Autumn Leaves và câu chuyện về những chiếc lá tàn mùa thu
(ảnh mạng để vào cho đẹp) Hành trình bắt đầu vào năm 1945 tại Paris tráng lệ, nơi vừa mới thoát ra khỏi Thế chiến II đầy thảm khốc,...
Hành trình bắt đầu vào năm 1945 tại Paris tráng lệ, nơi vừa mới thoát ra khỏi Thế chiến II đầy thảm khốc, đang trên con đường gây dựng lại ngôi vị kinh đô nghệ thuật lớn của châu Âu. Chàng thanh niên người Hungary Joseph Kosma cùng vợ mình - cả hai đồng thời là nhạc sĩ - trước đó đã quyết định chọn thành phố này làm điểm đến để bắt đầu sự nghiệp âm nhạc. Kosma gặp Jaques Prévert - nhà thơ, nhà biên kịch mới nổi, người đang ấp ủ một ý tưởng thú vị, cả hai đã tụ tập được một nhóm các nghệ sĩ trẻ tài năng của Paris bấy giờ, trong đó có Roland Petit - đạo diễn biên đạo, để thực hiện một dự án đầy triển vọng. Buổi họp mặt trong căn phòng nhỏ sau căn bếp quán café của cha Petit đó đã cho ra đời tác phẩm ballet "Les Rendezvous" - "Cuộc hẹn".
Câu chuyện lấy bối cảnh trên một con phố của Paris bên ngoài nhà hát, xoay quanh "cô gái đẹp nhất trên thế giới" cùng những cuộc hẹn với chàng nghệ sĩ trẻ. Tác phẩm thể hiện lối sống đường phố Paris thời hậu chiến, đồng thời như một khúc ca tưởng niệm gợi lại hình ảnh Paris xưa, điều mà đã vĩnh viễn mất đi sau cái u ám bao trùm của chiến tranh. Nhưng hãy dừng việc nói về chi tiết nội dung bản ballet ở đây, vì có một thứ khiến ta chú ý hơn cả, là khúc ngân nga nhỏ của nhân vật nam chính đầu tác phẩm. Giai điệu không lời, buồn và mang đầy hoài niệm, được đệm da diết bằng âm accordion, gợi báo những bi kịch, luyến tiếc. Chắc hẳn tại thời điểm ấy, bản thân Kosma chẳng hề nghĩ rằng giai điệu đơn giản này sẽ trở nên nổi tiếng và được biết tới nhiều đến như vậy.
Ngay sau khi bản ballet được trình làng, Prévert bắt tay với đạo diễn Marcel Carné để chuyển thể ý tưởng này lên phim điện ảnh. "Les Portes de la nuit", tạm dịch: Cánh cổng của màn đêm, đưa tới công chúng năm 1946. Trong bộ phim, giai điệu này được chính tay Prévert phổ lời, đặt tên là "Les Feuilles mortes", tạm dịch: Lá úa. Bài hát xuất hiện trong phim theo dạng những trích đoạn nhỏ, ban đầu là được chơi bởi dàn nhạc giao hưởng, sau lại là harmonica, rồi được ngân nga bởi nam diễn viên chính Yves Montand, được hát bởi Irène Joachim, và cuối cùng là được chơi theo phong cách valse bởi dàn nhạc. Bộ phim là một thất bại về mặt thương mại, nhưng người diễn viên trẻ tuổi Montand lại tỏ ra khá yêu thích ca khúc này. Cho dù ban đầu không nhận được nhiều sự chú ý, Yves Montand vẫn tiếp tục hát ca khúc này trong nhiều năm sau, đôi khi là một buổi hòa nhạc, hoặc xuất hiện trên một bộ phim điện ảnh, bài hát dần trở nên nổi tiếng đến mức phiên bản tiếng Pháp của giai điệu gắn liền với chất giọng trầm ấm ngọt ngào của Montand.
C'est une chanson qui nous ressembleToi tu m'aimais, et je t'aimaisNous vivions tous les deux ensembleToi qui m'aimais, moi qui t'aimaisMais la vie sépare ceux qui s'aimentTout doucement, sans faire de bruitEt la mer efface sur le sableLes pas des amants désunis
Nhưng, giai điệu này chỉ thực sự được biết đến rộng rãi khi nó đặt chân đến được Hoa Kỳ. Vào năm 1950, Michael Goldsen, người chịu trách nhiệm của phòng Phát hành Âm nhạc của hãng thu âm Capitol Records, vốn rất yêu thích giai điệu này, hỏi nhạc sĩ Johnny Mercer phổ lời tiếng Anh cho bài hát. Mercer ban đầu đồng ý, và rồi quên béng đi mất. Khi chỉ còn 3 tuần trước thời hạn, Goldsen hỏi về bản nhạc, Mercer trả lời: "Tôi sẽ đi New York vào thứ 6. Tôi sẽ dành thời gian viết lời trên tàu và gửi đến cho anh từ New York. Anh sẽ nhận được trong tuần thôi. Nhớ đón tôi và chở tôi đến ga tàu nhé". Trước lúc đến ga tàu, Goldsen bị trễ tầm mười lăm phút. Lúc đến đón Mercer, Goldsen nhận được ngay bản nháp mà Mercer đã viết trong đúng chút ít thời gian chờ đợi ấy. Trên chuyến xe, ông đọc những dòng thơ đó cho Goldsen nghe, và Goldsen đã khóc ngay lập tức. Bản lời tiếng Anh đó đã trở thành chuẩn mực cho tất cả các phiên bản sau này của ca khúc, được đặt tên một cách đơn giản: "Autumn Leaves".
The falling leavesDrift by the windowThe autumn leavesOf red and goldI see your lipsThe summer kissesThe sunburned handsI used to hold
Năm 1955, bản thu Autumn Leaves của nghệ sĩ piano Roger Williams đứng đầu bảng xếp hạng Billboard. Đây là bản nhạc dương cầm duy nhất từng chiếm được vị trí đầu bảng xếp hạng này, và cũng đồng thời là bản nhạc dương cầm bán chạy nhất mọi thời đại. Johnny Mercer đã từng chia sẻ, ông kiếm được từ Autumn Leaves nhiều hơn tất cả các bài hát khác ông viết cộng lại. Kể từ đó về sau, ca khúc này được chơi lại vô vàn lần và thu âm bởi rất nhiều các nghệ sĩ khác, mỗi lần là một phong cách khác nhau. Năm 1956, Autumn Leaves là bài hát chủ đề trong một bộ phim cùng tên của Hollywood, được hát bởi ca sĩ huyền thoại Nat King Cole. Sự xuất hiện ca khúc tại Hoa Kỳ rơi vào đúng thời kì nở rộ của nhạc jazz thời hậu Thế chiến II tại Mỹ những năm 50 60, ca khúc phổ biến trong giới nhạc jazz đến mức trở thành một "jazz standard" - những bản nhạc quan trọng trong lịch sử nhạc jazz, được biết đến và yêu thích rộng rãi bởi công chúng và các nhạc sĩ, là chuẩn mực để các nghệ sĩ jazz về sau học hỏi, phát triển.
Ở bản gốc được sáng tác bởi Joseph Kosma, Les Feuilles Mortes có tồn tại một đoạn mở đầu mang phong cách opera baroque phổ biến thời bấy giờ, tuy vậy sau đó đã bị lược bỏ ở các bản thu về sau của các ca sĩ khác. Vòng hòa âm được Kosma sử dụng, vốn viết ở La thứ, nhưng được các nghệ sĩ jazz chơi phổ biến ở tông Sol thứ. Vòng hòa âm này là tiêu biểu cho việc sử dụng Vòng tròn bậc 5 - thứ cũng rất thông dụng trong âm nhạc. Nếu để ý rõ, 3 hợp âm đầu tiên tại Si giáng trưởng chính là vòng ii - V - I, tiếp đến là một hợp âm ở giữa để chuyển âm giai, vòng ii - V - I này một lần nữa lại xuất hiện ở âm giai Sol thứ tương ứng với Si giáng trưởng, rồi kết thúc là sự kéo dài của hợp âm cuối mang chức năng như hợp âm chuyển. Điều này khiến cho hòa âm của bài hát rất bắt tai và dễ nghe, mang tính tiếp diễn liên tục. Sự kết hợp này cũng không hoàn toàn là mới, vốn đã xuất hiện trong âm nhạc từ lâu, có thể kể đến là bản Passacaille tại Sol thứ của Handel hay Sonata K332 tại Fa trưởng của Mozart. Về sau, khi Autumn Leaves được biết đến rộng rãi, cách chơi trong jazz cũng được tiêu chuẩn hóa hơn, phổ biến nhất là bản các bản 32 nhịp dưới cấu trúc AA'BC, chơi ở Sol thứ nhịp 4/4 với tốc độ vừa phải. Điều đặc biệt là, vòng ii - V - I vốn là vòng hòa âm cực kỳ thông dụng trong jazz. Khó có thể nói sự xuất hiện của Autumn Leaves xảy ra trước hay sau khi các nghệ sĩ jazz bắt đầu sử dụng vòng hòa âm này một cách phổ biến, nhưng chắc chắn rằng việc trở thành jazz standard đã tạo nên một chỗ đứng quan trọng cho bản thân ca khúc này. Rất rất nhiều nghệ sĩ sau này đã vận dụng vòng hòa âm của Autumn Leaves để tạo nên những giai điệu riêng của bản thân.
Lìa cành lá úaTả tơi nhảy múaRụng ngập đầy sânGợi sầu thi nhânNhìn tàu lá úaLòng buồn tê táiGợi hình ảnh xưaĐã khuất lâu rồi.
Xuyên suốt hành trình đầy thú vị và lãng mạn của những chiếc lá vàng này, chỉ tính riêng thể loại jazz, đã có hơn 1400 phiên bản từng được phát hành đến công chúng. Hơn 70 năm qua, Autumn Leaves luôn được khán giả khắp năm châu yêu thích, được các nghệ sĩ đầy tài năng tìm cách thể hiện lại dưới những phong cách khác nhau, mỗi lần đều rất mới lạ, đem đến những trải nghiệm mới. Hiện tại, cùng với sự hồi sinh của jazz và sự phát triển của jazz đương đại, ngày càng nhiều người biết hơn đến giai điệu bất hủ này. Hy vọng rằng câu chuyện của những chiếc lá mùa thu sẽ luôn tiếp diễn theo sự phát triển của âm nhạc, đến được với người nghe, để lại những dấu ấn đặc sắc hơn nữa. Những "chiếc lá úa" này sẽ vĩnh viễn không bao giờ tàn phai, héo khô.
Eiesto, tổng hợp và dịch.
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất