Áng mây và bầu trời, liệu bạn có để ý?
Ngước nhìn lên cao, bạn sẽ thấy bầu trời thật xanh thẳm và rộng lớn, bầu trời luôn trong vắt và tuyệt đẹp như thế. Rồi bạn đắm chìm...
Ngước nhìn lên cao, bạn sẽ thấy bầu trời thật xanh thẳm và rộng lớn, bầu trời luôn trong vắt và tuyệt đẹp như thế. Rồi bạn đắm chìm và hút hồn vào thứ xanh thẳm trong vắt như hòn ngọc ấy.
Nhưng từ đâu có một đám mây trôi ngang, một hai ba, rồi kéo theo cả những tảng mây to dày đặc, bầu trời của bạn dần dần đen ngòm và đục ngầu bởi những đám mây u ám.
Xong, trời bắt đầu đổ mưa, những hạt mưa nặng trĩu trút hết xuống thế gian, mang đến một màu sắc ảm đạm, nó càng khiến lòng bạn trĩu xuống và buồn bã.

Mây đen phủ kín bầu trời.
Nhưng khoan, chớ vội buồn vì một chút thôi, điều kì diệu sẽ xảy ra, sau cơn mưa như trút nước ấy bầu trời xanh của bạn lại hiện ra, vẫn trong vắt và tuyệt đẹp như lúc đầu.
Rồi bạn chợt nhận ra rằng, bầu trời đó vốn dĩ chẳng biết mất, nó vẫn ở đó, nằm sau những lớp mây kia, chỉ là...bạn không thấy mà thôi. Nó chỉ bị che lắp bởi những tảng mây to, phủ kín cả bầu trời, nếu mây đen, nó sẽ dày đặc và đổ mưa khiến bạn không thể thấy bầu trời nữa.
Và bạn cũng vậy, bạn cũng là bầu trời kia, còn những áng mây lửng lờ là những suy nghĩ của bạn. Bạn là bầu trời xanh và rộng bạt ngàn, còn những ý niệm trong bạn như những tảng mây lúc trong trong lúc đục, trôi nổi, thay đổi luôn luôn.

Bạn là bầu trời kia, còn suy nghĩ của bạn chỉ là những áng mây.
Bạn là bầu trời, bạn sẽ không thay đổi, bạn là chính bạn và chẳng gì ảnh hưởng được bầu trời, còn những áng mây chỉ thoáng kết tụ lại từ trăm ngàn giọt nước, rồi lại tan biến trong phút chốc, chẳng khác gì những làn sương mờ ảo.
Những suy nghĩ của bạn cũng tương tự, nó chỉ thoáng hiện lên trong đầu rồi sau đó trôi đi, đôi khi là vài suy nghĩ vặt vãnh, có lúc lại tối tăm, u ám làm bạn đầy tiêu cực và mệt mỏi, che lắp cả tâm trí bạn tựa như đám mây đen kia.
Nhưng nó cũng sẽ tan biến, có bao giờ một suy nghĩ, ý niệm nào tồn tại quá lâu trong đầu bạn chưa? Bạn nghĩ về một quả tảo và bạn khó mà giữ được nó quá lâu trong đầu, chốc lát thôi một ý niệm khác sẽ xuất hiện. Bạn dễ dàng quên đi một ý niệm đó để nhường chỗ cho một ý niệm khác chen vào. Cứ thế liên tục nối tiếp nhau không ngừng.
Bởi vậy khoa học mới chỉ ra, con người chúng ta có tới 6.200 suy nghĩ trong não bộ mỗi ngày.
Một khi bạn biết rằng bản thân mình là bầu trời, thì bạn sẽ không còn lo lắng nữa, điều kì diệu xảy ra, bạn dần thấy an yên và tự tại, giây phút này bạn đang dần tiến tới sự giác ngộ.
Bạn hiểu rằng những ý niệm kia thoáng hiện hữu rồi cũng sớm tan biến. Mây cũng chỉ là mây, còn bạn là bầu trời xanh kia mà, có gì phải lo lắng khi biết mình sẽ không thay đổi.
Một khi bạn tách bạch rõ được khái niệm này, bạn sẽ có được sự chánh niệm và giải thoát khỏi xiềng xích của suy nghĩ.

Bạn chỉ bị những "đám mây" che mờ mà thôi.
Con người không thông minh như bạn tưởng đâu và bộ não cũng thường xuyên đánh lừa bạn lắm đấy.
Suy nghĩ của bạn có thể tiêu cực hay tích cực, xong có những ngày bạn sẽ trầm tư nhưng cũng có lúc bạn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Điều bạn cần biết rằng, bạn là bạn, bạn không để mình bị cuốn theo những suy nghĩ đó.
Bạn hiểu rằng ý niệm cũng chỉ là ý niệm, nó là vô thường và bạn đã tách ra khỏi nó và chỉ lặng im quan sát. Có thể những cơn mưa sẽ làm bạn tiêu cực và trầm mặc, nhưng có cơn mưa nào mà không tạnh để sau cơn mưa, trời lại sáng.
Suy cho cùng, đừng quá bám chấp vào thứ gì, cứ sống an yên và nhẹ nhàng mặc cho có thứ gì kéo đến, bạn nhé.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Dũng GT
Bài viết hay lắm, làm người cứ sống thoáng ra, đừng để bị cuốn vào những đám mây như thế!
- Báo cáo

Hữu Tiến
chính xác 

- Báo cáo
nguyenhnv
Thấy bạn dùng cụm từ "an yên và tự tại" nên mình có thắc mắc, bạn có thể diễn giải nghĩa của từ "an yên" được không ? Trước giờ người ta hay dùng cụm từ "ung dung tự tại". Còn "an" và "yên" theo mình biết thì đều là phiên âm từ tiếng Hán sang tiếng Việt của cùng một chữ, đó là chữ 安; bình an aka bình yên, an tĩnh aka yên tĩnh.
- Báo cáo

Hữu Tiến
Quả thực là an, yên đều là cùng một chữ Hán dịch ra tiếng Việt, nếu ở tiếng Hán thì không thể ghép chữ 安 thành từ 安 安 được. Tuy ý nghĩa giống nhau ở tiếng Hán, nhưng cơ bản khi dùng tiếng Việt, "an" và "yên" vẫn khác nhau ở mặt chữ.

Nên mình vẫn ghép 2 từ an + yên lại, người Việt vẫn đọc thuận miệng và nhìn vào vẫn hiểu. Mình dùng từ "an yên" trong bài để thể hiện sự cầu mong của mình đến các bạn, luôn được . Từ đó mới có bình an và yên lành.
Hơn thế nữa, khi dùng ghép 2 chữ đó lại (dù đều từ 1 gốc), nó như thể nhân đôi ý nghĩa của chữ đó lên -> không chỉ bình an, an tĩnh đơn thuần, mà nhân rộng ra an yên , thậm chí cho tới khi đã khuất, vẫn có sự bình yên và đạt trạng thái tối thượng là sự "".
Chỉ đơn giản là, người Việt ta dùng riết thì quen thui kk. Mình thấy như vậy rất hay, vẫn thể hiện được ý nghĩa trong tiếng Hán, đồng thời thể hiện sự linh hoạt trong cách dùng từ của bên mình

- Báo cáo
nguyenhnv
Nếu bạn muốn thể hiện sự nhân đôi, thậm chí không chỉ nhân đôi mà còn gấp nhiều lần, trùng trùng điệp điệp, liên miên không dứt... thì có thể sử dụng biện pháp nghệ thuật điệp từ như trong câu thơ của Bác Hồ "nghênh diện thu phong trận trận hàn". Điệp từ "trận trận" trong câu thơ khiến cho ta có cảm giác từng trận gió lạnh quất vào mặt hết đợt này đến đợt khác.
安安 trong tiếng Hán là điệp từ nhưng nếu chuyển ngữ sang tiếng Việt mà lại trở thành "an yên" thì sẽ mất đi cái tính chất "điệp" và do đó sẽ không còn là điệp từ nữa, tức là đánh mất đi cái hay cái đẹp, cái tính nghệ thuật của biện pháp tu từ này.
Về vấn đề "người Việt ta dùng riết thì quen thui" rồi thì "linh hoạt" gì gì đó... theo quan điểm của mình thì không nên cổ súy việc này, bởi vì không phải chỉ có người Việt sử dụng tiếng Việt mà còn có người nước ngoài nữa. Mà với người nước ngoài thì tiếng Việt là ngoại ngữ cho nên họ thường hay khảo cứu cẩn thận chứ không phải dùng bừa bãi rồi bao biện là "linh hoạt", "dùng riết rồi quen" đâu. Do đó chẳng thà dùng từ thuần Việt, còn nếu sính dùng Hán Việt thì phải dùng đúng chứ dùng sai thì sẽ bị người ta cười rằng "dốt mà hay nói chữ". Ví dụ như tại sao không dùng "cách cứu giúp" mà cứ phải dùng sai "cứu cánh" cho nó sang mồm, hay "lang thang sông hồ" thì không chịu mà cứ phải dùng sai "lang bạt kỳ hồ"... tuy thực tế đã có nhiều người dùng sai riết rồi quen thật nhưng lại bị người am hiểu họ cười cho.
- Báo cáo

Hữu Tiến
cám ơn góp ý của bạn nè 

- Báo cáo