Góc nhìn Tâm lý học Adler: Korra (Season 1)
Lưu ý: bài viết dưới đây sẽ tiết lộ một phần nội dung quan trọng của mùa 1 - Legend of Korra (tập 1 đến tập 12). Vì mình đang cố gắng phân tích tâm lý nhân vật nên sẽ để tìm hiểu sâu nhất, tiết lộ tình tiết là điều không thể tránh khỏi. Để có một trải nghiệm trọn vẹn, hãy xem phim trước khi đọc bài viết này. Hoặc nếu không ngại spoiler, bạn cũng có thể đọc bài viết này và thưởng thức phim với một cặp mắt nhiều chiều hơn. Bài viết này mình sẽ phân tích góc nhìn của tâm lý học cá nhân của Alfred Adler.
Nhà tâm lý học Alfred Adler
Nhà tâm lý học Alfred Adler
Ngay lúc Avatar Korra cảm thấy yếu đuối nhất, cảm thấy tự ti nhất vì hầu như sức mạnh của mình đã biến mất, vị Avatar tiền nhiệm Ann xuất hiện và gặp Korra lần đầu tiên. Thực ra Ann không đến vì Korra cần sự hỗ trợ mà đúng hơn là Korra đã cho phép ông đến để hỗ trợ, Ann đã nói:
When we hit our lowest point, we are open for the greatest change
Ann
Ann xuất hiện
Ann xuất hiện
Đây là một đoạn trong bộ phim hoạt hình Legend of Korra và là hậu truyện của Avatar: The last Airbender. Cảnh trên xuất hiện trong tập cuối của mùa một Legend of Korra. Trong thế giới này thì Avatar đóng một vai trò quan trọng giữ cân bằng cho thế giới, khi một Avatar chết đi thì sẽ được tái sinh trong một cơ thể mới. Những Avatar đời trước vẫn sẽ có thể kết nối với đời sau để hướng dẫn, chỉ lối cho người kế thừa của mình.

Cảm giác tự ti của Korra

Hành trình của mùa 1 cho ta thấy Korra là một người tự cao với vai trò lẫn sức mạnh của mình. Cô có một cái tôi lớn và nghĩ rằng mình có thể giải quyết tất cả mọi việc. Với vai trò Avatar, đây đúng là sức mạnh của cô khác biệt hẳn so với những người khác. Trong khi một người chỉ có thể sử dụng 1 trong 4 nguyên tố (đất, nước, lửa, khí) hoặc thậm chí có người không thể sử dụng được, với cô thì là người duy nhất có thể sử dụng được cả 4 nguyên tố. Cô liên tục dùng sức mạnh để lấn áp người khác khi có thể.
Cảm giác tự ti (inferiority feeling) là một cảm giác khiến ta cảm thấy thua thiệt một đối tượng hay một nhóm nào đó. Và khi đã là con người thì chắc chắn chúng ta sẽ có cảm giác tự ti (Alfred Adler). Nhưng đây không phải là điều xấu, theo Adler, chính cảm giác này là thứ thôi thúc chúng ta vượt lên trên những điểm yếu của mình và trở nên toàn vẹn nhiều hơn. Đã bao giờ bạn trải qua ghen tị hoặc buồn bã với một người bạn/người quen của mình, sau đó bên trong xuất hiện có một mong muốn phấn đầu để có thể bắt kịp bạn bè hoặc thậm chí là vượt xa cả họ? Nếu đã từng có thì đó chính là cảm giác tự ti, và xin được nhắc lại cũng chẳng có gì xấu hổ với cảm giác này. Khi cảm thấy yếu kém hơn, bạn sẽ có mong muốn được bù trừ, phấn đấu để lắm lại sự thiếu hụt đang có và đi đến sự chinh phục. Theo thuyết tâm lý học cá nhân, nếu con người không tự ti và tự nhiên hài lòng với tất cả những gì mình có, sẽ không thể xuất hiện chiều hướng phấn đấu đi lên. Vậy nên yên tâm với cảm giác này của mình nhé.

Vậy khi xuất hiện cảm giác tự ti, chúng ta sẽ ra sao?

Cảm giác tự ti sẽ cho ta động lực phấn đấu hoặc để thành công hoặc để vượt trội. Động lực dễ thấy nhất ở Korra chính là động lực để vượt trội. Điều này có nghĩa, cô sẽ thôi thúc bản thân để cảm thấy trở nên hơn người, mà ít quan tâm hoặc không quan tâm đến người khác. Điều đó thể hiện thông qua một vài biểu hiện sau.
Có thể thấy ngay đầu phim là việc cô vượt qua bài kiểm tra nguyên tố Lửa. Những người có chuyên môn nhận xét đã nhận xét cô "thiếu kiềm chế", cách ra đòn thể hiện việc mong muốn hạ gục càng nhanh càng tốt. Cô đã vui mừng và xuất hiện cảm giác nghĩ rằng mình đã thành thục chỉ sau khi vừa chiến thắng và muốn tiếp tục với nguyên tố tiếp theo. Sau đó Korra đã thể hiện cảm giác vui mừng vì hạ gục những người trong bài kiểm tra (chứ không phải cô vui vì mình thành thục nguyên tố Lửa)
Sau chiến thắng
Sau chiến thắng
Sau khi đến với thành phố Cộng Hòa, tiếp xúc với con người nơi đây (những người không biết cô là ai) thì ta càng thấy rõ hơn cảm giác tự ti của Korra. Đầu tiên là cô đã rất vui lòng và sẵn sàng để gây chiến với tụi giang hồ (dù tụi này là làm việc xấu thật) nhưng động lực đánh nhau của cô lại là chứng minh sức mạnh của mình. Korra đã không ngại thể hiện mình là Avatar khi sử dụng lần lượt 3 nguyên tố đánh bại chúng. Và nếu xuất phát từ việc cô muốn bảo vệ người yếu thế, thì cô sẽ cân nhắc hơn trong việc ít phá hoại nhất có thể. Và .... Korra quăng 1 đứa giang hồ vào thẳng tiệm đồng hồ, phá hoại luôn đường đi và một góc của con phố đó.
"Máu chiến"
"Máu chiến"
Cũng tội người bán đồng hồ
Cũng tội người bán đồng hồ

Cảm giác tự ti vẫn bình thường cho đến khi....

Để giải thích sâu và chi tiết hơn những hành vi dưới đây của Korra, cùng đi với nhau qua sự biến đổi của cảm giác tự ti. Như đã chia sẻ ở trên, cảm giác ấy là bình thường nhưng khi chúng bắt đầu lấn át ta, vai trò lúc này không phải thúc đẩy ra đi lên, cảm giác tự ti ấy bắt đầu kiểm soát hành vi, con người và trở thành "ông bà chủ" của cơ thể này, khi ấy nó trở thành "phức cảm" (complex). Chính phức cảm làm chúng ta suy yếu, chán nản bản thân và dừng lại sự phát triển, bao gồm 2 loại, phức cảm tự ti (Inferiority Complex) và phức cảm tự tôn (Superiority Complex). Giải thích đơn giản đầu tiên, người có phức cảm tự ti lúc nào cũng đánh giá thấp về bản thân, không còn mong muốn để thay đổi hay phát triển. Còn với người có phức cảm tự tôn họ lúc nào cũng đề cao bản thân mình hơn thực tế và luôn tìm cách để hạ bệ người khác, cho ta cảm giác hơn người (cũng giống như động lực phấn đấu để vượt trội). Cả 2 phức cảm này không phải lúc nào cũng thể hiện rõ và không nhất thiết diệt trừ lẫn nhau do đó đều có thể tồn tại trong một người, trong một khoảng thời gian.
Qua những ví dụ trên, ta có thể hình dung cảm giác tự ti của Korra đâu đó dần chuyển biến thành phức cảm tự tôn (là chính). Cô liên tục tìm kiếm cảm giác phải hơn người khác. Chính cảm xác bản thân mình đang vượt trội hơn khiến cô cảm giác an toàn hơn.

Phức cảm tự tôn

Không quá khó hiểu khi ta thấy Korra lại rất nóng vội trong luyện tập nguyên tố Khí (nguyên tố cuối cùng cần lĩnh hội). Sau khi được hướng dẫn tập luyện bài tập đầu tiên, cô thất bại nhiều lần liên tiếp, trong giây phút, cảm giác tự ti trong cô bùng phát. Lúc này, phức cảm tự tôn có chi phối hành vi phá hoại của cô. Cô dùng nguyên tố Lửa để đốt cháy bảo vật đang sử dụng. Sau khi cố lý giải rằng mình đã cố gắng mà không thành công, Korra gọi người thầy của mình bằng cụm người thầy tồi tệ (nguyên gốc: terrible teacher).
Khi tham gia giải Đấu Ngự Nhân Sư (nguyên gốc: Pro-bending match) (chia làm 2 đội đấu với nhau bằng các nguyên tố), không thể trách lần đầu tiên chưa rõ về luật, nhưng Korra không cần suy nghĩ nhiều, nhanh chóng dùng một đòn thật nhanh gọn để đánh bại đối thủ và ăn mừng ngay lập tức về điều đó.
Đây là một vài gợi ý để mọi người có thể nhận thấy xuyên suốt quá trình trưởng thành ở mùa 1, Avatar Korra cũng thực sự rất “đời” và rất người cho dù cô có một sứ mệnh của Thế Thần. Khi sức mạnh được sở hữu bởi những người trẻ, thông thường sẽ bị lạm dụng, liên tục ra tay với những người yếu thế hơn mình, và với những người gần gũi, họ cũng cố gắng dìm hàng để cho bản thân được cảm giác đứng lên trên tất cả mọi người. Tất cả chỉ vì họ muốn được an toàn, họ muốn được cảm nhận bản thân của mình rất ổn, nhưng có lẽ con đường phấn đấu đi lên, để phát triển còn đang khó khăn cho họ. Cảm giác tự tin đã khống chế thành công.
Đỉnh điểm với vị Avatar trẻ là khi cô chứng kiến sức mạnh của Amon (phản diện chính của mùa 1), còn chúng ta chứng kiến phức cảm còn lại của cô.

Phức cảm tự ti

Amon được giới thiệu là người có khả năng làm vô hiệu hóa sức mạnh nguyên tố. Trước mặt Korra, lần đầu tiên Amon đã vô hiệu hóa sức mạnh của 3 người, chỉ một chút nữa thôi con số tăng lên 4 (và đó là người bạn của cô). May mắn là đã chạy thoát kịp thời. Nhưng chỉ nhiêu đó thôi, đã ám ảnh vào trong tâm trí Korra rất nhiều, nỗi sợ về cảm giác tự ti đã lấn át cô.
“Mất khả năng sử dụng nguyên tố thôi, giữ được mạng đã là may mắn lắm và trong khi tay chân vẫn còn lành lặn, thôi thì ta cứ sống như người bình thường thôi.”
Nếu như “kỹ năng sử dụng nguyên tố” là thứ giúp họ giảm cảm giác tự ti, dùng nó để vượt trội hơn người khác thì đó giống như một cây nạn mà họ đã đi cùng, bỗng nhiên biến mất, họ chẳng thể đứng vững trên đôi chân này nữa.

Hình ảnh về Phức cảm tự ti

Tạm rời xa Korra một chút, ta mượn một nhân vật khác trong phim để minh chứng cho điều ta đang bàn luận: Tahno, Tuy chỉ xuất hiện vỏn vẹn khoảng 3-4 tập và trong vài phút ngắn gủi nhưng anh ấy lại là một minh họa rất rõ ràng.
Tahno xuất thân có vẻ là một cậu ấm nên tiền không thiếu. Chính điều đó giúp cậu đã vô địch 3 năm liên tiếp bộ môn Giải đấu Ngự Nhân Sư bằng cách mua chuộc trọng tài để đội mình có thể gian lận trong cuộc thi mà không bị huýt còi (dù cho khán giả và bình luận viên đều nhìn thấy).
Tahno xuất hiện với hình ảnh đầy tự tin, khoe mẽ, coi thường người khác, tìm mọi cách để không bị rơi vào trường hợp bị thua người khác (dấu hiệu phức cảm tự tôn).
Tahno là người đứng giữa với bộ đồ đen
Tahno là người đứng giữa với bộ đồ đen
Nhưng chỉ sau khi bị tước đi sức mạnh, mình phải nhấn mạnh ở đây thứ duy nhất bị lấy đi chỉ là khả năng điều khiển nguyên tố Nước. Nhưng có vẻ dường như đã lấy đi tất cả của Tahno. Đôi mắt thất thần, mái tóc không còn được trau chuốt, giọng nói thì nhẹ tông hơn hẳn, lưng cuối thấp.
Để lý giải cho sự thay đổi này của Tahno, ta quay trở lại với khái niệm “Phức cảm tự ti”. Đó là khi ta cảm thấy mình yếu kém, hạ thấp bản thân, cho rằng mình vô giá trị, không thể tiếp tục đương đầu với cuộc sống. Nguyên nhân ở Tahno chính là sự tự ti về cơ thể và bị nuông chiều quá mức (không cần xuất hiện hình ảnh ba mẹ). Với cả một phần đời cậu đã dựa vào kỹ năng điều khiển nước, cộng thêm các chiêu trò để nâng cao cảm giác bản thân, việc mất đi kỹ năng khiến cậu mất tất cả niềm tin vào bản thân. Cậu biết rằng từ nay mình vô dụng vì trước đây đó là yếu tố duy nhất cậu dựa vào. Mất nó, cậu không thể còn phấn đấu để thành công hay phấn đấu để vượt trội hơn người khác vì bản thân mình giờ đây chẳng khác nào đã vô giá trị. Trước đây, cậu biết cậu có thể lợi dung kỹ năng này (và tiền) để bù đắp cho cảm giác tự ti ở những điểm khác ở bản thân. Cuối cùng thì chẳng còn điều gì để cậu bám vào, cậu không thể bù đắp được nữa đồng thời cảm giác tự ti thì bao trùm từ đó trở thành “Phức cảm tự ti”.
Mượn Tahno để có thể hiểu Korra hơn, chính Korra đã phát hoảng khi thấy Amon cướp đi kỹ năng của người khác. Về bản chất, cô không sợ kỹ năng cướp đi sức mạnh, cái cô sợ là cảm giác mất đi sức mạnh - thứ duy nhất mà cô đã dựa vào để phấn đấu. Đến nỗi, sau đêm đó, cô đã có giấc mơ về mình bị Amon cướp đi sức mạnh.

GIẤC MƠ và PHONG CÁCH SỐNG

Đối với tâm lý học cá nhân của Adler, giấc mơ chính là biểu hiện trực tiếp giữa khó khăn trong cuộc sống hiện tại và phong cách sống của người đó. Phong cách sống được nói chung chính là những cách mà chúng ta chọn để thành công/vượt trội trong cuộc sống, là những đặc điểm cá nhân mỗi người khi ta cố gắng hoàn thiện.
Có thể xem Korra có một “phong cách sống” lành mạnh khi cô có một mong muốn giúp đỡ người dân thành phố Cộng Hòa nói chung và thế giới nói riêng (vì đó được xem là một vai trò của cô ngay từ khi biết được thân phận Avatar). Với Adler một con người có ích là một con người biết sống và biết nghĩ cho cộng động và xã hội. Chúng ta có thể ghi nhận được ở Korra điều ấy, khi cô cũng đã phấn đấu để bảo vệ người yếu thế hơn, cô cũng quan tâm đến băng đảng của Amon (một phần vì không muốn hắn gây khó khăn cho thành phố cô sống), cô rất quyết tâm tìm cho ra được những mầm móng gây nguy hại.
Và khó khăn của Korra chính là cô có vẻ phụ thuộc tất cả kỹ năng sử dụng 4 nguyên tố của mình (thật ra là 3, do nguyên tố Khí về sau cô mới lĩnh hội được) và đó dường như là tất cả những gì cô có. Đó là điểm duy nhất cô tin vào mình, cũng là điểm nó cho cô cảm giác tự ti. Liên tục thách thức những đối thủ mạnh và gặp thất bại, kể cả là người không sử dụng nguyên tố hay người sử dụng công nghệ cao, khiến cô dần mất niềm tin vào khả năng, cảm giác tự ti tăng dần. Đỉnh điểm là khi cô biết Amon có thể cướp mất sức mạnh của mình. Chính cô đã hình dung đến việc bản thân ra sao khi bị mất hết kỹ năng sử dụng nguyên tố - cô không còn gì để có thể dựa vào được nữa. Đến lúc ấy, cô chưa có phức cảm tự ti nhưng cô sợ cảm giác trải qua phức cảm đó. Giấc mơ đã làm rõ lên khó khăn đó của Korra.
Khi biệt đội Đặc Nhiệm nhằm truy lùng băng đảng của Amon được thành lập, cô đã một mực từ chối tham gia. Khán giả phần nào đoán được cảm giác tự ti (nỗi sợ phức cảm tự ti) đã ngăn cản cô dù bản thân cô là rất mong muốn được công nhận, tán dương. Càng khẳng định hơn thông qua người thầy dạy nguyên tố Khí của cô, thầy rất vui vì cô không tham gia đội săn bắt (vì thầy không tin vào người lãnh đạo) nhưng thầy đã thấy gì đó trong cô.
Thông qua biểu hiện không phản ứng gì, ngồi thẩn thơ hàng giờ liền sau khi thầy chia sẻ, ta dường như đoán được bên trong Korra là cảm giác tự ti bản thân, sợ rằng sẽ mất đi kỹ năng của mình nhưng cô không sẵn sàng để thừa nhận cảm giác tự ti ấy. Cô đã chọn cách né tránh. Để rồi, Tarrlok (người lãnh đạo của đội Đặc Nhiệm) đã lợi dụng được nó để thao túng cô.

Một vòng lặp: PHỨC CẢM TỰ TI QUAY LẠI VỚI PHỨC CẢM TỰ TÔN

Tarrlok đã tìm đủ mọi cách để chiêu mộ Korra tham gia vào đội Đặc Nhiệm để gia tăng sức mạnh và danh tiếng (có Avatar thì khác hẳn liền). Hắn đã thành công khi mời cô đến buổi tiệc dưới danh nghĩa là tôn vinh cô nhưng thực ra để cô được gặp những nhà báo, con người của truyền thông. Chỉ cần vài câu chất vấn rằng tại sao cô lại quay lưng với đội Đặc Nhiệm trong khi có thể phụng sự, và mọi người nghi ngờ cô đang sợ hãi Amon. Cô đã ngay lập tức đáp trả bằng việc nhận lời tham gia Đội Đặc Nhiệm. Khi không thể đối diện và thừa nhận với bản thân, ta không sẵn sàng để thừa nhận với người khác.
Vì con người không muốn rơi vào trạng thái cảm thấy bị vô dụng, bất lực (phức cảm tự ti), trong chính tình huống đó, Korra đã thay đổi quyết định để cô được công nhận trong mắt mọi người, cô cố tìm kiếm cho mình cảm giác vượt trội, thành công nên đã phủ nhận đi nỗi sợ của mình. Một lần nữa, phức cảm tự tôn đã xâm chiếm cô. Không dừng lại tại đó, việc đột kích thành công một trụ sở của Amon đã khiến cô cảm giác chiến thắng, tự kiêu hơn để bù trự cảm giác tự ti thua kém. Chính phức cảm tự tôn đã một lần nữa chi phối cô sau những lời thách thức từ phóng viên.
Phóng viên hỏi thăm "nhẹ nhàng"
Phóng viên hỏi thăm "nhẹ nhàng"
Cô để tiếp tục tạo cho mình cảm giác đứng trên người, cô dìm hàng, hạ bệ Amon bằng cách so sánh như một tên hèn (dù bản thân cô sợ hắn cướp được sức mạnh của mình) và thách thức gặp mặt trước mặt đông người (cô cũng chẳng có chắc là mình thắng được). Cô chẳng dám còn thừa nhận nỗi sợ của mình nữa. Thay vì tập luyện hay tìm cách, cô đương đầu với khó khăn chỉ bằng việc hạ bệ đối thủ. Phức cảm tự tôn đã ngăn cản quá trình luyện tập, phát triển của Korra.
Ác mộng Amon đã thực sự đến đêm đó, cô đã bị đội quân hắn phục kích, chưa bao giờ cô cảm thấy sợ hãi như vậy. Cô đã không nói được điều gì khi đối diện với Amon, nỗi sợ hãi và cảm giác tự ti đã bao trùm lấy tất cả. May mắn là trong kế hoạch Amon đó chưa là lúc để lấy đi sức mạnh và cô được tha mạng. Cảm giác đã bùng nổ khi thầy của cô đến. Lần đầu tiên trong hành trình, cô thừa nhận lấy nỗi sợ của mình, cô thừa nhận việc sự tự ti bản thân bằng cách đối diện rằng mình là người vô dụng.
Lần đầu tiên, Korra chấp nhận nhìn vào
Lần đầu tiên, Korra chấp nhận nhìn vào

THỨ TỰ SINH: thêm một lý giải cho nhân cách

Thứ tự sinh sẽ thể hiện cách mà chúng ta đã được đối xử bởi những người trong gia đình, và ảnh hưởng của điều này đối với nhân cách của chúng ta, nhận thức của ta trong quá trình trưởng thành. Adler đề cập đến 4 thứ tự sinh bao gồm: Con cả (người được sinh đầu tiên trong nhà); Con thứ (những người được sinh ở giữa con cả và con út); Con út (người được sinh cuối trong nhà); Con một (những người được sinh ra duy nhất trong một gia đình). Quan trọng không phải là thứ tự sinh thực sự, mà là cách mà đứa trẻ nhận thức về thứ tự của mình, như tuy là con út nhưng đứa trẻ lớn lên vẫn có thể có cảm giác mình là con thứ.
Nếu ta xét theo định nghĩa thì Korra có lẽ hợp với thứ tự sinh là Con một. Và đặc điểm bối cảnh của phim, khi trong thế giới Avatar này, Korra dường như không chỉ phản ánh thứ tự sinh Con một trong gia đình mà còn đóng vai trò như Con một của cả thế giới (vì thế giới chỉ 1 lúc có 1 avatar). Sự độc đáo của cô cũng dẫn đến cách chăm sóc đặc biệt của cả thế giới (cụ thể trong phim có một hội là Bạch Liên với nhiệm vụ tìm, chăm sóc và dạy dỗ cho Avatar).
Theo quan điểm của Adler, ta thấy giống nhau giữa Korra và Con một chính là trung tâm của sự chú ý và tập trung trong gia đình (kể cả hội Bạch Liên). Khi bản thân cô giữ một vai trò quan trọng sau này nên hội Bạch Liên luôn quan tâm đến sự phát triển, và học thành kỹ năng các nguyên tố. Luôn theo sát và bảo vệ cô, đồng thời không quên nhắc nhở liên tục với cô về sứ mệnh cao cả của mình. Không những thế, cô cũng là con của cha mẹ, người con duy nhất (không có anh chị em). Do đó, sự tương tác của cô đa phần là với những người lớn tuổi hơn, ngoài ra ta cũng không được giới thiệu về những người bạn ở quên nhà (ngoại trừ một chú chó gấu vùng cực Nam), thể hiện một phần cô ít sự kết nối với người ngang hay nhỏ tuổi hơn mình. Ta có thể thấy từ đó ảnh hưởng một phần đến Korra những suy nghĩ người lớn. Như đã đề cập đến ở đầu, những hành động như bảo vệ người yếu thế, gìn giữ hòa bình, ngăn chặn những âm mưu xấu xa đến với Korra một cách dễ dàng mà không có sự phản kháng. Tuy có những đặc điểm của tính cách trẻ con, bốc đồng, và nông nỗi, nhưng mục tiêu sống của Korra đã mang tính trưởng thành từ những giai đoạn sớm nhất.
Những người chăm sóc và dậy dỗ Avatar Korra
Những người chăm sóc và dậy dỗ Avatar Korra
Điều số hai: không có anh chị em/người cùng trang lứa thì thiếu vắng sự cạnh tranh/hợp tác. Thời gian đầu mới đến, đặc biệt khi tham gia giải đấu, ta thấy Korra đã rất độc lập trong chiến đấu, cô luôn tìm cách thực hiện một mình. Trong quá trình luyện tập, cô được dẫn dắt bởi người có kinh nghiệm hơn và tập luyện một cách lập thành ra quá trình hợp tác phối hợp với đồng đội đã cần rất nhiều sự cố gắng của cô. Ngoài ra, ta nhận thấy trong thời gian đầu khi liên tục thua cuộc trước băng đảng của Amon, cô đã tăng sự tự tin rất nhanh chóng, hơn cả những người đồng đội. Một phần vì cô được huấn luyện với niềm tin mình là người đặc biệt, nổi bật nhất thế giới đã tác động đến cảm giác tự ti, nhưng điều mới mà ta có thể đề cập đó là cô chưa quen với việc thua cuộc trong cạnh tranh. Cô có thể thua cuộc trong quá trình luyện tập giai đoạn đầu với nhóm Bạch Liên nhưng đó không phải cạnh tranh.
Cuối cùng, Con một thì quen thuộc với sự công nhận và ghi nhận. Korra đã quen với việc mình là trung tâm của sự chú ý tại quê nhà cô lớn lên nên dần điều đó cũng ảnh hưởng đến cô. Mỗi việc cô thay đổi từng chút một tại quê nhà cũng sẽ có người ghi nhận, thông báo hay chúc mừng, từ đó khiến việc công nhận sẽ mang đến cảm giác quen thuộc, an toàn. Nếu mất đi cảm giác đó sẽ gây ra sự thất vọng. Khi vừa đến thành phố, liên tục thể hiện sức mạnh bản thân, cố sức để đóng góp hay nóng nảy, mong muốn được lập công chính là xuất phát từ mong muốn được công nhận.

CHẠM ĐÁY: TA SẼ ĐI LÊN

Đến cuối mùa 1, tuy đã chiến thắng được Amon nhưng Korra đã bị mất hầu hết sức mạnh. Cô không thậm chí có một phút giây vui mừng nào vì sự chiến thắng này. Chính cô đã xa lánh bạn bè của mình, đẩy họ ra xa khỏi mình càng xa càng tốt. Bởi vì chính lúc mất đi sức mạnh, phức cảm tự ti đã xâm chiếm cô. Cô đã không còn là hình ảnh Avatar toàn năng sử dụng thành thạo các nguyên tố. Hình ảnh cô trong mắt bạn bè không còn như trước, chính cảm giác ấy đã khiến cô cảm thấy mình vô dụng, không thể đương đàu với bất kì điều gì trong cuộc sống. Những định nghĩa về cô bây giờ như bị xóa bỏ hết, cô nghĩ vậy. Đó là lúc cô chạm đáy của mình.
Ngay lúc Avatar Korra cảm thấy yếu đuối nhất, cảm thấy tự ti nhất vì hầu như sức mạnh của mình đã biến mất, vị Avatar tiền nhiệm Ann xuất hiện và gặp Korra lần đầu tiên. Thực ra Ann không đến vì Korra cần sự hỗ trợ mà đúng hơn là Korra đã cho phép ông đến để hỗ trợ, Ann đã nói:
When we hit our lowest point, we are open for the greatest change
Ann
Ann
Cô đã thực sự yêu đuối và buộc phải chấp nhận sự yếu đuối đó. Trong những thời điểm đó, chúng ta thường dễ dàng chấp nhận sự giúp đỡ từ người khác. Vì nếu ta phủ nhận sự yếu đuối, bất lực tức là ta để phức cảm tự ti hay phức cảm tự tôn xâm chiếm bản thân. Bấy giờ ta nghĩ rằng mình không cần giúp đỡ, tự ta chiến đấu đơn độc một mình, để rồi mọi thứ vẫn hoàn như cũ (như một vòng lặp giữ phức cảm tự ti và phức cảm tự tôn cứ thay phiên). Gất đầu đồng ý, ta để người khác tiếp thêm sức mạnh cho mình. Và Korra đã khôi phục lại sức mạnh như ban đầu nhờ vào Ann.

GIÚP KHI SẴN SÀNG và ĐÚNG LÚC

Mình thấy một chi tiết rất hay khác là thực ra Ann cũng đã trao đổi với Korra trước đó. Nhiều lần thông qua ký ức xưa cũ nhưng Korra không đủ tĩnh tâm để nhìn thấy mà chỉ nhận được sự mờ ảo (hay thực ra đó là những lúc cô không muốn nhận sự giúp đỡ). Khi khó khăn và đủ tịnh tâm (mong muốn nhận sự giúp đỡ) thì những ký ức bắt đầu sống động và để cho Korra manh mối rõ ràng hơn. Nhưng khi ấy, Ann vẫn chưa thực sự xuất hiện và trò chuyện hẳn. Chỉ đến khi thực sự khó khăn, Ann đến gặp và giúp Korra khôi phục lại sức mạnh. Nghĩ lại thì thiệt ra nếu Ann đến nói chuyện sớm hơn thì cũng chẳng thực sự giúp Korra có tiến triển hơn đâu.

KẾT

Mình thấy kết nối được với nhân vật Korra nhiều vì cô cũng thể hiện phần “đời” trong câu truyện trưởng thành này. Mình tiếp xúc với thế giới Avatar khoảng đầu năm 20 tuổi nên thẳng thắng câu chuyện của Korra mang cho mình cảm giác người lớn hơn dù mình đều thích cả 2 phần. Kết nối sâu hơn giữa nhân vật của mình và những kiến thức về tâm lý học cũng giúp câu chuyện trở nên có chiều sâu, ta hiểu được nhiều và ít ghét họ lại cũng như cách ta hiểu ta hơn và ít phán xét mình. Đâu đó ta có cảm giác so sánh mình với người khác. Có lúc là cảm giác thua kém và bất lực, có khi ta chỉ muốn dìm hàng, hạ bệ người khác. Để rồi phải thực sự can đảm để thừa nhận sự yếu đuối của mình.
Korra vẫn còn một chặng hành trình trong 3 mùa còn lại, mình sẽ tiếp tục xem lại để hiểu thêm về hành trình phát triển này, còn nếu như bạn có điều gì muốn trao đổi hay phân tích nhân vật nào thú vị, mình cũng sẽ lắng nghe và cân nhắc thử nhen.