từ hồi to xác mình chẳng còn ôm hôn bá cổ mẹ
Anh viết bài này cho gia đình anh và đặc biệt là cho mẹ anh. Anh vẫn muốn giữ cách xưng hô này vì anh muốn kể cho em nữa và biết đâu sẽ giúp được ai đó khi cũng trong tình huống giống anh. Hôm nay là Vu Lan báo hiếu vậy mà anh lại to tiếng với mẹ. Anh đã xin lỗi mẹ. Lớn rồi anh không bá cổ mẹ nữa, anh cầm tay mẹ và dụi đầu vào người mẹ thôi. Dù là viết cho mẹ nhưng anh cũng không cho mẹ đọc đâu, chủ yếu là để nhắc nhở bản thân anh.
Bố anh là bộ đội nên anh ít được gần gặn với bố, tất nhiên anh vẫn may mắn vì không phải lớn lên trong cảnh thiếu thốn tình cảm gia đình. Mẹ là giáo viên nên mẹ có nhiều thời gian hơn và tất nhiên mẹ dành thời gian đó cho anh, cho em gái anh và cho việc gia đình. Nhưng gia đình anh có vẻ bộc bạch cảm xúc thân mật với nhau khá khó, anh cũng không ngoại lệ. Anh được bè bạn bảo là sống tình cảm vậy mà 3 năm cấp 3 học trên tỉnh, cuối tuần mới được về nhà anh chưa bao giờ cảm thấy nhớ nhà cả. Từ nhỏ đã ham chơi, đã chẳng muốn ở nhà mấy, học xa nhà như thế anh còn nghĩ đó là đặc ân cho mình. Thật sự không phải đến bây giờ khi đã hết cấp 3 anh mới nhận ra điều đó, anh hiểu bản thân mình như vậy từ lâu rồi nhưng anh không coi đó là một vấn đề cần khắc phục vì đây là chuyện của cảm xúc mà. Phải chăng nếu đó là chuyện của lý trí thì anh sẽ nhận mình khốn nạn.
Cũng phải tự nhận thấy rằng bản thân anh giữ được bình tĩnh, kiên nhẫn được với người ngoài khá tốt nhưng đối với người nhà anh lại không làm được. Đây thì thật sự là vấn đề mà anh cần phải khắc phục. Thầy giáo dạy lớp 9 của anh bảo rằng: "Sau này mình lớn rồi, bố mẹ nói sai cái gì cũng chỉ biết cười thôi." Đợt nghỉ dịch hồi đầu năm vừa rồi anh nhận ra điều đó. Anh thấy mình lớn hơn nên cũng cãi lại mẹ ít đi và những chuyện cãi cọ không phải là vấn đề anh hư như hồi bé. Anh lại chuyển cơn bực của mình lên em gái anh. Anh thiếu kiên nhẫn trong việc dạy nó quá và anh còn mắng nó tệ lắm. Mắng xong anh chẳng biết làm gì để nó không bị ảnh hưởng, chỉ mong tâm lý nó sẽ lại đàn hồi phần nào. Giờ vừa thi đại học xong anh cũng ở nhà miết với mẹ và anh thấy chuyện cãi cọ lại bắt đầu nhiều. Thật sự anh cũng không đồng ý với mẹ nhiều chuyện nhưng cơn giận qua đi rồi anh mới nhận ra mình có thể khéo léo hơn. Chắc tại anh chưa đủ lớn như thầy bảo. Ngôn ngữ là thứ dễ dàng nhất để cứu chữa con người nhưng cũng là thứ gây chí mạng nhất. Một người chị đã kể anh nghe một câu chuyện có thực về cách dạy con của bố chị ấy. Hồi nhỏ khi chị mới 5 tuổi, một lần chị đã cãi lại mẹ và làm mẹ buồn. Bố chị dẫn chị ra ngoài vườn rồi đưa cho chị ấy một quả bóng tennis và nói: "Con hãy dồn hết sức mình cầm quả bóng này để ném vỡ bức tượng mà con ghét nhất" (nhà chị ấy có nhiều tượng đá). Chị ấy nhắm vào bức tượng to bằng một người lớn mà ban đêm hay làm chị ấy sợ. Em biết điều gì xảy ra không ?? Với sức của một đứa trẻ 5 tuổi không thể làm bức tượng ấy vỡ được và kết quả là quả bóng nảy ra đập vào bức tượng hình còn thỏ mà chị ấy thích (chẳng nhớ là chị ấy có khóc tutu không).  Em biết bài học mà bố chị ấy muốn truyền đạt là gì không? Lời nói cũng như quả bóng tennis kia, văng ra không rút lại được và nó không thỏa mãn cơn thịnh nộ của em mà sẽ làm tổn thương những thứ mà em yêu quý. Hôm nay anh đã làm thế với mẹ và anh dành cảm xúc hối hận cộng thêm thất vọng về bản thân anh để viết những dòng này để nhắc nhở anh, nhắc nhở em và bất cứ ai đọc được. Đừng để cơn giận của mình làm tổn thương đến những người khác, hãy tập cách kiềm, làm chủ cảm xúc của mình để có thể cư xử một cách khéo léo. Còn đối với bố mẹ, hãy luôn dành một sự kính trọng và một tình thương sâu sắc nhất đối với họ. Bố mẹ tất nhiên cũng tổn thương nhiều nhưng sự bao dung của họ cũng lớn lắm mới chịu đựng được những lần hỗn láo của chúng ta và chẳng bao giờ hết yêu thương chúng ta cả.
Con xin lỗi,
Bắc Ninh, ngày 02/09/2020