nhủ tôi rằng tôi không ít giá trị hơn chỉ vì mình sinh ra là con gái.

Những kiếp người

Lần đi offline tháng trước, Khánh có kể tôi nghe, khi cậu tham gia tiết học về bình đẳng giới, thầy giáo nói rằng sự thật là sẽ không bao giờ có bình đẳng hoàn toàn giữa nam và nữ. Tôi ngẫm một hồi và phải thừa nhận rằng điều này đúng, và cũng đáng buồn.
Đúng vì tạo hoá đã ban cho phụ nữ và đàn ông những món quà khác nhau. Phụ nữ có khả năng sáng tạo, vì cô ấy có thể mang một sinh linh đến thế giới này. Đàn ông thì có nhiều cơ bắp hơn, khoẻ mạnh hơn, để anh ta có thể làm những công việc nặng nhọc. Những con cái thì đảm đương việc chăm sóc và nuôi nấng những đứa trẻ, trong khi con đực sẽ đi hái lượm, săn tìm thức ăn nuôi bầy đàn. Và cứ thế loài người từ hàng triệu năm nay đã phát triển theo cách đó.
Đáng buồn là đàn ông đã khai thác thế mạnh của họ theo hướng tệ hại, bằng cách biến người phụ nữ thành nô lệ, đẩy họ xuống thành "công dân hạng hai của thế giới" (trích sách Phụ nữ - Osho). Phụ nữ Á Đông được dạy rằng đến tuổi phải lấy chồng, phải sinh được đứa con trai để có người phụng dưỡng và nối dõi tông đường, quá lỡ xuân thì thì sẽ chẳng ai thèm dòm ngó, là con gái thì không cần phải học nhiều. Dịp tụ họp vào các ngày lễ, ngày giỗ, đàn ông trong gia đình ngồi mâm trên, đàn bà con gái thì ngồi dưới, cánh nam nhi ăn xong thì ngồi tán gẫu và uống nước chè, trong khi đám nữ nhi trong nhà thì rửa bát và dọn dẹp. Ở một số nơi trong thế giới Hồi giáo, trẻ em gái không được phép đến trường. Masha Amini, một cô gái trẻ 22 tuổi người Iran trong kỳ nghỉ với gia đình đã bị cảnh sát bắt vì đội khăn hijab hơi trễ sau gáy. Cô được thả về trong tình trạng bầm dập và đã qua đời sau 2 ngày, vì chết não. Trong nghi lễ kết hôn của Giáo hội Anh trước năm 1928, người vợ được yêu cầu đọc lời thề nguyện rằng sẽ "to love, to cherish, and to obey" (yêu thương, trân trọng, và vâng lời) chồng.
Mẹ tôi cũng là nạn nhân của tư tưởng phong kiến phụ hệ. Ở tuổi 14, thay vì đi học tiếp, mẹ quyết định đi làm, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Đến ngoài 35 tuổi, mẹ kết hôn với bố tôi, một cuộc hôn nhân hoàn toàn được người lớn sắp đặt vì khi đó mẹ đã "quá lỡ xuân thì". Từ nhỏ, tôi nhiều lần chứng kiến mẹ bị bố đánh đập, và luôn thắc mắc tại sao chỉ có người chồng mới có cái "quyền" đánh vợ. Tôi cũng không hiểu vì sao mẹ - một người phụ nữ tần tảo, vừa cáng đáng kinh tế, vừa chăm lo việc nhà đến nỗi ngã bệnh vì kiệt sức - lại có thể tiếp tục chung sống với người chồng tệ bạc như vậy. Khi đã lớn, tôi mới hiểu mẹ sợ cái nhìn gièm pha của xã hội về một người đàn bà bỏ chồng, sẽ chẳng còn chốn nào để đi. Mẹ sống với niềm tin rằng một gia đình đủ cả bố lẫn mẹ sẽ là tốt nhất cho những đứa con. Tôi không thể thay đổi suy nghĩ của mẹ ngoài việc sẽ thương bà nhiều hơn. Và tôi chắc chắn sẽ sống một cuộc đời tốt đẹp hơn thế.

Những con số

Theo báo cáo của Bộ Lao động¹, vào năm 2019, khoảng 63% phụ nữ Việt Nam đã bị chồng bạo hành dưới nhiều hình thức (bạo hành thể chất, bạo hành tình dục, bạo hành tinh thần, bạo hành kinh tế và bạo hành kiểm soát hành vi) ít nhất 1 lần. Dữ liệu từ các cuộc khảo sát khác được thực hiện bởi UN Women tại 13 nước² (Kenya, Thái Lan, Ukraine, Cameroon, Albania, Bangladesh, Colombia, Paraguay, Nigeria, Cote D'Ivoire, Morocco, Jordan và Kyrgyzstan) vào năm 2021 cho thấy cứ 3 người phụ nữ thì có 2 người nói rằng họ hoặc một người phụ nữ họ biết đã bị bạo hành, 7 trong số 10 người tin rằng bạo hành phụ nữ là điều phổ biến trong cộng đồng của họ. Trong đó bạo lực ngôn từ chiếm 50%, bạo lực tình dục chiếm 40% và bạo lực thể chất chiếm 36%.
Còn đáng buồn hơn cả là chính phụ nữ cũng tin vào điều đó. Tôi đã chứng kiến nhiều người cố gắng đẻ cho bằng được 1 đứa con trai trong khi đang phải chật vật nuôi nấng 2, 3 đứa con gái. Những đứa con gái lớn lên nghiễm nhiên phải từ bỏ những mong muốn riêng, phải đi làm, kiếm tiền để nuôi đứa em trai ăn học – ngay cả khi nó không phù hợp với việc học ở trường lớp. Và rồi họ truyền điều đó lại cho con cháu, cứ thế tạo ra một vòng luẩn quẩn khi ước mơ và tiềm năng của những đứa trẻ bị kìm hãm. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019³, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 111,5 bé trai trên 100 bé gái, của Trung Quốc là 111,9/100 và tại Azerbaijan là 114,6/100. Mất cân bằng giới tính khi sinh làm trầm trọng thêm phân biệt đối xử trên cơ sở giới, dẫn đến nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, tội phạm xâm hại tình dục, hiếp dâm phụ nữ ngày càng tăng cao, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến những bé trai khi đã trưởng thành.
Chúng ta ra rả nói về nhân quyền, về nâng cao vị thế phụ nữ (women empowerment) nhưng mấy ai thực sự sẵn sàng bước ra khỏi vòng tròn xã hội này?
Nguồn tham khảo:
Bài viết được sở hữu bởi Blog của Hazel