Thời nay nghệ thuật không còn sóng đôi với cái đẹp nữa, sự thật đó chúng ta đều biết. Không hiếm tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao về mọi mặt, trừ vẻ đẹp. Nhưng chúng ta có nên kỳ vọng nghệ thuật phải đẹp không? Và rốt cục, cái đẹp có ý nghĩa gì với cuộc đời?
Bài viết "In defence of beauty in art" Giáo sư Robert Wellington sẽ phần nào trả lời những câu hỏi này. Robert Wellington hiện đang là giám đốc Trung tâm Lịch sử và Lý thuyết Nghệ thuật của Đại học Quốc gia Australia, là đồng biên tập của Tạp chí Nghiên cứu Nhân văn (Humanities Research Journal), và là thành viên của Hội Khảo cổ London. Ông xuất bản rất nhiều tài liệu bằng tiếng Anh và tiếng Pháp về đề tài nghệ thuật và văn hóa Pháp thời Louis XIV.
William-Adolphe Bouguereau, "The Birth of Venus" (Sự ra đời của thần Venus), 1879. Thần Venus là biểu tượng cho cái đẹp trong nghệ thuật.
William-Adolphe Bouguereau, "The Birth of Venus" (Sự ra đời của thần Venus), 1879. Thần Venus là biểu tượng cho cái đẹp trong nghệ thuật.

Cái đẹp kết nối con người với cộng đồng

Các nhà phê bình và sử gia nghệ thuật có một quãng thời gian đau đầu với vấn đề cái đẹp. Ngay từ đầu chúng ta đã được đào tạo để phân tích tác phẩm nghệ thuật dựa trên căn cứ, những thứ mà chúng ta có thể gọi là bằng chứng. Vấn đề với cái đẹp là gần như không sao miêu tả nó rõ được. Miêu tả cái đẹp của một đối tượng giống như cố gắng giải thích tại sao cái gì đó buồn cười - khi cố lý giải bằng từ ngữ, trải nghiệm đó đã tan biến.
Tác phẩm nghệ thuật không cần phải đẹp dưới con mắt chúng ta thì mới được coi là quan trọng. Chỉ cần nhớ tới cái bồn tiểu "chế tạo sẵn" (readymade) của Marcel Duchamp là đủ. Ông lật ngược nó, ký tên giả vào và gửi tới triển lãm của Hội Nghệ sĩ Độc lập (Society of Independent Artists) mới thành lập ở New York năm 1917. Chúng ta khó lòng coi vật thể này là đẹp, nhưng nhìn chung đều đồng thuận rằng nó là một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong lịch sử mỹ thuật phương Tây thế kỷ trước.
Nghệ sĩ Marcel Duchamp và tác phẩm readymade lừng danh của ông - "Fountain" (Đài phun nước). Ảnh: Scroll.in
Nghệ sĩ Marcel Duchamp và tác phẩm readymade lừng danh của ông - "Fountain" (Đài phun nước). Ảnh: Scroll.in
Việc coi thứ gì đó là đẹp không phải là một tranh luận quan trọng, nên không mang nhiều giá trị lắm mỗi khi bàn tới khía cạnh luân lý, chính trị và lý tưởng của văn minh nhân loại trong quá khứ cũng như hiện tại. Gọi một thứ là đẹp không giống với việc gọi nó là tác phẩm nghệ thuật quan trọng. Nhà triết học có thể nhận định rằng vẻ đẹp không phải là điều kiện cần thiết của một tác phẩm nghệ thuật.
Thường thường chính vẻ đẹp chúng ta lĩnh hội trong các tác phẩm nghệ thuật thời xa xưa hoặc đến từ một nền văn hóa khác khiến cho chúng trở nên hấp dẫn. Khi chúng ta nhìn nhận rằng vẻ đẹp của một đối tượng được tạo tác hoặc tuyển lựa bởi một người khác, chúng ta hiểu rằng người chế tạo, hay người chọn lựa ra chúng, cùng chia sẻ với chúng ta một cảm nghiệm mỹ học khó diễn tả thành lời. Khi chúng ta thấy vật gì đó đẹp, chúng ta tự nhiên ý thức về cộng đồng nhân loại.
Hãy lấy bức tranh kỳ lạ "Yam awelye" của Emily Kam Kngwarry trong bộ sưu tập nghệ thuật quốc gia làm ví dụ. Giống như nhiều người bản địa Australia khác, Kngwarry gợi lên mối liên kết tâm linh và văn hóa sâu sắc với những mảnh đất mà chúng ta giữ sợi dây kết nối thông qua một số tạo vật đẹp nhất của bàn tay con người.
Emily Kam Kngwarray (dân tộc Anmatyerr, Australia), "Yam awelye", 1995, pô-li-me tổng hợp trên toan, kích thước 150 x 491 cm. Ảnh: Theconversation.com
Emily Kam Kngwarray (dân tộc Anmatyerr, Australia), "Yam awelye", 1995, pô-li-me tổng hợp trên toan, kích thước 150 x 491 cm. Ảnh: Theconversation.com
Nhìn tác phẩm này, chúng ta có thể theo dõi những đường cọ, cách hòa trộn ướt trên ướt của màu sắc được lựa chọn bởi trực giác, vị trí của người họa sĩ khi cô di chuyển quanh khung vải để hoàn thành tác phẩm. Chúng ta có thể khám phá ra được các lựa chọn của cô - sự pha trộn của bản năng và suy tính của một người tạo tác trong dòng chảy sáng tạo.
Sự khác biệt văn hóa không phải là điều tác động mạnh khi tôi ngắm bức tranh này. Tôi biết rằng đã có một hệ ý tưởng, các câu chuyện và trải nghiệm phức tạp khơi nguồn cho người tạo tác ra tranh. Nhưng thứ hấp dẫn tôi lại nằm ngoài lý trí. Không thể diễn tả điều đó thành lời được. Phản ứng của tôi trước tác phẩm này không phải là đáp án cho các câu hỏi về văn hóa hay lịch sử. Còn rộng lớn hơn thế. Tôi ý thức được rằng có một vật thể xinh đẹp đã được tác giả của nó tạo ra, người đó chắc chắn cảm thấy được vẻ đẹp của tác phẩm giống như tôi đang thấy.
Hãy để tôi nói rõ. Tôi không nói tác phẩm nghệ thuật cần phải đẹp. Điều tôi muốn bảo vệ là cảm nghiệm của chúng ta về cái đẹp như một cách tri nhận và định hướng thế giới quanh ta.

Cái đẹp thách thức xã hội

Nhà duy mỹ (aesthete) - nhân vật tai tiếng hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, mang tới một cái nhìn sâu sắc đầy thú vị vào chủ đề này. Các nhà duy mỹ phải chịu điều tiếng xấu. Gọi ai đó là "nhà duy mỹ" tức gần như đang lăng mạ người đó. Từ này ám chỉ họ là người phù phiếm, hão huyền, nhiều đặc quyền đặc lợi, và rất dễ xúc động. Nhưng tôi thì muốn gọi họ là những nhân vật phá cách cấp tiến, họ thách thức nền tảng văn hóa bảo thủ mà họ đang sống, nhưng vẫn luôn dành tình yêu hết mực cho mọi thứ đẹp đẽ.
Có lẽ Oscar Wilde là một nhà duy mỹ toàn bị, ông lừng danh về tài trí cũng như về phong cách thời trang công tử, tình yêu dành cho áo lông công, hoa hướng dương và tác phẩm nghệ thuật. Nhận xét của ông thường được mọi người trích dẫn "mỗi ngày tôi lại càng thấy khó sánh được với bộ đồ sứ xanh Trung Hoa của tôi" (I find it harder and harder every day to live up to my blue china), được coi là lời tóm lược hoàn hảo cho bản tính ưa bề ngoài của nhà duy mỹ này.
Nhà thơ, nhà viết kịch, nhà duy mỹ Oscar Wilde (1854-1900).
Nhà thơ, nhà viết kịch, nhà duy mỹ Oscar Wilde (1854-1900).
Đối với Wilde và những người chịu ảnh hưởng của ông, thì tác phẩm nghệ thuật - bất kể thơ ca, sách vở, kịch nghệ, âm nhạc, hội họa, đĩa ăn hay tấm thảm, chỉ nên được đánh giá trên nền tảng cái đẹp. Họ coi quan niệm nghệ thuật nên phục vụ một mục đích nào đó là một điều hoàn toàn ngu ngốc.
Qua thời gian, thuật ngữ "aesthete" bắt đầu khoác lên những lớp nghĩa mới, chẳng hạn như là một uyển ngữ để ám chỉ người yếu đuối (effete) thuộc tầng lớp trí thức Oxford. Người đàn ông như Wilde là một mối đe dọa hiển hiện cho các quy chuẩn giới tính đã được chấp nhận - hành vi theo đuổi cái đẹp, cả việc yêu thích những thứ đẹp đẽ, lẫn việc tỉa tót diện mạo bản thân, đều bị gán là "không nam tính". Từ lâu người ta đã giữ quan điểm rằng đàn ông và phụ nữ tiếp cận thế giới theo cách khác nhau. Đàn ông thì phải sống lý trí và trí tuệ; phụ nữ thì phải tình cảm và phi lý trí.
Những định kiến này đều rất quen thuộc với chúng ta, và chúng có hai mặt. Nếu một người phụ nữ đủ tự tin và giàu trí tuệ, thì thỉnh thoảng sẽ bị coi là "không nữ tính". Còn nếu người đó dễ xúc động và giàu lòng thương cảm, thì sẽ có nguy cơ bị gọi là "dễ bị kích động". Tương tự, người đàn ông nào làm trong ngành công nghiệp thẩm mỹ, như thợ trang điểm, nhà thiết kế thời trang, nhà tạo mẫu tóc hoặc nhà thiết kế nội thất - có thể bị chế giễu là yếu ớt và nông cạn.
"How far is it from this to this?" - Tranh biếm họa về Oscar Wilde trên Washington Post, 22/02/1882.
"How far is it from this to this?" - Tranh biếm họa về Oscar Wilde trên Washington Post, 22/02/1882.
Đến thập niên 1880, xuất hiện rất nhiều tranh biếm họa về chàng Wilde lòe loẹt - một nhà duy mỹ có học thức. Một bức biếm họa đăng trên tờ Washington Post còn đả kích nhà duy mỹ này đến hộ tham chiếu tới thuyết tiến hóa đang gây tranh cãi của Charles Darwin. Nhà duy mỹ (aesthete) này cách loài vượn người (ape) bao xa, bức tranh đặt câu hỏi. Đây là một trò chơi chữ (aesthete - ape) dựa trên sự so sánh giữa loài vượn người chưa có lý trí - dạng người nguyên thủy của Darwin - với Wilde, một nhà duy mỹ phù phiếm.
Nhà duy mỹ [bị coi] là một sự kết hợp nguy hại giữa ưu thế của giống đực với tính đa cảm của giống cái. Sự dị tính của các nhà duy mỹ như Wilde là một xu hướng rất nguy hiểm, và sự theo đuổi cái đẹp cung cấp một bàn đạp để thách thức quan niệm nền tảng "giao hợp giữa những người khác giới" của xã hội thủ cựu, giống như cách mà thuyết cấp tiến của Darwin đã thách thức niềm tin trong Thiên Chúa giáo về nguồn gốc của nhân loại.

Cái đẹp để cảm nghiệm thế giới

Di sản của Wilde được kế tục bởi một thế hệ mới các nhà quý tộc trẻ tuổi trong thời kỳ khủng hoảng văn hóa giữa hai cuộc Đại chiến thế giới. Bright Young Things, cách họ được gọi, là lần trổ hoa cuối cùng của một cái cây sắp chết - tức đây là thế hệ quý tộc Anh cuối cùng còn duy trì một cách sống hưởng lạc không trói buộc, trước khi phần lớn họ tàn lụi ngay trong thời kỳ đẹp nhất của cuộc đời do tác động từ cuộc chiến tranh - sự kiện đã thay đổi vĩnh viễn cấu trúc kinh tế nước Anh.
Stephen Tennant (1906-1987). Ảnh: National Portrait Gallery
Stephen Tennant (1906-1987). Ảnh: National Portrait Gallery
Stephen Tennant là gương mặt sáng giá nhất trong Bright Young Things. Con út của một vị khanh tướng người Scotland, Stephen vốn là một đứa trẻ mảnh khảnh và ốm yếu, những cơn đau phổi đều đặn tái diễn khiến cho ông có dáng vẻ gầy gò, xanh xao và lãng mạn.
Stephen trở thành bất tử thông qua nhân vật quý tộc Sebastian Flyte trong kiệt tác của Evelyn Waugh, Brideshead Revisited. Nhân vật của Waugh là một nhà duy mỹ Oxford phù phiếm, lúc nào cũng mang theo con gấu bông Aloysius, và hết lòng yêu mến bà bảo mẫu của chàng. Đặc điểm này vay mượn từ Stephen, người luôn giữ bên mình cho tới khi chết người bạn đồng hành là một con khỉ bằng vải.
Tác phẩm của Waugh là một chiêm nghiệm đầy sức mạnh về nghệ thuật, cái đẹp và đức tin. Người kể chuyện, Charles Ryder, được cho là dựa theo người bạn thân của Tennant, họa sĩ/thợ vẽ minh họa Rex Whistler, người nghệ sĩ duy mỹ chết thảm ngay trong ngày đầu tiên ra trận trong Thế chiến II.
Qua nhân vật Charles, Waugh đối phó với song đề về cái đẹp và học thức. Khi ghé thăm Brideshead, điền trang hoành tráng của gia tộc Sebastian, Charles say mê tìm hiểu lịch sử và làm giàu cho cặp mắt. Anh nêu thắc với với gia chủ: "Có phải mái vòm do Inigo Jones thiết kế không? Nhìn có vẻ thuộc thời kỳ muộn hơn." Sebastian trả lời: "Ồ, Charles, đừng có giống như khách du lịch thế. Chuyện nó được xây dựng bao giờ thì có gì quan trọng, một khi nó đã đẹp?" Sebastian đưa ra một câu trả lời của một nhà duy mỹ, rằng tác phẩm nghệ thuật hay kiến trúc chỉ nên được đánh giá dựa trên tiêu chí mỹ học mà thôi.
Tôi không có ý rằng chúng ta nên từ bỏ mọi việc chúng ta đang làm và xin nghỉ việc để truy cầu cái đẹp. Nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể học được điều gì đó từ cách tiếp cận cuộc sống của nhà duy mỹ.
Những nhà duy mỹ như Wilde và Tennant, được bao bọc trong đặc quyền đặc lợi, đã vượt ra ngoài các quy tắc giới tính được xã hội đồng thuận, để theo đuổi cuộc sống không bị cai trị bởi lý trí mà bởi cảm xúc. Đó là một sự thách thức tận gốc rễ với xã hội ngôn tâm (logocentric) của chúng ta; một sự thách thức với thế giới vốn thường coi trọng lý trí (nam tính), nhưng mà quên tính đến cảm nghiệm sâu sắc của chúng ta về thế giới.

Nên đánh giá nghệ thuật như thế nào?

Vậy việc phê bình nghệ thuật nên tiến hành thế nào trong cái thời đại mà cái đẹp chỉ còn chiếm một tỷ trọng nhỏ bé trong việc đánh giá một tác phẩm nghệ thuật?
Thời đại bất an mà chúng ta đang sống dẫn ta tới câu hỏi về đạo đức học thẩm mỹ. Sẽ thế nào nếu chúng ta tìm được một tạo vật đẹp đẽ, được một người hoặc một nền văn hóa bị chúng ta coi là vô luân hoặc phi nghĩa, sáng tạo ra?
Tôi thường xuyên đối mặt với vấn đề như vậy khi nghiên cứu tác phẩm nghệ thuật được chế tác cho triều đình Pháp trong thế kỷ 17 và 18.
Năm ngoái, khi tôi dẫn một nhóm khách xem triển lãm Versailles: Kho báu Hoàng cung tổ chức tại National Gallery of Australia, có một sinh viên đặc biệt cự tuyệt một tác phẩm gốm sứ Sèvres dành riêng cho triều thần của hoàng đế Pháp Louis XV. Sinh viên này không thích được những hiện vật bát đĩa đó, bởi cô ấy thấy chúng đại diện cho tính bất công cùng cực của chế độ cũ tại Pháp - những vật dụng tinh xảo ấy ra đời trên nỗi cơ hàn, thống khổ [của người khác] - cô nghĩ vậy.
Hũ Sevres dùng để ướp lạnh chai rượu , 1771-1772. Ảnh: Wikipedia Commons
Hũ Sevres dùng để ướp lạnh chai rượu , 1771-1772. Ảnh: Wikipedia Commons
Tôi cho rằng suy nghĩ đó cũng phải thôi, nhưng tôi không thể ngừng nghĩ rằng món đồ gốm ấy có vẻ đẹp khôn cưỡng.
Màu xanh bleu-celeste đầy khí lực, nhịp điệu tinh nghịch của dải băng và vẻ đẹp của vòng hoa trang trí, tất cả được sáng tạo thủ công bằng những chiếc cọ bé nhỏ nhất. Vẻ đẹp của một tạo vật như thế cuốn hút tôi học hỏi nhiều hơn về chúng.
Khi đồ gốm sứ Sèvres lần đầu tiên được sản xuất, chúng là minh chứng cho sự hợp tác giữa khoa học và nghệ thuật. Cần phải am tường lắm về hóa học và chế tác với biến khoáng chất, kim loại và đất sét thành một vật trang trí lấp lánh nhường ấy. Món đồ gốm này là vật hiện thân của nước Pháp - vừa tiến bộ vừa giàu có.
Bạn có thể cãi rằng yếu tố chính trị quanh món đồ gốm thế kỷ 18 này cực kỳ tệ hại. Nhưng nhận thức bản năng của chúng ta về cái đẹp luôn đi trước đánh giá lý trí về nghệ thuật.
Người nghệ sĩ và thợ chế tác tại xưởng Sèvres đã đáp lại khả năng tri nhận vẻ đẹp của con người. Những tạo vật này được thiết kế để tương tác với cảm thức mỹ học của chúng ta.
Tác phẩm nghệ thuật không cần phải đẹp, nhưng chúng ta phải công nhận rằng đánh giá khía cạnh thẩm mỹ luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận nghệ thuật. Cái đẹp không phải là một phẩm chất khách quan của một tác phẩm nghệ thuật, cũng không phải là con đường lý trí để chúng ta biện luận về tầm quan trọng văn hóa của một đối tượng. Đó không phải là điều chúng ta có thể dạy được, và có lẽ cũng không phải là điều bạn có thể học được.
Vẻ hào nhoáng, xa hoa của cung điện Versailles. Ảnh: Vogue France
Vẻ hào nhoáng, xa hoa của cung điện Versailles. Ảnh: Vogue France
Nhưng khi bàn đến vấn đề này, khả năng tiếp nhận cái đẹp của chúng ta thường là điều khiến một tác phẩm nghệ thuật trở nên hấp dẫn. Đó là một cảm nhận giúp hiển lộ cái khoảnh khắc thuần chất nhân tính, điều chúng ta chia sẻ chung với tác giả, vượt ra khỏi giới hạn của thời gian và không gian.
Dịch từ theconversation.com (Đề mục do người dịch đặt)