Mình phát hiện ra tất cả bọn đáo bỉ ngạn đều hài hước hoặc yêu mến sự hài hước.
Nào là Socrates, Mark Twain, Bill Gates, Benjamin Franklin, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến... Tôi đồ rằng Jesus và Thích Ca cũng hài hước và tếu táo. Bọn con nhang đệ tử đã tước đi nét đẹp đó của 2 ngài.

Nghiêm túc và liên tục nghiêm túc thuộc về chồn nâu.
Cấm cãi.
UỐNG RƯỢU LUẬN CHỒN NÂU
Ngày xưa có tích Tào Tháo uống rượu luận anh hùng vang danh thiên hạ. Nay cửa mình xin có đôi dòng phụ họa, đặt tên tạm là uống rượu luận chồn nâu.
HỎI
Chồn nâu là gì? Tại sao phải mất công bàn luận về chồn nâu?
ĐÁP
Định nghĩa chồn nâu thì đã có hẳn một bài viết được biên rất dài mấy tuần trước. Nay xin nói gọn, chồn nâu là những nhóm người không tư tưởng. Chỉ ăn theo nói leo và mưu sự nuôi thân. Một vợ hai con, ba lầu bốn bánh là ước mơ duy nhất của chồn nâu. Nhạc của chồn nâu chỉ là Cẩm Ly, Đan Trường, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh. Sách chồn nâu đọc sẽ chỉ giới hạn trong VĂN KHẤN NÔM và LỊCH VẠN NIÊN. Chồn nâu luôn viết ra hoặc nói ra những điều tầm phào, ai cũng hiểu được và nói được tương tự. Chồn nâu không bao giờ đi trước. Họ chồn luôn đi sau và bình phẩm như những thiên tài. Ai thắng thì họ khen giỏi, ai thua thì họ chửi cho bằng nhục.
Chồn nâu phân tích nguyên nhân thất bại và nguyên nhân thành công thì như thánh phán nhưng chẳng bao giờ làm gì táo bạo.
Thêm vào đó, nhà chồn không biết hài hước. Họ nghiêm chỉnh và đứng đắn trong mọi chuyện. Ngay chuyện hài của chồn nâu cũng đúng chủ trương chính sách của Đảng và bê trên mạng về. Đã bẩu, chồn nâu không nghĩ được cái gì mới và sáng tạo.
Sở dĩ cần luận về chồn nâu là câu chuyện ta rút ra từ sau việc luận bàn ấy. Chứ bản thân chồn nâu không có gì để bàn luận cả.
HỎI
Xem ra chồn nâu có vẻ khá đông?
ĐÁP
Đúng vậy. Theo tính toán của người Trung Quốc cổ thì khoảng hơn 70 phần trăm dân số thế giới rơi vào tình trạng chồn nâu. Những nước văn minh như Na Uy Thụy Sỹ thì tỷ lệ vẫn như vậy nhưng chồn nâu bên Tây khác chồn nâu châu Á. Cũng là họ chồn nhưng đẳng cấp khác nhau xa. Cũng giống như thịt heo nhưng heo Mán cắp nách nó khác heo nuôi công nghiệp.
HỎI
Biết đâu tôi và bác cũng là chồn nâu?
ĐÁP
Chồn nâu có thể là bất kỳ ai trong chúng ta. Trong một đời người, ai cũng từng làm chồn nâu. Giai đoạn cuối đời thì hết chồn dần đi. Cơ bản, hãy ghi nhớ AI CŨNG ĐÃ TỪNG LÀM CHỒN NÂU rồi.
HỎI
Khác nhau giữa chúng ta là ở đâu?
ĐÁP
Câu hỏi hay quá. Nếu bạn nhận ra mình là chồn nâu thì bạn đã đặt một bàn chân vào cửa giải thoát rồi. Đức Thích ca từng nói, thú nhận và hiểu biết bản thân mình là cảnh giới đầu tiên của giác ngộ. Thê lương nhất của đời người, cũng là thứ phân biệt người này với người kia, đó là: Nhiều kẻ già rồi vẫn không nhận ra mình là chồn nâu. Đã không nhận ra thì làm sao mà thoát được? Trái lại, có kẻ nhận ra sớm và thoát khá nhanh.
Cũng là do cơ duyên và may mắn của từng người. Chẳng có sách nào hay thầy nào dạy được ta thoát cảnh chồn nâu.
TẢN MẠN VỀ CHỒN NÂU
Chồn Nâu là danh từ do giáo chủ Dang Than dùng để tả những người trong mạng xã hội có chung một vài đặc điểm phổ biến.
Nhóm những người này khá đa dạng và phong phú. Chính lẽ đó, định nghĩa về chồn nâu không đơn giản qua vài dòng, vài câu là đủ. Tuy nhiên, có thể khái quát đặc điểm nhận dạng của nhóm chồn nâu:
1. Không tư tưởng
Chồn nâu không có tư duy độc lập. Ý tưởng của họ giống như bao người, kém táo bạo và kém sáng tạo. Và cũng vì thế, chồn nâu kém hài hước.
Chồn nâu thường suy diễn ngu xuẩn và giảng đạo lý nhàm chán. Tạo hóa thường không ưu ái cho chồn nâu sự hài hước. Theo triết học Tây Âu, hài hước là một tiêu chí để đo trí tuệ. Chồn nâu nghiêm trọng hóa mọi vấn đề. Thậm chí chồn nâu không hiểu hài hước là gì.
Não của chồn nâu không được thiết kế để suy tưởng những điều xa xôi trừu tượng. Bởi thế, nói chuyện văn học nghệ thuật cao cấp với chồn nâu là điều dại dột.
2. A dua
Chồn nâu luôn nói theo đám đông hoặc theo một hệ luân lý phổ thông. Chồn nâu lười, và không có khả năng đào sâu bất cứ vấn đề gì. Chồn nâu, do đó, nương vào đám đông để tìm kiếm sức mạnh. Chồn nâu thích theo trend sang chảnh. Luôn làm theo đám đông và làm sang bằng những trò chơi phổ biến của thời đại.
3. Ham tranh luận
Chồn nâu say sưa tranh luận ở mọi nơi. Và rất thích tranh luận với những người có tiếng tăm. Chồn nâu phản biện ngớ ngẩn. Lý luận của chồn nâu không thành hệ thống. Nó văng ra một cách cộc lốc và lố bịch. Chồn nâu thường không tập trung vào chủ đề, họ văng ra mọi cặn bã có trong hộp sọ.
4. Tưởng mình là thiên tài
Chồn nâu không tìm hiểu sâu cái gì. Tất cả chỉ biết qua loa đại khái. Những thứ gọi là kiến thức của chồn nâu thường có thể tìm ở bất cứ đâu. Chồn nâu tin tưởng chắc chắn và bám riết lấy quan điểm của mình một cách đáng thương.
Với một mớ rác rưởi trong đầu, chồn nâu tưởng là kim cương, vàng mười, đem khoe và trổ tài khắp nơi. Chồn nâu thường đăng về đạo lý, danh ngôn, phương châm sống, bí quyết thành công. Đương nhiên, cũng chỉ là những điều chồn nâu hiểu được, gần với nhận thức của chồn nâu. Đa phần những bài đạo lý và truyền cảm hứng ấy là do chồn nâu thuổng được ở mạng và đăng lên tường hồn nhiên không đề xuất xứ. Thậm chí chồn nâu chưa hiểu hết điều vừa đăng.
5. Đố kỵ
Vì tưởng mình thiên tài nên chồn nâu ghét tất cả những ai có ý tưởng nổi bật. Thường chồn nâu thích tranh cãi và chọc ngoáy người có tiếng tăm để hòng tỏ ra mình tài giỏi.
6. Tuy nhiên, chồn nâu có thể thoát xác. Có nhiều chồn nâu tiến hóa và trở nên thông thái sau này. Nói cách khác, đa số chúng ta đã từng là chồn nâu. Chỉ khác nhau bởi sự tiến lên của từng người nhanh hay chậm. Có vài người cả đời làm chồn nâu, mọi thứ không có gì phát triển ngoài tuổi tác.
7. Chồn nâu đôi khi là dư luận viên của của nhà nước. Tuy nhiên, không phải tất cả chồn nâu đều là dư luận viên. Nói cách khác, chồn nâu xuất thân từ nhiều thành phần.
CÁCH ĐỐI PHÓ VỚI CHỒN NÂU
1. Chồn nâu khá đông và rảnh rỗi nên cách đối phó tốt nhất với chồn nâu là không phản ứng gì cả.
2. Nếu bạn rảnh, hãy xin chồn nâu chỉ giáo và cảm ơn lịch sự.
3. Đừng bao giờ tranh luận với chồn nâu vì bạn sẽ bị lố. Và chồn nâu rất thích cà khịa cho bạn lên tiếng. Chồn nâu khoái trá nếu bạn nổi xung vì đó chính là chiến công của chồn.