Đang trong quá trình tiến hành làm bài nghiên cứu về chủ đề “xu hướng xê dịch độc hành của giới trẻ”, và xuất phát từ những trải nghiệm cá nhân của một người thích bầu bạn với cô đơn, nhân đây mình muốn chia sẻ với các bạn về sự trống vắng để hiểu rõ và lấp đầy nó nhé!
Quả thật, trong suốt cuộc đời của một người, phần lớn là nơi ngự trị của nỗi cô đơn. Nhiều người thường cho rằng cô đơn là sự tách biệt bản thân mình ra khỏi những người khác. Hơn nữa, bản chất của nỗi cô đơn không chỉ dừng lại ở sự cô lập về trạng thái thể chất (physical state) của mỗi cá nhân, cô đơn cũng xuất hiện và bủa vây chúng ta khi ta không tìm thấy được sự kết nối, sự đồng điệu về suy nghĩ/tính cách/đam mê với người khác. Điều đó càng thể hiện rõ qua đoạn hội thoại giữa Hoàng tử bé khi gặp con rắn trong truyện cùng tên, khi HTB hỏi:
- Thế con người ở đâu nhỉ? Trên sa mạc này chúng ta cô đơn quá!
- Ở giữa con người, chúng ta vẫn cô đơn thôi! Con rắn trả lời.
Như vậy, trạng thái cô đơn có thực sự đem đến sự tiêu cực? Khi người khác đánh đồng nó với nỗi cô độc, bị bỏ rơi/ruồng bỏ, hay nặng hơn là căn bệnh trầm cảm? Với cá nhân mình nghĩ, điều đó còn tùy thuộc vào nhận thức và cách hành xử của mỗi cá nhân khi quyết định bầu bạn với cô đơn. Có người đón nhận niềm vui, hạnh phúc khi ở giữa vòng tay bè bạn/gia đình, nhưng cũng có người lại muốn thoát khỏi sợi dây kết nối thâm tình ấy để khỏa lấp những vui thú cho riêng mình, vì họ cho rằng đó là sự lựa chọn tốt nhất. Điều này nghe thì có vẻ ích kỷ hay cái tôi quá cao, nhưng cứ lệ thuộc và bám víu vào việc đáp ứng nhu cầu/mong muốn người khác hay truy cầu sự công nhận từ họ liệu bạn có cảm nhận sự tự do thật sự? Với mình, ưu tiên lựa chọn sự độc lập cả trong lối sống/suy nghĩ với việc thể hiện cái ngông, cái ngạo nghễ, tự tại của chính bản thân (trong khuôn khổ cho phép ^^) lại là sự tự do đích thực. Để có cái nhìn tổng quát và hiểu rõ về những khía cạnh và biểu hiện của sự cô đơn, mình xin đề cập đến một bài nghiên cứu dưới đây:
Dựa theo bài nghiên cứu “The solo consumer – the unique opportunity for service Marketer”, tạm dịch “người tiêu dùng một mình – cơ hội độc đáo cho nhà tiếp thị dịch vụ” được thục hiện bởi hai tác giả người Mỹ, Goodwin & Lockshin (1992). Trong bài nghiên cứu này, tác giả đã đưa ra những khái niệm và biểu hiện của sự cô đơn theo hai khía cạnh tiêu cực và tích cực. Theo đó, cô đơn với thuật ngữ tiếng Anh “loneliness” xảy ra khi mỗi người cảm nhận, trải qua sự thiếu hụt trong các mối quan hệ xã hội, khi có sự khác biệt giữa các mối quan hệ hiện có của mỗi người và những mối quan hệ họ khao khát có được. Ví dụ, một người đi ăn nhà hàng một mình thay vì đi với những người khác, có thể nhiều người nhìn vào cho rằng họ đang thưởng thức món ăn trong nỗi cô độc (loneliness), nhưng thực sự họ vẫn tận hưởng giá trị của sự “cô đơn” (solitude). Hơn nữa, cô đơn cũng gắn liền với sự cô lập về thể chất (như lúc đầu mình đã đề cập), nhưng theo một cách tích cực: "Bây giờ tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn!". Mặt khác, cô đơn có thể là một chủ ý được lựa chọn bởi nhiều người vì họ cho rằng nó không gây ra nỗi phiền toái và có thể là “sự lấp đầy các khoảng trống” bên trong bạn. Như trong trải nghiệm du lịch, nhiều người vẫn lựa chọn xê dịch độc hành (solo travel) để gia tăng cơ hội gặp gỡ và tương tác với người dân địa phương tại điểm đến, và nâng cao tính quyết định về lịch trình chuyến đi, thay vì lệ thuộc và câu nệ vào mong muốn của bạn bè/người thân. Cuối cùng, trải nghiệm nỗi cô đơn với nhiều người có thể là một điều đáng buồn và mang tính chủ quan. "Để phát hiện sự cô lập, người ta phải sử dụng đôi mắt của mình, nhưng để nhận ra sự cô đơn, người ta phải cảm nhận được nó".
Nói chung, cô đơn là "cảm giác thiếu một cái gì đó". Ngọn nguồn của sự thiếu hụt này có thể quy về những giá trị tinh thần mà bản thân đạt được, như mong muốn được người khác lắng nghe mình giải bày tâm sự, hay được tận hưởng niềm vui thú ăn uống, dong chơi với lũ bè chúng bạn, hay đặt chân đến điểm du lịch lý tưởng cùng người bạn đồng hành thay vì “trăng mật với bản thân”…Việc tiêu dùng các sản phẩm (hàng hóa, dịch vụ) trong tình trạng “cô đơn” đang trở thành một xu hướng nở rộ và gia tăng không ngừng ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ,…Đặc biệt xu hướng này thường diễn ra ở nhóm người trẻ. Theo đó, có hai nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng tiêu dùng cô đơn là sự thay đổi các yếu tố trong nhân khẩu học (nghề nghiệp, lứa tuổi, thu nhập, giáo dục,…) và sự thay đổi về lối sống theo chủ nghĩa cá nhân (individualism). Hơn nữa, sự thay đổi về chuẩn mực xã hội có phần hiện đại hơn và thoát khỏi những quan điểm rập khuôn (Stereotype), nhiều người xem tiêu dùng cô đơn (solo consumer) như là một sự giải thoát bản thân khỏi vùng an toàn và để yêu bản thân hơn. Hay ở Nhật Bản, với việc chịu đựng áp lực quá cao từ công việc cũng được xem là tác nhân điển hình dẫn đến nhiều người trẻ chọn lối sống “thu mình” và hưởng thụ sự độc lập ngay trong xã hội luôn đề cao tinh thần tập thể. Nhận thức được chiều hướng gia tăng đáng kể từ nhóm người “tiêu dùng cô đơn”, các nhà phân phối dịch vụ như ăn uống, xem phim, du lịch đã nắm bắt và khai thác nhóm khách hàng này bằng việc thiết kế những sản phẩm chuyên biệt cho họ. Hơn nữa, việc thấu hiểu tâm lý và nhận thức về trạng thái cô đơn của nhóm khách hàng đặc biệt này cũng là một điều quan trọng đối với các nhà làm dịch vụ. Nhưng kỳ thật, tâm trạng cô đơn của mỗi cá nhân đều khác nhau và là một trạng thái tâm lý phức tạp, khó đoán định... để hiểu được nó cũng là một vấn đề....
Càng lớn thì con người ta càng trở nên trầm mặc, ít nói và lắng nghe nhiều hơn. Và tình trạng cô đơn lại rất lý tưởng để cho mỗi người tập lắng mình và nghe những thanh âm tươi đẹp từ cuộc sống xung quanh. Tuy nhiên, không thể nào phủ nhận tầm quan trọng của sự kết nối và giao lưu với các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp vì đó là bản năng xã hội của con người ^^, nhưng biết đâu là giới hạn và điểm dừng thì vẫn sẽ tốt hơn thay vì chôn vùi trong sự vô vị của một chuỗi mối quan hệ phức tap. Một mình bên ô cửa sổ với không khí lành lạnh của những ngày cuối đông, nhâm nhi một tách trà ấm và đọc một quyển sách đã gác kệ từ lâu, tôi lại cớ cơ hội hiểu mình hơn, vì đơn giản hiểu mình thì hiểu “đời” thôi! Cũng trong những giây phút ấy, tôi bất chợt nhận ra một điều "Liệu có chăng thay vì cứ đuổi bắt mọi thứ sao ta không trân trọng những khoảnh khắc này, những gì ta đang có vì ngoài kia, thế giới vẫn đang tiếp diễn. Đôi khi lùi một bước để tiến thêm hai bước" ... Nghĩ vậy, tôi lại trở về với chính tôi, cô đơn!